Tà đạo hay tà giáo là hiện tượng tôn giáo không chính thống, không chính đạo, không chính thức, không đúng đắn và không theo quy chuẩn. Các tà đạo thường sùng bái và thần thánh hóa người cầm đầu. Khác với tôn giáo truyền thống, đối tượng sùng bái là những bậc thánh hiền, thần thánh hóa lãnh tụ, siêu trần, thoát thế…; tôn giáo truyền thống phát huy được tác dụng hướng thiện, nâng đỡ cuộc sống con người còn tà đạo thường có tư tưởng cực đoan, chống lại hiện thực xã hội, thực hành lối sống phi pháp, quyên góp, bóp nặn tiền của người dân. Thời gian qua, hoạt động của các “tà đạo” đã tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị và trật tự an toàn xã hội.
1. Nhận diện tà đạo
Người đứng đầu, luôn tự đề cao, đánh bóng bản thân mình, nhiều người trước khi tạo dựng tà đạo còn mắc bệnh tâm thần hoặc từ nước ngoài tuyên truyền phát triển vào trong nước. Lý thuyết, “giáo lý”, “giáo luật” được chắp vá, pha tạp, cải biên từ lý thuyết, giáo lý, giáo luật của các tôn giáo truyền thống, đưa ra lý thuyết tôn giáo mới trái với lý thuyết tôn giáo truyền thống. Tà đạo thường ngụy tạo trong đó những tín điều trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, phản văn hóa, phản khoa học (khuyên người ốm không dùng thuốc, chỉ cần cúng, dâng hoa, cầu nguyện, dùng “nước thánh”, “thuốc Phật”, đập phá bàn thờ tổ tiên, kiêng tắm,…); mê hoặc quần chúng, lợi dụng các tà thuyết về “ngày tận thế” hoặc gắn với các nhu cầu về sức khỏe để lôi kéo, mê hoặc, khống chế tinh thần, chi phối hoạt động đối với người tin theo; xuyên tạc lịch sử, nói xấu xã hội thực tại; khuyên người tin theo thực hành những luật lệ trái với lẽ tự nhiên, ảnh hưởng tới đời sống xã hội, thân xác con người, thực hành lối sống phi pháp, phi nhân tính. Mục đích sâu xa của tà đạo là vì lợi ích của “giáo chủ” và các đối tượng cốt cán, tay chân của chúng, thông qua những hành vi: thu lệ phí vào đạo, bán sắc phong, thẻ ngọc, điệp quy, bùa, kinh sách, thuốc chữa bệnh trái phép; khuyếch trương thanh thế bằng những luận điệu tuyên truyền mê hoặc quần chúng; lợi dụng, thổi phồng các vấn đề bức xúc của xã hội, công kích xã hội đương thời và chính quyền, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, mê hoặc lòng người, lôi kéo quần chúng gây rối trật tự an ninh xã hội; công kích, nói xấu các tôn giáo đã được nhà nước công nhận. Thực hành các nghi lễ mang yếu tố mê muội, mê tín dị đoan, lừa bịp người dân tin theo, phản khoa học, trái với những nghi lễ truyền thống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc… Đặc biệt là thần thánh hóa lãnh tụ, các bậc thánh hiền, danh nhân, anh hùng dân tộc… Phương thức hoạt động bí mật là cách thể hiện chung của các tà đạo, lẩn tránh sự quản lý của Nhà nước, thường xuyên thay đổi địa điểm để tránh sự phát hiện, xử lý của chính quyền; lợi dụng sơ hở của pháp luật trong việc quản lý của chính quyền cơ sở để tuyên truyền, phát triển tà đạo trái pháp luật; tán phát tài liệu tuyên truyền ở những nơi công cộng, nơi tập trung đông dân cư; tập luyện “dưỡng sinh” ở công viên, quảng trường, vườn hoa, trường học; lợi dụng những vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn thấp, điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe còn khó khăn để lừa bịp, lôi kéo, khống chế… Đối tượng tin theo phần lớn là những người gặp rủi ro, bế tắc trong cuộc sống, ốm đau, bệnh tật, nghèo khó; những người có trình độ văn hóa thấp, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hoặc người nhẹ dạ, cả tin, phụ nữ, học sinh, sinh viên và người già.
2. Nguyên nhân xuất hiện và gia tăng tà đạo ở nước ta
Do tác động tiêu cực từ mặt trái cơ chế thị trường, làm cho trật tự kỷ cương, đạo đức, lối sống sa sút, cùng với tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, hách dịch khiến một bộ phận nhân dân hoang mang mất niềm tin vào cuộc sống. Trong tâm trạng hoang mang, lo lắng đó, một bộ phận nhân dân cần sự an ủi, xoa dịu, giải tỏa những bức xúc hàng ngày, hàng giờ tác động đến cuộc sống của họ và “tà đạo” đáp ứng nhu cầu đó. Sự phát triển của khoa học – công nghệ, một mặt tạo điều kiện cho con người cơ hội để phát triển, mặt khác cũng làm cho mỗi người có thể chia sẻ, lựa chọn cho mình vô số thần linh khác nhau và người ta có thể đến với thần linh bằng nhiều cách, đến với tà đạo cũng là một cách để thỏa mãn nhu cầu trong hiện thực. Các thế lực thù địch coi tà đạo là một hướng mới gây mất ổn định xã hội. Họ cung cấp tiền của, phương tiện truyền bá, phát triển tà đạo, gây tâm trạng hoang mang trong nhân dân, làm phức tạp thêm tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền địa phương. Nguy hại hơn, chúng lợi dụng tà đạo để gây rối an ninh, trật tự, chia rẽ đoàn kết dân tộc, kích động bạo loạn.
Những năm qua, trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng, ở nơi này nơi khác, lúc này lúc khác, sự hữu khuynh trong lĩnh vực đấu tranh tư tưởng đã làm trỗi dậy niềm tin vào thế giới bên kia. Một số báo chí, trang mạng đã vô tình hay hữu ý còn cổ súy công khai một số hoạt động mang tính chất mê tín dị đoan, ca ngợi “năng lực siêu phàm”, “phi tự nhiên”, những “tiềm năng đặc biệt” của một số cá nhân trong chữa bệnh, giao tiếp với thế giới siêu nhiên, chưa chú ý đúng mức đến bản chất lừa đảo, lợi dụng của những đối tượng cầm đầu. Hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức chính trị, xã hội cho quần chúng. Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, một số địa phương có xu hướng chỉ quan tâm tới các giải pháp phát triển kinh tế; buông lỏng, ít quan tâm đến các vấn đề xã hội. Quan điểm trong đấu tranh, xử lý đối với các tà đạo và hoạt động mê tín dị đoan tại địa bàn, nhiều mặt chưa thống nhất, còn xem nhẹ trong nhìn nhận, đánh giá tính chất nguy hại và hệ quả tiêu cực của nó. Ở những nơi có tà đạo, hệ thống chính trị còn thiếu nhạy cảm nắm bắt tình hình và có biện pháp giải quyết kịp thời. Quan điểm, nhận thức và giải pháp của các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể đối với tà đạo có lúc, có nơi không rõ ràng, thiếu thống nhất, biện pháp ứng xử thiếu chủ động, linh hoạt và còn lúng túng. Sự phối, kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị đối với các tà đạo còn thiếu đồng bộ và chưa thường xuyên, hiệu quả. Có nơi, các đoàn thể, nhân dân chưa tích cực, chủ động trong công tác vận động, giáo dục thuyết phục những quần chúng bị mê hoặc tin theo tà đạo, chưa đấu tranh, phê phán kiên quyết các đối tượng tuyên truyền tà đạo.
3. Tà đạo gây ra những tác hại lớn đối với đời sống xã hội
Sự xuất hiện tà đạo ở nước ta trong những năm gần đây, phần nào cũng là liều thuốc tinh thần với một số người có hoàn cảnh éo le, rủi ro. Những người đó dựa vào tà đạo và hy vọng được nâng đỡ, an ủi về mặt tinh thần. Tuy nhiên, những ảnh hưởng tiêu cực của tà đạo đến đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, trật tự an toàn xã hội là rất rõ nét. Dễ dàng nhận thấy, hoạt động tà đạo về bản chất là tuyên truyền mê tín dị đoan. Đây là ảnh hưởng rõ nhất và rộng nhất đến đời sống của một bộ phận quần chúng nơi có tà đạo xuất hiện. Trong cái gọi là “kinh thánh”, nghi lễ của tà đạo chứa đựng nhiều yếu tố mê tín dị đoan, lừa gạt quần chúng như: tuyên truyền về “ngày tận thế”, tự xưng là “con trời”, “phật tái thế”, “đức cha, đức mẹ” nhập vào, là cháu, chắt của các vị thần thánh, tiên phật được cử xuống trần gian cứu vớt quần chúng khỏi họa diệt chủng; khuyên mọi người phải tín tâm đọc kinh sách của đạo, không cần phải lao động nhiều, chỉ cần siêng năng cầu nguyện, xin lộc là đủ, phải tập bay, hành xác, khất thực, đốt bỏ tài sản, thực hành nghi lễ phản văn hóa. Trong thực tế, không ít người tham gia các tà đạo trở nên mê muội, không còn khả năng nhận thức thực tế khách quan. Một số người hoạt động trong các tà đạo còn trở thành “thày lang” chữa bách bệnh. Phương pháp chữa bệnh của họ đậm màu sắc mê tín, phản khoa học, làm tổn hại tới sức khỏe, thậm chí dẫn đến chết người do mê muội tin vào cách chữa bệnh đặc biệt của một số người sáng tạo ra “tà đạo”. Trên lĩnh vực kinh tế, những người cầm đầu hoặc có vai trò đáng kể trong các tà đạo đã có hành vi thu tiền trái phép của những người tin theo, không quan tâm đầu tư, lao động sản xuất, kinh doanh đảm bảo cuộc sống gia đình, phát triển xã hội. Họ mê muội nghe theo những lời phán truyền của những đối tượng cầm đầu, theo đạo mới sung sướng, chỉ cần cầu cúng, học đạo là sẽ có ăn. Không những thế, những người cầm đầu còn thường xuyên tổ chức các cuộc thăm viếng, cúng lễ ở nhiều nơi gây tốn kém về thời gian, tiền bạc của người tin theo. Một số tà đạo thực hành nghi lễ phản văn hóa như: cởi bỏ quần áo, đập bỏ bàn thờ gia tiên, sinh hoạt tình dục bừa bãi. Có tà đạo thực hành nghi lễ mang tính chất phi nhân tính, kỳ quặc như: tự chặt ngón tay để bỏ đi một phần thể xác cho siêu thoát; tự hành hạ thể xác như đánh vào thân thể mình; kích động tín đồ tự vẫn tập thể; kiêng tắm rửa; kiêng quan hệ vợ chồng; không sinh con cái… Những hành vi đó của một số tà đạo đã gây lo lắng, hoang mang trong một bộ phận nhân dân.
Trong khi đất nước ta đang phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì những hoạt động của tà đạo là sự cản trở không nhỏ khiến cho đông đảo người dân bất bình, phản đối. Ngoài những hậu quả tiêu cực về sức khỏe, tinh thần, xâm phạm tài sản và nhân phẩm con người, về trật tự xã hội, tuyên truyền mê tín dị đoan mà các tà đạo trực tiếp hay gián tiếp gây ra, tà đạo còn làm nảy sinh những mâu thuẫn ngay trong từng gia đình, dòng họ, những người theo và không theo đạo
4. Đấu tranh, ngăn chặn các tà đạo
Các cơ quan chức năng, cơ quan thông tấn báo chí, truyền hình cần đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên tuyền để quần chúng nhân dân hiểu rõ, nhận biết về tà đạo; chỉ rõ những hệ quả, tác hại của nó, giúp quần chúng nhân dân thấy rõ tính chất mê tín, dị đoan, trục lợi, phản văn hóa, phản khoa học của các tà đạo. Trước mắt, chính quyền cơ sở cần tăng cường công tác quản lý việc đi lại, tuyên truyền, lôi kéo người vào tà đạo của một số đối tượng cầm đầu; nắm bắt thông tin, số hộ, số khẩu theo tà đạo một cách chính xác để việc tuyên truyền, vận động đúng người, đúng đối tượng. Phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc tiến bộ trong các tôn giáo, nhất là đạo Công giáo, Tin lành trong tuyên truyền, vạch trần tính chất mê tín, dị đoan, trục lợi, phản khoa học của các tà đạo. Trong quá trình tuyên truyền, vận động phải hết sức khéo léo, thận trọng, tránh kẻ địch lợi dụng, vu cáo chính quyền vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Phương châm thực hiện là lấy vận động, giáo dục, thuyết phục là chính. Nếu đối tượng nào ngoan cố, chống đối thì lập biên bản và xử lý theo trình tự từ thấp đến cao để răn đe các đối tượng khác; hạn chế tối đa tình trạng dùng biện pháp hành chính, cưỡng bức… để ép tín đồ bỏ đạo. Cần xử lý nghiêm những đối tượng cầm đầu có mưu đồ chính trị để làm gương và răn đe cho đối tượng khác, làm càng sớm càng tốt. Riêng đối với “tín đồ” thì cần có chính sách khoan dân, nên đề cao công tác vận động, giáo dục, cảm hóa, không nên truy đến cùng hoặc đưa bà con ra kiểm điểm trước dân; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá chế độ…; khẳng định lại chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước là tôn trọng quyền tự do tôn giáo của công dân; vận động nhân dân tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. Lãnh đạo nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Làm tốt công tác giáo dục tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, xây dựng tinh thần làm chủ, đoàn kết, gắn bó, tình làng nghĩa xóm, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau; đoàn kết các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Tăng cường tuyên truyền làm cho nhân dân hiểu và chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và nhiệm vụ của cơ sở. Hiểu được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, kịp thời nắm bắt những vấn đề mới phát sinh trong nội bộ nhân dân nói chung và những vấn đề liên quan đến tà đạo nói riêng để kịp thời chỉ đạo giải quyết và báo cáo lên cấp trên. Làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp các bộ phận trong hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức chính trị xã hội, các lực lượng ở cơ sở kịp thời nắm bắt, giải quyết những phức tạp nảy sinh liên quan đến hoạt động của các tà đạo.
_______________
1. Nguyễn Mạnh Hưởng (chủ biên), Khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Hà Nội, 2003.
2. Nguyễn Hữu Khiển (chủ biên), Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo trong điều kiện xây dựng nhà nước dân chủ, pháp quyền Việt Nam hiện nay, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, 2011.
3. Nguyễn Minh Khải (chủ biên), Tín ngưỡng tôn giáo và thực hiện chính sách tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013.
4. Ban Tuyên giáo Trung ương, Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2017.
Tác giả: Hà Thọ Tiến
Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng