Nhân vật lạc loài trong truyện cổ Andersen


Những câu chuyện cổ tích thầm thì của Andersen đã từ vương quốc Đan Mạch bước vào cuộc viễn du vĩnh hằng trong tâm hồn nhân loại. Những nhân vật của ông dẫn chúng ta lạc vào thế giới cổ tích, lay thức người đọc trở về khu vườn trần thế. Đó là sức hấp dẫn riêng biệt mà chỉ người kể chuyện cổ tích thiên tài Andersen mới làm nổi. Cuộc đời rộng lớn với biết bao gương mặt, bao thân phận người như được Andersen thu vào trong thế giới nghệ thuật của mình. Ông từng nói: “Tôi tựa hồ như nước, mọi điều chuyển động trong tôi, mọi điều phản chiếu trong tôi”. Trong đó, những thân phận lạc loài xuất hiện đầy ám ảnh, dường như là niềm đau nhân sinh sau bóng hình cổ tích, chưng cất từ nỗi cô đơn của chính ông và con người hiện tại.

     1. Nhân vật lạc loài do sự khác biệt

     Trước hết, hãy gặp và cảm thông với những thân phận phải cam chịu kiếp lạc loài bởi có ngoại hình khác biệt. Một mảnh lá của trời là câu chuyện kể về số phận một chiếc lá cao quý. Tình cờ, thiên thần nọ đánh rơi một chiếc lá của thiên đường xuống một cánh rừng. Nó bén rễ, mọc lên giữa những cây khác. Nó bị cây cỏ xung quanh trêu chọc, khinh miệt trước sức sống khác thường và vẻ đẹp kỳ diệu, bị những hàng xóm ghen tị vì riêng nó được chim chóc bay qua lễ phép nghiêng chào. Thậm chí, bị phỉ nhổ bởi nó “không thuộc một hệ thống nào cả”. Chỉ có một cô gái nhỏ nghèo khổ, trong sáng, thánh thiện, có đức tin nơi Chúa nhận ra vẻ đẹp, hương thơm và cả tiếng nhạc thiên thần của cây. Cô hái một chiếc lá nhỏ, ép vào quyển kinh thánh, “Vài tuần sau, quyển kinh thánh và chiếc lá được đặt dưới đầu cô gái trong quan tài”. Người duy nhất nhận ra giá trị đích thực của cây lạ đã về với Thượng đế. Số phận cây kết thúc, nó bị một anh chăn lợn vơ cùng đám cây mang về đun bếp. Nhưng khi đã hóa thành tro tàn, cây hoa lạ lại được người ta tìm kiếm. Bởi người ta cần nó như một phương thuốc hữu hiệu để chữa bệnh nan y cho vua. Người ta buồn rầu, tiếc nuối vì sự biến mất của nó, người ta tôn vinh đến mức vùng đất nó đã lớn lên trong sự khinh miệt được coi là vùng đất thánh.

     Nếu như mảnh lá của trời bị ghét bỏ vì vẻ đẹp khác thường thì chú vịt con xấu xí lại bị xua đuổi vì vẻ ngoài to lớn, thô kệch, ngốc nghếch chẳng giống ai. Chú lớn lên trong ghẻ lạnh, khinh miệt của hết thảy mọi người. Ngay anh em trong đàn cũng ghét chú đến mức mong cho chú bị mèo tha đi. Mẹ ban đầu còn bênh vực chú, sau cũng chán ghét, mong chú biệt tăm biệt tích. Bị dồn đuổi, đánh đập, vịt con bỏ đến nơi trú ngụ của đàn vịt giời nhưng chú vẫn bị chê bai vì xấu xí. Phiêu dạt đến một túp lều, chú sống cùng một con mèo và một con gà mái. Trong mắt mèo, vịt là kẻ vô dụng, vì không biết “gồng lưng lên, gừ gừ và trợn tia mắt long lanh”, còn trong mắt gà, vịt cũng vô dụng vì không đẻ được trứng. Không chịu nổi cảnh sống thừa thãi trong túp lều chật hẹp, chú vịt xám thoát ra ngoài thế giới bao la để được thoải mái ngụp lặn trong nước dưới ánh mặt trời. Nhưng chú tiếp tục phải sống trong ghẻ lạnh: “Các loài vật đều tránh xa chú vì chú xấu xí quá”. Tách biệt hẳn mọi người, chú đơn độc đương đầu với giá rét và băng tuyết. Lần đầu tiên, vịt con cảm thấy mình có một mối liên hệ với thế giới này là lúc chú nhìn thấy một đàn thiên nga tuyệt mỹ. Một tình cảm yêu thương tự nhiên nảy nở mà trước đó chưa từng có. Sau mùa đông khổ nhục, chết đi sống lại, chú vịt xấu xí sung sướng được sống trong không khí ấm áp của mùa xuân. Niềm vui bất ngờ đến với chú vào đúng lúc chú tuyệt vọng, muốn trốn chạy khỏi thế giới này. Đó là lúc chú nhìn thấy “ba anh thiên nga đang vỗ cánh, bay nhẹ nhàng, chú cảm thấy một nỗi buồn vô hạn”. Chú quyết bay đến chỗ ba con thiên nga với ý nghĩ thà bị họ đánh chết còn hơn phải chết vì lũ gà vịt. Đó là kết cục chú lựa chọn cho mình sau tất cả những khổ đau của một kẻ sống cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời. Giới hạn của sự chịu đựng đã hết, chú muốn thoát khỏi thế giới lạnh lùng này, cái thế giới mà không ai coi chú là đồng loại, không ai cho chú cảm giác được yêu thương. Nhưng chính lúc ấy, chú nhận thấy, mình đã biến thành thiên nga. Mọi người âu yếm, chăm sóc chú vì chú là con thiên nga đẹp nhất. Hạnh phúc đến bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Để được xưng tụng là con thiên nga đẹp nhất, chú vịt con xấu xí (thực chất là một con thiên nga còn nhỏ) phải trải qua bao đau khổ, nhục nhã, ê chề. Nhưng phải chăng đó cũng chính là hành trình tìm về với đồng loại của một kẻ không may mắn sinh ra nơi đất khách, cũng là điều kiện cần đủ để chú hoàn thiện dáng vẻ của một con thiên nga lộng lẫy.

     Nhà văn mở đầu câu chuyện về Bông cúc trắng bằng câu: “Các bạn hãy lắng nghe câu chuyện nhỏ này” – một câu chuyện nhỏ kể về những thân phận nhỏ bé nhưng có tâm hồn đáng trân trọng vô chừng. Một bông cúc trắng mọc bên hàng rào giữa đám cỏ rậm. Trong vườn là vô số những loài hoa quý phái, đài các: nào hồng, nào thược dược, nào uất kim cương. Chúng chẳng hề đoái hoài đến bông hoa tội nghiệp bé tí. Mặc dù chỉ được coi như một bông hoa tồi tàn vô nghĩa lý, một kẻ bên lề trong xã hội loài hoa cao quý kia nhưng bông cúc trắng không hề buồn bã. Nó nở hết mình, lấy làm “tự mãn, khoái trá được tắm mình trong nắng ấm và nghe chim sơn ca hót vang trên trời cao”. Chính bông hoa cúc bé nhỏ ấy đã là niềm an ủi cuối cùng cho chim họa mi – một người nghệ sĩ bất hạnh – bằng nỗ lực cuối cùng của đời mình: cố tỏa hương thơm ngát để xoa dịu nỗi đau cho chim họa mi dù hoa đã héo rũ.

     Truyện Chú lính chì dũng cảm cũng kể về một số phận thiệt thòi – một nhân cách cao đẹp. Do được đúc sau cùng, nên chú lính chì thứ 25 bị thiệt thòi so với anh em, chú thiếu mất một chân. Chú đem lòng yêu cô vũ nữ – mà chú tưởng cũng chỉ có một chân như chú – được làm bằng bìa cứng trong tòa lâu đài mĩ lệ cũng bằng bìa cứng. Do cậu chủ bỏ quên không cho vào hộp, như một kẻ không nhà, chú lính chì đã phải chịu nhiều tai họa: bị hất xuống đường phố, bị chìm xuống đáy sông đầy bùn, bị cá măng nuốt vào bụng. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi biết tính mạng bị đe dọa đến nơi, chú vẫn giữ nghiêm kỉ luật quân đội, kiên cường trước hiểm nguy. Một sự ngẫu nhiên, chú lại được mọi người nhận ra nhờ cái chân độc nhất và được trở về căn phòng mà chú đã từ giã ra đi. Sự khác biệt ngoại hình không khiến chú mặc cảm. Không bao giờ chú có ý nghĩ mình là một phế quân mà luôn chứng tỏ bản lĩnh của một người lính chân chính. Cũng không bao giờ chú than trách tại sao cuộc đời dành cho mình nhiều sóng gió. Cảm nhận về sự khác biệt của bản thân duy nhất thể hiện trong tình cảm của chú với cô vũ nữ- tình cảm xuất phát từ mối tương liên của những người đồng cảnh ngộ. Nhưng cũng chính từ đây, một vẻ đẹp khác của chú lính chì lại tỏa sáng. Trong những lúc tính mạng bị đe dọa, cùng với ý thức danh dự của một người lính là những khao khát hướng về cô vũ nữ: “Nếu có cô nàng xinh đẹp trong lâu đài kia ở bên ta thì dẫu có tối đen hơn nữa ta cũng chẳng cần”. Và khi được trở về nhà, lại được nhìn thấy người trong mộng, “chú nghẹn ngào cảm động suýt khóc”. Đặc biệt, khi bị ném vào lò sưởi, thân thể bị tan chảy đến giọt chì cuối cùng, thì di hài của chú “kết lại thành một trái tim xinh xắn”. Trái tim ấy là kết tinh tình yêu sâu đậm mà chú dành cho cô vũ nữ.

     Bên cạnh những nhân vật lạc loài do khác biệt ngoại hình là những nhân vật lạc loài bởi hơn một lí do. Nàng tiên cá – câu chuyện có sức mê đắm nhất, ẩn chứa những tầng triết lý sâu thẳm kể cho chúng ta nghe về một nàng công chúa chốn thủy cung. Khác với những suy nghĩ của những thủy nữ chốn thủy cung, năm 15 tuổi, khi được lên trên mặt biển để được nhìn ngắm thế giới loài người, thay vì chỉ coi đó là một thú vui, một phần thưởng cho sự trưởng thành của các nàng tiên cá, nàng Út đem lòng yêu chàng hoàng tử nơi trần thế. Nàng đã đặt ra bao câu hỏi về thế giới xa lạ và đầy bí ẩn kia. Nàng soi chiếu cuộc sống của mình với cuộc sống loài người. Và khát vọng có được linh hồn bất tử như loài người ám ảnh nàng. Nàng ao ước: “Sẵn sàng hiến ba trăm năm của mình để được thành người, dù chỉ sống một ngày để linh hồn được lên thiên đàng”, để đừng tan thành bọt biển hư vô. Và nàng sẵn sàng đánh đổi: từ bỏ gia đình, quê hương, giọng hát để được làm người, để được yêu người, để có được linh hồn bất tử… Suy nghĩ của nàng tiên cá khác với đồng loại của nàng. Đó là một kiểu nổi loạn tư tưởng, cái mà bà thái hậu cho là “nghĩ nhảm”. Nàng là người cô đơn và lạc loài ở chính thế giới thủy cung thân thuộc bởi những ý tưởng vượt rào táo bạo này. Nàng đã phải trả giá: hoàng tử không nhận ra nàng chính là vị cứu tinh, không nhận thấy tình yêu nàng dành cho chàng. Khát vọng dù chỉ được sống một ngày như một con người, vĩnh viễn không thể trở thành hiện thực.

     Bi kịch của nàng vẫn tiếp diễn, nàng là kẻ lạc loài trong thế giới loài người. Để có được dung mạo của con người nàng phải đánh đổi giọng hát du dương (tài sản quý giá nhất của nàng) để có được có môt cặp chân dài mà “dáng đi sẽ nhẹ nhàng uyển chuyển như một vũ nữ, nhưng mỗi bước đi sẽ đau như kim châm và ứa máu chân ra”. Với dung mạo ấy, nàng được sống gần Hoàng tử. “Trong cung điện này, nàng là người đẹp nhất”, nhưng chính chàng lại gọi nàng là cô bé lạc loài bởi nàng không biết nói mà cũng chẳng biết hát.

     2. Nhân vật lạc loài do bị xô đẩy

     Hãy làm quen với đồng silinh bạc trong truyện ngắn cùng tên. Vốn là một đồng xu bằng bạc nguyên chất của nước Anh, do ông chủ vô tình đem nó đi du lịch nước ngoài rồi để quên. Thế là đồng silinh phải chịu bao gian truân khi phiêu bạt nơi xứ người. Nó bị coi là đồng tiền giả, người ta khinh bỉ nó, tìm mọi cách tống sang túi người khác. Vậy là nó bỗng dưng thành tội đồ. Lần khiến nó đau đớn nhất là khi nó bị đem trả công cho một bà cụ nghèo khổ khiến bà cụ phải cắn rứt lương tâm mà mang nó đi mua bánh. Nó bị phát giác ngay lập tức. Bà cụ đem đồng tiền về và quyết định “không lừa lọc ai nữa”, sẽ đục một lỗ trên đồng xu để ai cũng biết đó là tiền giả. Nhưng nó vẫn chưa thoát khỏi kiếp du hành khốn khổ, một người đàn bà tham lam bịt lỗ thủng trên đồng xu và mang đi giao dịch. Lại tiếp tục bị bạc đãi, bị sỉ nhục. Dần dần, chính bản thân đồng xu nghi ngờ giá trị thực của mình. Đồng xu thực sự được trả lại danh dự là một đồng silinh hiền lành thật thà khi nó được một người cùng quê hương nhận ra. Khỏi phải nói nó đã hạnh phúc dường nào. Điều mà đồng silinh rút ra kết luận sau bao nỗi oan trái phải trải qua là: “Có kiên tâm chờ đợi thì cuối cùng bao giờ vẫn được người ta đánh giá đúng với giá trị thực tế của mình”. Tuy nhiên, những gì mà đồng silinh tội nghiệp trải qua đáng để chúng ta suy nghĩ về những trái ngang trong cuộc sống. Nỗi oan ức của đồng silinh là nỗi đau của kẻ lạc loài, là nỗi tủi nhục của những giá trị đích thực khi bị ném vào một môi trường khác biệt, nơi mà người ta không hiểu biết chút gì về nó.

     Nếu đồng Silinh mang nỗi đau của kẻ lạc loài khi bị đẩy sang môi trường xa lạ – nơi người ta không hiểu giá trị thực của nó thì nhân vật cô bé bán diêm lại bị những trái tim lạnh lùng vô cảm xô đẩy ngay chính trong dòng đời quen thuộc.

     Ai đã từng đọc truyện Cô bé bán diêm hẳn không thể không xúc động trước hình ảnh một em bé đầu trần, chân đất, một mình dò dẫm trong đêm giao thừa mưa tuyết chỉ mong bán được một vài bao diêm. Em không có mẹ, cũng không nhớ chút kỷ niệm nào về mẹ, em có cha, nhưng cha em khắc nghiệt và hung bạo. Người em yêu quý nhất là bà, nhưng bà em đã mất. Trong không gian lộng lẫy sáng rực ánh đèn, sực nức mùi ngỗng quay, em bé vẫn kiên nhẫn chào mời những người khách qua đường mua diêm. Không một ai đoái hoài. Nhưng em không dám về nhà vì sợ cha đánh. Bụng đói cật rét, em bé đánh liều quẹt lấy một que diêm để sưởi cho đỡ lạnh. Em tưởng tượng đang được ngồi trước lò sưởi. Lần lượt những lần quẹt diêm sau, hình ảnh bàn tiệc thịnh soạn, cây thông Noel hiện ra trước mắt em. Lần thứ tư, em nhìn thấy hình ảnh người bà nhân hậu đang mỉm cười với em. Em van xin bà cho em đi cùng. Em quẹt hết những que diêm còn lại trong bao vì muốn níu bà lại. Hai bà cháu nắm tay nhau bay lên. Họ về chầu Thượng đế. Trong gia đình, em không được biết đến hơi ấm tình thương. Ngoài đường phố, mọi người lãnh đạm, dửng dưng như không hề biết đến sự tồn tại của em. Thực tế khắc nghiệt, em tìm niềm an ủi trong mộng tưởng. Tội nghiệp làm sao, em như con chim non rã cánh trong mưa, như một kẻ lạc loài giữa biển đời đông đảo, nơi mà những ước ao bình thường nhất như không bị đói, không bị rét, được sống trong gia đình ấm cúng mãi chỉ là những ước mơ xa vời, hư ảo. Và khao khát cuối cùng – mãnh liệt nhất cháy bỏng nhất- của em là được chết. Vào sáng mồng một tết, người qua đường thấy tử thi em bé nằm giữa những que diêm đã cháy, bảo nhau: “Chắc nó muốn sưởi ấm”. Làm sao họ hiểu nổi em khi em chết, bởi khi em còn sống, họ lạnh lùng quay lưng với em. Hình ảnh em bé viên mãn trong bóng dáng của một thiên thần “với nụ cười và đôi má hồng” có thể khiến ta mừng vì thấy em đã chạm đến giấc mơ. Nhưng lòng chúng ta day dứt nhiều hơn. Giá như… chỉ cần một bàn tay chìa ra với em trong đêm giao thừa ấy, số phận em đã khác. Em đã rời xa thế giới này vì bị người ta chối bỏ, vì em sống giữa mọi người mà bị ghẻ lạnh, hắt hủi như một kẻ lạc loài. Thượng đế đã đón linh hồn lạc loài nơi trần thế về bên người phải chăng để thức tỉnh những trái tim lạnh lùng băng giá?

     Những chi tiết kỳ ảo trong những câu chuyện mà Andersen kể cho chúng ta nghe như một tấm sương mỏng manh, mơ hồ, buông hờ trên cuộc sống hiện tại. Phần nào đó, có ý nghĩa như một sự gián cách người đọc ngắm nhìn bức tranh cuộc sống với bao điều nhức nhối. Nhưng ở một góc độ khác, nó khiến ta cảm, ngấm, thấm thía dần nỗi đau nhân thế mà Andersen trao gửi nơi đây. Những nhân vật của Andersen đến với cuộc đời này để nếm trải, để khát khao, để tìm niềm vui sống, để hiểu hơn về cuộc đời và chính bản thân mình… Họ trải nghiệm và hành động. Dù đường đời, số phận của họ có khổ đau, bất hạnh; dù họ có bị ghẻ lạnh, thờ ơ; dù họ được hiểu và trả lại đúng giá trị của mình hay mãi mãi ôm niềm đau khi cô đơn bất tận khi rời xa thế giới này… thì họ chẳng bao giờ oán trách cuộc đời. Andersen trân trọng yêu thương đồng cảm và muốn sẻ chia cùng họ. Và hơn cả, ông mong muốn họ hãy gìn giữ và chăm sóc cho “đứa trẻ” trong chính mình!

_______________

Các trích dẫn trong bài dẫn từ Hans Christian Andersen, Vũ Minh Toàn (dịch), Truyện cổ Andersen, Nxb Văn học, Hà Nội, 2008.

 

Tác giả: Hoàng Thị Hạnh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *