Nhạc kịch Broadway – một hướng phát triển cần thiết tại Việt Nam


Nhạc kịch Broadway là một thể loại âm nhạc mới xuất hiện từ giữa TK XIX tại Hoa Kỳ và Anh, sau đó được lan tỏa khắp thế giới. Với sự đầu tư “khủng” cho mỗi vở diễn, doanh số hằng năm của lĩnh vực này ngày một tăng cao. Nhiều vở diễn đã đạt được hàng trăm, thậm chí hàng nghìn suất diễn. Với những ưu thế đặc thù riêng, việc nghiên cứu phát triển thể loại này tại Việt Nam là cần thiết trong thời gian tới.

Trong những năm cuối TK XIX, trên thế giới đã bắt đầu hình thành một thể loại âm nhạc mới, là sự kế thừa của Nhạc kịch cổ điển châu Âu với sự kết hợp của âm nhạc đại chúng, nhảy múa và phong cách diễn xuất tương tác với khán giả. Đó là Nhạc kịch Broadway. Thể loại này được hình thành từ những năm giữa TK XIX với 2 vở là: The Naiad Queen (1841) và The Seven Sisters (1860), tuy nhiên chưa định hình được phong cách và bị lãng quên. Chỉ tới ngày 12-9-1866, vở The Black Crook được biểu diễn tại Nhà hát Niblo’s Garden, nằm tại khu phố Broadway (New York, Hoa Kỳ) thì phong cách Nhạc kịch Broadway mới hình thành và được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Với sự thành công của vở này, nhạc kịch Broadway chính thức ra đời, đã đóng góp cho kho tàng âm nhạc thế giới nhiều kỷ lục trong các lĩnh vực khác nhau, từ số lượng vở diễn, khán giả tới doanh thu. Vở nhạc kịch gồm 4 màn, kéo dài hơn 5 giờ 30 phút, được chuyển thể từ cốt truyện của C.M.Barras, âm nhạc T.Baker đã mang đến một làn sóng mới cho sân khấu lúc bấy giờ với cách dàn dựng mới lạ, cùng những ca khúc, điệu múa của diễn viên nhằm diễn tả tâm trạng và tình tiết của vở diễn. Vở diễn ngay từ khi ra đời đã có kỷ lục biểu diễn liên tục 474 buổi, sau đó được biểu diễn tại Anh năm 1872 và được quay thành phim năm 1916. Tiếp nối sau The Black Crook, một loạt các vở khác theo phong cách này ra đời như: The White Fawn (1868), Le Barbe Blue (1868), Evangeline (1874)…

Nhạc kịch Broadway được trình diễn chủ yếu tại 41 nhà hát thuộc khu Broadway (New York, Hoa Kỳ) và còn được trình diễn trong 52 nhà hát của hệ thống West End (Luân Đôn, Anh). Doanh số theo thống kê của Liên đoàn Broadway, mùa diễn 2018-2019 đạt được là 1.829 triệu USD với 38 vở mới và có hơn 14 triệu lượt người xem. So sánh với mùa diễn 1988-1989 mới chỉ là 588 triệu USD với hơn 11 triệu lượt người xem. Sự thành công từ thể loại đặc trưng của các nước nói tiếng Anh này gắn chặt với sự phát triển của công nghiệp văn hóa. Nhà sử học M.Shefter phát biểu rằng: “Nhạc kịch Broadway với đỉnh cao là những tác phẩm của R.Rodgers và O.Hammerstein đã trở thành hình thức văn hóa đại chúng của Hoa Kỳ, có ảnh hưởng to lớn và góp phần đưa thành phố New York trở thành thủ đô văn hóa của thế giới”. Rất nhiều nghệ sĩ điện ảnh, kịch nghệ nổi tiếng đều đã đạt được vinh quang trên sân khấu này như: Paul Newman đã gắn bó hơn nửa thế kỷ, Rapper P.Diddy, vợ chồng Antonio Banderas, Billy Crystal, Lillian Russell, Vivienne Segal, Fay Templeton, Julia Roberts, Nicole Kidman, Jennifer Aniston, Katie Holmes, Elizabeth Taylor…

Chủ đề, ý tưởng của Nhạc kịch Broadway rất phong phú, có thể được chuyển thể từ truyện, phim, thậm chí từ các vở nhạc kịch cổ điển châu Âu…, phần lớn được viết thành 2 màn, tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều tác giả đã viết chỉ với 1 màn. Âm nhạc đơn giản, gồm một số các ca khúc hoặc có thể cover lại một số ca khúc, giai điệu âm nhạc thịnh hành khác. Phần lời thanh nhạc chỉ dùng tiếng Anh. Bên cạnh đó là sự đầu tư kinh phí “khủng” để phần trang trí sân khấu và phục trang đạt tới mức độ hoành tráng mà không thấy được tại các vở nhạc kịch cổ điển châu Âu khác. Mỗi một sân khấu thường chỉ dành riêng cho một vở với những trang trí mang tính đặc thù theo tình tiết trong vở. Bởi vậy, giá vé không thể hạ thấp nhưng vẫn thu hút được một lượng khán giả đông đảo. Thí dụ: giá vé lên tới 700 USD cho sự trở lại của The Music Man, với sự tham gia của Hugh Jackman, mặc dù vở này đến tận tháng 2-2022 mới diễn.

Trong ngành nghệ thuật nói chung, lợi nhuận thu được từ lĩnh vực này chỉ thua kém điện ảnh trong nhiều năm qua. Đây cũng là thành quả quan trọng trong việc xây dựng thành công một nền công nghiệp văn hóa. Từ khi ra đời đến nay, Nhạc kịch Broadway đã có một số lượng lên tới hàng trăm vở, chưa kể các phiên bản khác nhau khi vở được dựng lại.

Một số vở nổi tiếng nhất như: The Lion King mở màn vào 8-7-1997, đến tháng 3-2020, vở kịch đã có trên 100 triệu khán giả. Vào tháng 9-2014, vở nhạc kịch đã vượt qua doanh số của vở The Phantom of the Opera ở cả hai thể loại là sân khấu và phim và năm 2017, đạt doanh thu 8,1 tỷ USD. The Phantom of the Opera: Kỷ niệm chương trình biểu diễn thứ 10.000 vào 11-2-2012, vở kịch đã có khoảng 130 triệu khán giả trên toàn thế giới. Tính đến thời điểm 14-3-2020, vở nhạc kịch đã có 13.629 buổi diễn, thu nhập 6 tỷ USD. Chicago là vở nhạc kịch có số lượng buổi biểu diễn là 7.486 buổi. Ngoài ra còn nhiều vở khác như: Miss Saigon, Oklahoma, Hamilton, Aladdin, Come from Away, Waitress, The Music Man Wicked, Moulin Rouge! The Musical

Các nhà hát dùng để biểu diễn những vở nhạc kịch này ở khu phố Broadway, được gọi tên khác nhau, phụ thuộc vào số ghế. Trên 500 chỗ gọi là Broadway, dưới 500 chỗ gọi là Off-Broadway và dưới 100 chỗ được gọi là Off-Off-Broadway.

Song song với nhà hát và lực lượng diễn viên, ngành công nghiệp nghệ thuật giải trí sáng tạo này có Liên đoàn Broadway được thành lập từ năm 1930 với hơn 700 thành viên đại diện cho các nhà sản xuất và chủ rạp hát tại Broadway. Giải thưởng Tony của lĩnh vực này được giới chuyên môn đánh giá như giải Oscar của Điện ảnh Hoa Kỳ, được trao giải lần đầu vào năm 1947 do Tony Award Production trao hằng năm tại New York. Ngoài ra còn có giải thưởng dành cho các nghệ sĩ và tác phẩm đi lưu diễn hằng năm với tên gọi là Giải thưởng Nhà hát Broadway Quốc gia, được trao lần đầu vào mùa diễn 2000-2001. Để quảng bá cho các vở diễn, hằng năm, liên đoàn có các chương trình hòa nhạc ngoài trời, chương trình phát triển khán giả và các chương trình khác nhằm vào nhiều đối tượng khán giả khác nhau.

Tại Việt Nam, thể loại nhạc kịch này chưa được phát triển mạnh do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong những năm 2012-2015, một nhóm nghệ sĩ trẻ do đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh dựng các vở: Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối. Vở Góc phố danh vọng với thời lượng khá dài, 150 phút, cũng vấp phải nhiều vấn đề trong diễn xuất do không tìm được những diễn viên đủ khả năng đảm đương vai diễn. Nhà hát Tuổi trẻ với dự án Majoin – Cô bé phép thuật được thực hiện cùng Nhà hát Shiki (Nhật Bản), đã có kế hoạch tuyển diễn viên trước 3 năm để đào tạo các kỹ năng cần thiết. Điều đó cho thấy sự khó khăn khi phát triển thể loại này tại Việt Nam. Trong năm 2013-2014, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức giới thiệu nghệ thuật Broadway và thử vai các phân đoạn của vở Jersey Boys do diễn viên nổi tiếng Jonathan Hadley thực hiện. Nghệ sĩ Parks Marterson cũng tới TP. HCM để giới thiệu và dàn dựng một số trích đoạn nhạc kịch tại Nhạc viện TP. HCM. Năm 2017, dự án Hope với 3 vở diễn trong 35 đêm gồm: Đêm hè sau cuối, Góc phố danh vọngMộng ước không xa do đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh dàn dựng. Năm 2020, tại Nhà hát Tuổi trẻ cũng đã xuất hiện vở Viên đạn cho Valentine do tổ chức Fragment phi lợi nhuận dành cho sinh viên, học sinh dàn dựng. Trong năm 2021, Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục dàn dựng vở Bầy chim thiên nga, dành cho đối tượng thiếu nhi. Vở nhạc kịch được lấy cốt truyện từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen do NSƯT Lê Ánh Tuyết dàn dựng, kịch bản của Trần Lệ Chiến.

Tại sân khấu TP. HCM, năm 2013 cũng xuất hiện phiên bản tiếng Việt của vở Chicago do đạo diễn Nguyễn Khắc Duy dàn dựng, phần vũ đạo do biên đạo Thành Phát đảm nhiệm. Các ca khúc trong vở được dịch sang tiếng Việt. Phiên bản tiếng Việt này là phiên bản nước ngoài thứ 21. Tuy nhiên, dư luận tại TP. HCM chưa cảm thấy hài lòng về chất lượng do có nhiều hạn chế về sân khấu, âm nhạc và diễn xuất nhảy múa của diễn viên. Năm 2016-2017, có vở Broadway Việt Nam Chuyện tình nàng Giáng Hương, kịch bản và tổng đạo diễn là Trần Nguyễn Thiên Hương, nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh, âm nhạc Nguyễn Công Phương, sân khấu. Năm 2017-2018 còn có các vở thuần Việt khác như: Đêm hoa lệ, kịch bản của Trác Thúy Miêu, đạo diễn Vũ Trần, giám đốc nghệ thuật Sĩ Hoàng, được diễn một thời gian; Châu báu và tông đồ (ca kịch, cải lương, tuồng cổ), kịch bản của Trác Thúy Miêu, dàn dựng Nguyễn Công Minh Trí.

Nhà hát Giao hưởng, Nhạc Vũ Kịch TP. HCM năm 2018 dàn dựng vở Dế mèn phiêu lưu ký theo truyện của nhà văn Tô Hoài, với phần dàn dựng của Phạm Hoàng Nam, biên đạo Jonh Huy Trần, nhạc sĩ Việt Anh; vở Con Dơi theo tác phẩm nhạc kịch của J. Strauss II (Áo) cũng được nhà hát kết hợp với Viện goeth cho ra mắt vào năm 2018. Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du cũng được đưa vào nhạc kịch với với sự dàn dựng của đạo diễn Pháp Christophe Thiry năm 2019.

Ngoài ra, nhóm Buffalo của Nguyễn Khắc Duy còn tiếp tục thử nghiệm một số dự án như Broadway in Saigon 2015, High school Musical, Tuyết Sài Gòn, Tấm Cám, Vũ nữ, Lọ lem của sân khấu Trịnh Kim Chi; Trót yêu của sân khấu Thế giới trẻ; Tiên nga của sân khấu Idecaf; Trại hoa vàng của Nhà hát Tuổi trẻ; Hà Nội ngày tháng năm – những thanh xuân rực rỡ, Tôi đọc báo sáng nay của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long…

Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cũng đã dựng nguyên bản Broadway tiếng Anh vở Những người khốn khổ theo cốt truyện của đại văn hào Victor Hugo (Pháp) với đạo diễn Triều Dương, biên đạo múa Linh An. Vở diễn đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt, tuy nhiên, số lượng buổi diễn không nhiều do không đủ kinh phí.

Mặc dù thời gian không nhiều, cho đến nay khoảng 10 năm, Nhạc kịch Broadway đã có những ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển nghệ thuật tại Việt Nam. Với nhiều cách tiếp cận khác nhau, các nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên Việt Nam đã có nhiều cố gắng tìm tòi, thể nghiệm để tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng. Nhiều vở kịch lấy phiên bản chính gốc Broadway hoặc dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên, điều đáng mừng là tỷ lệ “thuần Việt” chiếm phần lớn so với các bản nguyên gốc. Những vở này đã lấy các nội dung từ các tiểu thuyết, phim ảnh, truyện cổ tích… và các đề tài khác trong đời sống xã hội của Việt Nam để đưa lên sân khấu nhạc kịch. Các ca khúc trong vở là sự kết hợp giữa các ca khúc nổi tiếng của Việt Nam và đặt hàng những sáng tác mới cho mỗi vở. Khán giả Việt Nam, đặc biệt là khán giả trẻ, đã nồng nhiệt đón nhận những vở nhạc kịch này.

Một số khó khăn đối với lĩnh vực biểu diễn

Về diễn xuất của diễn viên: Với đặc điểm diễn viên vừa phải diễn kịch (lời thoại và động tác), vừa phải biết hát, biết nhảy nên việc lựa chọn diễn viên để vào vai là rất khó. Các nghệ sĩ vẫn chưa đủ khả năng chuyên môn để thể hiện đúng vai diễn như sự mong đợi của đạo diễn. Hệ thống đào tạo diễn viên tại các Trường Sân khấu – Điện ảnh tập trung vào giải quyết khía cạnh diễn xuất nhưng chưa thể đào tạo được diễn viên làm chủ được các kỹ thuật thanh nhạc mà tác phẩm đòi hỏi. Mặt khác, đối với hệ đào tạo thanh nhạc tại cơ sở đào tạo các bậc học từ trung cấp cho tới sau đại học thì diễn viên có giọng hát, có kỹ thuật để biểu diễn những ca khúc có trong vở nhưng lại không thể nhảy múa, diễn xuất một cách chuyên nghiệp. Do đó nguồn diễn viên dành cho lĩnh vực này còn thiếu.

Về trình độ ngoại ngữ: Tất cả các ca khúc thể hiện trong các vở được viết bằng tiếng Anh. Vì vậy đòi hỏi nghệ sĩ bắt buộc phải trình bày bằng tiếng Anh trong khi ngoại ngữ vẫn là vấn đề hết sức cấp bách, cần được tăng cường chú trọng cho diễn viên trong thời gian tới. Nếu không có ngoại ngữ thì diễn viên không thể tham gia vào lĩnh vực này được.

Trình độ của biên đạo: Hiện nay, tại Việt Nam chưa có một biên đạo nào có bằng cấp chính thức đào tạo cho lĩnh vực này. Hầu hết phải mời biên đạo nước ngoài khi dựng những vở này.

Trình độ của huấn luyện thanh nhạc: Đây là lĩnh vực mà tất cả các cơ sở đào tạo chưa được cập nhật giảng dạy trong các cấp học. Do đó chưa có người huấn luyện có chuyên môn sâu. Người huấn luyện thanh nhạc phải nắm vững các kỹ năng hát cổ điển, hát theo phong cách Jazz – Blue – Pop. Bên cạnh đó phải là người biết nhảy và diễn xuất tốt, có khả năng về tiếng Anh thuần thục.

Có thể thấy Nhạc kịch Broadway đã đạt được một số thành công nhưng môi trường để phát triển thể loại này tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khán giả tới nhà hát. Một phần do sự đầu tư còn hạn chế từ khâu sản xuất tới tuyển chọn, huấn luyện diễn viên, bài trí sân khấu, phục trang, mặt khác do chất lượng vở diễn phụ thuộc vào nhiều thành phần sáng tạo mà hiện nay nguồn nhân lực không đáp ứng được sự đòi hỏi chuyên môn của thể loại nhạc kịch này. Nếu so sánh mới quy mô sân khấu và mức độ chuyên nghiệp trong các khâu sản xuất tới diễn xuất thì các vở Broadway nguyên bản cũng như các vở “thuần Việt” cũng chưa thể so sánh được với các vở được diễn tại các nước.

Để giải quyết những vướng mắc này cần có sự chung tay của các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật, các trường đào tạo âm nhạc, các nhà hát, các tổ chức ngoài công lập và các tổ chức khác có liên quan để tạo được môi trường thuận lợi cho nhạc kịch Broadway phát triển một cách chuyên nghiệp tại Việt Nam, bắt đầu từ khâu đào tạo diễn viên, thu hút tài chính, quảng bá tác phẩm đến việc xây dựng công chúng cho thể loại này.

 Mặc dù còn nhiều khó khăn trước mắt nhưng việc phát triển thể loại này tại Việt Nam là rất cần thiết vì nhiều thế mạnh đặc thù. Đó là tính giải trí được kết hợp với tính nghệ thuật cao, có sức hút mạnh mẽ đối với giới trẻ, ngôn ngữ trong lời thoại và ca khúc dễ hiểu cho mọi người, các chủ đề mang hơi thở của thời đại và khả năng có doanh thu cao sẽ đóng góp phong phú thêm cho bức tranh nhiều màu sắc của nền nghệ thuật Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của khán giả trong thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Ganzl Kurt, The Black Crook, or How to invent History (The Black Crook hay Làm thế nào để tạo nên lịch sử), kurtofgerolstein.blogspot.com, 20-6-2018.

2. broadwayleague.com

3. Martin Shefter, Capital of the American Century: The National and International influence of New York City (Thủ đô của Thế kỷ Hoa Kỳ: Tầm ảnh hưởng quốc gia và quốc tế của thành phố New York), Russell Sage Foundation, 1993, tr.10.

4. Linh Khánh, Sân khấu Broadway trở lại, nhandan.vn, 8-9-2021.

Ths NGUYỄN THỊ BÍCH HỒNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *