Nguyễn du: từ cuộc đời đến tiểu thuyết


Đọc, tiếp nhận tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du dày gần 420 trang do NXB Hội Nhà văn phối hợp công ty TNHH sách Phương Nam phát hành rất gần đây của Nguyễn Thế Quang, giáo viên Ngữ văn trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Vinh – Nghệ An) đã nghỉ hưu, tôi và có lẽ cùng nhiều độc giả đã có dịp tiếp xúc tác phẩm, cảm phục công phu lao động, vật lộn với câu chữ của tác giả.

Quả đúng và thật đáng chia sẻ lời tâm sự của Nguyễn Thế Quang (Báo Tuổi trẻ, thứ sáu 28-5-2010): “Sau bao năm nghiền ngẫm, tìm đọc mọi sách vở tài liệu liên quan, đi hết Bắc Ninh, Thái Bình, Quảng Bình, Huế – những nơi Nguyễn Du từng sống, tôi bắt đầu khởi thảo vào năm 2004, đã mấy lần tính bỏ cuộc nhưng Nguyễn Du vẫn ám ảnh, giày vò tôi…”. Rõ là không có được vốn đời (sâu và bao quát hơn vốn sống), vốn văn hóa, văn học về Nguyễn Du và thời đại ông, rộng hơn là vốn lịch sử xã hội, văn hóa thời kỳ Trung đại Việt Nam và Trung Quốc; không có chiều sâu kiến thức về văn học, bộ môn nghệ thuật ngôn từ, có được từ vốn lý luận và cả trực cảm, vô thức; và cần nhất, nếu không có một bầu máu nóng dồi dào của tình cảm, cảm xúc thẩm mỹ đối với Nguyễn Du – nhân vật chính cũng như với “cổ kim hận sự thiên nan vấn” (Những mối hận xưa nay khó hỏi trời) (Nguyễn Du) thì không thể sáng tạo nên những trang văn như thế!

Đọc Nguyễn Thế Quang, độc giả có được một khoái cảm nhận thức thẩm mỹ về hình tượng Nguyễn Du – con người mà hai chữ nằm sâu trong kính mộ, tự hào của cả giống nòi Việt đã được tác giả nhận cảm toàn vẹn, từ nhiều mối quan hệ xã hội, tập trung nhất ở đối trọng với bộ máy cường quyền mấy triều đại phong kiếnViệt Nam (và cả Trung Quốc) cho đến đời tư, gia cảnh, sở thích, không gian, thời gian bao quanh nhân vật… Cũng như thế, các câu chuyện, sự kiện và nhân vật lịch sử khác vốn có thực ta cũng được gặp gỡ qua những đoạn tự sự nghệ thuật sinh động của tiểu thuyết. Hoàng đế Quang Trung, Hoàng đế Gia Long, các công thần và nghịch thần: Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Nễ, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định, Vũ Trinh…, Đặng Trần Thường, Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Phạm Như Đăng đến lũ tri huyện Nguyễn Chiêu… Ở mức độ khác nhau đã hiện ra khá rõ nét bằng những chi tiết nghệ thuật chắt lọc. Không chỉ hình tượng con người mà các bức họa về văn học: cảnh Gia Long lên ngôi vua gặp tình huống đứa con đích tôn có thể là thế tử, lạc đạo nên không chịu quỳ lạy tôn miếu, cảnh nhị huynh Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh tri âm cùng Nguyễn Du xướng họa, đàm đạo trên thuyền trôi Hương Giang; cảnh cư dân Tiên Sơn nơi Ngàn Hống, Hồng Lĩnh như xứ sở của tự do “mọi người sống khỏe mạnh, nhà không có cửa, cửa không chốt, không có trộm cướp, không có tuần đinh, không có tiếng trống thúc thuế thúc sưu” (tr.58); cảnh Nguyễn Du cùng Hồ Xuân Hương sau mười chín năm xa cách, chốn cũ Dâm Đàm gặp lại, trong đêm tự tình cả hai giằng co giữ cái sợi tơ mong manh giữa tình ái và lý trí…; cảnh thi hào Việt Nam lập đàn bên sông Mịch La cầu hồn tác giả Ly Tao – Khuất Nguyên khiến “gió nổi ù ù, mây mù từ đâu kéo về tối sẫm cả mặt sông. Dân chúng Hồ Nam nhốn nháo…”; cảnh cái chết bi hài của Đặng Trần Thường, Nguyễn Văn Thành trong ngục thất; cảnh hội triều “cười ra nước mắt” khi cả Gia Long, Hoàng thái tử và đám quần thần từ ngạc nhiên, bàng hoàng đến hoảng loạn trước “cái máy làm ra lửa” (bật lửa) mà ngày nay một đứa trẻ con thì cũng hiểu; cảnh Gia Long – Kim thượng Hoàng đế bất khả chiến bại, khét tiếng chuyên quyền, độc quyền, vượt cả phép nước đàm đạo với Nguyễn Du – thi nhân sáng tạo cái đẹp dưới trăng trong Tử cấm thành Phú Xuân; và cảnh cơn hấp hối, giờ phút lâm chung, chúng tôi nghĩ thật hy hữu, của thi hào Nguyễn Du cuối sách… tất cả đều sinh động trước mắt độc giả bởi ngòi bút có khả năng tưởng tượng, hư cấu, sáng tạo của tác giả.

 

Cũng có thể trong tiểu thuyết này, ở một số khía cạnh nào đó của một vài nhân vật và sự kiện lịch sử đã có cái nhìn mới, nói được rõ hơn, đúng đắn hơn, ví dụ Nguyễn Du có thực đã chạy vào phía Nam để theo Nguyễn Ánh, rồi đã chống Quang Trung, bị tướng của Nguyễn Huệ bắt giam như gia phả họ Nguyễn Tiên Điền chép?… Nhưng theo chúng tôi, về phương diện sử học, sự thực (lịch sử) thế nào đó là chuyện khác, bàn ở những hội thảo khoa học lịch sử, còn ở bình diện văn học, nhà văn có quyền đề xuất một cách nghĩ, một cách cảm – cảm giác, cảm xúc yêu ghét… và hư cấu miễn sao chúng không đi chệch hệ thống – hệ thống của hình tượng nhân vật, hình tượng tác phẩm. Chính ở chỗ này, có người trước đây do không hiểu đã phê phán gay gắt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ anh hùng dân tộc Quang Trung! Không nên đề cập vấn đề đóng góp hay hạn chế của tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du về phương diện lịch sử. Ngay từ thời Trung đại của văn học Việt Nam, khi mà văn sử triết bất phân, trên trang tiểu thuyết chương hồi viết bằng chữ Hán Hoàng Lê nhất thống chí, hình ảnh con người anh hùng trong lịch sử dân tộc, Nguyễn Huệ bên những chiến tích võ công sấm chớp lúc ra đất Bắc lần thứ nhất, diệt Trịnh đã rất người khi đáp lời quần thần nhà Lê làm mai mối cho mình lấy công chúa Ngọc Hân bằng tiếng cười vang và câu nói: “Bấy lâu ta mới biết con gái Nam Hà, bây giờ ta thử con gái Bắc Hà xem sao!”. Huống gì trong thời kỳ hiện đại và đương đại, văn chương đã thực sự tách riêng, là một bộ môn nghệ thuật xây dựng hình tượng bằng hư cấu, có đặc trưng riêng của loại hình nghệ thuật và của riêng văn học. Những hình tượng nhân vật tập trung nhất là Nguyễn Du (Nguyễn Du được miêu tả trực tiếp và cả gián tiếp bằng ánh chiếu của cái nhìn từ các nhân vật khác và các sự kiện với ông và về ông) và những bức họa đời sống có được trong tiểu thuyết là công phu sáng tạo do nhào nặn chất liệu lịch sử, vốn sống, vốn đời, vốn văn hóa trên cơ sở sức mạnh khá dồi dào của hư cấu nghệ thuật của tác giả Nguyễn Thế Quang. Đó là giá trị và cống hiến của Nguyễn Du.

Là tác phẩm văn học, Nguyễn Du, theo chúng tôi, đã gửi đến độc giả một bức thông điệp, một lời trao đổi thông tin mang tính tư tưởng, triết lý và một tấm nhiệt thành sôi nổi. Nhiệt thành bộc lộ, dù có kín đáo nhưng không thể che giấu của tác phẩm, đó là lòng yêu kính, ngưỡng mộ, xa xót… hình tượng Nguyễn Du – cả phần ưu việt, trác tuyệt và hạn chế tất yếu của con người cùng những trí giả, nhân giả khác trong truyện; đó là sự phẫn nộ, căm ghét lũ người nhỏ nhen, hèn hạ… muôn đời đáng khinh bỉ. Còn tư tưởng, triết lý của Nguyễn Du là gì? Đặt nhân vật chính mà cuốn sách mang tên, Nguyễn Du và những nhân vật giàu nhân phẩm, nhân cách cao quý chói ngời trong cùng thời đại với Nguyễn Du và cả thời đại khác, xa xưa như Khuất Nguyên (Trung Quốc) trong mối tương giao, quan hệ thuận ít, nghịch nhiều với các triều đại phong kiến độc quyền, bạo quyền, tác giả tô đậm thân phận, bi kịch thảm khốc và vĩ đại của người nghệ sĩ, trí thức trong mọi xã hội không có hoặc chưa có công lý, ở đó công lý còn nằm trong tay kẻ dốt nát, bất lương, tàn bạo, độc quyền… Ở đó trí tuệ, trí thức, nhân phẩm bị nhuốm bùn và nhúng bùn, bị bóp chết thê thảm. Nhưng, theo tiếp nhận của chúng tôi thì tư tưởng, triết lý của cuốn tiểu thuyết lịch sử này còn đi xa hơn thế: hiện lên trên trang truyện một Nguyễn Du trong đời mình liên tục dày vò, vật vã, trăn trở đi tìm câu giải đáp và cách giải thoát cho thân phận con người: làm sao khỏi khổ đau, có hạnh phúc, không chỉ là cơm áo mà cao hơn là niềm vui, lẽ phải, tự do…? Những cảm xúc lãng mạn về vùng lạc thổ (đất vui) Tiên Sơn; những chờ đợi, nóng lòng mong muốn khi nhận mệnh đi sứ Trung Quốc để được tận mắt chứng kiến sự tốt đẹp của Trung Hoa mà bao đời các triều đại phong kiến Việt Nam xem là khuôn vàng thước ngọc; những ngỡ ngàng đến háo hức, bừng ngộ khi đàm đạo cùng Chaigneau Thắng, một trong số quan lại triều đình người Pháp về Tự do – Bình đẳng – Bác ái của Bản Tuyên ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của cách mạng Pháp 1791… lần đầu trong đời được nghe của Nguyễn… nói lên khát vọng cháy bỏng tìm kiếm lời đáp ấy. Ở hình tượng Nguyễn Du trong tiểu thuyết Nguyễn Thế Quang không chỉ than mà còn biết hỏi (chữ trong thơ Chế Lan Viên: tThơ xưa hay than mà ít hỏi/ Đảng dạy ta: Thơ phải biết trả lời). Hơn thế, hình tượng Nguyễn Du còn khao khát tìm ánh sáng lý tưởng giải phóng con người, xã hội, dù là một con người cụ thể – lịch sử, bản thân Nguyễn cũng như mọi người trong thời đại ông và có lẽ nhiều thời đại nữa, không thể thoát ra khỏi “cuộc sống quá nhiều thị phi hay vì những sân si trong chính con người” (Phạm Thiên Thư) cho nên họ vừa khao khát, vừa chối bỏ cái đẹptự do (xem tình tiết cư dân Tiên Sơn tự bỏ nơi lạc thổ về sống trong đói nghèo, đè nén của triều đình). Chính vì ý tưởng sáng tạo một Nguyễn Du đi tìm ánh sáng tự do như thế nên tiểu thuyết Nguyễn Thế Quang đưa ra cách cảm – cảm giác, cảm xúc, cách nghĩ mới lạ về giây phút lâm chung của thi hào. Sử sách, gia phả và các cuốn văn học sử viết về Nguyễn Du đều nói, đại ý: cuối đời ông ốm nặng nhưng không chịu uống thuốc, chờ chết, khi người nhà bảo đã lạnh cả chân tay, lạnh đến ngực, ông chỉ nói “được” rồi nhắm mắt. Nhận thức bao trùm, chủ yếu của chúng ta về từ “được” là Nguyễn Du mang mối hận của đời mình, của cổ kim xuống mồ, không lời giải đáp. Song, cảm hứng trong cuốn Nguyễn Du đưa lại có thể nói hoàn toàn khác. “Điều lớn nhất là lẽ sống, là con đường sống mà bao năm Nguyễn tìm không thấy, giờ thấy rồi”. Nguyễn muốn nói với các con: “Tự do! Bình đẳng! Bác ái!… Con cháu ta sẽ tự đi tìm được điều đó, mọi người sẽ tìm được điều đó”… “Tiếng gà trưa lại cất lên đâu đó, ánh sáng chói chang trong mắt Nguyễn. Bỗng Nguyễn thấy đất trời tối đen như mực. Nguyễn cố nhìn, bỗng lại thấy những con chữ đỏ rực, lung linh trước mặt mình: Tự do! Bình đẳng! Bác ái!” (tr.415, 416). Từ “được” trong truyện Nguyễn Thế Quang mang một cảm hứng, ý nghĩa chan chứa lạc quan! Hình tượng Nguyễn Du nhắm mắt trong hào quang Tự do – Bình đẳng – Bác ái với niềm tin mai hậu sẽ đổi khác. Và có lẽ, với Nguyễn Thế Quang, nếu viết tiếp Đoạn trường tân thanh tập hai, chắc Nguyễn sẽ có những dòng tươi mới, tin tưởng, vẫy gọi, lan rộng… Tác giả Nguyễn Thế Quang quả táo bạo (vì phi bối cảnh, phi sự thật lịch sử), nhưng có quyền – với tư cách người sáng tạo văn học – khi đưa ra một cách cảm nhận riêng như thế. Một điều nữa nổi lên ở hình tượng nhân vật Nguyễn Du là khát vọng cháy bỏng, nung nấu trào sôi sáng tạo Đoạn trường tân thanh. Đi sứ Trung Quốc về, có được Kim Vân Kiều truyện, cốt truyện và nhân vật có thể giúp Nguyễn len lách búa rìu vương quyền Gia Long, sáng tạo nên một tác phẩm giải thoát bao dồn nén chất chứa “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” đã từng mắt thấy tai nghe ở nước nhà, trên đất Trung Quốc bao la về thân phận con người trong suốt hai mươi năm. Xin Gia Long nghỉ sáu tháng, lấy cớ tu sửa mồ mả tổ tiên, về lại Tiên Điền chịu nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, đói rét, trong Vọng Giang Đình bên sông Lam, Nguyễn viết gục trên trang giấy, ăn chỉ đĩa khoai lang, uống bát nước chè, suốt bốn tháng lên cơn nhập đồng sáng tạo. Viết, viết – người nghệ sĩ trong Nguyễn thôi thúc, để tôn vinh tình yêu, cái đẹp, trao gửi đên muôn người lòng nhân ái, khát vọng tự do, công lý… Nguyễn tâm sự gan ruột với hai cháu Nguyễn Thiện, Nguyễn Hành: “Viết xong Đoạn trường tân thanh thì nếu có chết chú cũng vui lòng chịu, cháu ạ”, “Đoạn trường tân thanh là giấc mơ suốt đời của chú. Bể khổ ngày càng đầy, chú mơ cho con người được tự do yêu đương, tự do sống, mơ cho con người ngày càng yêu thương nhau giữa cõi trần đầy độc ác này” (tr.256). Sáng tạo Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du đã thực sự sống trong tự do, hành xử một cách tự do. Bởi vậy, tư tưởng triết lý của cuốn tiểu thuyết lịch sử mang tên Nguyễn Du không chỉ nêu lên tấn bi kịch vừa đau đớn vừa vĩ đại của giới trí thức trong xã hội thiếu vắng công lý, độc quyền ngự trị mà còn biểu hiện, ngợi ca khát vọng không ngơi nghỉ của người nghệ sĩ đích thực và vĩ đại trên con đường đi tìm cái đẹp, tìm tự do (theo nghĩa đầy đủ về triết học của từ) ở muôn đời, giữa cõi người này…

         Đã có một vài người thán phục tác giả – anh Nguyễn Thế Quang vì Nguyễn Du là mới toanh, tác phẩm đầu tay. Tôi lại nghĩ khác. Con so (đầu lòng) nhưng bà mẹ có đủ điều kiện, sức khỏe… hoài thai và sinh nở thì đứa con vẫn cứ khỏe mạnh, tinh anh. Tôi được đón đọc tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du rất sớm. Đọng lại trong tôi là sự cảm phục sức lao động nghệ thuật của một nhà giáo, tác giả đã gần tuổi thất thập cổ lai hy. Đặc biệt hơn giá trị tự thân của tác phẩm, vượt ra ngoài tác giả và hoàn cảnh sáng tác, sẽ còn nói với người đọc nhiều nỗi niềm, cảm xúc, tư tưởng rất phong phú và khác nhau…


Nguồn : Tạp chí VHNT số 316, tháng 10-2010

Tác giả : Lê Thái Phong

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *