Nhân cách người cán bộ công an nhân dân trong tình hình hiện nay


Đối với người cán bộ công an nhân dân (CAND), vấn đề nhân cách, tư cách đạo đức, lối sống là vô cùng quan trọng, không chỉ giúp cho người cán bộ công an giữ vững được bản lĩnh chính trị vững vàng trong quá trình công tác, mà còn tạo dựng uy tín, niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng CAND trong tình hình hiện nay.

     Nhân cách của người cán bộ CAND là tổng hòa những phẩm chất, yếu tố cấu thành nên bao gồm: nhận thức, ý chí và hành động. Thông qua thực tiễn công tác, nhân cách của người cán bộ công an ngày càng hoàn thiện và phát triển, đáp ứng tốt với yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Nhân cách đó không phải tự nhiên mà có, không phải do bẩm sinh, mà phải trải qua quá trình phấn đấu học tập, rèn luyện bền bỉ, kiên trì trong suốt quá trình công tác, giải quyết hàng loạt những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Nếu không phát triển nhân cách, xem nó là yếu tố nội tại quyết định xu hướng vận động, biến đổi thì người cán bộ công an rất khó phát triển, hoặc nếu có phát triển thì đến giai đoạn nhất định nào đó cũng dậm chân tại chỗ. Vì vậy, phát triển nhân cách của người cán bộ công an trong tình hình hiện nay phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cán bộ chiến sĩ, trở thành nhu cầu, mong muốn ngày càng hoàn thiện về phẩm chất đạo đức, lối sống của người cán bộ CAND. Theo đó, việc phát triển nhân cách của cán bộ, chiến sĩ phải là những hoạt động mang tính tích cực, chủ động của các tổ chức, lực lượng và đội ngũ cán bộ CAND với những cơ chế chính sách đúng đắn, hợp lý để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện các phẩm chất về đạo đức, lối sống để không ngừng hoàn thiện mình về mọi mặt, trở thành những cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

     Như vậy, phát triển nhân cách của người cán bộ CAND không phải là công việc, nhiệm vụ của một tổ chức, một cá nhân, mà đó là sự cộng hưởng của các cơ quan, chức năng, ban ngành với những tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử đặt ra cho mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải từng bước hoàn thiện mình về nhân cách thì mới đáp ứng được. Trong quá trình phát triển nhân cách đó, cán bộ, chiến sĩ công an là chủ thể trực tiếp quyết định đến việc phát triển nhân cách của bản thân, quyết định việc lựa chọn các nội dung, hình thức, biện pháp.

     Nhận thức được vấn đề đó, trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ CAND đã tích cực, chủ động trong học tập, rèn luyện để không ngừng hoàn thiện về mọi mặt. Với phương châm hành động “đổi mới, chủ động kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, cán bộ, chiến sĩ công an thấm nhuần 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND, năng động, sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén, mưu trí và dũng cảm trong công tác và chiến đấu; xây dựng phong cách cán bộ, chiến sĩ công an bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ.

     Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc phát triển nhân cách của người cán bộ CAND vẫn chưa được sự nhận thức đầy đủ, toàn diện thống nhất của thủ trưởng đơn vị; có quan điểm cho rằng phát triển nhân cách cán bộ là do chính bản thân họ quyết định, không phụ thuộc vào tổ chức; cũng có ý kiến để phát triển nhân cách cán bộ thì phải thông qua hoạt động thực tiễn công tác, giao nhiệm vụ và bằng những kết quả hoàn thành công việc. Một số cán bộ công an chưa thường xuyên tự tu dưỡng phấn đấu rèn luyện trong mọi lúc, mọi nơi, sống buông thả, ngại khó, ngại khổ, ngại rèn, thích hưởng thụ hơn cống hiến, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa thực sự gần dân, sát dân, trọng dân. Cá biệt còn có một số cán bộ cao cấp còn vi phạm rất nghiêm trọng kỷ luật Đảng, kỷ luật của ngành công an, những quy định đảng viên không được làm.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đã và đang đặt ra những vấn đề rất cao về nhân cách của người cán bộ nói chung và người cán bộ CAND nói riêng, không chỉ vững về chuyên môn năng lực công tác mà còn phải có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, giản dị, thực sự là công bộc của nhân dân. Theo đó, để phát triển nhân cách người cán bộ CAND trong tình hình hiện nay, cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

     Thứ nhất, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trong mọi tình huống

     Bản lĩnh chính trị là yếu tố cơ bản, tối cần thiết đối với người cán bộ CAND trong tình hiện nay, biểu hiện ở sự nhận thức cao về yêu cầu nhiệm vụ và tính tất yếu phải có bản lĩnh vững vàng thì mới đứng vững trước những biến đổi phức tạp do những tác nhân bên ngoài đem lại. Có bản lĩnh chính trị vững vàng, người cán bộ công an mới không đánh mất bản thân, không bị dụ dỗ, mua chuộc bởi những lợi ích vật chất do người khác đem đến, giữ được phẩm chất nhân cách của người cán bộ công an trong mọi điều kiện hoàn cảnh; ngược lại không có bản lĩnh chính trị vững vàng sẽ dễ bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng bởi những lợi ích vật chất hào nhoáng, không kiên định với quan điểm lập trường của bản thân thì sẽ trượt dài xuống dốc, vi phạm kỷ luật của ngành Công an, thậm chí tham ô, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Do vậy, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ công an trong mọi tình huống là vấn đề cơ bản, xuyên suốt trong quá trình công tác, giải quyết các tình huống, cũng như sau này.

     Phải luôn giữ được những phẩm chất của người cán bộ CAND, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng mối đoàn kết gắn bó máu thịt giữa công an với nhân dân; thường xuyên bám sát cơ sở để có những nhìn nhận, đánh giá khách quan, chính xác từng vấn đề, từng nội dung do thực tiễn đặt ra; tăng cường hoạt động thực tiễn để có những trải nghiệm vấp váp trong cuộc sống, công việc để từng bước trưởng thành, khi gặp những tình huống khó khăn mới không dao động, bi quan, bình tĩnh, sáng suốt trong xử lý mọi vấn đề một cách hiệu quả; nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, những kiến thức chuyên ngành, liên ngành, có phương pháp tác phong công tác khoa học, đúng đắn, liêm khiết, nghiêm túc, không bị chi phối, ảnh hưởng bởi những điều kiện vật chất…

     Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch với lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có đội ngũ cán bộ công an; việc xắp xếp, tổ chức tinh giảm biên chế theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phẩm chất và năng lực ngang tầm nhiệm vụ theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII của Đảng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ do Đảng ta phát động… đã tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi suy nghĩ của đội ngũ cán bộ công an, đặt ra những vấn đề rất cao về bản lĩnh chính trị vững vàng cần phải có ý chí, tình cảm, niềm tin và sự kiên định với con đường đã lựa chọn, không sa ngã vào những vấn đề về đạo đức, lối sống luôn giữ được phẩm chất nhân cách của người cán bộ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

     Thứ hai, xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, phong phú, thấm đẫm các giá trị nhân văn sâu sắc

     Môi trường văn hóa có vai trò quan trọng trong việc phát triển nhân cách của con người nói chung, của người cán bộ CAND nói riêng, không chỉ là nơi để người cán bộ công an bộc lộ các phẩm chất về đạo đức, lối sống mà còn nâng những phẩm chất, nhân cách người cán bộ công an lên tầm cao mới. Xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, phong phú về thực chất là tạo ra những điều kiện tốt nhất để cho người cán bộ công an có cơ hội phát triển năng lực, sở trường của bản thân. Nếu môi trường trong sạch, lành mạnh, phong phú thực sự là chiếc nôi thân yêu của mỗi con người thì có tác dụng phát triển nhân cách của người cán bộ công an; ngược lại nếu môi trường văn hóa không trong sạch, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm văn hóa độc hại thì sẽ kìm hãm sự phát triển của người cán bộ công an.

     Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong sạch được coi là những tác nhân trực tiếp ảnh hưởng tới suy nghĩ, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ công an, giúp họ định hình ra những giá trị văn hóa gì cần phải học hỏi, tiếp thu, kế thừa, phát triển và những gì cần phải đấu tranh loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội. Để xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, phong phú thấm đẫm các giá trị nhân văn thì tập trung xây dựng môi trường sống và làm việc cho người cán bộ công an thật sự dân chủ, văn minh, không có sự đố kỵ, ghen ghét, ganh đua với nhau; xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa cấp trên và cấp dưới, giữa những người cộng với nhau… Đồng thời, tích cực, chủ động đấu tranh với những biểu hiện ngại khó, ngại khổ, không chịu tu dưỡng phấn đấu rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống, có tư tưởng bình quân chủ nghĩa, được chăng hay chớ, mệnh lệnh, hành chính áp đặt ý kiến chủ quan cá nhân đối với cấp dưới; quan liêu, hách dịch nhân dân và những biểu hiện tư lợi cá nhân để làm giàu cho gia đình.

     Thứ ba, thường xuyên học tập, tu dưỡng phấn đấu rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND

     Mỗi người cán bộ công an phải thấm nhuần 6 điều Bác Hồ dạy, không chỉ dừng lại ở những lời nói mang tính chất khẩu hiệu, mà ẩn đằng sau đó là những giá trị tư tưởng, đạo đức nhân văn cao quý, thống nhất giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức với tự nêu gương và thực hành của Người. Việc thường xuyên tu dưỡng phấn đấu rèn luyện theo các tiêu chuẩn, quy định của ngành Công an sẽ giúp cho cán bộ ngày càng trưởng thành, hoàn thiện mình về mọi phương diện. Do vậy, người cán bộ công an xem hoạt động tự tu dưỡng học tập, rèn luyện là yêu cầu bức thiết đặt ra, chứ không phải do tổ chức bắt buộc, đặt mình vào trong tổ chức, lấy chất lượng công việc làm thước đo đánh giá năng lực và phẩm chất nhân cách của người cán bộ công an; đồng thời, tích cực, chủ động đặt ra những yêu cầu cao trong công việc, trong quan hệ, ứng xử với nhân dân, không được bằng lòng, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, không kiêu ngạo, tự phụ mà luôn khiêm tôn, chân thành, giản dị và cầu tiến bộ. Có như vậy, việc phát triển nhân cách của người cán bộ CAND mới thực sự ổn định, vững chắc, mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ của mình, tạo được uy tín, niềm tin với nhân dân.

     Trong phấn đấu rèn luyện về nhân cách đặt lên hàng đầu yếu tố về đạo đức, lối sống của người cán bộ công an, bởi đạo đức là cái gốc của mọi công việc, không có được cái gốc đạo đức trong công việc thì không thể phát triển được nhân cách, dễ rơi vào tham nhãng, lãng phí, có biểu hiện quan liêu, hách dịch đối với nhân dân. Đẩy mạnh việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ. Tự tu dưỡng phấn đấu rèn luyện, học tập của người cán bộ CAND không đơn giản chỉ là việc thực hiện có hiệu quả các chế độ, quy định của ngành công an mà đó là hệ thống những quan điểm, thái độ của chính mỗi cán bộ công an trong việc tự nhận thấy những ưu khuyết điểm của chính bản thân, từ đó, đề ra các hình thức, biện pháp tự soi, tự sửa với những công việc, hành vi cho đúng đắn, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ.

     Phát triển nhân cách người cán bộ CAND trong tình hình hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ giúp người cán bộ công an giữ được uy tín trong cơ quan mà còn dành được nhiều tình cảm của nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.

_______________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

2. Hoàng Chí Bảo, Xây dựng phong cách người công an cách mạng, bản lĩnh, nhân văn, Báo Quân đội nhân dân, 7-3-2018.

3. Tô Lâm, Xây dựng đạo đức người công an nhân dân trong tình hình mới, tapchicongsan.org.vn, 6-3-2018.

 

Tác giả: Lê Anh Dũng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 415, tháng 1 – 2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *