Xuất hiện như một hiện tượng khác biệt của văn học Việt Nam đầu TK XXI, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh giống một thỏi nam châm hút thị trường văn học bằng lối viết, đề tài và sức hấp dẫn quen mà lạ… Đặc biệt, không lóe sáng rồi vụt tắt như những nỗ lực bứt phá khác của một vài hiện tượng văn học từ đầu TK XXI, đến nay, Nguyễn Xuân Khánh đã để lại nhiều dư vang bởi một tâm hồn, một nghiệp chữ đã đi qua những thử thách, đắng cay của cuộc đời. Vì thế, ấn tượng văn hóa gắn với tên tuổi Nguyễn Xuân Khánh không chỉ ở việc ông thường xuyên viết về văn hóa, bàn về văn hóa mà còn ghi đậm trong cuộc đời và bút nghiệp của nhà văn. Đây cũng là lý lẽ chính để chúng tôi gọi ông là mẫu hình tác giả văn hóa với hai cách hiểu: một là viết về văn hóa (có tư duy văn hóa), hai là cuộc đời có những biến động nhưng vẫn có ứng xử văn hóa, nhân cách văn hóa.
1. Con nhà phố – hồn người quê
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, bút danh Đào Nguyễn, Đào là họ mẹ (cũng là làng Đào Xá), Nguyễn là họ cha, sinh năm 1932, ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội (quê nội), mảnh đất của những ông phán, ông cử, ông công nhân nhà đèn, bà buôn thúng bán mẹt. Làng Cổ Nhuế còn có tên gọi nôm là Kẻ Noi, là một vùng đất cổ, có nhiều di tích tâm linh như đình thờ công chúa Tả Minh Hiến (con thứ tư của vua Lý), đình thôn Viên (thờ thành hoàng Đông Chinh Vương), đền Bà Chúa, chùa Sùng Quang (có xuất hiện lại trong Mẫu thượng ngàn), chùa Anh Linh… Cổ Nhuế hằng năm đều có hội làng tổ chức rất to vào mùa xuân. Mặc dù sau khi cha mất, theo mẹ về bên ngoại (ở Thanh Nhàn, gia đình buôn bán ngay phố cổ Hà Nội), nhưng ký ức, tình yêu với Cổ Nhuế luôn gắn bó tha thiết trong tâm hồn bé thơ của ông. Năm nào ông cũng về quê ba tháng vào dịp hè. Khi đã trưởng thành, tuần nào ông cũng đạp xe về quê bởi hầu như tuần nào họ nhà cũng có giỗ. Người yêu quê thường nặng hồn xứ sở. Nguyễn Xuân Khánh có lần bộc bạch: lẽ ra tôi cứ viết luôn tiểu thuyết về làng Cổ Nhuế nhà tôi, nhưng nếu viết vậy sẽ thiếu “đất” để nói về văn hóa làng Việt Nam. Sợi dây gắn bó tha thiết với làng giống như véctơ đầu tiên và quan trọng nhất của một nhà văn yêu văn hóa làng quê. Các dấu ấn, sự kiện đặc biệt gắn với làng cũng trở đi trở lại trong tác phẩm của nhà văn. Ví dụ dịch tả năm 1938. Nhà văn tâm sự: người trong làng chết nhiều lắm, khắp nơi la liệt tiếng khóc hờ ai oán. Thày tôi, chị tôi, rồi thím tôi lần lượt chết cả. Tôi lúc đó mới lên 6, 7 tuổi, ngồi trông con mèo cho nó không nhảy qua xác chị tôi để chị không bị quỷ nhập tràng. Có lẽ cái ám ảnh về đám tang và người mất ấy đã day dứt nhà văn trong suốt nhiều năm sau, nó trở lại trong Mẫu thượng ngàn đầy đau xót: “Làng Cổ Đình vắng tanh vắng ngắt. Đường làng bây giờ vắng cả lũ chó chạy rông… Người dân khiếp hãi rồi như tê dại” (1). Thật sự, với những người yêu làng, gắn bó với tấm chân tình hồn hậu, giản dị của làng thì dù bước qua sóng gió vẫn nhẫn nại, bền bỉ, lặng lẽ chứ không mảy may chua chát. Đó là nền tảng đầu tiên cho những kiến tạo văn hóa trong nghệ thuật của Nguyễn Xuân Khánh.
Trưởng thành cùng những giai đoạn sóng gió của dân tộc, nhưng nỗi đau đất nước không thành những ám ảnh vị kỷ của máu và nước mắt trong cuộc đời và văn chương ông, thay vào đó là những cảm nghiệm thấm đẫm nhân tình. Cái nền nhân hậu, tâm hồn trẻ trung tinh tế của một sinh viên y khoa say mê âm nhạc, ham đọc sách hòa quyện với khí chất của chàng thanh niên trẻ tuổi gác bút nghiên xin đi bộ đội, những năm tháng hành quân, tình đồng đội đã thành nền tảng quan trọng thứ hai tạo nên nhân cách nhà văn. Nguyễn Xuân Khánh gọi đó là những véctơ Marxism – thứ véctơ rèn giũa nghị lực, ý chí đấu tranh chống lại cái ác. Bởi vậy sau này, hiếm có nhà văn nào lại “bênh” những người đã từng phản đối mình như Nguyễn Xuân Khánh. Đó không chỉ là một tấm lòng, một nhân cách, mà còn là một thái độ sống: không chỉ tôn trọng mình, mà còn tôn trọng tha nhân. Đó cũng là một ứng xử văn hóa đẹp mà không phải ai đi qua những ám ảnh vị kỷ và nước mắt cũng có.
Sáng tác, sáng tạo văn học là công việc đòi hỏi sự tham gia của nhiều yếu tố, trong đó vấn đề nhà văn là một trong những vấn đề then chốt. Ở phương Tây, H.Taine cho rằng: khi nghiên cứu văn học phải chú ý đến yếu tố chủng tộc, hoàn cảnh và thời đại. Ở Việt Nam, từ lâu đã có quan niệm: người cùng thì thơ mới hay. Cao Bá Quát nói: “Thơ của người cùng không phải hết thảy đều hay, cũng như thơ của người đạt chưa hẳn đã không hay” (2); nhưng người cùng mà không bi lụy, cùng mà vẫn thao thiết với đời, gắn chặt lấy từng con chữ, thì “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Đường cùng chưa chắc đã là đường cụt.
2. Văn chương – nghiệp đa đoan nặng nợ
Niềm say mê văn chương, tinh thần tự học, sự dấn thân vào nghệ thuật gắn với đặc sắc văn hóa dân tộc là cốt lõi làm nên một Nguyễn Xuân Khánh như một cây đại thụ của văn học đương đại. Trong đời sống văn học đương đại, Nguyễn Xuân Khánh là một người lạ đã quen. Đời chông gai, văn chương đứt đoạn nhưng kết quả viên mãn. Điều đáng nói, so với nhiều nhà văn khác của Việt Nam, số lượng các tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh không nhiều, 10 tác phẩm, 5 tác phẩm dịch, 5 tác phẩm viết, nhưng với một người gặp nhiều hoạn nạn như ông mà vẫn miệt mài với chữ, không giảm đi bầu nhiệt huyết với cái nghề “đa đoan” là điều thật trân quý. Sau những giờ phút mưu sinh cật lực, đêm đêm, ông vẫn chong đèn thức cùng trang viết. Ông đã dịch nhiều sách và sớm có ý thức củng cố tri thức làm hành trang trên đường dài.
Nguyễn Xuân Khánh dành cho văn chương một vị trí đặc biệt, thậm chí linh thiêng. Con người ấy sống giữa lòng Hà Nội nhưng mang trong mình chân chất dân quê, luôn đau đáu mối ân tình không thể dứt với văn hóa dân tộc. Trong từng trang viết, ông đã lưu giữ những sinh hoạt, phong tục văn hóa đẹp và giá trị của người Việt, gửi gắm vấn đề tiếp biến văn hóa trong giao lưu với các nền văn hóa khác. Với bộ ba tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, ông đã thổi một luồng gió tươi mới, đậm đà hơn cho nền văn học, văn hóa nước nhà.
Trên văn đàn Việt Nam nói chung, văn học Việt Nam sau 1990 nói riêng, Nguyễn Xuân Khánh là người muộn mà sớm, lạ mà quen. Tính theo năm sinh và năm bắt đầu nghiệp bút, ông là lão làng. Tính theo đa đoan nghiệp bút, ông là người quen. Nhưng, dựa vào sự xuất hiện bùng nổ với tần suất xuất bản, tái bản, lượng người đọc, nghiên cứu, các luồng tranh luận và ý kiến trái chiều, ông là người mới và lạ, về cả hình thức và nội dung.
Về chuyện lạ, như đã biết, từ sau năm 1990 đến nay, văn học Việt Nam thực sự có nhiều cách tân và đột phá, nhất là khi hàng loạt tên tuổi của thế hệ nhà văn sau giải phóng như Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà… đem đến cho văn học những mỹ cảm, góc nhìn và thể nghiệm tân kỳ về kỹ thuật viết: dòng ý thức, cấu trúc phân mảnh, đa tuyến, đa thanh, tự sự nhiều điểm nhìn… Người đọc cũng quen dần với tinh thần phản biện, chất vấn, hoài nghi, những nhu cầu của cái tôi bản thể, những vận động đa chiều của đời sống… Đỗ Hải Ninh gọi đó là thế hệ hòa nhập và tinh thần phản vấn. Đặc biệt với văn xuôi, xu hướng ngắn hóa tiểu thuyết ngày càng trở nên phổ biến; các nhà văn nhất loạt quan tâm đến “những góc khuất của đời sống, nhìn ra bóng tối của ánh sáng, bóng ma giữa ban ngày, cái ác trong cái thiện, cái loạn của trật tự, mặt hậu của thiên đường, mặt trái của huân chương” (3). Con người đời thực và con người văn chương đều dễ dàng rơi vào trạng thái “giữa ngày yên mà xao xác, giữa đám đông mà bơ vơ, giữa quê hương mà lưu lạc, giữa tươi thắm mà nhạt phai, giữa thành được mà mất mát, giữa vui tươi mà tan nát…” (4). Tưởng chừng như chẳng ai còn có nhã hứng để chấp bút viết dài nữa, chẳng ai còn thiết tha đến những chủ đề khác ngoài cái tôi bản ngã nữa. Đương khi ấy, Nguyễn Xuân Khánh đột ngột xuất hiện với bộ ba tiểu thuyết liên tục xuất bản, có độ dài đều ngót nghét cả nghìn trang. Điều lạ nữa là ai cũng hồ hởi đón nhận, hồ hởi nghiên cứu. Bộ ba tiểu thuyết nhanh chóng trở thành hiện tượng best seller (sách bán chạy nhất) và best criticize (phê bình tốt nhất). Hóa ra, cái cảm giác lạ lại đến từ bề sâu của những trải nghiệm văn hóa mà Nguyễn Xuân Khánh đã dành tất cả tâm huyết, sự đam mê, quý trọng để nghiền ngẫm, suy tư về nó.
Nguyễn Xuân Khánh không chỉ lạ, mà còn mới. Cái mới của ông chính ở niềm say mê với lịch sử và văn hóa bản địa. Sự say mê không chỉ thể hiện ra bằng cảm quan mà còn bằng sự quan tâm một cách sâu sắc đến cấu trúc văn hóa, sự biểu đạt, tính liên tục và xâu chuỗi một cách có ý thức. Lịch sử, phong tục, tập quán, văn hóa trở thành nhân vật chính, chủ đề chính, giá trị chính chứ không phải là phông nền hay sự điểm xuyết. Có cảm giác như ngoài lịch sử, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, Nguyễn Xuân Khánh không muốn, không thích, không chú tâm viết cái gì khác. Văn hóa vốn khó minh định, giải mã càng khó khăn, vì thế viết về văn hóa, thẩm định các giá trị của lịch sử, đời thường, tôn giáo, đức tin từ văn hóa lại càng không đơn giản. Nhưng với sự say mê, lao động nghiêm túc, miệt mài, bộ ba tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh đã lấp đi một chỗ trống không nhỏ cho kiểu loại sáng tác về lịch sử, phong tục, tập quán. Không chỉ mô tả, giới thiệu về các vẻ đẹp của không gian thiên nhiên thuần Việt, sức mạnh của văn hóa bản địa, sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc với sự kết nối cộng đồng, vẻ đẹp của tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, phong tục tập quán…; ông còn đưa đến những góc nhìn đối thoại về văn hóa minh chủ, văn hóa quản lý trong sự lựa chọn canh tân hay bảo thủ, giao lưu hay tiếp biến; vấn đề nhục cảm và tâm linh trong văn hóa tâm linh, đạo đức sinh thái trong văn hóa sinh thái. Con người và sự kiện lịch sử như nhân vật Hồ Quý Ly, sự kiện cải cách ruộng đất cũng được nhìn nhận đa chiều và khách quan so với góc nhìn của chính sử. Thực chất Nguyễn Xuân Khánh không chỉ ca ngợi lịch sử mà còn phản tư lịch sử, nhưng ở vị thế của người có khát vọng xây dựng hình ảnh lịch sử từ góc nhìn văn hóa, bằng tâm hồn nhân hậu và tinh tế. Nhìn chung, con người và sự kiện chỉ là tấm áo mỏng, tạo ra muôn vàn khe hở để ông luận giải lịch sử.
Tất cả các chủ đề văn hóa này lại tiếp tục được thăng hoa bằng các hình thức nghệ thuật từ góc nhìn văn hóa. Sự phát triển của văn học không đơn thuần là sự mở rộng ra hay đào sâu thêm về chủ đề, mà nó còn phải gắn với sự mới lạ trong phương thức chuyển tải. Vận dụng những phương thức, phương pháp và cách nhìn cũ sẽ không thể xâm nhập và đẩy hết được các chiều kích của sự sáng tạo mới. Văn học đã không chỉ phản ánh văn hóa, mà còn sáng tạo văn hóa, phê phán văn hóa (Trần Đình Sử), vì vậy các kỹ thuật và thủ pháp văn hóa trở thành phương thức chuyển tải hữu hiệu. Ngoài các dấu hiệu đặc trưng về cổ mẫu, huyền thoại, không – thời gian thì bộ ba tiểu thuyết còn rất thành công ở xây dựng nhân vật như các mã ký hiệu về tư tưởng quân chủ, dân chủ, đức tin tôn giáo, mà thực chất, là sự ngầm ẩn khát vọng xây dựng mô hình đất nước.
Hơn nữa, từ sự khảo sát về biểu tượng và cách tổ chức ngôn từ, văn bản, có thể khẳng định tính truyền thống nhưng cũng rất hiện đại của Nguyễn Xuân Khánh trong việc tạo dựng phương thức biểu đạt bằng văn hóa. Về biểu tượng, ông sử dụng các biểu tượng cộng đồng truyền thống, nhưng lại chủ yếu chọn cách thức biểu tượng chồng biểu tượng. Để hiểu được biểu tượng lớn, người đọc bắt buộc phải kết nối giá trị của các biểu tượng kép kèm theo. Ngoài ra, ông còn sáng tạo nên các biểu tượng nhân hình – những mẫu người văn hóa. Về tổ chức ngôn từ và văn bản, Nguyễn Xuân Khánh tỏ rõ sự am hiểu về ngôn ngữ Việt bằng cách thường xuyên sử dụng những cụm từ cố định và luận ngôn, vừa tổ chức văn bản bằng hình thức liên văn bản, rồi từ liên văn bản đưa đến tầng lớp các giá trị nhờ sự liên văn hóa.Trong lịch sử văn học Việt Nam từng nổ ra cuộc tranh luận về nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Đến nay, dù đã có những biến thể về cách thức phát ngôn, nhưng cuộc tranh luận này vẫn chưa có hồi kết, bởi bản thân nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng vẫn luôn vận động. Gần đây, với nhiều sáng tác về văn hóa như tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, các chủ đề văn hóa được bàn luận rộng rãi, các phương pháp nghiên cứu văn hóa được khơi thông vận dụng, người ta đồ rằng, một kỷ nguyên nghệ thuật vị văn hóa sắp khai diện và bung tỏa.
Nói theo R.Limon, đích thực Nguyễn Xuân Khánh là một hiện tượng văn hóa, với nghĩa “văn hóa là hình thế chung những ứng xử đã học được và của những kết quả của chúng mà các yếu tố được thừa nhận và được truyền bởi các thành viên của một xã hội nhất định” (5). Câu chuyện của đời người, văn chương, lịch sử, suy cho cùng, chính là câu chuyện của văn hóa (6).
_______________
1. Nguyễn Xuân Khánh, Mẫu thượng ngàn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2006, tr.633.
2. Trịnh Bá Đĩnh, Lịch sử lý luận phê bình văn học Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013, tr.60.
3, 4. Chu Văn Sơn, Thế hệ nhà văn sau 1975 – họ là ai, vanvn.net.
5. Đoàn Văn Chúc, Văn hóa học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997.
6. Công trình này được thực hiện với sự hỗ trợ về kinh phí của đề tài nghiên cứu cấp Đại học Thái Nguyên, mã số DDH2015-TN06-11 do Trường Đại học Khoa học chủ trì.
Tác giả: Phùng Phương Nga
Nguồn: Tạp chí VHNT số 421, tháng 7-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn