Bên cạnh phong tục thờ cúng tổ tiên, người Vân Kiều còn thờ tín ngưỡng đa thần (thần mặt trời, thần bản mệnh, thần lúa, thần sông, thần cây, thần núi…). cùng với đó là hệ thống lễ hội (lễ hội đập trống, phát rẫy, được mùa, mừng lúa mới, rước hồn lúa…) liên quan đến chu kỳ canh tác. Từ trong các hình thái tín ngưỡng dân gian mang tính phổ quát đó, người Vân Kiều đã chế tác ra nhiều nhạc cụ (sáo, đàn Ta – tư, khèn A – mam, khèn bè, đàn Pơ – lựa, thanh la, cồng chiêng…) bằng nguyên liệu gỗ, tre, nứa, hợp kim đem lại những âm thanh đặc sắc làm say đắm lòng người và cảnh sắc núi rừng.
Sáo là nhạc cụ phổ biến nhất của người Vân Kiều. Sáo Vân Kiều có nhiều loại và mỗi loại được trình diễn ở những nghi lễ khác nhau. Sáo Pi là nhạc cụ gắn bó bền chặt nhất với người Vân Kiều, là nhạc cụ duy nhất được cất lên khi vui cũng như lúc buồn, các dịp ma chay, khi thực hiện nghi thức thờ cúng tổ tiên, thờ cúng các vị thần…
Khi hát Xà – nớt, làn điệu dân ca trĩu nặng tình cảm và đậm đà lý trí về quan hệ xã hội, dòng tộc, làng bản thì đồng bào thổi sáo Khui. Còn sáo Teril được thổi khi hát làn điệu Oát, khúc ca hò hẹn của gái trai Vân Kiều. Tuy từng loại sáo có kích thước và cấu tạo khác nhau nhưng điểm chung giữa chúng là khâu lựa chọn cây nứa như ý để chế tác ra loại nhạc cụ này. Đó là những cây nứa già cứng cáp, mọc ở đằng Đông và ngọn của nó cũng hướng thẳng về phía Đông, hơi ngả màu vàng óng, chiều dài của mỗi đốt phải tầm 70 cm.
Đàn Ta – lư cũng là loại nhạc cụ được trình diễn phổ biến trong cộng đồng dân tộc Vân Kiều. Là loại nhạc cụ dây, dành riêng cho nam giới, tiết tấu của đàn Ta – lư vừa da diết phù hợp với các làn điệu dân ca tộc người lại vừa sôi nổi kết hợp hài hòa được với các bài hát đương đại. Đàn ông Vân Kiều gẩy Ta – lư trong không khí nhộn nhịp, vui tươi của lễ hội hay những lúc nông nhàn thảnh thơi, họ không bao giờ phục vụ tiếng đàn Ta – lư trong dịp ma chay, đám giỗ…
Đàn Ta – lư có hình dáng giống như cây đàn guitar thu nhỏ, loại nhạc cụ này không tuân theo quy chuẩn một kích thước nào mà tùy theo độ to nhỏ của khúc gỗ đặc để đục đẽo thành thùng đàn. Thông thường, toàn bộ chiều dài của đàn khoảng 70 cm, riêng phần cần đàn nối với thùng đàn khoảng 40 cm. Cuối cần đàn là bộ phận tăng âm luôn được vát xuống tựa hình bàn tay đang khép lại kín kẽ để hứng lấy những giọt nước chuẩn bị rơi xuống. Nhạc cụ này có 2 dây, chia thành 5 quãng nhạc, tùy từng bản nhạc mà người chơi đàn sẽ lần theo dây đàn và thay đổi từng quãng đàn tạo thành những nốt nhạc cao thấp khác nhau. Đàn Ta – lư đã trở thành đề tài và cảm hứng sáng tác để nhạc sĩ Huy Thục viết nên giai điệu tự hào “Tiếng đàn Ta – lư” nổi tiếng năm 1968.
Được sử dụng phổ biến trong các lễ hội vui tươi còn có kèn A – mam. Thoạt nhìn, kèn A – mam có vẻ ngoài rất đơn giản, chỉ dài chừng 40 cm, nhỏ như chiếc đũa, cả nam và nữ đều có thể sử dụng nhưng để có thể chế tác nên một chiếc kèn hoàn chỉnh thì phải có bí kíp gia truyền. Kèn A – mam được làm bằng nhánh cây đương (theo cách gọi của người Vân Kiều), loài cây này có thân và nhánh giống cây tre trúc, vừa chắc chắn lại vừa dẻo dai. Nhánh được chọn làm kèn A – mam phải già, thẳng, dài khoảng 30 – 40 cm, không dùng những nhánh còn non, dễ bị xốp và héo hai đầu.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng và Hồ Thị Phi thổi kèn A-mam
Công đoạn đục hai lỗ nhỏ ở hai đầu đoạn đương để khi thổi chiếc kèn phát ra được nhiều loại thanh âm là lúc cần đến cách thức bí truyền của người nghệ nhân. Họ sẽ dùng loại đục nhỏ và nhọn, khéo léo đục hai lỗ sao cho vị trí phải thật phù hợp và cân xứng ở hai đầu khúc đương. Vì nhánh cây nhỏ nên khi đục lỗ phải rất cẩn thận, lỗ không được quá nhỏ, cũng không quá to thì tiếng kèn khi thổi mới hy vọng có được những âm thanh chuẩn xác và tinh tế. Kèn A – mam có thể dùng để độc tấu hoặc cả hai người cùng thổi, thông thường là một nam và một nữ trong hát đối đáp, giao duyên.
Anh Hồ Văn Việt đệm đàn Ta lư cho bài “Tiếng đàn Ta lư”
Trong đời sống sinh hoạt và ở các nghi lễ, người Vân Kiều còn trình diễn các loại nhạc cụ cồng chiêng, khèn bè… Tuy số lượng còn hạn chế nhưng đã góp phần làm đa dạng thêm tiết tấu, nhịp điệu khi các giai điệu của núi rừng được cất lên. Bộ cồng chiêng Vân Kiều thường có 3 chiếc, chiếc lớn nhất là cồng mẹ, 2 chiếc nhỏ hơn là cồng con. Cồng mẹ phát ra âm thanh cao độ, tròn đầy và vọng vang. Cồng con làm nhiệm vụ giữ nhịp cho bản hòa tấu. Cồng chiêng được đồng bào tấu lên trong lễ cúng hồn lúa, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ vào nhà mới…
Đâu đó trong các bản làng, tiếng khèn bè xao xuyến còn đang được thổi bởi các chàng trai Vân Kiều đến tuổi cập kê. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống. Bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong đá. Người chơi khèn bè phải nắm vững kỹ thuật lấy hơi, độ chính xác và điêu luyện của đôi tay khi bấm nốt. Tiếng khèn bè là công cụ để đàn ông Vân Kiều thể hiện tài năng, là giai điệu hẹn hò, bắc cầu cho trai, gái Vân Kiều tìm được cho mình một người bạn đời thích hợp.
Đàn ông Vân Kiều với cây đàn Ta lư
Năm tháng đi qua, cuộc sống luôn biến động và xoay vần, nhiều loại nhạc cụ hiện đại đã xuất hiện đâu đó nơi bản làng Vân Kiều nhưng lớp nghệ nhân cao tuổi vẫn đang gìn giữ và truyền dạy những tiếng đàn, điệu sáo cho thế hệ mai sau. Giai điệu trầm hùng và khoáng đạt, trữ tình và nồng nàn nỗi niềm từ các nhạc cụ mà người Vân Kiều đang biểu diễn và truyền đời sẽ góp phần chuyển tải ước mong cho mùa màng được tươi tốt, cho bản làng thêm yên vui, cho tình yêu đôi lứa nhân đôi niềm hạnh phúc.
Tác giả: Nguyễn Tiến Dũng
Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)