Nguyễn trường tộ và nghịch lý canh tân


 Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân

(Mỗi lần nêu lên mỗi lần mới)

Trần Thái Tông

      Mỗi thời đại đều có nghịch lý. Nhân vật bi kịch là người cố sức vùng vẫy mà không thoát ra khỏi tấm mạng nhện này. Trong thời đại mới, trên sân khấu thời cuộc nước nhà, Nguyễn Trường Tộ, có lẽ, là một nhân vật bi kịch lớn, đầu tiên và sâu sắc hơn cả.

Năm 1862, khi thực dân Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, xã hội Việt Nam nông nghiệp quân chủ Nho giáo cổ truyền, dù bị cưỡng bức, đã bước một bước đầu tiên trên vận trình đến với thế giới (và) hiện đại. Trước đó, nó chỉ vận hành trong khu vực, hoặc từ khu vực này (Đông Nam Á) sang khu vực kia (Đông Á). Như vậy, sự xâm lược của thực dân Pháp, với tính cách là một cú hích vô ý thức của lịch sử, đã đưa Việt Nam vào vòng quay của thế giới, đặt ra vấn đề hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh tổ quốc sắp/ đã mất về tay người nước ngoài, tạo ra nghịch lý canh tân và/ là nghịch lý thời đại.

Thực ra, từ rất lâu trước thời điểm 1862, Việt Nam đã tiếp xúc với thế giới phương Tây qua các thương nhân và giáo sĩ Kitô giáo. Nhưng bấy giờ, phương Tây hiện ra trước mắt chúng ta chỉ như một kẻ khác. Với ý thức hệ chính thống là Nho giáo, chúng ta thấy phương Tây hoàn toàn xa lạ với mình và, do đó, thấp kém hơn mình. Văn hóa Kitô giáo đề cao cá nhân trái ngược với tinh thần cộng đồng Nho giáo và làng xã Việt Nam. Người Kitô hữu chỉ thờ chúa mà không thờ ông bà cha mẹ, lại không có đạo thánh hiền là “không quân thần phụ tử đếch ra người”. Đó là chưa kể lối sống trọng buôn bán của người phương Tây trong tâm thức Nho giáo – tiểu nông Việt đồng nghĩa với lừa lọc. Ngoài ra thương mại còn kích thích thói quen hưởng thụ, làm mất ổn định xã hội: kẻ sĩ thì không “an bần lạc đạo”, còn người nông dân làng xã thì không vui nghèo chịu khổ nữa.

Ở các xã hội khép kín (mà K.Kopper gọi là “xã hội bộ lạc”) thì trong kẻ khác bao giờ cũng ẩn chứa kẻ thù. Các xã hội này, vì thế, đều có tâm lý bài ngoại, chống cái khác, cái mới từ trong vô thức. Với Việt Nam bấy giờ, kẻ khác phương Tây kia lập tức trở thành kẻ thù, khi nhà Nguyễn thực thi chính sách bế quan tỏa cảng, cấm các tu sĩ Kitô giáo truyền đạo và các thương nhân ngoại quốc buôn bán và đặt cơ sở buôn bán trên lãnh thổ Việt Nam, vì sợ ảnh hưởng đến độc lập đất nước. Điều này góp phần thúc đẩy sự can thiệp quân sự của Hải quân Pháp vào cửa biển Đà Nẵng năm 1858, mở đầu cho sự xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ.

Không phải các sĩ phu Việt Nam không thấy sự lạc hậu về quân sự và sau nó là kinh tế của đất nước so với phương Tây. Sự tụt hậu này (dĩ nhiên, không phải của riêng ta, mà chung cho cả Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á) là nguy cơ mất nước. Một số những kiến nghị cải cách nằm trong phạm trù truyền thống được đưa ra như chỉnh trang binh bộ, khai khẩn đất hoang, tích trữ lương thực… Nhưng, trong bối cảnh mới, khi Việt Nam dù không muốn cũng đã bị lôi vào cục diện quốc tế, những cải cách truyền thống ấy là không đủ. Vấn đề là phải canh tân đất nước. Tức hiện đại hóa một đất nước tiền – hiện đại, thế giới hóa một đất nước đang còn nằm ở mặt bằng khu vực. Mà hiện đại hóa và thế giới hóa lúc này hoàn toàn trùng khít với phương Tây hóa, hẹp hơn Pháp hóa. Mà Pháp thì lại là kẻ thù của đất nước. Nghịch lý hiện đại hóa, nghịch lý thời đại mới của Việt Nam bắt đầu từ đây.

Theo lối tư duy nhị nguyên biện biệt, hoặc logic hình thức, hoặc cơ học cổ điển, hoặc cổ tích trắng đen rõ ràng, thì hiện đại hóa (tức phương Tây hóa, tức Pháp hóa) gần như theo kẻ thù, là không yêu nước; ngược lại, yêu nước thì phải đánh Pháp, bất hợp tác với Pháp, bỏ lỡ (thậm chí chối từ) cơ may hiện đại hóa đất nước. Mà hoàn cảnh Việt Nam bấy giờ không canh tân đất nước thì cũng khó mà giữ được đất nước. Sĩ phu Việt Nam khi ấy chỉ có lựa chọn một trong hai con đường nói trên, hoặc là thế này hoặc là thế kia, không có con đường thứ ba vừa là thế này vừa là thế kia, tức vừa Âu hóa vừa yêu nước, như sự cho phép của logic biện chứng, tư duy cơ học lượng tử hoặc nguyên lý bổ sung.

Không có sự lựa chọn như Phan Thanh Giản, Tôn Thọ Tường…, Nguyễn Trường Tộ bẩm sinh rơi vào bi kịch “luật bài trung” của con đường thứ ba. Là con một gia đình đạo gốc thôn Bùi Chu thuộc xứ đạo xã Đoài, Nguyễn Trường Tộ mặc nhiên bị coi là thân phương Tây, là tả đạo, dù từ nhỏ ông đã học chữ nho và về sau đạt đến trình độ uyên thâm. Hơn nữa, sau này, khi đã trưởng thành, để tránh nạn (bình Tây) “sát Tả” của triều đình, Nguyễn Trường Tộ được giám mục Gauthier (Ngô Gia Hậu) đưa sang La Mã có ý đào tạo thành thầy giảng, làm “việc đạo”. Nhưng do ông tha thiết với “việc đời”, mong muốn được học các môn khoa học kỹ thuật để canh tân đất nước, nên được cha Hậu đưa sang Paris học Đại học Sorbonnes. Sau hai năm chăm chỉ học hành, Nguyễn Trường Tộ muốn được về nước để hành những điều mình đã học được hòng cứu vãn tình trạng đất nước, vì lúc này thực dân Pháp đã chiếm gọn thành Gia Định (Sài Gòn) và ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khi về đến Sài Gòn, một trớ trêu nữa của số phận là ông phải làm việc phiên dịch các công văn thư từ Hán – Pháp và Pháp – Hán trong Soái phủ, tức Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp. Thế là, Nguyễn, ít nhất trong mắt số đông, thực sự dính líu đến quân xâm lược.

Lúc này, trong triều đình, nổi lên cuộc đấu tranh giữa hai phe: chủ chiến chủ hòa. Những người chủ chiến hẳn nhiên là những nhà nho quân tử (chính thống), có lòng yêu nước nồng nàn, tuân theo truyền thống một cách triệt để, “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Nhưng đáng tiếc là phần đông không có viễn kiến, không thấy rõ thực lực hai bên, không có chủ trương canh tân để chiến đấu lâu dài, mà giống như một phản ứng tức thời với một văn hóa khác, theo vô thức tập thể. Còn những người chủ hòa thì hoặc lo sợ trước sức mạnh quân sự của người Pháp, hoặc là ngây thơ tin rằng có thể cầu hòa xin lại phần đất đã mất. Sự chủ hòa của họ cũng không có chủ trương, chiến lược gì cả, mà chỉ là sự ứng phó trước mắt. Hơn nữa, thái độ của họ lại luôn luôn do dự, sợ trách nhiệm. Hai phe chiến hòa chống nhau kịch liệt bởi họ khác nhau, thậm chí ngược nhau, về đối sách, nhưng lại hết sức giống nhau về kiểu tư duy. Bởi thế, khi xuất hiện một tư duy khác, của Nguyễn Trường Tộ, thì cả hai phe đều nghi kỵ và ra sức chống lại.

Nguyễn Trường Tộ do hoàn cảnh sớm được tiếp xúc với văn hóa phương Tây qua Kitô giáo, sớm làm quen với cái khác, lại được tận mắt chứng kiến nền văn minh châu Âu, tiếp xúc với nhiều yếu nhân ở La Mã, Pháp, Hồng Kông, trong đó có Ito Hirobumi (Y Đằng Bác Văn), một nhà cải cách lớn của Nhật, nên có điều kiện để suy nghĩ khác. Biết mình biết người. Đúng hơn do biết người, biết phương Tây, biết thế giới, mà biết được một cách sâu sắc về ta, về Đông Nam Á và Đông Á. Bởi thế, ông chủ trương hòa. Nhưng khác với chủ hòa của triều đình, hòa của Nguyễn Trường Tộ chỉ là một sách lược. Thấy chưa thắng được thì nên hòa. Hòa để có thời gian, để tranh thủ thời gian mà tạo lực lượng, để làm cho mình mạnh hơn thì mới có cơ bảo vệ được sự độc lập.

Trong thời gian làm việc ở Soái phủ, ngoài việc biên dịch ra, có lúc Nguyễn Trường Tộ còn tham gia cả vào việc hòa đàm. Ông ví mình như Từ Thứ đời Tam quốc: thân tại Tào mà lòng vẫn tại Hán. Ngoài việc cung cấp thông tin nội bộ của quân đội Pháp và mách nước cho các vị quan phụ trách đàm phán như Nguyễn Bá Nghi, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ còn soạn các bản điều trần dâng lên nhà vua hiến các kế sách làm cho dân giàu nước mạnh. Nhưng các điều trần của ông hoặc bị nghi kỵ, hoặc bị ghét bỏ vì “khiếu kiện vượt cấp”, hoặc vì lo sợ trách nhiệm nên nằm ở tráp quan đại thần Trần Tiễn Thành hai ba năm sau mới đến tay vua Tự Đức. Rồi đến khi nhà vua quyết thì thời cơ đã không còn. Tuy vậy, khi rời bỏ Soái phủ ra làm kiến trúc sư ở Sài Gòn, khi ở Huế chờ triều đình sử dụng, cũng như khi đã về quê vừa giúp quan tổng đốc đào mương, tìm mỏ vừa xây dựng nhà thờ xã Đoài, Nguyễn Trường Tộ vẫn không thôi điều trần. Chỉ cái chết đột ngột sau một bữa tiệc họp đồng môn đầy không khí “bình Tây sát Tả” mới làm ông im tiếng.

Các kiến nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ vừa toàn diện vừa thiết thực. Tựu trung có thể xoay quanh 4 đường dây lớn là: Chiến lược ngoại giao; Canh tân giáo dục và/ để đào tạo nhân tài; Hiện đại hóa và/ để tăng trưởng kinh tế; Xây dựng một văn hóa dân tộc.

Các đề nghị cải cách của ông đã được nhiều học giả trong và ngoài nước các thế hệ tranh luận, nghiên cứu. Ở đây, tôi chỉ xin gảy ra (để nhấn mạnh) một hai điểm nhỏ.

Để bảo vệ được sự độc lập tự chủ và phát triển kinh tế đất nước, Nguyễn Trường Tộ đề nghị một chính sách đối ngoại, đặc biệt là kinh tế đối ngoại, thể hiện một tầm nhìn thực tế, nhưng sáng suốt và viễn kiến. Đó là sự độc lập của đất nước chỉ có thể bảo vệ được ngoài việc củng cố nội lực của đất nước, còn phải biết vận dụng điều phối các thế lực bên ngoài. Ví như để chống lại thế lực của Pháp đang lăm le muốn làm chủ mảnh đất Việt Nam, chúng ta có thể thỏa thuận cho các thế lực khác như Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan… cùng vào khai thác thị trường này. Các thế lực đối đầu nhau sẽ hóa giải được sức ép của chỉ một người Pháp với chúng ta. Thái Lan, nước duy nhất ở Đông Nam Á không bị mất chủ quyền độc lập, đã áp dụng thành công đối sách này. Trong điều trần Lục lợi tụ tháng 3-1863, Nguyễn Trường Tộ đề nghị kế hoạch “chặn đứng sự bành trướng của người Pháp bằng các thế lực khác, thúc đẩy họ xung đột với nước khác, dựa vào các thế lực đó để cô lập nước Pháp, dựa vào các thế lực đó để làm áp lực trên nước Pháp, dùng những người Pháp để chống lại người Pháp, dùng những người Pháp để đánh nhau với người Pháp. Chuyển biến theo các biến cố, những mối ưu tiên tạm thời của chính sách này có thể thay đổi. Tùy theo thời thế, khi thì Nguyễn Trường Tộ quay về nước Anh, khi thì quay về Tây Ban Nha, kể cả phía Giáo hoàng…” (1). Ngoài ra, chương trình “vay tiền ở Hồng Kông để củng cố quốc phòng” cũng không phải là không tưởng. Trong một bối cảnh chính trị – kinh tế đang thế giới hóa sâu sắc, Nguyễn Trường Tộ là người Việt Nam đầu tiên có quan niệm độc lập không phải là biệt lập, mà là liên lập. Ông là một nhà yêu nước kiểu mới là vì vậy.

Về vấn đề chữ viết, Nguyễn Trường Tộ có một đề xuất khá lạ lùng, mà thoạt đầu có thể coi như bảo thủ, ít nhất so với chủ trương cải cách của ông. Nguyễn Trường Tộ phê phán việc sử dụng chữ Hán (đọc theo âm Việt) vì nó vừa là tử ngữ vừa cắt đứt khối quần chúng đông đảo với tầng lớp ưu tú của đất nước. Hẳn vì thế mà ông cũng không đề nghị sử dụng chữ Nôm đã có. Tuy nhiên, Nguyễn Trường Tộ lại không đề xuất sử dụng chữ quốc ngữ (tiếng Việt theo chữ cái latin) dù bấy giờ đã được sử dụng ngoài nhà thờ. Và rất thuận tiện. Ông đề nghị xây dựng một thứ chữ Nôm khác gọi là quốc âm Hán tự theo cách làm của người Nhật, người Triều Tiên.

Điều này có thể do ông và phần nào cả Giáo hội còn gắn bó với chữ Hán. Cũng có thể do ông buộc phải nhân nhượng khi dâng đề nghị này cho một triều đình quân chủ Nho giáo. Nhưng cũng có thể ông có một cái nhìn sâu xa hơn bởi việc sử dụng thứ chữ Nôm mới (quốc âm Hán tự) này, một mặt không hề cản trở công cuộc hiện đại hóa, mặt khác còn cắm sâu việc hiện đại hóa ấy vào cơ sở của nền văn hóa dân tộc. Ngày nay, sau sự hiện đại hóa thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc, nhất là sau sự lý giải sự thành công ấy của Vandermeersch trong cuốn Thế giới Hán hóa mới, thì đề xuất ấy có thể có một cơ sở tư tưởng sâu xa. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề bỏ ngỏ cho các nhà nghiên cứu.

Bi kịch của Nguyễn Trường Tộ là bi kịch của người viễn kiến, người thấy trước những vấn đề tương lai để giải quyết vấn đề hiện tại, do đó, khác với các nhà tiên tri – cứu thế truyền thống hoặc nhà tương lai học hiện đại. Từ viễn kiến đó đề ra một tư duy khác. Không phải tư duy kiểu này hoặc kiểu kia của một tư duy truyền thống, mà là một tư duy khác. Nếu với số đông chỉ có đánh hoặc hòa, thì với Nguyễn Trường Tộ là trong hòa có đánh, hòa để mà đánh. Đồng thời, chữ đánh đây cũng không chỉ đơn thuần bằng sức mạnh quân sự, mà bằng cả sức mạnh kinh tế lẫn đường lối đối ngoại do tự cường nhờ khoa học kỹ thuật phương Tây. Đây là đường lối cứu nước bằng văn hóa chứ không chỉ đơn thuần bằng bạo lực quân sự. Có thể nói, đây là một cuộc cách mạng tư duy, hay theo một thuật ngữ khoa học mà hiện nay đang có nguy cơ trở thành thời thượng là thay đổi hệ hình tư duy.

Con đường hiện đại hóa cũng gần như đồng nghĩa với con đường cứu nước (khỏi ngoại xâm, khỏi sự nghèo, hèn, tụt hậu…) của Việt Nam khởi đầu là từ giữa TK XIX đến nay vẫn còn là một hành trình đang tiếp tục. Nghịch lý canh tân ở những giai đoạn lịch sử khác nhau thì có những biến thái khác nhau. Hóa giải nghịch lý này, biến nó thành thuận lý, tức chấp nhận cái khác không chỉ như một vật tự nó mà còn như một vật cho ta, là thoát khỏi bi kịch, là đưa đất nước tiến lên một bước.

_______________

1. G.Boudarel, Nguyễn Trường Tộ một trí thức Công giáo thế kỷ XIX, Xưa nay, số 312, 7-2008, tr.15.

 

Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ – con người và thi thảo, Nxb TP.HCM, 1988.

Nhiều tác giả, Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước (Kỷ yếu hội thảo), Nxb Đà Nẵng, 2000.

Hoàng Thanh Đạm, Nguyễn Trường Tộ, thời thế và tư duy canh tân, Nxb Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, 2001.

Nhiều tác giả, Tư tưởng canh tân đất nước dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, 1999.

Nhiều tác giả, Tân thư và xã hội Việt Nam cuối TK XIX đầu XX (Kỷ yếu hội thảo), Nxb Chính trị Quốc gia, 1997.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 298, tháng 4-2009

Tác giả : Đỗ Lai Thúy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *