Nhân tố cơ bản tác động tới quan hệ truyền thống – hiện đại trong văn hóa quân nhân


Hiện nay, dưới sự tác động của nhiều nhân tố, đối trọng giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong văn hóa quân nhân (VHQN) đang ngày càng gia tăng. Vì vậy, việc xác định nhân tố cơ bản tác động tới mối quan hệ truyền thống – hiện đại trong VHQN là rất quan trọng, nhằm nhận diện rõ nhân tố trực tiếp, quyết định và những tác động tích cực, tiêu cực trong quá trình giải quyết mối quan hệ này, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển VHQN.

    1. Nhân tố truyền thống và hiện đại của văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự

    Nhân tố truyền thống

    Truyền thống của văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự tác động tới mối quan hệ truyền thống – hiện đại trong phát triển VHQN trên các phương diện: nội dung, tính chất, xu hướng vận động. Về nội dung, truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự là tất cả các giá trị văn hóa cao đẹp đại diện cho dân tộc, cho quân đội, là các giá trị nền tảng của con người, dân tộc Việt Nam và của VHQN được kết tinh từ hoạt động lao động sản xuất, chiến đấu, phản ánh nét đặc thù về sinh hoạt, lối sống, tính cách, phẩm chất con người. Văn hóa thuộc kiến trúc thượng tầng nên mọi thay đổi về cấu trúc, nội hàm thường diễn ra rất chậm mặc dù cơ sở hạ tầng đã thay đổi. Bởi vậy, truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự cũng biến đổi chậm. Điều này khẳng định: nhân tố truyền thống của văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự tác động tới quan hệ truyền thống – hiện đại trong phát triển VHQN vừa tích cực vừa tiêu cực. Tác động tích cực bởi chính nó là nền tảng, là cái gốc của phát triển VHQN, tác động tiêu cực vì quân nhân khó tiếp nhận các giá trị văn hóa hiện đại và làm chậm quá trình phát triển VHQN.

    Nhân tố hiện đại

    Nhân tố hiện đại của văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự cũng tác động tới quan hệ truyền thống – hiện đại trong phát triển VHQN trên các phương diện: nội dung, tính chất và xu hướng vận động. Về nội dung, nhân tố hiện đại bao gồm tất cả các giá trị văn hóa tiên tiến do cộng đồng, dân tộc sáng tạo ra trong một lát cắt đồng đại, dùng làm thước đo đánh dấu sự phát triển. Bởi vậy, xem xét, đánh giá sự phát triển của VHQN, phải chú ý tới nhân tố hiện đại của văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự. Về tính chất, nhân tố hiện đại của văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự có tính tiên tiến, sáng tạo. Vì cái mới ra đời được thừa nhận là tiên tiến, tiến bộ thì vượt trội, thậm chí vượt trước cái cũ, phải là kết quả của sự phát triển và không ngừng sáng tạo. Các tính chất này tác động hướng VHQN vươn tới cái tiến bộ. Về xu hướng, tính hiện đại của văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự là xu hướng chính của sự phát triển VHQN. Như vậy, nhân tố hiện đại của văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự tác động tới quan hệ truyền thống – hiện đại trong phát triển VHQN vừa tích cực vừa tiêu cực. Tác động tích cực là làm cho VHQN và truyền thống trở nên hiện đại, mang hơi thở thời đại, không bị lạc hậu, đặt ra các yêu cầu, tiêu chuẩn mới, đáp ứng sự phát triển. Đồng thời nó luôn phá vỡ mọi tiêu chí, hình thức cũ gây ra những tác động tiêu cực trong phát triển VHQN.

    2. Nhân tố toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa

    Tác động của nhân tố toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trên lĩnh vực văn hóa tới quan hệ truyền thống – hiện đại trong phát triển VHQN diễn ra theo cả hai chiều thụ động và chủ động, trong quá trình dung hợp truyền thống – hiện đại. Điều đáng lo ngại là nó làm xói mòn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo ra xu hướng quá chú trọng tới giá trị hiện đại mà xem nhẹ, quay lưng lại với truyền thống; coi nhẹ tính kế thừa truyền thống hoặc ngược lại, tẩy chay các giá trị hiện đại, tôn sùng thái quá truyền thống. Cả hai xu hướng này đều có những điểm tích cực và tiêu cực. Bên cạnh đó, tác động của nhân tố toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gây ra sự đảo lộn các giá trị truyền thống dân tộc vốn có, làm xuất hiện một số phản giá trị như: lười lao động, thích sống ảo, vô cảm… Đây cũng là những tác động ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ truyền thống – hiện đại trong VHQN. Điều này đòi hỏi, để phát triển VHQN, phải giải quyết tốt quan hệ giữa nghĩa vụ, quyền lợi của cá nhân với tập thể, giá trị vật chất với giá trị tinh thần trong thực tiễn đời sống quân ngũ và hoạt động quân sự.

    3. Nhân tố khoa học công nghệ và kinh tế thị trường

    Sự phát triển của khoa học công nghệ, nền kinh tế tri thức với những đột phá về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học đã tác động, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, kéo gần không gian của con người lại với nhau, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của con người ngày một đa dạng, chất lượng. Riêng đối với hoạt động quân sự, những nhân tố khoa học công nghệ còn tác động đến việc tổ chức, huấn luyện, phương thức tiến hành chiến tranh, nghệ thuật quân sự, cách nhìn nhận, lựa chọn giá trị văn hóa quân sự. Tác động của cách mạng khoa học công nghệ tới mối quan hệ truyền thống – hiện đại trong VHQN, thông qua nhiều giá trị văn hóa mới, dẫn tới VHQN hiện nay thiên về hiện đại nhiều hơn. Mặt khác, tác động kinh tế thị trường làm cho nhịp sống, cường độ làm việc của con người trở nên rất cao, rất khó giải quyết quan hệ giữa cơ chế, quy luật thị trường với tình người, giữa cái thiện và cái ác, tạo nên những áp lực không nhỏ trong phát triển VHQN.

    4. Tác động của yêu cầu cao trong xây dựng quân đội

    Hoạt động quân sự gắn với những thử thách giữa cái sống và cái chết, giữa hưởng thụ và cống hiến, rất gian khổ, thiếu thốn cả trong thời bình cũng như thời chiến. Đặc thù đó quy định tính chất, bản chất của hoạt động quân sự, làm cho văn hóa quân sự có nét đặc thù riêng, đặt ra những yêu cầu cao đối với xây dựng quân đội.

     Yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại gắn chặt với bản chất, truyền thống của quân đội nhưng ngày càng đòi hỏi cao với sự phát triển của quân đội hiện đại. Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại là các giá trị văn hóa, phản ánh chiều sâu văn hóa của quân đội trên các phương diện: tổ chức, nề nếp sinh hoạt, vũ khí trang bị, trình độ, phẩm chất, phong cách tư duy… Những yếu tố này có mối quan hệ biện chứng chặt chẽ với nhau, tạo thành sức mạnh tổng hợp, thành phẩm chất văn hóa của quân đội và quân nhân, là mục tiêu cần đạt tới trong phát triển VHQN dựa trên truyền thống văn hóa vững chắc của dân tộc, quân đội.

    Yêu cầu cao về xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị đòi hỏi quân nhân phải trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, với chế độ, có phẩm chất, đạo đức trong sáng, nếp sống chính quy, có năng lực hoạt động thực tiễn giỏi, đủ sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Biểu hiện tác động của yêu cầu này tới quan hệ trong VHQN là sự thống nhất cao về tư tưởng, hành động, bảo đảm quân đội thực sự là lực lượng nòng cốt trong giữ vững định hướng XHCN, ổn định chính trị đất nước.

    Hiện nay, quân đội đã triển khai nhiều hoạt động, phong trào xây dựng văn hóa và con người đạt chất lượng cao; nhiều phong trào, cuộc vận động đã cuốn hút quân nhân tham gia đông đảo, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần của họ. Song, vẫn còn một số mặt chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn đổi mới của đất nước và quân đội, những biểu hiện lệch chuẩn văn hóa do tác động tiêu cực tới mối quan hệ truyền thống – hiện đại trong phát triển VHQN như: xuất hiện tư tưởng, lối sống tiêu cực trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhất là những quan điểm tư tưởng sai trái, thù địch, “diễn biến hòa bình”,…

    Để khắc phục tác động tiêu cực, phát huy tác động tích cực trong xây dựng VHQN, cần thực hiện những giải pháp sau:

    Thường xuyên làm tốt công tác giáo dục nâng cao ý thức VHQN, ngăn ngừa tác động tiêu cực, nhất là tác động của mặt trái kinh tế thị trường. Phát huy những tác động tích cực của các giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự như: yêu nước, đoàn kết, trung thực, nhân nghĩa, nhân văn trong đời sống hiện tại; quan tâm khuyến khích quân nhân sáng tạo giá trị văn hóa phù hợp với thuần phong mỹ tục; kịp thời định hướng tiếp thu cũng như hưởng thụ các giá trị văn hóa, các chuẩn mực hiện đại và gắn với đơn vị cơ sở trong quân đội.

     Nâng cao hành xử văn hóa cho quân nhân ngay từ nếp sống sinh hoạt, tính tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật và lối sống làm việc khoa học. Song song với việc rèn luyện về sức khỏe, kỹ xảo, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, ý thức hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, quân nhân phải thường xuyên rèn luyện về lý trí, tâm hồn, cảm xúc, lý tưởng, củng cố niềm tin vững chắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, làm cơ sở cho quân nhân hành xử có văn hóa trước nhiều biến đổi của tình hình trong nước và quốc tế.

     Ngoài định hướng nhận thức, lý tưởng, tình cảm, đạo đức và hành xử của quân nhân theo hệ chuẩn chân – thiện – mỹ, cần phát huy giá trị văn hóa quân nhân trong thực tiễn, thể hiện thông qua việc chuyển hóa các giá trị văn hóa quân sự thành động lực xây dựng và nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Đồng thời, cần cụ thể hóa những yêu cầu của nếp sống có văn hóa, có tổ chức, có kỷ luật của quân đội thành hệ thống động cơ, thái độ, trí tuệ, năng lực bên trong, thúc đẩy quân nhân giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, văn hóa quân sự trong đời sống hằng ngày, trong hoạt động quân sự và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

_______________

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

2. Dương Xuân Đống, Văn hóa quân sự Việt Nam, văn hóa giữ nước, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2017.

3. Học viện Chính trị, Phẩm chất nhân cách của Bộ đội cụ Hồ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2012.

4. Văn Đức Thanh, Văn hóa quân sự Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014.

Tác giả: Đỗ Tiến Dũng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 424, tháng 10-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *