Nhà báo, nhiếp ảnh gia GIản Thanh Sơn với những ý tưởng ảnh độc đáo


Nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn (sinh năm 1957 tại Long An). Ông “bén duyên” với nghề báo vào cuối năm 1975. Ông có thời gian viết cho Báo Long An. Sau đó về TP. Hồ Chí Minh, ông viết cho nhiều tờ báo trong nước. Ông từng là phóng viên tháp tùng và chuyên trách của 2 nhiệm kỳ Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2006 – 2011), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2011 – 2016) và làm việc tại phủ Chủ tịch.

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn (sinh năm 1957 tại Long An). Ông “bén duyên” với nghề báo vào cuối năm 1975. Ông có thời gian viết cho Báo Long An. Sau đó về TP. Hồ Chí Minh, ông viết cho nhiều tờ báo trong nước. Ông từng là phóng viên tháp tùng và chuyên trách của 2 nhiệm kỳ Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2006 – 2011), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2011 – 2016) và làm việc tại phủ Chủ tịch.

Có gần 50 năm làm báo, ông từng tác nghiệp tại hơn 80 quốc gia; tham dự các kỳ họp thượng đỉnh tại Liên Hợp Quốc, hội nghị quốc tế tại Peru, Nhật Bản, Singapore, Nga, Mỹ, Ai Cập, Trung Quốc, Indonesia, Philippines,… và được xác lập 5 kỷ lục quốc gia và châu Á về nhiếp ảnh – báo chí.

Ở cương vị Nhà báo kiêm nhiếp ảnh đã giúp Giản Thanh Sơn có những bức ảnh tốt phục vụ cho các bài báo của mình và đồng nghiệp. Ðồng thời, ông còn “chuyên nghiệp hóa” các bức ảnh qua cách tập hợp theo từng chủ đề, bộ ảnh, triển lãm ảnh…

Năm 2003, Giản Thanh Sơn trình làng Bộ ảnh “Chân dung chính khách”. Cứ ngỡ rằng, ảnh về chân dung chính khách chắc sẽ “khô” lắm. Nhưng suy nghĩ đó đã biến mất, bởi ông đã khéo léo “mềm hóa” hình ảnh bằng việc chọn được những góc độ tốt nhất, chớp được những khoảnh khắc xuất thần nhất của các chính khách trong những nghi lễ Nhà nước, quốc tế mà Giản Thanh Sơn có may mắn được tháp tùng.

Bờ biển miền Trung

 

Năm 2007, Giản Thanh Sơn lại khiến công chúng yêu ảnh ngỡ ngàng khi ông là người đầu tiên ở Việt Nam trình làng Bộ ảnh “Việt Nam nhìn từ không trung”.

Khi được hỏi ý tưởng từ đâu để ông thực hiện Bộ ảnh “Việt Nam nhìn từ không trung”, Giản Thanh Sơn cho biết: “Năm 1995, trong lần đầu tiên tôi được ngồi trực thăng tháp tùng một đoàn cán bộ cao cấp, ngồi trên trực thăng, tầm bay thấp, nhìn xuống Vũng Tàu, Côn Ðảo lúc đó còn nhiều chỗ nguyên sơ, thấy xóm làng, bãi cát, rừng cây, sông suối đẹp tựa bức tranh, tôi sững sờ, từ đó tôi nghĩ ra đề tài chụp hình phong cảnh Việt Nam từ không trung”.

Cuối tháng 8 năm 2011, một lần nữa Giản Thanh Sơn lại làm công chúng sửng sốt khi ra mắt bộ ảnh và sách ảnh cùng tên “Dấu ấn hội nhập” là kết quả những chuyến ông được tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết công du thế giới trong suốt 5 năm nhiệm kỳ 2006 – 2011.

Quả thật, với bộ ảnh này, người xem nhận thấy Giản Thanh Sơn toàn lựa chọn những đề tài “khó nhằn”. Tôi hỏi ông tại sao lại lựa chọn cho mình những con đường khó đi như vậy, Giản Thanh Sơn chỉ cười “Nhiều đồng nghiệp của tôi nói viết (chụp) về chính trị khô khan, không có đề tài để sáng tác. Nhưng tôi thì nghĩ khác mọi người, luôn tìm ra được đề tài mới. Có đề tài rồi, thì không nản chí bám sát để thực hiện. Một may mắn khác là tạo hóa đã cho tôi có một sức khỏe tốt, có cậu con trai đồng cảm và bà xã luôn ưu tiên cho công việc của mình nên tôi mới thực hiện được và thành công những đề tài mà bạn cho là không dễ đó… Và thêm một may mắn nữa là tôi được tháp tùng Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cùng các quan chức cấp cao Việt Nam đến thăm hơn 80 quốc gia trên thế giới”.

Giản Thanh Sơn cho biết, không chỉ chụp ảnh nghệ thuật mới có cảm xúc, với ảnh báo chí ông cũng đặt vào đó những tình cảm của mình “Mỗi khi nâng máy, trong tôi vẫn có cảm xúc dâng tràn mới chụp được chân dung những nhà chính trị đúng nghĩa báo chí mà trong đó có thể thấy sự suy tư, trăn trở, sự lịch lãm và chân thành làm nên cái hồn, cái lãng mạn, thần sắc riêng cho từng bức ảnh. Riêng tôi, nếu có tham dự một sự kiện chính trị – ngoại giao mà chụp chính khách không đạt thì đêm đó sẽ bị mất ngủ. Với tôi, nghệ thuật trong ảnh báo chí chính là người chụp bắt được cái khoảnh khắc hay của nhân vật, của sự việc chứ không phải điều gì cao xa hơn”. Và Giản Thanh Sơn cũng luôn tôn trọng quy tắc khi chụp ảnh báo chí: “Yêu cầu, sắp xếp, dàn dựng… là những điều rất cấm kỵ. Chụp ảnh sự kiện mà yêu cầu dàn dựng thì còn gì để nói? Và chúng ta cũng đã biết rồi trong bất kỳ sự kiện chính trị – ngoại giao nào dù trong nước hay quốc tế làm gì có chuyện yêu cầu làm lại để chụp ảnh”…

Năm 2017, Giản Thanh Sơn ra mắt sách ảnh “Vị thế Việt Nam” – một câu chuyện dài bằng hình ảnh về 25 chuyến thăm quốc tế và 9 lần tham dự các diễn đàn đa phương, hội nghị LHQ và quốc tế trên cương vị người đứng đầu Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. “Vị thế Việt Nam” đã phác họa một giai đoạn ngoại giao “thúc đẩy quá trình hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng và toàn diện của nước ta; đẩy mạnh và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng, khu vực và xác lập quan hệ đối tác chiến lược với một số nước lớn, củng cố và tăng cường mối quan hệ với bạn bè truyền thống và mở ra quan hệ với các đối tác tiềm năng” (Phạm Bình Minh – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao).

Có thể thấy, Giản Thanh Sơn đã có được sự nhạy bén của một nhà báo, cái “phiêu” của một nhiếp ảnh gia để dẫn dắt bạn đọc đi cùng ông trong các câu chuyện – ký sự ảnh tưởng chừng như khô khan này một cách tài tình.

Những ngày tháng 6 và 7/2021 – khi TP.HCM thực hiện giãn cách phòng chống dịch COVID-19, Giản Thanh Sơn tiếp tục thực hiện dựán ảnh “đời thường trên phố”. Một dự án ảnh được cho là “đột phá” và mới nhất đối với Giản Thanh Sơn.

Để ra được một triển lãm hay sách ảnh cá nhân là một điều không dễ. Vậy mà, cứ vài năm lại thấy ông ra mắt triển lãm ảnh, giới thiệu sách mới như: Không gian ảnh Sài Gòn, Lê Hùng Dũng 60 với đời, Ý chí Dương Ngọc Minh, Môi trường thế giới và Việt Nam nhìn từ không trung, Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam, Phóng viên ảnh Nick Út huyền thoại giản dị (tác giả và chủ biên)… Đến nay, Giản Thanh Sơn “sở hữu” 5 kỷ lục quốc gia về nhiếp ảnh – báo chí.

Giản Thanh Sơn “bật mí” rằng, mình vẫn còn nhiều điều đang ấp ủ, đã và đang làm. Là một nhà báo – nhiếp ảnh gia biết chọn đề tài hay, không nản chí khi theo đuổi, có một tâm hồn nghệ sĩ, biết rung động trước cuộc sống, cái đẹp… Tôi tin rằng, ông sẽ tiếp tục thành công với những ý tưởng mới lạ, hữu ích cho xã hội trong các dự án tiếp theo của mình.

Tác giả: Chu Thu Hảo

Nguồn: Tạp chí VHNT số 472, tháng 8-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *