Sử liệu về phường, chợ và đời sống văn hóa Thăng Long thời Trần


Bài viết bước đầu giới thiệu về một hệ thống các phường, chợ dưới thời Trần bằng nguồn sử liệu chính sử như: Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư. Tác giả đã thống kê được gần chục phường thời Trần với tên gọi khác nhau. Đây là nguồn sử liệu quý cùng với các nguồn sử liệu văn bia, minh chuông sẽ góp phần vào nhận thức, tìm hiểu tên gọi của 61 phường thời Trần. Tuy nhiên, công việc này cần phải có nhiều nguồn sử liệu và thời gian nghiên cứu. Cùng với phường, chợ cũng là một khu vực kinh tế quan trọng của Kinh thành Thăng Long. Thời Trần có nhiều chợ, nhưng tựu trung lại có 2 khu vực ở tả, hữu của kinh thành Thăng Long: gồm khu vực chợ Đông và khu vực chợ Tây. Đây là hai khu vực buôn bán sầm uất nhất của kinh đô.Về đời sống văn hóa dưới thời Trần rất phong phú, đa dạng. Nhiều lễ hội quan trọng của triều đình được tổ chức trong Cấm thành Thăng Long như: lễ đăng quang, nhường ngôi, mừng sinh nhật, mừng thắng trận, lễ hội đua thuyền… Bên cạnh lễ hội mang tính chất cung đình còn có nhiều lễ hội mang tính chất dân gian thể hiện bản sắc dân tộc và tinh thần thân dân của vương triều Trần.

Phường – chợ

Nói đến kinh thành Thăng Long không thể không đề cập đến phường – chợ, bởi đây là một bộ phận quan trọng cấu thành nên diện mạo của kinh thành. Hay nói cách khác, trong khái niệm thành – thị có hai thành tố: thành gồm chỉ công trình quân sự có yếu tố quốc phòng, an ninh, phòng vệ cùng với nó là một hệ thống chính quyền với một thiết chế chính trị cụ thể trong đó có tầng lớp quý tộc, vua, quan và hoàng thân quốc thích, còn yếu tố thị phản ánh đời sống của đông đảo quần chúng nhân dân sống trên kinh đô ấy qua các hoạt động sản xuất, mua, bán trao đổi hàng hóa. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Kinh đô Thăng Long thời Trần có đến 61 phường. Tuy nhiên, số lượng mà chúng ta ngày nay biết được qua chính sử ít hơn rất nhiều.

Phường

Đã có nhiều nghiên cứu về tên gọi các phường nói chung và tên gọi hành chính của kinh thành Thăng Long thời Lê nói riêng (1). Tuy nhiên, việc nghiên cứu tên gọi các phường thời Lê trở về sau có nhiều thuận lợi hơn thời Lý – Trần, bởi nguồn sử liệu để nghiên cứu tên gọi các phường thời Lý Trần rất ít. Nguồn sử liệu thời Trần chủ yếu là các bộ chính sử như Việt sử lược và sách Thiền uyển tập anh. Ngoài ra, các nguồn sử liệu khác như bi ký, minh chuông thời Trần về trước rất hiếm hoi. Ngược lại, việc nghiên cứu tên gọi các phường từ thời Lê trở về sau có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, bởi ngoài chính sử còn có nhiều nguồn sử liệu khác bổ trợ như: sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Hồng Đức bản đồ và một hệ thống văn khắc văn bia, minh chuông của kinh thành Thăng Long rất phong phú, đang dạng. Tất nhiên, nhiều tên gọi các phường thời Lê cũng đã kế thừa tên gọi thời Lý – Trần. Do đó, những địa danh thời Lý – Trần được đề cập trên các nguồn sử liệu đương thời được coi là tin cậy bậc nhất để nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội. Việc so sánh tên gọi các phường được ghi vào đúng của khung niên đại thời Trần với tên gọi của các đời sau đó và hiện nay chúng ta cũng có thể xác định được khoảng vị trí tên gọi của nó và định vị được một cách tương đối. Chẳng hạn như phường Yên Hoa (煙華坊) đến thời Nguyễn thì được đổi tên thành phường Yên Phụ (煙附坊). Vì theo lệ kiêng húy, Hoa là tên mẹ của vua Thiệu Trị (1841 – 1847) (tức Hồ Thị Hoa)(2).

Phường Hạc Kiều 鹤桥坊  đề cập năm 1226 ở bên tả, gần với cung Phụ Thiên (cha của Trần Thái Tông) ở. Như thế, nếu lấy vị trí của điện Thiên An thời Trần (sau này là điện Kính Thiên thời Lê) làm hệ quy chiếu thì các cung thời Trần dành cho Thượng hoàng và Thái Thượng hoàng thuộc về bên tả, phía sau của khu vực chính điện. Khu vực này khá yên tĩnh thích hợp cho việc nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Vậy phường Hạc Kiều ở bên tả của cung này thì nó phải nằm tiếp giáp, liền kề với cung Phụ Thiên. Vậy phường Hạc Kiều có thể gần với khu vực Đông Bộ Đầu tức khoảng phố Hàng Than, Cửa Bắc ngày nay (?).

Tên gọi của phường Ô Chợ Dừa có lẽ đến bây giờ không thay đổi. Chỉ có điều địa giới hành chính có lẽ sẽ khác xưa. Phường Chợ Đông cũng tương tự, nay là khoảng khu vực của phố Cửa Đông, gần đó vẫn còn một ngôi chùa cổ kính mang tên chùa Cầu (3). Hay tên gọi của phường Tây Giai 西階 (thềm phía Tây) hoặc có khi viết thành Tây Nhai 西街 (khu phố phía Tây). Theo chỉ dẫn của chính sử (năm 1295) thì phường Tây Giai thuộc bên hữu kinh thành. Tên gọi của phường này đã được nhiều nhà nghiên cứu xác định từ thời Lê về sau nó được gọi là Liễu Giai vì khi đó khu vực này được trồng nhiều cây liễu nên thành tên gọi. Tên gọi Liễu Giai cho đến nay vẫn còn. Từ tên gọi của phường Tây Giai thời Trần cũng góp phần xác định vị trí, phương hướng của trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Trần.

Tên gọi của phường Cơ Xá (基舍坊) gắn với tên tuổi của một vị anh hùng thời Lý – Thái úy Lý Thường Kiệt. Theo tư liệu lịch sử, cư dân của phường Cơ Xá vốn là từ phường Thái Hòa chuyển sang. Do chủ trương mở rộng kinh thành về phía Tây nên cư dân của phường Thái Hòa (4) được chuyển sang khu vực mới lấy tên là An Xá 安舍 (với mong ước được yên ổn làm ăn). Sau đó, dưới thời vua Lý Thần Tông (1132), phường được đổi tên thành phường Cơ Xá (nay là làng Bắc Biên, thuộc phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội)(5). Tên gọi chùa An Xá được khắc lên quả chuông của chùa, An Xá tự chung, được đúc năm Chính Hòa thứ 11 (1690) nhưng vẫn mang tên gọi từ thuở ban đầu khi mới chuyển rời từ phường Thái Hòa sang khu vực định cư ban đấu cho đến trước năm 1132. Đối chiếu giai đoạn lịch sử thời Trần ghi về làng Cơ Xá với bài minh khắc trên chuông cho thấy: tên gọi phường Cơ Xá (基舍) được dùng trong khoảng thời gian từ 1132 đến 1226(6). Nhưng nếu so sánh tên gọi của của phường này ghi trong chính sử giai đoạn triều Lý với lịch sử tên gọi được phản ảnh trên bài minh chuông này lại thấy có sự khác nhau. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Năm Long Phù thứ 9 (1109), mùa xuân, tháng 2, đắp đê phường Cơ Xá”(7). Vậy phải chăng tên gọi Cơ Xá đến năm 1109 đã chính thức được đặt tên thay vì tên gọi An Xá trước đây (?). Hay, bên cạnh tên gọi do chính quyền hành chính ban hành thì người dân vẫn quen gọi tên cũ để nhắc nhớ con cháu về nguồn gốc quá trình lập nên hương ấp (?). Đó là trường hợp năm 1690 vẫn sử dụng tên gọi ban đầu của làng qua bài minh chuông An Xá tự chung安舍寺鍾.

Chợ

Cho đến hiện nay, có rất ít tư liệu phản ánh về chợ và hoạt động thương mại trên kinh đô Thăng Long. Mục đích của những người chép sử thời xưa là ghi lại những hoạt động của vương triều, của những nhân vật vua, quan trong triều chứ không phải ghi lại những hoạt động của dân chúng. Đó là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, qua những thông tin gián tiếp trong chính sử cũng đã đưa ra được vài thông tin quý báu về tên chợ thời Trần. Chẳng hạn như những năm cuối đời của Thượng hoàng Lý Huệ Tông, Ông không còn quyền uy, không có con trai nối dõi, quyền hành đã nằm trong tay của Trần Thủ Độ, vua đã già như một ông lão nhà quê, thân hình tiều tụy, nhiều lần vua đi ra chợ Đông mọi người kéo đến xem và rất thương xót. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Năm Bính tuất (1226). Trước đó, Thượng hoàng nhà Lý có lần ra chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, có người thương khóc (8). Tên gọi chợ Đông còn được nhắc đến một lần nữa vào cuối TK XIII với mục đích xử người làm thư nặc danh phỉ báng nhà nước, với mức phạt tội lăng trì. Mục đích xử tội ở giữa chợ nhằm mục đích thị uy và làm gương cho kẻ khác. Quý mùi (1283). Tháng 2, trị tội thượng vị hầu Trần Lão, cho Lão chuộc tội 1.000 quan tiền, độ làm lính, lăng trì tên Khoáng là gia nô của Lão ở chợ Đông, vì tội làm thư nặc danh phỉ báng nhà nước (9). Chợ Đông chính là chợ ở phía Đông của khu vực Hoàng thành Thăng Long. Đây là một trong những ngôi chợ nổi tiếng, trung tâm buôn bán sầm uất của kinh thành Thăng Long vào thời Trần và thời Lê sau này. Có thể, khu vực chùa Cầu Đông (khu vực Hàng Đường ngày nay) nằm trong khu vực trung tâm của chợ Cầu Đông thời Trần. Đến thời Lê, chùa Cầu Đông, cảnh quan và những sinh hoạt của chợ (Tiếng sáo Cầu Đông) đã trở thành một trong tám cảnh đẹp tiểu biểu của Thăng Long (Thăng Long bát cảnh).

Có thể nói rằng, qua các nguồn sử liệu thư tịch, qua chính sử đã cho biết một số thông tin về một số phường và chợ của Thăng Long thời Trần. Mặc dù, tư liệu đề cập đến tình hình phường – chợ ở Kinh đô không được nhiều, nhưng qua đó có thể hình dung được một số vị trí của phường và tên chợ thời đó. Những nguồn sử liệu ít ỏi trên chưa đủ vẽ lên được bức tranh sinh hoạt của người dân chốn Kinh kỳ thời Trần nhưng nó cũng đủ làm bằng chứng chứng minh sự phát triển liên tục suốt mấy thế kỷ của một vài phường, chợ nổi tiếng từ đầu thời Trần cho đến cuối thời Lê.

2. Mấy nét về đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân Thăng Long thời Trần

So với nguồn sử liệu chính sử viết về thời Lý, nguồn sử liệu thời Trần ít đề cập đến những hoạt động văn hóa, tinh thần và đời sống tôn giáo của cư dân Thăng Long. Cụ thể là các công trình mang tính chất tôn giáo như: việc xây dựng các ngôi danh lam cổ tự, các quán Đạo giáo, các đàn tế, thậm chí những sự kiện Phật giáo cũng ít được đề cập đến.

Một trong những vấn đề quan trọng của văn hóa, giáo dục là việc đào tạo nhân tài của quốc gia. Thời Trần, công việc đào tạo ở cấp trung ương vẫn được triều đình coi trọng. Một số kỳ thi Thái học sinh được diễn ra ở Quốc Tử Giám nhưng vẫn chưa tổ chức đều đặn thường xuyên. Đây vẫn là giai đoạn quá độ vận động và chuẩn bị cho một nền Nho học phát triển cao ở giai đoạn sau. Việc sửa soạn lại Quốc Tử Giám vào năm 1243, ban chiếu chọn học trò vào học ở Quốc Học viện năm 1253, giảng học sách ngũ kinh, Tứ thư là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của triều đình theo hướng Nho học.

Bên cạnh trường công do nhà nước đứng ra xây dựng, tổ chức, đào tạo thì việc xây dựng hệ thống trường tư với quy mô lớn cũng đã được xuất hiện do Trần Ích Tắc đảm nhiệm: “Đinh mão (1267)… Trần Ích Tắc… từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài, như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu… gồm 20 người, đều được dùng cho đời (10).

Bên cạnh việc chú trọng đào tạo nhân tài, phát triển Nho học, triều đình vẫn quan tâm đến đời sống tôn giáo, tinh thần của người dân thông qua việc xây dựng một số danh lam cổ tự ở Thăng Long như: trùng tu chùa Diên Hựu (1249), lập đàn chay ở chùa Chiêu Thánh. Ở một số địa phương khác, nhiều ngôi chùa lớn cũng được xây dựng như: dựng chùa Phổ Minh ở Tức Mặc (1262), dựng Chùa Thông (Nghệ An) năm (1270) hoặc nhận con gái nhà sư người Hồ là Du Chi Bà Lam vào cung (11).

Về đời sống tinh thần thời Trần không thể không nói đến những lễ hội do vương triều Trần tổ chức mang tính chất hoàng cung. Đó là những hội lớn nhân sự kiện chính trị của triều đình được tổ chức sau lễ đăng quang của Trần Cảnh (1225); lễ kết tóc se duyên giữa công chúa Thiên Thành với Trung Thành Vương (năm 1251) diễn ra 7 ngày đêm. Sử chép: “Tân Hợi (1251), tháng giêng, ngày 15, vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành làm lễ kết tóc với Trung Thành Vương (12). Ngoài ra còn có nhiều lễ hội khác như lễ xem đua thuyền vào mùa thu, tháng 7, ở bến Đông Bộ Đầu năm 1297 (13)…

Trong văn hóa ứng xử thời trần trên Kinh đô Thăng Long, trên tinh thần cơ bản vẫn là cách hành xử theo mối quan hệ thân tình của gia đình và quan hệ làng xã, dòng tộc, chưa có sự quan liêu cách biệt giữa tầng lớp quý tộc và bình dân. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tân hợi (1251) Vua ban yến ở nội điện, các quan đều dự. Đến khi say, mọi người đứng cả dậy, dang tay mà hát. Ngự sử trung tướng (sau đổi là trung úy) Trần Chu Phổ cũng dang tay theo mọi người, nhưng đều không hát câu gì khác, chỉ nói: “Sử quan ca rằng, sử quan ca rằng”. Sau này trong yến tiệc, có người đội mo nang, cầm dùi làm tửu lệnh thì lại càng thô bỉ lắm” (14). Thậm chí sau khi bãi triều không có sự phân biệt đâu là vua, đâu là thần dân, họ đối xử thân thiết như anh em một nhà: “Mậu thìn (1268), xuống chiếu cho các vương hầu, tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình. Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau” (15). Hoặc những sự kiện quan trọng của triều đình như hoàng đế băng hà, người dân vào tận thềm rồng, trước sân Long Trì để viếng tự do như chính ở làng quê, phố phường của mình. Sự việc đó diễn ra vào năm Canh tuất (1310): “Linh cữu sắp đưa rồi mà dân chúng đầy nghẽn như vậy thì làm thế nào? Ngươi hãy làm cho họ tránh ra”. Trọng tử lập tức đến thềm Thiên Trì, gọi quân Hải Khẩu và quân Hổ Dực (Quân do Trọng Tử trông coi) đến ngồi thành hàng trước thềm, sai hát mấy câu điệu Long ngâm. Mọi người đều kinh ngạc, kéo nhau đến xem, cung điện mới giãn người, bèn rước (linh cữu thượng hoàng) về lăng Quy Đức (16).

Giữa chốn triều đình, trước điện lớn nguy nga, khi vận mệnh đất nước gặp nguy lan thì tinh thần dân chủ lại tiếp tục được tập hợp, phát huy, Hội nghị Diên Hồng diễn ra trước bối cảnh của Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông thần thứ 2 (tháng 12-1284), đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ của đại đoàn kết dân tộc: “Thượng hoàng triệu tập phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc” (17).

Tinh thần dân chủ trên Kinh đô Thăng Long, được biểu hiện cụ thể qua mỗi hành động, hành xử của vị hoàng đế, của các vị quan và những người dân. Tuy nhiên, sự dân chủ trong triều đình, trong Cấm thành Thăng Long không phải là sự vô tổ chức, vô kỷ luật mà vẫn phải tuân thủ theo quy định chung thậm chí ở đó không có sự nhân nhượng của những quan hệ riêng tư, nể nang cá nhân. Chẳng hạn như: trường hợp Linh Từ Quốc Mẫu vào năm Giáp ty (1264): “Có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc bảo Thủ Độ…” (18). Thậm chí có khi phải xử phạt những người mắc tội nghiêm trọng với những hình phạt nghiêm khắc: “Canh Dần (1230) Loại bị đồ làm Lao thành binh thì thích vào cổ 4 chữ, bắt dọn cỏ ở Phượng thành, lệ vào quân Tứ Xương”.

Sự hòa đồng đến thân mật nhưng dường như vẫn có sự khác nhau về vị trí xã hội, về mức độ khác nhau của sự đạt đến cảnh giới tu luyện, của đạo và đời… Nếu suy ngẫm thật kỹ và phải có sự tinh tế mới có thể nhận ra được điều đó. Đây là câu chuyện và bài thơ về hai nhà tu hành – Phật sống của phái Trúc lâm Yên Tử, về tâm thái của họ trước lạc thú ở đời. Đại việt sử ký toàn thư ghi: “Năm Giáp ngọ (1294). Đến khi Thượng hoàng (Trần Nhân Tông) xuất gia, mời Đạo Tái vào điện Dưỡng Đức, cung Thánh Từ cho ngồi ăn các món hải vị…”.

Kinh đô Thăng Long thời Trần phát triển trên cơ sở kế thừa một số thành quả vật chất và tinh thần của thời Lý. Bên cạnh hệ thống “thành” với những địa danh của những công trình kiến trúc, cơ sở hạ tầng trong Cấm thành và Kinh đô Thăng Long còn có một hệ thống “thị”. Tên của một số chợ buôn bán và tên của “phường” của người dân Thăng Long vẫn song song tồn tại bên cạnh trung tâm quyền lực, chính trị. Nguồn sử liệu về tên gọi các phường và chợ Thăng Long thời Trần hy vọng sẽ được bổ sung qua các nguồn sử liệu sưu tầm và nghiên cứu trong tương lai.

Về văn hóa tinh thần của cư dân Thăng Long cũng như của tầng lớp quý tộc, hoàng tộc cho thấy, điểm nổi bật của vương triều Trần là tinh thần tự do, nhân ái, hòa đồng nhưng cũng rất công minh, công bằng, chính trực. Đời sống văn hóa, tinh thần phát triển nhưng không phải là một nền văn hóa quan liêu, cứng nhắc mà ngược lại nó thấm nhuần một lối sống và tinh thần hành xử rất nhân văn của quan hệ làng xã và tình người, của tấm lòng độ lượng, bao dung.

_______________

1. Tham khảo các nghiên cứu của Phạm Thị Thùy Vinh: Xác lập tên gọi 36 phường của Kinh thành Thăng Long từ TK XV đến TK XVIII, Tạp chí Hán Nôm, số 2 (105), 2011, tr 29-33; Tìm hiểu sự biến động của các địa danh hành chính thuộc Kinh thành Thăng Long được phản ánh trên tư liệu văn khắc Hán Nôm, Tạp chí Hán Nôm, số 6 (115), 2012, tr.43-50.

2. Ngô Đức Thọ, Chữ húy Việt Nam qua các triều đại, Nxb Khoa học Xã hội, 1997.

3. Tham khảo Văn bia chùa Cầu Đông 東門寺, niên đại Dương Hòa 5 (1639); Ký hiệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm, No: 318.

4. Vị trí phường Thái Hòa thời Lý đã được nhiều nhà nghiên cứu sử học xác nhận nó thuộc khoảng vị trí khu vực gần Thủ Lệ, Núi Cung (hiện nay).

5. Theo minh chuông chùa An Xá “An Xá tự chung”安舍寺鍾, niên đại Chính Hòa thứ 11 (1690) hiện được lưu giữ tại chùa. Tham khảo: Nguyễn Xuân Hòa – Nguyễn Hữu Tưởng, An xá – Cơ Xá – Phúc Xá lịch sử một tên làng gắn với lịch sử Thăng Long, Thông báo Hán Nôm học, 2002, tr.196- 201.

6. Đại Việt sử ký toàn thư, Bk, Q VI, Lý kỷ, tờ 30a, bd, tập II, tr.35.

7. Đại Việt sử ký toàn thư, Bk, Q III, Lý kỷ, tờ 15b, bd, tập II, tr.285.

8, 9, 10, 11, 12, 13, 15, 16, 17. Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển VI, kỷ nhà Lý, tờ 2b, bd, tập II, tr.8; tờ 43b, bd, tập II, tr.49; tờ 31a, bd,  tập II, tr.36; tờ 27b, bd, tập II, tr.96; tờ 17a, bd,  tập II, tr.23; tờ 4a,b, bd, tập II, tr.74; tờ 31b, bd, tập II, tr.37; tờ 26a, bd, tập II, tr.95, tờ 44a, bd, tập II, tr.50.

14. Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển V, kỷ nhà Lý, tờ 18a, bd, tập II, tr.24.

18. Đại Việt sử ký toàn thư, 1993, Bản kỷ, quyển VI, kỷ nhà Lý, tờ 28b, bd, tập II, tr.34; tờ 6a, bd,  tập II, tr.12; tờ 2b, bd, tập II, tr.73.

 

Tác giả: Nguyễn Quang Hà

Nguồn : Tạp chí VHNT số 412, tháng 10 – 2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *