Nhân vật a hoàn trong “hồng lâu mộng”


 

Một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công cho Hồng lâu mộng là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Bên cạnh hệ thống nhân vật ông chủ bà chủ của giai cấp thống trị đông đảo về số lượng, đa dạng về tính cách, thì hệ thống nhân vật a hoàn cũng không kém phần phong phú, đa dạng, góp phần không nhỏ trong việc thể hiện giá trị tư tưởng của tác phẩm. Dưới ngòi bút của Tào Tuyết Cần, ngay cả những cô nữ tỳ, không có địa vị trong xã hội, chẳng được học hành gì cũng được thể hiện đẹp đẽ và cảm động, đó là Tử Quyên biết vì nỗi bất hạnh của người khác mà đau khổ, là Tình Văn vì sắc đẹp mà bị ngược đãi đến chết, là Uyên Ương xinh đẹp và trung thành đến đáng thương,…

1. Nhân vật a hoàn trong quan hệ đối lập 

Thực tiễn lịch sử nô tỳ cho thấy, giữa chủ và tớ luôn luôn tồn tại mâu thuẫn xung đột không thể điều hòa về nhân cách, thân phận, địa vị… Có điều, mâu thuẫn ấy khi thì biểu hiện một cách hòa hoãn, khi thì bộc lộ một cách kịch liệt.

Tào Tuyết Cần cũng cho nhân vật hoạt động trong sự mâu thuẫn và những mối xung đột xã hội, để biểu hiện tính cách và bộ mặt tinh thần của họ. Tác giả chọn hai phủ Vinh Ninh làm một cặp đối ngẫu để thể hiện toàn bộ không gian tác phẩm. Đó là một gia đình nhìn bề ngoài thì danh giá, tôn trọng lễ giáo nhưng bên trong thì cốt nhục tương tàn, mọi người trong gia đình chia năm xẻ bảy, giết hại lẫn nhau. Câu nói của Liễu Tương Liên đã phản ánh rõ nét thực trạng đó của phủ Giả: “Trong phủ Đông nhà anh, ngoài hai con sư tử đá ra, dù con mèo, con chó cũng chẳng còn trong sạch nữa” (1).

Hàng trăm nhân vật lớn bé, già trẻ, trai gái trải qua các số phận vinh nhục, sướng khổ, những sự kiện hỷ, nộ, bi, ai diễn ra trong hai phủ này… Và trong các mối quan hệ đối lập ấy, không những tính cách, số phận của nhân vật được khắc họa đậm nét, mà bộ mặt thực sự của giai cấp thống trị phong kiến cũng hiện ra vô cùng chân thật và sinh động.

Hồng lâu mộng, dễ dàng nhận thấy sự đối lập trong mối quan hệ giữa các a hoàn và những ông bà chủ trong gia đình họ Giả. Đó là sự đối lập giữa kẻ thống trị và người bị trị. Đúng như Lương Duy Thứ nhận định: “Hồng lâu mộng chủ yếu nói đến những mâu thuẫn xảy ra trong phạm vi bốn bức tường của gia đình họ Giả. Quan hệ giữa kẻ áp bức bóc lột và người bị áp bức bóc lột ở đây chủ yếu thể hiện qua số phận các a hoàn” (2).

Số phận các a hoàn trong phủ Giả được quyết định bởi chủ nhân của họ. Tuy nhiên, có a hoàn an phận chấp nhận mọi điều sắp đặt như Tập Nhân, Bình Nhi…, nhưng cũng có a hoàn đấu tranh để bảo vệ mình cho dù kết cục là cái chết. Không phải vô cớ mà Uyên Ương lại kiên quyết từ chối trở thành vợ bé của Giả Xá, một địa vị mà không ít a hoàn mong muốn. Nó thể hiện nhận thức sâu sắc của Uyên Ương về bộ mặt của giai cấp thống trị, và sự thấu suốt cái kết quả không tốt đẹp gì của một người làm vợ bé. Uyên Ương nhìn ra trong gia đình họ Giả này những người mang danh vợ bé cũng chịu không ít thiệt thòi. Dù họ có sinh con cho chủ thì thân phận và địa vị thấp kém của họ cũng chẳng hề thay đổi.

Có thể thấy, để bảo vệ sự trong trắng và giữ gìn sự cao quý của nhân cách con người, cho dù phải chết, Uyên Ương cũng không hề đắn đo. Tinh thần cương quyết ấy của cô càng khẳng định mâu thuẫn, xung đột không thể điều hòa được của hai thế giới, những kẻ thống trị đầy những xấu xa, tàn bạo và những con người nhỏ bé phải gánh chịu thiệt thòi, đau khổ.

Ngay cả trong cùng thế giới của những con người nhỏ bé, tác giả cũng khéo léo làm nổi bật lên sự đối lập của họ trên nhiều phương diện.

Trong đó nổi bật nhất là sự đối lập về tính cách, số phận của các nhân vật a hoàn. Hiền lành nhu mì như Tập Nhân, Kim Xuyến, Uyên Ương, Hương Lăng; cá tính, mạnh mẽ và quyết đoán như Tình Văn, Tư Kỳ, Thị Thư, Bình Nhi; rắn rỏi khí khái, không chịu khuất phục như Tình Văn; mềm dẻo nhẫn nhục và thỏa hiệp như Tập Nhân; siêng năng tận tụy như Tập Nhân, Tử Quyên; lười biếng chỉ biết dựa dẫm như Tiểu Hồng, Bảo Thiềm… Trong thế giới ấy, có người may mắn như Tập Nhân, Bình Nhi, cũng có những số phận kém may mắn như Kim Xuyến, Tình Văn, Tư Kỳ… Sự đối lập ấy đã tạo nên bức tranh phong phú, đa dạng, muôn hình, muôn vẻ.

Một nét nổi bật trong mối quan hệ giữa các a hoàn, đó là ở họ không chỉ có sự yêu thương, cảm thông, mà còn có cả sự ghen ghét đố kỵ: giữa a hoàn nhỏ với a hoàn lớn, a hoàn hạng nhất hạng nhì với những a hoàn không có thứ hạng… Điều này thể hiện khá rõ trong lời nói của Thu Văn với Tiểu Hồng: “Lấy gương mà soi xem, cái mặt ấy đã đáng rót nước chưa”(3). Họ đều là những a hoàn phục vụ cho Bảo Ngọc nhưng thứ bậc không giống nhau, do vậy cũng đảm nhận những công việc khác nhau. Ngoài ra, Tập Nhân với Tình Văn, Thu Đồng với Bình Nhi cũng có sự đố kỵ lẫn nhau, lúc cụ thể, lúc ngấm ngầm…

Có thể nói, a hoàn trong Hồng lâu mộng không chỉ điển hình cho tính cách và số phận của một tầng lớp người, mà còn là những con người có số phận và tính cách riêng biệt, cùng chung tiếng nói lên án và tố cáo chế độ xã hội đã chà đạp lên quyền sống, quyền tự do, hạnh phúc của con người.

2. Nhân vật a hoàn trong quan hệ đối chiếu tương phản

Sự khác nhau về thành phần giai cấp và địa vị xã hội quyết định những điểm khác nhau cơ bản về tính cách của nhân vật, nhưng tác giả Hồng lâu mộng không dừng lại ở đó mà khắc họa hàng loạt nhân vật cùng xuất thân trong một giai cấp, trên đại thể có những điểm giống nhau, nhưng lại có những nét riêng biệt về cá tính.

Quan hệ đối chiếu tương phản thể hiện rõ nét nhất ở những cặp nhân vật tồn tại song song.

Tào Tuyết Cần đặt các nhân vật chủ tớ trong mối quan hệ đối chiếu để làm nổi bật hình ảnh của nhau: Tập Nhân như một hình bóng của Bảo Thoa, Tình Văn như một sự phản chiếu của Đại Ngọc. Điều này được tác giả Trần Lê Bảo nhận xét: “Nhân vật trong Hồng lâu mộng cũng từng cặp đối xứng, vừa thống nhất vừa đối lập… Ngay cả đến Tình Văn và Tập Nhân là hai a hoàn cũng thành đối xứng. Số phận và tính cách họ đối xứng đã đành, họ còn đối xứng một chiều nữa theo tính cách và số phận của chủ nhân. Tình Văn là bóng của Lâm Đại Ngọc, Tập Nhân là bóng của Tiết Bảo Thoa. Chủ tớ bốn người đều đến miếu bạc mệnh” (4).

Có thể thấy, liên kết nhân vật theo cặp đôi là một mô thức rất quan trọng trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc vì nó tương ứng một cách chính xác với mối quan hệ âm dương, hai thái cực đối lập nhau nhưng lại cùng tồn tại, thậm chí đan xen với nhau, bổ sung cho nhau, tương khắc mà lại tương sinh, tương thôi mà lại tương cầu.

Như vậy, giữa các nhân vật được liên kết theo cặp đôi cũng không thể chỉ có những nét giống nhau và khác nhau đơn thuần mà còn phải có sự cùng tồn tại, bổ sung làm sáng rõ lẫn nhau trong các nét tính cách và số phận.

Mạng lưới nhân vật trong Hồng lâu mộng vô cùng phức tạp, nhưng với lối xây dựng từng cặp nhân vật, “kết cấu của tác phẩm có thể chặt chẽ hơn, dễ phân tích, theo dõi hơn, tính cách của nhân vật có thể trở nên sinh động, hấp dẫn hơn, khuynh hướng tư tưởng của tác phẩm có thể trở nên rõ nét hơn (5)

3. Nhân vật a hoàn trong quan hệ bổ sung

Có thể nói, đây là quan hệ nổi bật nhất, và thể hiện rõ nét nhất vai trò của nhân vật a hoàn trong cách thức tổ chức nhân vật của tác phẩm.

Thứ nhất, quan hệ bổ sung phụ thuộc thể hiện ở tính cách của nhân vật a hoàn làm nổi bật tính cách của chủ.

Tử Quyên là a hoàn thân cận phục vụ Đại Ngọc, trái tim giàu lòng thương cảm và sự dịu dàng thuần khiết của Tử Quyên là một phần trong tính cách của Đại Ngọc. Cho dù nét nổi bật của cô tiểu thư này là cô độc, kiêu ngạo, song niềm cảm thông yêu mến con người, sự dịu dàng thuần khiết cũng luôn luôn biểu hiện ở cô. Chính sự gặp gỡ của những nét tính cách ấy đã khiến Tử Quyên và Đại Ngọc trở thành những người bạn thân thiết, đồng cảm, sẻ chia những vui buồn. Tử Quyên chính là nhân vật làm nổi bật tính cách dịu dàng đằng sau sự kiêu kỳ cô độc của Đại Ngọc.

Cuộc lục soát Đại Quan viên cho chúng ta thấy tính cách của cô a hoàn Thị Thư cũng mạnh mẽ quyết liệt như cô chủ Thám Xuân vậy. Cô chủ thì ghê gớm không dễ gì bắt nạt được, vì vậy mà vợ Vương Thiện Bảo bị tát một cái đích đáng vào mặt, còn a hoàn thì cũng chẳng kiêng nể nói thẳng vào mặt vợ Vương Thiện Bảo. Đúng như lời Phượng Thư nói: “Con bé này giỏi thật. Thực là chủ nào thì tớ nấy”. Chủ tớ bổ sung, làm nổi bật nhau lên.

Thứ hai, quan hệ bổ sung phụ thuộc còn thể hiện rõ nét ở giọng điệu của nhân vật, a hoàn cũng mang giọng điệu của chủ nhân. Trong cái khôn ngoan sắc sảo của Bình Nhi người ta thấy có bóng dáng của Phượng Thư. Bình Nhi lanh lợi sắc sảo đến mức những người làm trong phủ, kể cả những bà già nghe đến tiếng cô thì không ai dám làm càn. Khi Phượng Thư ốm, mọi việc trong phủ đều giao cho Thám Xuân và Lý Hoàn, do đó các bà già trông coi trong vườn được thể làm càn. Nhưng khi Bình Nhi đến thì ngay cả dì Triệu cũng phải im lặng. Đặc biệt, khi viện Di Hồng xảy ra việc mất trật tự của các bà coi vườn, Bình Nhi bận không đến được chỉ truyền lời: “Hãy tống cổ mụ ấy ra, bảo già Lâm lôi sang cửa bên cạnh đánh cho bốn mươi roi là xong” (6). Vậy mà đã khiến cho bà già này sợ quá khóc sướt mướt, van xin mãi.

Ở Tử Quyên, chúng ta cũng thấy rõ nét nhất cái giọng điệu sầu thương, ai oán của Đại Ngọc, đặc biệt là khi cô nghe được tin Bảo Ngọc lấy Bảo Thoa trong khi Đại Ngọc đang ốm nặng. Cô xót xa cho cô chủ của mình bao nhiêu thì trong lòng giận Bảo Ngọc bấy nhiêu. Cô trách Bảo Ngọc lòng dạ lạnh nhạt tàn nhẫn. Lúc trước chỉ vì một câu nói đùa của cô mà trời nghiêng đất lở, tưởng rằng Bảo Ngọc thật lòng với cô chủ mình, thế mà nay lại chuẩn bị cưới Bảo Thoa như không có việc gì xảy ra. Tử Quyên khóc thương ai oán, cô đau lòng không thể nào chịu nổi, xót xa cho Đại Ngọc.

Thứ ba, quan hệ bổ sung thể hiện ở bi kịch của nhân vật a hoàn làm nổi bật bi kịch của các nhân vật trong tác phẩm. Mối quan hệ gắn bó giữa Tử Quyên và Đại Ngọc dường như không phải sự vô tình mà mang dụng ý sâu sắc của tác giả. Một người con gái mang tên loài chim Đỗ Quyên, tiếng kêu bi thương thảm thiết của nó thật khiến người ta cảm thấy ám ảnh. Phải chăng ở đây có một sự kết hợp khéo léo tên của một loài chim với tiếng kêu bi thương đến chảy máu và một người con gái khóc đến cạn khô nước mắt mà chết để làm nổi bật hình ảnh của nhau, cũng như làm nổi bật tính bi kịch của nhân vật Đại Ngọc. “Rõ ràng Tào Tuyết Cần đặt cho a hoàn của Đại Ngọc cái tên Tử Quyên ấy có dụng ý là muốn ám chỉ số phận bi thảm của Lâm Đại Ngọc (7).

Tử Quyên là nhân vật làm nổi bật lên cuộc đời đầy những bi kịch đau đớn của Đại Ngọc, đặc biệt là bi kịch tình yêu. Tình yêu chẳng đem đến cho Đại Ngọc bao nhiêu hạnh phúc mà chỉ càng làm cho nàng cảm thấy sự áp bức nặng nề của thế lực phong kiến. Và chính thế lực phong kiến đã nhẫn tâm phá hoại tình yêu của Đại Ngọc và cũng hủy hoại luôn cả sinh mệnh của nàng.

Cùng với bi kịch tình yêu của Lâm Đại Ngọc và Giả Bảo Ngọc, Tào Tuyết Cần đã chỉ rõ bi kịch về tình yêu và hạnh phúc trong xã hội phong kiến, một xã hội không chấp nhận tình yêu và hôn nhân tự do. Quan niệm đạo đức phong kiến không có chỗ cho tình yêu tự do nam nữ, nó gạt bỏ hết thảy mọi tình cảm riêng tư của cá nhân để phục vụ cho lý tưởng chung. Do vậy những ai dám yêu, dám liều mình vì tình yêu, đều có chung một kết cục, đó là cái chết. “Không phải chỉ Lâm Đại Ngọc bạc mệnh vì tình mà bên cạnh nàng còn có Tình Văn cũng vì yêu mà bị ngược đãi đến chết. Tư Kỳ không được phép yêu mà phải đâm đầu vào tường tự tử. Vưu Tam Thư yêu Liễu Tương Liên, song vì không môn đăng hộ đối mà phải tự vẫn, Vưu Nhị Thư yêu Giả Liễn mà bị Phượng Thư sát hại…” (8).

Không chỉ các a hoàn mới có kết cục bi thảm, mà ngay những cô tiểu thư khuê các trong phủ Giả cũng không tránh được những bi kịch của tính cách, của thời đại và của lực lượng tự do dân chủ mới chưa đủ mạnh để chống lại những quan niệm, thế lực thủ cựu còn lớn mạnh trong xã hội.

Qua đó, có thể thấy, nhân vật a hoàn chính là đối tượng bổ sung, làm nổi bật tính cách, giọng điệu, cũng như khắc sâu hơn tính bi kịch của của nhân vật chính trong tác phẩm.

Hệ thống nhân vật a hoàn không những làm đa dạng phong phú cho hệ thống nhân vật của tác phẩm, mà bản thân mỗi nhân vật a hoàn lại góp phần tạo nên tính đa dạng trong mạch liên kết các a hoàn với nhau và trong cấu trúc tác phẩm.

Bản thân hệ thống nhân vật a hoàn đã có mối liên hệ khá chặt chẽ, từ cao xuống thấp. Có a hoàn thân cận, có vai trò quan trọng đối với chủ và phần nào được chủ yêu mến như Tập Nhân, Bình Nhi, Uyên Ương, Tử Quyên… Rồi đến những a hoàn không có thứ hạng, mà chỉ gọi bằng những cái tên chung chung như: a hoàn nhỡ, a hoàn bé, a hoàn nhỏ. Số lượng a hoàn này đông đúc, tuy tính cách không được khắc họa rõ nét, số phận và kết cục không được miêu tả cụ thể, nhưng đã góp phần làm đa dạng phong phú cho hệ thống nhân vật a hoàn trong tác phẩm.

A hoàn trong Hồng lâu mộng đều là những người xuất thân nghèo khổ, mang thân phận kẻ hầu người hạ, sống phụ thuộc vào chủ, do vậy ngay trong bản chất họ đã là những người dễ đồng cảm, biết chia sẻ và cảm thông cho nhau. Đặc biệt, đối với những cô gái giàu lòng vị tha và độ lượng này, tình cảm yêu mến, sự quan tâm lẫn nhau chính là động lực tinh thần giúp họ vượt qua những đau khổ thiệt thòi mà thân phận nô bộc thấp kém mang đến cho họ.

Tầm quan trọng của nhân vật a hoàn còn thể hiện ở vai trò nối kết các nhân vật ông chủ bà chủ trong phủ Giả. Sự khéo léo của Bình Nhi đã khiến cho quan hệ vợ chồng Giả Liễn và Phượng Thư trở nên gần gũi hơn. Tử Quyên là cầu nối của Đại Ngọc với mọi người, trong đó có Bảo Ngọc. Cô chính là người thấu hiểu tâm tư của Đại Ngọc và Bảo Ngọc, do vậy không ít lần trở thành cầu nối giúp cho hai người đến gần nhau hơn.

Cách tổ chức hệ thống nhân vật của Hồng lâu mộng vừa làm nổi bật hình ảnh của các a hoàn vừa khắc họa đậm nét tính cách của những nhân vật chính.

Như vậy, qua hệ thống nhân vật a hoàn, thế giới nhân vật trong Hồng lâu mộng trở nên phong phú và đa dạng. Không những thế, chính họ lại là nhân vật giữ vị trí quan trọng trong việc làm nổi bật vẻ đẹp, số phận, tính cách của những nhân vật chính trong tác phẩm và khẳng định được vẻ đẹp của chính họ trong xã hội đầy rẫy bất công.

Có thể nói, Tào Tuyết Cần đã thông qua các mối quan hệ đối lập, đối chiếu, tương phản bổ sung để tổ chức hợp lý hệ thống nhân vật trong Hồng lâu mộng. Nhân vật dường như phản ánh, tác động, soi sáng nhau để làm nổi bật lên cả một thế giới nhân vật với những tính cách, số phận điển hình cho những tầng lớp giai cấp khác nhau trong xã hội.

______________

1, 3, 6. Tào Tuyết Cần, Hồng lâu mộng, tập 1, 2, 3, Nxb Văn học, Hà Nội, 2007, tr.467 (tập 2), tr.419 (tập 1), tr.335 (tập 2).

2, 7. Lương Duy Thứ, Để hiểu tám bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.125, 305.

4, 5. Trần Lê Bảo, Hồng lâu mộng và Chu dịch, Tạp chí Văn học dân gian, số 1- , tr.18, 40.

8. Nguyễn Khắc Phi, Lương Duy Thứ, Văn học Trung Quốc, tập 2, Nxb Giáo dục, 1988, tr.119.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014

Tác giả : Nguyễn Thị Thanh Nga

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *