Nhận thức về xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam


Nhận thức về xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam là một quá trình tiếp thu biện chứng và sáng tạo đối với lý thuyết pháp quyền trong lịch sử tư tưởng, đặc biệt là quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin trong việc xác định con đường, nội dung và bản chất của nhà nước cho phù hợp với điều kiện lịch sử và thực tiễn của đất nước ta trong tiến trình xây dựng, phát triển. Điều đó được thể hiện rất rõ trong hệ thống quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần của các nghị quyết, văn kiện, các tài liệu của Đảng trong từng thời kỳ phát triển đất nước.

Ở nước ta, người đầu tiên đã vận dụng tư tưởng về xây dựng nhà nước pháp quyền và tư tưởng về nhà nước xã hội chủ nghĩa vào xây dựng nhà nước kiểu mới là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã chủ trương xây dựng một nhà nước pháp quyền trên nền tảng dân chủ, một chế độ dân chủ thực sự mà bao nhiêu lợi ích, quyền hạn và lực lượng đều thuộc về quần chúng nhân dân. Cái tinh thần pháp quyền ấy được thấm nhuần trong tư tưởng của Người ngay từ rất sớm. Trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam ở điều thứ 7, để đòi quyền tự do, dân chủ cho nhân dân, đòi thực dân Pháp cải cách nền pháp lý Đông Dương, thay đổi chế độ các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật, Người khẳng định: “Bảy xin hiến pháp ban hành, trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Quan điểm này đã thể hiện yêu cầu và tính tất yếu của việc xây dựng một nhà nước pháp quyền trên cơ sở của hiến pháp và thượng tôn pháp luật. Nhưng cái nền pháp quyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn hướng tới là pháp quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa – nền dân chủ của nhân dân và vì nhân dân. Điều này được Người nhấn mạnh trong bản Tuyên ngôn độc lập (1945) với việc trích dẫn Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ (1776) và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (1791) để khẳng định các quyền căn bản, bất khả xâm phạm của con người mà tạo hóa cho họ, đó là “quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc” và “quyền được tự do và bình đẳng về lợi ích”. Như vậy, những tư tưởng về quyền con người của cuộc cách mạng tư sản đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu sáng tạo và nâng nó lên thành quyền dân tộc, biến nó thành bản chất của nền dân chủ XHCN Việt Nam sau này: “Chế độ ta là chế dộ dân chủ. Nhân dân là chủ, chính phủ là đầy tớ của nhân dân. Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình chính phủ” (1).

Có thể nhận thấy rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền ban đầu mới chỉ là những nhận định, suy nghĩ về vai trò của pháp luật trong việc thực hiện dân chủ của người dân Việt Nam, là sự khẳng định các quyền tất yếu của con người khi các quyền ấy đang bị tước đoạt bởi sự thống trị của chế độ thực dân Pháp. Cùng với thực tiễn xây dựng đất nước, quá trình nhận thức về nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam dần được hình thành và phát triển.

Mặc dù đã có những tiền đề tư tưởng, những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại về nhà nước pháp quyền từ rất sớm nhưng chỉ cho tới thời kỳ đổi mới, thông qua các văn kiện của Đảng, các văn bản pháp lý của nhà nước, Đảng ta mới thực sự phản ánh được quá trình nhận thức một cách đúng đắn, đầy đủ, cụ thể về việc xác định con đường và chiến lược xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đại hội VI của Đảng (12-1986) là một dấu mốc mở đầu cho sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Đó là sự đổi mới của kiến trúc thượng tầng xã hội với những cải cách lớn bộ máy nhà nước cho phù hợp với những chuyển biến mới của nền kinh tế. Là sự thay thế những tư tưởng, tập quán lạc hậu đè nặng lên nền hành chính nhà nước bằng hệ thống quy định pháp lý chặt chẽ, nghiêm minh. Trong đó, chế độ làm chủ tập thể được coi là bản chất của chế độ dân chủ XHCN và cần được thể hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nói về điều này, báo cáo chính trị của đại hội khẳng định: Nhà nước ta là công cụ của chế độ làm chủ tập thể XHCN. Trong thời kỳ quá độ, đó là nhà nước chuyên chính vô sản thực hiện chế độ dân chủ XHCN. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chức năng của nhà nước là thể chế hóa bằng pháp luật quyền hạn, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân lao động và quản lý kinh tế, xã hội theo pháp luật (2).

Đại hội VII của Đảng (6-1991) đã thật sự tạo ra sự biến đổi quan trọng và toàn diện về lý luận xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam trong giai đoạn mới. Đảng ta xác định: tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước theo phương hướng Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng; tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện thống nhất quyền lực nhưng phân công, phân cấp rành mạch; bộ máy tinh giản, gọn nhẹ và hoạt động có chất lượng cao trên cơ sở áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, quản lý (3).

Như vậy, mặc dù chưa đưa ra thuật ngữ nhà nước pháp quyền nhưng những tư tưởng về nhà nước pháp quyền XHCN cũng đã bước đầu được thể hiện trong các văn kiện này.

Đến hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng khóa VII (1-1994), lần đầu tiên đưa vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa một cách chính thức trong văn kiện hội nghị, trong đó nêu ra nhiệm vụ “xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” và chỉ rõ những nhiệm vụ, nội dung quan trọng của nhà nước ta.

Đại hội VIII của Đảng (4-1996) tiếp tục khẳng định nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng trong đó phần nội dung nhiệm vụ có sự cụ thể hóa hơn về giải pháp thực hiện. Hơn nữa, đại hội còn khẳng định nhân dân là nguồn gốc của mọi quyền lực, quyền lực chỉ có một, không phân chia và cần có sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII (6-1997) đã đánh giá những thành tựu trong quá trình đổi mới, tổ chức và hoạt động của Nhà nước ta: từng bước phát triển hệ thống quan điểm và nguyên tắc cơ bản xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Đồng thời, nghị quyết của hội nghị cũng đã chỉ ra các nguyên nhân yếu kém trong xây dựng nhà nước và nhận định rằng: “Việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong điều kiện chuyển đổi nền kinh tế là nhiệm vụ mới mẻ, hiểu biết của chúng ta còn ít, có nhiều việc phải vừa làm, vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm” (4).

Tại Đại hội IX của Đảng, nhận thức về nhà nước pháp quyền có những bước phát triển mới. Đảng ta tiếp tục chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Tiếp đó, ở hội nghị Trung ương 4 khóa IX (11-2001), Đảng ta tiếp tục khẳng định nhất quán về bản chất, nội dung và mô hình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta. Những quan điểm này đã được bổ sung và thông qua chính thức trong điều 2 của Hiến pháp 1992 sửa đổi theo Nghị quyết của Quốc hội tháng 12-2001 như sau: Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Từ đây, khái niệm nhà nước pháp quyền ở Việt Nam được chính thức hình thành và được sử dụng một cách phổ biến.

Đại hội X (2006) và XI (2011) của Đảng vẫn tiếp tục khẳng định những quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta một cách cụ thể hơn nữa:

Xây dựng cơ chế vận hành của nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền (5).

Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và ban hành Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013. Trong đó các nguyên tắc, nội dung, tính chất và đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được thể hiện một cách rất rõ ràng, đầy đủ, mang tính chính trị – pháp lý cao. Hiến pháp 2013 đánh dấu nhận thức vượt bậc, toàn diện và sâu sắc của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân về Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.

Như vậy, xây dựng nhà nước pháp quyền là một quá trình lâu dài, phức tạp của sự vận dụng sáng tạo các giá trị tư tưởng pháp quyền trong lịch sử nhân loại và tổng kết thực tiễn xây dựng nhà nước ta để thường xuyên sửa đổi, bổ sung vào lý luận xây dựng Nhà nước pháp quyền những cái mới tiến bộ phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển của thời đại. Xác định được nhiệm vụ quan trọng ấy, Đảng ta ngay từ thời kỳ đổi mới đến nay đã có những bước phát triển liên tục và biện chứng trong quá trình nhận thức của mình. Từ chỗ chỉ là nhận thức về vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội đến việc chính thức thừa nhận khái niệm “nhà nước pháp quyền” và vận dụng nó vào xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN mang bản chất của nhân dân. Mặc dù ở mỗi chặng đường phát triển của đất nước, quan điểm của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam có sự khác nhau về cách diễn đạt, sử dụng thuật ngữ trên cơ sở kế thừa và bổ sung trong các văn kiện Đại hội và Hiến pháp nhưng về cơ bản, các quan điểm ấy đều thể hiện sự nhất quán trong tư tưởng của Đảng về bản chất, đặc trưng, mục tiêu cũng như động lực của nhà nước ta là “của dân, do dân và vì dân”. Tính nhất quán ấy được thể hiện ở một số nội dung căn bản của lý luận về nhà nước pháp quyền của Đảng như sau:

Một là, nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân.

Hai là, trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, pháp luật phải được coi là tiêu chuẩn tối cao để điều chỉnh hành vi, quyền, nghĩa vụ của mọi công dân, các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội; tăng cường kỷ luật, giáo dục đạo đức trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Ba là, quyền lực nhà nước là thống nhất không phân chia, có sự phân công phối hợp và thống nhất giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Bốn là, nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Đây là một nguyên tắc mang tính phổ biến của mọi nhà nước dân chủ. Điều này đảm bảo cho nhà nước mang bản chất của giai cấp công nhân, thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng có vai trò quan trọng trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc, giữ vững tính chất XHCN của nhà nước pháp quyền.

_______________

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.368.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.117.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr.44.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.40.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.126.

Tác giả : Ngô Minh Thương

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *