Năm 2021 là năm đánh dấu tròn 70 năm xây dựng và phát triển của anh cả đỏ ngành Chèo – Nhà hát Chèo Việt Nam. Với nhiệm vụ giữ gìn, kế thừa, phát huy và phát triển nghệ thuật sân khấu Chèo của dân tộc, trong suốt quá trình 70 năm xây dựng và phát triển, Nhà hát Chèo Việt Nam luôn bám sát đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.
NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan
Lịch sử những năm 50 của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong giai đoạn khốc liệt, tại Chiến khu Việt Bắc, Nhà hát Chèo Việt Nam (tiền thân là tổ Chèo trong Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương) được thành lập. Các nghệ sĩ đã đóng góp lời ca, tiếng hát, động viên tinh thần quân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các nghệ sĩ của tổ chèo đã tích cực tham gia phong trào Tiếng hát át tiếng bom phục vụ trên các tuyến lửa, không quản hy sinh gian khó, cất cao tiếng hát động viên tinh thần các chiến sĩ nơi tuyến đầu hiểm nguy đang ngày đêm giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Hòa bình lập lại, Bắc Nam sum họp một nhà và bước vào công cuộc kiến thiết đất nước, nghệ thuật chèo lại tiếp tục phát huy vai trò khơi dậy lòng yêu nước, ca ngợi Tổ quốc và những tấm gương người tốt, việc tốt để lan tỏa trong xã hội thông qua những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.
Cùng dòng chảy văn hóa dân tộc, có thể nói, nghệ thuật chèo là mạch nguồn tinh hoa của văn hóa Việt. Hệ thống những làn điệu chèo, những vở chèo truyền thống đã trở thành mẫu mực. Để đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ chính trị qua từng giai đoạn lịch sử theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, Nhà hát đã nhanh chóng bắt kịp xu thế với nhiều vở diễn có nội dung về lĩnh vực kinh tế, chính trị, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Song hành cùng với đó, Nhà hát vẫn tiếp tục phát huy thế mạnh đặc trưng của nghệ thuật chèo qua những vở diễn đa dạng về đề tài dân gian, lịch sử… và mạnh dạn bứt phá với các tác phẩm chèo hiện đại, thể nghiệm các tác phẩm nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị xuất sắc của Bộ trong phong trào thi đua năm 2020, trong đó có Nhà hát Chèo Việt Nam – Ảnh tư liệu
Các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam từ năm 1951 đến nay luôn xứng vai trò “anh cả” trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy sáng tạo chuẩn mực về nghệ thuật chèo; kế thừa các giá trị của nghệ thuật dân gian truyền thống, đồng thời tiếp thu tinh hoa của các loại hình sân khấu khác, lấy ánh sáng khoa học làm nền tảng cho sự phát triển nghệ thuật sân khấu chèo. Các thế hệ người đứng đầu của Nhà hát Chèo Việt Nam qua từng thời kỳ đã và đang chèo lái “con thuyền” nghệ thuật chèo thật vững vàng. Có thể kể đến những cái tên tiêu biểu gắn liền với nghệ thuật chèo như: đạo diễn, NSND Trần Bảng, Phạm Như Khôi; GS Hà Văn Cầu; NGND, nhạc sĩ Hoàng Kiều; đạo diễn, NSND Chu Văn Thức; NSƯT, nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh; nhạc sĩ Vũ Đình Quân; đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ; đạo diễn, NSƯT Hà Quốc Minh; đạo diễn, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan (Thanh Ngoan).
Nắm bắt bối cảnh đất nước trong từng giai đoạn, các đồng chí lãnh đạo qua từng thời kỳ của Nhà hát Chèo Việt Nam đã và đang đồng hành cùng tập thể cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát triển khai các hoạt động chuyên môn bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; thực hiện các kế hoạch biểu diễn phục vụ chính trị tại vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Đồng thời, khôi phục các vở chèo truyền thống, gìn giữ, bảo tồn những giá trị tinh hoa của nghệ thuật chèo mà cha ông đã để lại và dàn dựng nhiều tác phẩm về các danh nhân văn hóa Việt Nam…
Bên cạnh các hoạt động biểu diễn phục vụ bà con nhân dân trong nước, nhiều năm qua, Nhà hát đã triển khai thực hiện và tham gia các chương trình giao lưu văn hóa quốc tế nhằm quảng bá môn nghệ thuật thuần Việt nhất đến với khán giả nước ngoài tại nhiều quốc gia như: Bungari, Hungari, Vương quốc Bỉ, Thụy Sĩ, Đức, Nhật, Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp (năm 2005, 2012, 2017, 2018, 2019); Quatar (2007); Hàn Quốc (2010, 2017); Mỹ (2015)…
Ra mắt BCH Đảng bộ Nhà hát Chèo Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 – Ảnh tư liệu
Với những cống hiến hết mình để gìn giữ và phát triển nghệ thuật chèo, trong 70 năm qua, Nhà hát Chèo Việt Nam đã nhận được nhiều huân, huy chương do Nhà nước và Chính phủ trao tặng như: Huân chương chống Pháp hạng Hai (1954); Huân chương Lao động hạng Hai (1957); Huân chương Lao động hạng Ba (1960); Huân chương Lao động hạng Ba (1963); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Hai (1973); Huân chương Độc lập hạng Ba (1991); Huân chương Độc lập hạng Nhì (2001); Huân chương Lao động hạng Ba (2011); Đơn vị xuất sắc nhận Cờ thi đua của Chính phủ (2014); Huân chương Lao động hạng Nhì (2016); Đơn vị xuất sắc nhận Cờ thi đua của Chính phủ (2020); Huân chương Lao động hạng Nhì (2021)… Bên cạnh đó, còn rất nhiều huân chương, huy chương được trao tặng cho cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát. Ngoài ra, còn các danh hiệu cao quý được Nhà nước phong tặng như: Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (GS, NSND Trần Bảng; TS, Nhà viết chèo Trần Đình Ngôn); Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (GS, NSND Trần Bảng; GS Hà Văn Cầu; Tác giả Hàn Thế Du; Tác giả Lưu Quang Thuận; Đạo diễn, NSND Bùi Đắc Sừ); Các thế hệ nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu NSND, NSƯT gồm 20 NSND, 61 NSƯT.
Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo Việt Nam còn đạt được giải thưởng tại các kỳ Liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc như: vở Chị Trầm – Giải A Hội diễn (1959); Súy Vân – Huy chương Vàng (1962); Lưu Bình – Dương Lễ – Giải Âm nhạc Xuất sắc (1962); Phiến đá – Huy chương Vàng (1970); Sông Trà Khúc – Huy chương Vàng (1985); Hồ Xuân Hương – Giải A Xuất sắc (1988); Từ Thức – Huy chương Vàng (1990); Vua Chổm – Huy chương Vàng (1995); Kính chiếu yêu – Huy chương Vàng (1999-2000); Nàng Thiệt Thê – Huy chương Bạc (2001); Những vần thơ thép – Huy chương Vàng (2005); Mảnh gương nhân sự – Huy chương Bạc (2009); Giếng Thơi trong lòng phố – Huy chương Vàng (2011); Đường trường Duyên phận – Huy chương Bạc (2013); Chương trình âm nhạc Năm Cung Chèo – Huy chương Vàng (2014); Dây tràng hạt diệu kỳ – Huy chương Vàng (2016); Chương trình âm nhạc Khúc Diệu tâm – Huy chương Vàng (2017); Rồng Phượng – Huy chương Bạc (2019).
Ngoài các vở diễn chèo cổ thường xuyên được triển khai luyện tập, nâng cao và nhiều vở diễn được dàn dựng mới để phục vụ nhân dân, tham gia các kỳ hội diễn, Nhà hát còn tiến hành khai thác các công trình bộ gõ và múa hát dân gian của NSƯT Đỗ Tùng, NSƯT Bùi Văn Ro để áp dụng vào công tác chuyên môn, nâng cao trình độ cho đội ngũ diễn viên, nhạc công của Nhà hát. Bên cạnh định hướng gìn giữ và phát triển nghệ thuật chèo truyền thống, công tác nghiên cứu khoa học cũng được các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ Nhà hát quan tâm, thực hiện với nhiều đề tài được đánh giá cao trong ứng dụng nghiên cứu, ứng dụng thực tế tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp (khoa Kịch hát dân tộc). Có thể kể đến như: Nghệ thuật Đạo diễn Chèo – Chủ nhiệm: GS, NSND Trần Bảng (2001); Lịch sử Chèo đến TK XX – Chủ nhiệm: GS Hà Văn Cầu (2001); Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật trên sân khấu Chèo truyền thống – Chủ nhiệm: ThS Trần Minh Phượng (2001); Mỹ thuật Chèo truyền thống – Chủ nhiệm: NSND Dân Quốc (2001); Mỹ thuật Chèo hiện đại một chặng đường phát triển – Chủ nhiệm: NGND Dân Quốc; Nhân vật Chèo dưới góc nhìn văn hóa – Chủ nhiệm: ThS Trần Minh Phượng (2005); Nghệ thuật Chèo dưới góc nhìn thể loại – Chủ nhiệm: NSND Hoàng Kiều (2005); Dàn nhạc trong sự phát triển của âm nhạc Chèo – Chủ nhiệm: NSƯT Trần Vinh (2005); Tiếp thu bản sắc dân tộc trong Chèo cổ để xây dựng Chèo đề tài hiện đại – Chủ nhiệm: ThS Trần Minh Phượng (2011); Những khuynh hướng nghệ thuật trong sân khấu Chèo hiện đại – Chủ nhiệm: TS Trần Đình Ngôn (2014); Kế thừa và biến đổi nghệ thuật biểu diễn Chèo cổ với đề tài hiện đại – Chủ nhiệm: ThS Nguyễn Thị Bích Ngoan (2016).
Một nhiệm vụ quan trọng khác luôn được Nhà hát quan tâm, đầu tư, đó là công tác đào tạo. Kể từ ngày thành lập cho đến nay, Nhà hát đã phối hợp cùng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội triển khai 7 khóa học: khóa 1 (1960-1964), khóa 2 (1965- 1968), khóa 3 (1973 -1977), khóa 4 (1979-1983), khóa 5 (1988-1992), khóa 6 (2005-2010) và khóa 7 (2014-2017). Nguồn lực diễn viên, nhạc công nòng cốt của Nhà hát trong suốt 70 năm qua đều trưởng thành từ các khóa học đó, đồng thời có sự chọn lọc, tuyển dụng bổ sung lực lượng diễn viên, nhạc công được đào tạo tại các trường nghệ thuật (có chuyên ngành Chèo) trên cả nước.
Cũng như nhiều đơn vị nghệ thuật khác, Nhà hát Chèo Việt Nam luôn được Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn quan tâm về chế độ chính sách cho cán bộ, nghệ sĩ. Đứng trước thực trạng giao thoa văn hóa giữa các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của Internet đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển nghệ thuật truyền thống Việt Nam, điều đó đặt ra những khó khăn, thách thức nhất là khi nghệ thuật truyền thống bắt đầu thực hiện lộ trình xã hội hóa. Nhà hát thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải gìn giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống, mặt khác, cần phát huy, phát triển nghệ thuật chèo bắt nhịp phục vụ đời sống hiện tại, có thêm doanh thu, nâng cao đời sống của các nghệ sĩ. Đây cũng là thách thức lớn đối với cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát hiện nay. Làm thế nào để có tác phẩm hay, ăn khách, bán được vé… nhưng tác phẩm đó vẫn phải là chèo để không mất đi bản sắc và tinh hoa nghệ thuật chèo quý giá của dân tộc là những trăn trở thường trực của toàn thể những người nghệ sĩ làm nghề tại Nhà hát.
Một đất nước có bản lĩnh vươn lên để sánh vai cùng các cường quốc năm châu như lời Bác dặn năm xưa, không thể để mất đi giá trị văn hóa truyền thống mà nghệ thuật chèo là một trong số đó. Nhà nước cần có đầu tư cho văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Các nhà quản lý, các nghệ sĩ của các nhà hát truyền thống cũng cần nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm, nâng cao tinh thần, gìn giữ văn hóa dân tộc theo đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã đề ra từ Đề cương văn hóa năm 1943 với phương châm “Dân tộc – Khoa học – Đại chúng”, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII xác định mục tiêu “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết 33 – NQ/TW khẳng định “xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện”…
Phát huy truyền thống 70 năm tự hào cùng chiều dài lịch sử dân tộc, các thế hệ cán bộ, nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ cùng đồng sức, đồng lòng, chung tay xây dựng đất nước phát triển. Nhà hát tiếp tục phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua những tác phẩm nghệ thuật chèo hấp dẫn, đặc sắc thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới và gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại, vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
TS, NSND NGUYỄN THỊ BÍCH NGOAN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn