Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam: Phát huy truyền thống để vững bước và phát triển


Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương – Tiền thân của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam – Cánh chim đầu đàn của nền ca múa nhạc dân tộc cả nước được thành lập tháng 11 năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc đến nay vừa tròn 70 tuổi.

Bác Hồ và các nghệ sĩ Đoàn Ca Vũ Nhân dân Trung ương tại Phủ Chủ tịch, năm 1956

 

Ban đầu, Đoàn chỉ vẻn vẹn có 3 tổ: Ca Múa, Kịch và Chèo với một số ít thành viên. Sau khi bộ phận Ca Múa được bổ sung thêm lực lượng đã nhanh chóng phát triển thành Đoàn Ca Vũ Nhân dân Trung ương. Trong những năm tháng ấy, có một kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm trí các nghệ sĩ. Đó là, nhân buổi biểu diễn phục vụ Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch ngày 4 tháng 6 năm 1957, Người đã chính thức đổi tên Đoàn thành Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương.

Vừa xây dựng chuyên môn, vừa phát triển đội ngũ, liên tiếp trong 2 năm 1952 và 1954, Đoàn đã tuyển nhiều người trẻ và tiếp nhận thêm một số nghệ sĩ miền Nam tập kết. Nhờ thế, Đoàn như được tiếp thêm sức mạnh trên con đường phát triển nghệ thuật. Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngay sau khi ra đời, anh chị em nghệ sĩ đã khẩn trương tập luyện xây dựng nhiều chương trình, tiết mục, kịp thời biểu diễn phục vụ các công binh xưởng, chiến dịch Cao – Bắc – Lạng, chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng như nhân dân các vùng mới giải phóng và công cuộc cải cách ruộng đất ở nông thôn miền Bắc.

Đến năm 1964, Đoàn được nâng cấp và mang tên gọi mới là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Do yêu cầu phát triển chung, Nhà hát đã nhiều lần chia tách, sáp nhập và thay đổi tên gọi và đến nay, tên gọi Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam vẫn được khẳng định, luôn là niềm tự hào, kiêu hãnh của các thế hệ nghệ sĩ. Dù đã nhiều lần chuyển đổi cơ cấu tổ chức, Nhà hát vẫn luôn ổn định và ngày càng phát triển. Nơi đây đã thực sự trở thành cái nôi hội tụ nhân tài nghệ thuật, tập hợp nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng và tâm huyết mà tên tuổi của họ đã gắn liền với những chặng đường phát triển rực rỡ của nền văn hóa, nghệ thuật cách mạng Việt Nam, là những ngôi sao sáng trên bầu trời nghệ thuật dân tộc. Tài năng và công lao đóng góp của các anh, các chị đã được khẳng định. Nhiều nhạc sĩ, nhà biên đạo và nhiều nghệ sĩ vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, nhiều người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư và nhiều giải thưởng cao quý khác. Trong số đó, có nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các Bộ, Ngành, các Học viện, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước.

Hát múa: Hò kéo pháo, biểu diễn phục vụ quân và dân Chiến khu Việt Bắc năm 1954

Các nghệ sĩ chụp ảnh kỷ niệm với chuyên gia Múa CHDCND Triều Tiên trước giờ biểu diễn vở kịch múa: Tấm Cám phục vụ Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960 – Tiết mục đạt giải thưởng Hồ Chí Minh

 

Là đơn vị nghệ thuật Trung ương trực thuộc Bộ VHTTDL, vinh dự được Đảng và Nhà nước giao trọng trách khai thác, kế thừa và phát huy tinh hoa nghệ thuật dân tộc, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam luôn kiên trì, giữ vững định hướng phát triển, không tách rời nhiệm vụ chính trị với hoạt động nghệ thuật trên quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh. Vì thế, nhiều năm liền, Nhà hát luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và là một trong những đơn vị dẫn đầu của toàn ngành.

Với lương tâm, trách nhiệm và lòng say mê nghề nghiệp, các nghệ sĩ ngày đêm miệt mài sưu tầm, cải tiến hàng chục loại nhạc cụ khác nhau, đi sâu khai thác những điệu múa, bản nhạc, làn điệu dân ca của các dân tộc trên mọi vùng miền đất nước để từ đó, tạo dựng nên những chương trình, những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Nhiều thể loại, nhiều hình thức nghệ thuật dân gian, các loại hình dân ca, dân vũ được đưa vào trong các chương trình. Có tiết mục xây dựng từ nguyên gốc, có tiết mục được chỉnh lý, cải biên, lại có tiết mục sáng tác mới dựa trên chất liệu dân tộc, dân gian với hình thức đơn ca, song ca, tốp ca, độc tấu, hòa tấu dàn nhạc dân tộc, hợp xướng, ca cảnh, ca kịch, kịch múa.v.v… Những chương trình nghệ thuật ấy, phần nào đã đáp ứng được lòng mong đợi của công chúng, phản ánh tâm tư, khát vọng của người dân cùng muôn mặt đời thường của cuộc sống. Hàng trăm chương trình nghệ thuật, hàng nghìn tiết mục mang tầm thời đại, đặc biệt xuất sắc, đã in sâu vào tâm thức của lớp lớp khán giả, trở thành món ăn tinh thần thường ngày của quảng đại quần chúng. Có thể nói, 70 năm qua là cả một hành trình phấn đấu, sáng tạo không ngừng của tập thể cán bộ, nghệ sĩ, công nhân viên Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Trên khắp các nẻo đường của Tổ quốc, từ thành thị đến nông thôn, từ biên giới đến hải đảo, từ những chiến hào nóng bỏng đạn bom đến các công trình xây dựng nguy nga, đâu đâu các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam cũng có mặt. Các anh, các chị đã đem lời ca, điệu múa, tiếng đàn động viên tinh thần quân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc năm xưa và trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hôm nay. Ngoài nhiệm vụ biểu diễn phục vụ chính trị, phục vụ nhân dân trong nước, Nhà hát còn biểu diễn phục vụ công tác đối ngoại, giới thiệu nền nghệ thuật dân tộc Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, Nhà hát thường xuyên chi viện cán bộ nghệ thuật làm nòng cốt thành lập, xây dựng chương trình, tập huấn chuyên môn cho Đoàn Ca Múa Giải Phóng, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và các nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

NSƯT Mạnh Hà và NSƯT Thúy Hà biểu diễn phục vụ công nhân bên cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), năm 1966

NSND Quý Dương, NSND Trần Hiếu, Ngọc Dậu và các nghệ sĩ Nhà hát biểu diễn vở Nhạc kịch Epghenhi Onhegin – một trong những vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam. Nhạc: Tchaikovsky – Thơ: Puskin

Đội xung kích Nhà hát CMNVN đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân đảo Trường Sa và đảo An Bang

 

Thành tựu 70 năm Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đạt được là đóng góp công sức của rất nhiều người, song vai trò to lớn có ý nghĩa quyết định vẫn thuộc về những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Nhà hát qua các thời kỳ như Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Minh Hiến, Lý Thương, Chu Thúy Quỳnh, Đỗ Tiến Định, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Hải Linh…

Không tính thời gian hoạt động ban đầu của Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương, giai đoạn phát triển của Đoàn Ca Múa Nhân dân Trung ương sau là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam (1955 – 1982) có sự đóng góp rất lớn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Ông là người đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển của Nhà hát, cũng là người tiên phong cải cách bộ máy tổ chức và thanh xuân hóa đội ngũ nghệ sĩ. Xây dựng mô hình tổ chức hoạt động mẫu mực, chính quy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã cùng với bao đồng nghiệp tạc nên “Bức tượng đài” Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam sừng sững giữa không gian mênh mông của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới đã tạo bước ngoặt trong sự phát triển của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Cơ chế thị trường cùng làn sóng âm nhạc ngoại lai ồ ạt tràn vào đã lấn lướt âm nhạc dân tộc. Nhiều đơn vị nghệ thuật phải chuyển hướng sang nhạc nhẹ hay các loại hình văn hóa giải trí khác. Khán giả đến với sân khấu ca múa nhạc ngày một thưa thớt, thậm chí có người còn quay lưng hoàn toàn với nghệ thuật dân tộc, không ít nghệ sĩ nản lòng, nhụt chí. Có người phải kiếm kế mưu sinh bên ngoài để duy trì sự nghiệp. Đây là thử thách cam go nhất đối với tập thể nghệ sĩ Nhà hát và nữ Giám đốc Chu Thúy Quỳnh. Bà nhậm chức đúng vào thời điểm chế độ bao cấp đã xóa bỏ, đời sống anh chị em nghệ sĩ quá thiếu thốn, hướng nghệ thuật của Nhà hát đang gặp nhiều lúng túng. Quyết không để mất truyền thống, sự nghiệp của Nhà hát, NSND Chu Thúy Quỳnh hạ quyết tâm bằng việc khơi dậy lòng tự trọng, yêu nghề của các nghệ sĩ. Tuyển chọn, bổ sung lực lượng, khôi phục những thế mạnh về chuyên môn của Nhà hát đã dần bị mai một, xây dựng hàng chục chương trình nghệ thuật mới để thu hút sự thích thú, hâm mộ của người xem. Dần dần Nhà hát đã lấy lại được tâm thế của mình, tạo được niềm tin cho các nghệ sĩ. Cũng trong thời điểm này, lãnh đạo Nhà hát còn chú trọng đẩy nhanh các thủ tục đề nghị Nhà nước cấp đất và kinh phí xây dựng cơ sở làm việc mới.

Chuyển sang giai đoạn Nhà hát được giao quyền tự chủ về tài chính cũng là lúc những thử thách mới được đặt ra. Là nghệ sĩ kiêm “nghề quản lý”, chuyện phải toan tính sát sao việc làm và mức thu nhập cho từng người trong Nhà hát quả là quá mới và quá khó đối với lãnh đạo Nhà hát. Củng cố tổ chức, ổn định đời sống cán bộ, nghệ sĩ, công nhân viên vẫn là quyết sách khả thi, thúc đẩy sự phát triển đi lên của Nhà hát. Nhạc sĩ, NSND Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Nhà hát là người luôn giữ quan điểm phải đổi mới, đổi mới thực sự và toàn diện, chống sự chây ì, bảo thủ cực đoan vốn là căn bệnh cố hữu trong mỗi người nghệ sĩ để Nhà hát tìm được lối thoát và hướng đi đúng đắn cho mình. Theo đó, công tác đào tạo để tăng cường nguồn nhân lực, trẻ hóa đội ngũ biểu diễn là nhiệm vụ sống còn được đặt lên hàng đầu. Đã có những tài năng nghệ thuật xuất hiện, nhiều chương trình mới được dàn dựng. Tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới kết hợp nhuần nhuyễn với vốn nghệ thuật truyền thống, các nghệ sĩ đã sáng tạo nên nhiều chương trình, tiết mục vừa mang đậm cốt cách dân tộc vừa mang hơi thở mới của thời đại. Những chương trình nghệ thuật thời kỳ này có phần khởi sắc, tươi mới hơn.

Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 22/12/2012)

 

Bước vào giai đoạn phát triển hiện nay, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đang phải đương đầu với những khó khăn mới. Đại dịch COVID-19 hoành hành ở khắp mọi nơi, gây hậu quả nghiêm trọng với toàn bộ đời sống xã hội. Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy, lại thêm nỗi lo khi chính sách tự chủ tài chính vẫn đang áp dụng, tạo nên áp lực “cơm áo gạo tiền” giữa lúc các hoạt động biểu diễn gần như bị ngừng trệ. Tất cả cùng lúc đặt ra bài toán hóc búa cho sự tồn vong của Nhà hát. Từ những suy tư, trăn trở đầy nhiệt huyết về tương lai phát triển của Nhà hát, Giám đốc Nguyễn Hải Linh dốc lòng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ lãnh đạo đi trước, tập trung vào hai vấn đề cốt lõi: Ổn định đời sống cán bộ nghệ sĩ, công nhân viên, đồng thời nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, từng bước vực lại đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên đi đôi với đẩy mạnh chuyên môn nghiệp vụ của đoàn ca, đoàn múa, đoàn nhạc. Bộ máy tổ chức Nhà hát cũng được sắp xếp tinh gọn hơn trên tinh thần đoàn kết, thống nhất cao. Bởi thế, Nhà hát đang có bước chuyển biến tích cực từng ngày.

Chương trình nghệ thuật Chuyện chưa kể đã khắc họa lại câu chuyện của Nhà hát trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (HCV Cuộc thi Tiếng hát Đường 9 Xanh, năm 2019)

 

Cùng với các hoạt động chung, Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ đã góp sức với Ban Giám đốc hóa giải bài toán: Làm thế nào để Nhà hát trụ vững và phát triển trước những khó khăn hiện nay? Mặc dù đại dịch COVID-19 gây nhiều hoang mang, trở ngại nhưng Trung tâm vẫn tìm ra được những giải pháp hoạt động phù hợp. Hằng đêm, nơi đây vẫn “đỏ đèn”, mang lại cho Nhà hát nguồn lợi đáng kể cả về nghệ thuật lẫn kinh tế.

Sẽ là khiếm khuyết khi nói về thành tích nghệ thuật 70 năm qua của các nghệ sĩ mà không nhắc tới hoạt động của cán bộ, nhân viên bộ phận hành chính, kế toán tài vụ, tổ chức biểu diễn, hậu cần. Họ là lực lượng luôn đứng phía sau ánh hào quang sân khấu, ngày đêm âm thầm đóng góp trí tuệ, sức lực của mình tạo nên những “Thánh đường” rực rỡ cho tài năng của nghệ sĩ thăng hoa, cho các tác phẩm nghệ thuật lung linh tỏa sáng. Không chỉ có vậy, họ còn là những người “giữ lửa” của Nhà hát, tìm nguồn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm, sửa chữa phương tiện ô tô, máy móc, thiết bị âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, phục trang, tạo sự ổn định tổ chức, đời sống nội bộ đơn vị. Trong thành tích chung ấy có sự đóng góp không nhỏ của các cán bộ tổ chức biểu diễn. Đó là những người kết nối giữa nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật với công chúng để có hàng ngàn buổi biểu diễn thành công.

Với bề dày thành tích 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho kịch múa Tấm Cám; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì; Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Nhì, Ba; Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân và Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng nhiều phần thưởng cao quý. Ngoài ra, Nhà hát còn được trao Huân chương của Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Hoàng gia Campuchia và Cộng hòa Mông Cổ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng hoa cho các nghệ sĩ trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Niềm tin và khát vọng chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, tháng 11/2021

 

Những phần thưởng cao quý và thành tích Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã đạt được

• Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 2012

• Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2020

• 2 Huân chương Độc lập Hạng Nhất năm 2001 và năm 2011

• 1 Huân chương Độc lập Hạng Nhì năm 1996

• 1 Huân chương Độc lập Hạng Ba năm 1991

• 1 Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì

• 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất

• 2 Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2016

• 2 Huân chương Lao động hạng Nhì

• 4 Huân chương Lao động hạng Ba

• 1 Huân chương Pathet Lào – CHDCND Lào

• 1 Huân chương Hoàng gia -CHND Campuchia

• 1 Huân chương Quốc gia – Mông Cổ

• 4 Huy chương vàng, Cúp Vàng Liên hoan nghệ thuật Quốc tế

• 2 Huy chương Bạc, Cúp Bạc Liên hoan nghệ thuật Quốc tế

• 9 giải Đặc biệt và giải Nhất các kỳ Hội diễn, Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc

• 31 Nghệ sĩ Nhân dân

• 97 Nghệ sĩ Ưu tú

• Giải thưởng Hồ Chí Minh: 1 giải tập thể và 6 giải cá nhân

• Giải thưởng Nhà nước: 25 giải cá nhân, 3 giáo sư, 1 Phó Giáo sư, 2 Nhà giáo Nhân dân.

 

Phát huy truyền thống để vững bước và phát triển là hướng đi đúng của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Cơ đồ, sự nghiệp nghệ thuật do các thế hệ nghệ sĩ dày công xây đắp 70 năm qua là tài sản vô giá. Đó là truyền thống quý báu, tinh thần vẻ vang, rất đỗi tự hào. Niềm tự hào ấy đã trở thành niềm tin mãnh liệt để tập thể cán bộ, nghệ sĩ, công nhân viên Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tiếp tục đoàn kết sáng tạo, phấn đấu vươn lên hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

 

TRỊNH VŨ THÌN – Nguyên Trưởng phòng Tổ chức Biểu diễn Nhà hát CMNVN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *