Nhà thơ Vân Long: Một mảnh thu Hà Nội


Nhà thơ Vân Long sinh năm 1934 tại Hà Nội, từng là biên tập viên thơ Nhà xuất bản Hội nhà văn và Chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Hà Nội (2006-2007). Ngoài 8 tập thơ đã xuất bản, ông còn sáng tác nhiều cho thiếu nhi và là cây bút viết chân dung – tiểu luận phê bình hấp dẫn. Mùa thu là một không gian đầy xao động, gợi mở trong thơ ông.

Tôi đã dừng lại trước bài thơ Kỉ niệm của ông:

Không gian chao chát gió

Trời thu riêng lá thu bay

Ai khuất nẻo như sương khói

Ai bên tôi bóng nhỏ gầy?

Và em đồng hiện em phân thân

Thời gian củ hành tôi bóc vỏ

Kỉ niệm làm trận gió

Đụng giây đàn tiếng ngân…

Cảm giác lạ lùng, ngạc nhiên, như thể một luồng xung động chạy nhẹ qua người. Bây giờ đang mùa thu. Và bài thơ đầu tiên tôi chạm tới ở tập sách Vân Long – tác phẩm là một bài thơ thu rất tiêu biểu cho phong cách thơ Vân Long. Những hình ảnh thơ như thể được gọi ra từ ảo giác, chạm đến ảo giác, mang vẻ đẹp tinh tế, thanh khiết. Câu thơ Thời gian củ hành tôi bóc vỏ tưởng đơn giản mà đầy tính tượng hình, làm cay con mắt.

Thu Hà Nội dường như hội tụ những sắc thái đẹp nhất của mùa thu xứ Bắc: vừa đủ dịu dàng lãng mạn, vừa đủ quyến rũ mộng mơ mà vẫn luôn sâu đằm mới mẻ. Đó là vẻ đẹp được làm nên từ một miền khí hậu thời tiết và một miền khí hậu văn hóa. Nhiều người ở xa vì yêu thu Hà Nội mà trở đi trở lại như kẻ si tình. Huống chi, với một nhà thơ như Vân Long, sinh ra và lớn lên ở giữa trung tâm thủ đô và gần trọn vẹn cuộc đời ông gắn bó với nơi đây. Vì thế nên những gì mang phẩm chất văn hóa Hà Nội, ông đều tình cờ mà bắt gặp, tình cờ mà liên quan.

Chào đời ở nhà hộ sinh phố Trần Xuân Soạn, tập đi ở ngõ Tràng An, học tiểu học ở phố Trần Nhân Tông, tuổi 20 trở thành nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam… Ở chặng đầu tiên của cuộc đời, Vân Long đã gắn bó với Hà Nội như thế. Và sau 10 năm công tác ở Hải Phòng, ngày trở lại, ông được đoàn tụ cùng gia đình trong căn phòng nhỏ ngõ phố Bà Triệu gần Hồ Gươm. Cảm giác quây quần bên vợ và những đứa con thơ thật đủ đầy ấm áp. Hà Nội là một phần máu thịt không thể cách chia. Kỉ niệm ùa về đầy ăm ắp, bồi hồi bật thành tên gọi:

Tôi đánh đáo với nhà văn Nguyễn Khải

Tuổi thơ cay xè món thịt bò khô

Cô bé nhảy dây khu Vân Hồ buổi ấy

Ai biết Xuân Quỳnh – người bạc phận – nhà thơ

Thiên nhiên, sắc trời thu Hà Nội với những ảnh hình quen thuộc đi vào thơ Vân Long bừng lên sắc màu mới:

Hà Nội sau mưa, Hà Nội nắng hanh

Hay là tôi khi hừng lên, khi loáng ướt…

Hoa cúc vàng

Hoa cúc vàng thu

Mảnh nắng em cầm chập chờn ảo giác…

Có thể nói, mùa thu và thu Hà Nội là miền không gian mãi chảy trong thơ Vân Long, và qua mỗi hành trình sống hành trình thơ lại mang thêm những màu sắc, thanh âm, những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng tinh tế nhất, xao động nhất, đa thanh nhất là khoảng vào thu của đời người. Không phải ngẫu nhiên mà ông tập hợp những sáng tác trong khoảng 1983 – 1990 in thành một tập với tên gọi Vào thu, và bài thơ mở đầu của tập này là Thu cảm, ghi lại những bước chân vội vã, háo hức nhập cuộc:

Mở cửa đường thơm hoa sữa gọi

Phải bùng ra phố, phải đi thôi

Hà Nội trời xanh màu cốm mới

Tôi nhập vào thu với mọi người…

Thu cảm cho thấy một tâm thế muốn được viết khác đi, muốn làm mới chính mình trong cảm xúc, trong cách diễn đạt, chạm đến những miền sâu thẳm của đời sống và tâm tư con người, gắn với bao vấn đề còn đang ngổn ngang của thời đổi mới; thơ cần kiệm lời hơn, đa tầng hơn, ám ảnh hơn, mở rộng biên độ của suy ngẫm và trí tưởng tượng. Vân Long đã cố gắng thực hiện điều ấy, chứng thực nó, một phần ở tập Vào thu và tập trung hơn ở những tập thơ sau, tiêu biểu là Những khối hình câm Dưới lá xanh.

Viết về mùa thu, đặc biệt ở chặng thu của đời người, nhà thơ Vân Long có nhiều tâm sự. Những suy tư ở hiện tại đã đằm chín. Quá khứ hiện lên rõ ràng hơn, như mới ngày hôm qua. Dự định tương lai thì đầy ắp và có phần khắc khoải. Đặc biệt luôn có sự xuất hiện vừa song song vừa soi chiếu của hai hình ảnh: em gắn với tuổi trẻ, và tôi của tuổi trung niên:

Em như cơn gió thổi qua ngang

Trẻ đến làm đau cả lá vàng…

 

Như vàng gieo, bạc chảy

Trời thu vào mắt em trong

Còn tôi tâm cảm tôi hoài niệm

Mái tóc khô thưa rụng mấy phần…

 

Lá thu bay những mảnh hồn thành phố

Những mảnh em xao xác sau vai

Tôi vơ vẩn làm người sầu xứ

Lượm tấm trăng non ở cuối ngày…

Sự ngậm ngùi, tiếc nuối, những tâm tư nửa thế kỷ – gánh trên vai cái tuổi/ mùa thu vầng trán trầm tư đem tới cho những bài thơ thu của Vân Long nét riêng đầy day trở. Hình ảnh em hiện lên thanh khiết, rung động. Em có thể có thật có thể trong tưởng tượng. Có thể là người yêu, người tình, có thể là một ảnh hình vu vơ, một nỗi niềm khao khát. Nhưng trên hết em chính là tuổi trẻ, là vẻ đẹp tươi mới của cuộc đời này, vẻ đẹp được cảm nhận, chiêm ngưỡng, tiếp thêm cho mình nguồn năng lượng quý giá để tái tạo và sáng tạo. Nhưng nếu chạm vào, vẻ đẹp ấy sẽ tan loãng. Vì thế, viết về mùa thu cuộc đời, nhưng hồn thơ Vân Long thật trẻ trung, da diết, không vướng chút dục vọng bản năng. Những rung động mở lối để ông nhìn sâu vào chính tâm hồn mình, nhận diện mình, đôi khi đạt được trạng thái thiền định.

Thuộc thế hệ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quá nửa đời gắn bó với thơ, qua những năm đầu hòa bình ở miền Bắc, qua kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tới thời bao cấp, thời kỳ đầu đổi mới, và tiếp đến những năm đầu của thế kỷ 20, Vân Long luôn giữ cho mình một tâm thế tìm tòi, sáng tạo, chấp nhận những đổi thay trong thẩm mỹ của bạn đọc bạn viết. Càng về sau thơ ông càng ngắn hơn, tinh lọc hơn, đào sâu suy ngẫm nhưng không làm mất đi cái tình tứ, cái bất ngờ, cái sâu sắc đa nghĩa của hình tượng thơ.

Từ im lặng, thu về thơm gối cũ

Làn rêu nào ngai ngái một chiêm bao

Mấy xa cách cho cây thành đại thụ?

Linh hồn cây ngờm ngợp lá trên cao…

                                             (Trở lại mùa thu)

Dường như, thời tiết khí hậu mùa thu hợp với con người Vân Long: khẽ khàng, từ tốn, không bon chen, không ồn ào thể hiện bên ngoài. Nỗi buồn được ông giấu kín và gửi một phần vào thơ. Trong những nỗi buồn ấy, có khát khao bị kìm nén, trạng thái bất lực, sự thức ngộ về những giới hạn của cuộc sống cũng như giới hạn của chính mình:

Đêm dài quá, nằm không đủ 

Đời ngắn quá! Yêu chưa đủ

Lặng đếm thời gian trôi

Loạt soạt nghìn trang gió thổi lạnh 

Tay thì đã ngắn, mong chi cánh 

Chữ nghĩa xạc xào thua lá xanh 

Mà bông hoa lạ cuối trời kia

Tới được chắc chi hoa vẫn thắm

(Dưới lá xanh)

Nhà thơ Vân Long tự phác họa chân dung mình: Tôi loài cá ăn chìm/ Thơ và đời lặng lẽ. Lặng lẽ là một phẩm chất đáng trân trọng của người làm nghệ thuật, vừa khiêm tốn vừa tự tin với lựa chọn của mình. Và thường những loài cá ăn chìm không phải là loài cá nhỏ!.

ANH THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 475, tháng 9-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *