Lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc đã khẳng định, chứng minh vai trò to lớn của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước. Cùng với những thắng lợi vĩ đại trên mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự, thắng lợi trên mặt trận văn hóa cũng vô cùng to lớn, góp phần làm rạng danh dân tộc trên trường quốc tế. Văn hóa đã thực sự trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc trong xây dựng, định hướng, phát triển và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn chú trọng quan tâm đến việc chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng văn hóa và phát triển con người Việt Nam nhằm đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sự nhận thức của Đảng ta về xây dựng, phát triển văn hóa với con người Việt Nam là sự thống nhất biện chứng, tác động qua lại với nhau, không có sự tách biệt riêng rẽ; là sự gắn kết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Xây dựng văn hóa cũng đồng thời là phát triển con người với đầy đủ phẩm chất, năng lực, uy tín để phục vụ cho việc giữ gìn, phát huy và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đó là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, gắn liền với những hoạt động thực tiễn của con người trong việc đề ra những nội dung, chương trình và những cách thức, biện pháp để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Con người với tư cách vừa là chủ thể sáng tạo, truyền bá, thụ hưởng văn hóa, vừa là trung tâm của chiến lược phát triển. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa nếu không nhằm hướng tới hoàn thiện nhân cách cho con người sẽ tạo ra “khoảng trống” rất lớn về mặt đạo đức, lối sống trong xã hội, thậm chí bị xuống cấp, đảo lộn những quy tắc chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Chính vì lẽ đó, mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới phát triển con người toàn diện cả về đức – trí – thể – mỹ, trong đó đặc biệt coi trọng đến vấn đề đạo đức, lối sống, nhân cách.
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã sớm nhận ra giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa và đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để xây dựng nền văn hóa phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, trong đó có việc gắn kết, xây dựng văn hóa với phát triển con người. Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã khẳng định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng mang tính khoa học, dân tộc và đại chúng; đó là nền văn hóa lấy quần chúng nhân dân làm đối tượng phục vụ, mang đậm chất dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa” (1) và “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa có đạo đức, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng” (2). Văn hóa xa đời sống, xa lao động là văn hóa suông. Do vậy, vấn đề xây dựng nền văn hóa phải được xem là một thành tố có vị trí ngang hàng với các thành tố kinh tế, chính trị, không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị.
Quá trình nhận thức của Đảng ta về xây dựng, phát triển văn hóa với phát triển con người là sự tích lũy về quan điểm, đường lối, phương hướng, biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo con người để xây dựng nền văn hóa Việt Nam cho phù hợp với từng giai đoạn, từng thời điểm cụ thể của lịch sử đất nước. Qua hơn 30 năm đổi mới đất nước, Đảng ta nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn về sự cần thiết phải phát triển văn hóa với phát triển con người và đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển văn hóa. Những văn kiện đó thể hiện một bước tiến mạnh mẽ trong nhận thức của Đảng ta về xây dựng văn hóa với phát triển con người Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã khẳng định: “Làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng con người, từng gia đình… phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiên tiến, vững bước lên chủ nghĩa xã hội” (3).
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự của phát triển” (4). Đến Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, vấn đề xây dựng nền văn hóa, phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước tiếp tục được đề cập một cách toàn diện và sâu sắc. Nghị quyết xác định xây dựng nền văn hóa và phát triển con người là những yếu tố cấu thành không thể thiếu được để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay, đó là ràng buộc, chi phối lẫn nhau không được xem thường, đề cao bất kỳ yếu tố nào.
Trong giai đoạn hiện nay, nhận thức về mối quan hệ giữa xây dựng nền văn hóa với xây dựng con người đã được Đảng ta nhận thức ngày càng rõ hơn, sâu sắc hơn. Đảng ta đã chỉ rõ: Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, xây dựng nền văn hóa nhằm hướng tới hoàn thiện nhân cách của con người, đào luyện ra những con người “vừa hồng”, “vừa chuyên” có đầy đủ những yếu tố, phẩm chất của con người Việt Nam trong thời đại mới: yêu nước, trung thực, lao động tự giác, tận tụy, sáng tạo, khiêm tốn, có lối sống giản dị, có lòng vị tha, nhân ái, bao dung. Do đó, phát triển văn hóa, con người trong sự gắn kết chặt chẽ là hướng đích quan trọng, sâu xa nhất của đổi mới và phát triển ở nước ta. Con người không chỉ là chủ thể sáng tạo văn hóa, tiêu dùng và cảm thụ sản phẩm văn hóa, mà còn là chủ thể sáng tạo lịch sử, là mục tiêu và động lực đổi mới của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp là trọng tâm của phát triển văn hóa, mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng xây dựng và phát triển con người. Đó là sự phát triển nhận thức về tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về mối quan hệ giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người đã được thể hiện rõ trên cả phương diện lý luận về xác định đường lối xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Nhìn chung, chủ trương và đường lối của Đảng về văn hóa là phù hợp với sự phát triển của tình hình thực tiễn, thể hiện sự thống nhất về quyền lợi giữa Nhà nước và nhân dân; đã thực sự làm thay đổi đời sống văn hóa tinh thần và vật chất của nhân dân. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trên cơ sở đánh giá sâu sắc tình hình thế giới, khu vực, đất nước đến văn hóa, con người, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định rõ mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đại hội xác định: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” (5).
Để thực hiện mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ được Đảng xác định, Đại hội XII của Đảng chỉ ra tám vấn đề lớn cần phải quán triệt và thực hiện trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đó là: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa. Những vấn đề mà Đảng ta xác định vừa thể hiện sự kế tục, tiếp nối những thành quả của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ mới, vừa thể hiện rõ sự phát triển vượt bậc lên một nấc thang mới trong nhận thức lý luận, thực tiễn của Đảng ta về lĩnh vực văn hóa, con người. Văn hóa, con người được gắn kết rất chặt chẽ và sát với đời sống hiện thực. Xác định con người là chủ thể sáng tạo, truyền bá, thụ hưởng văn hóa, là trung tâm của chiến lược phát triển. Xây dựng con người có nhân cách tốt, lối sống đẹp là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người.
Để thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện, Đảng ta chỉ ra rằng, phải “đúc kết… hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (6) trên các vấn đề cốt lõi “nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật” (7). Những vấn đề đặt ra về chuẩn mực con người Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng là sự kế thừa toàn bộ những chuẩn mực giá trị của con người đã được xác định trong thời kỳ đổi mới, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã khái quát, vừa cô đọng, vừa phản ánh đúng vấn đề bức thiết mà con người Việt Nam cần đạt chuẩn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Hội tụ đủ chín nội dung nhân cách, đạo đức, trí tuệ; năng lực sáng tạo, thể chất tâm hồn; trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật mà Đại hội XII của Đảng nêu lên về chuẩn mực con người Việt Nam, vừa phản ánh sự kế thừa cốt cách con người Việt Nam, vừa phản ánh sự kế thừa cốt cách con người Việt Nam truyền thống, bước đầu bổ sung, định hình, phát triển một số giá trị theo yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, vừa là mục tiêu vươn tới, phải không ngừng hoàn thiện, khẳng định sự phát triển bền vững của văn hóa, con người Việt Nam. Chỉ có như thế, văn hóa, con người Việt Nam mới thực sự trở thành động lực nội sinh quan trọng, nền tảng tinh thần để phát triển toàn diện đất nước, sớm hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Văn hóa là sự kết tinh những gì tinh túy nhất, tiêu biểu nhất của những giá trị trong thực tiễn chiến đấu và cuộc sống lao động sản xuất của con người. Vì thế, văn hóa luôn hiện hữu, định hướng, chi phối cuộc sống của mỗi con người. Đối với Việt Nam, văn hóa là sự phản ánh những nét đặc trưng, bản chất về tâm hồn, lối sống, cốt cách của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc về nền văn hóa thăng hoa, rực rỡ, luôn lung linh tỏa sáng cùng với năm tháng thời gian trong thời đại mới.
Trước bối cảnh mở cửa, hội nhập và phát triển, nhiều nền văn hóa đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau thì sự gắn kết giữa xây dựng văn hóa với phát triển con người để giữ gìn cho được bản sắc văn hóa của dân tộc, để hòa nhập mà không hòa tan rất quan trọng. Đó là cái đích hướng tới của việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam gắn với phát triển con người toàn diện về đức – trí – thể – mỹ.
_______________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.470.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.170.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.55.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.75-76.
5, 6, 7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.126-127.
Tác giả: Vũ Hữu Chung
Nguồn: Tạp chí VHNT số 413, tháng 11 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng