Nhân vật trong phim truyện việt nam mười năm đầu thế kỷ xxi


         Xây dựng nhân vật của phim truyện Việt Nam mười năm trở lại đây đã có một số thành công với những nhân vật để lại ấn tượng tốt cho người xem về cả nội dung và cách diễn xuất. Bên cạnh đó vẫn còn những bộ phim mà sự có mặt của nhân vật tuy ít nhiều có làm nên doanh thu của bộ phim, nhưng lại bị người xem nhanh chóng lãng quên vì sự hời hợt, đậm chất ăn liền. Vậy, trong mười năm qua, nhân vật trong phim truyện nhựa Việt Nam được xây dựng với những đặc điểm gì?

Không chỉ các nhà làm phim đàn anh tiếp tục khai thác mảng đề tài chiến tranh và hậu chiến, mà cả những nhà làm phim trẻ cũng tìm thấy ở đây những chất liệu tốt cho sáng tác của mình. Họ đã mạnh dạn phá cách trong việc xây dựng nhân vật truyền thống (người chiến sĩ) bằng cái nhìn khách quan, sâu sắc, đa dạng và riêng tư hơn. Vì thế nhân vật trong mảng phim đề tài truyền thống của các đạo diễn trẻ cũng có khác biệt. Các nhân vật đời hơn, người hơn, chân thực và sống động hơn. Có thể nói đây là sự phát triển đáng kể trong xây dựng nhân vật của mảng phim về đề tài truyền thống.

Trong mười năm qua, người yêu điện ảnh vẫn được thưởng thức những bộ phim có cảm hứng từ hai cuộc kháng chiến giải phóng của dân tộc. Họ vẫn bắt gặp hình ảnh của những con người với tình yêu nước nồng nàn, sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc, tuy nhiên các nhân vật có đời sống tâm lý, có khát khao cá nhân, riêng tư và sâu sắc hơn. Ở ngay trong một con người, đời sống xã hội và cá nhân rõ ràng, sinh động thay vì chỉ có đời sống xã hội như trước đây, tạo nên những góc nhìn mới, khác với những nhân vật trước kia. Tâm lý được phát triển đúng quy luật mà không bị một chiều. Linh “gấu” trong Sinh mệnh là một trong những nhân vật như thế. Là một người lính quả cảm, có trách nhiệm, Linh không nề hà khó khăn, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ. Đây là những đặc điểm giống với cách xây dựng nhân vật trong phim ngày trước. Không chỉ có thế, được đưa vào trong tính cách những nét mới rất người, Linh dám bộc lộ bản năng giới tính ngay trong lúc nguy hiểm nhất. Bên cạnh nghĩa vụ đối với đất nước, anh vẫn mong muốn thực hiện nghĩa vụ với gia đình, với tổ tiên, muốn có đứa con nối dõi. Những hình ảnh nhạy cảm được đạo diễn Đào Duy Phúc mạnh tay đưa vào phim thể hiện khá rõ và đầy đủ tính cách, tâm lý của nhân vật. Quang trong Vào Nam ra Bắc lại là nhân vật người lính ở góc độ khác, đó là sự sợ hãi, hèn nhát. Là một chiến sĩ trẻ mới nhập ngũ, cảnh đạn bom xé nát đất trời, thương vong khiến Quang sợ hãi, nảy sinh tư tưởng đào ngũ và cố gắng biến tư tưởng ấy thành hiện thực. Đây có thể nói là hình ảnh người lính có tư tưởng đào ngũ, nhụt chí đầu tiên mà điện ảnh Việt Nam khai thác. Đạo diễn Phi Tiến Sơn đã thể hiện khá tốt và sinh động một khía cạnh khác nữa của anh bộ đội. Lâm Thành trong Chớp mắt cùng số phận, Tải trong Sống trong sợ hãi,… cũng được khai thác mới mẻ ở các khía cạnh riêng tư và rất người như vậy.

          Nhân vật được xây dựng theo hướng đi vào số phận của con người

Cùng với những thay đổi trong cách nhìn nhận về nhân vật truyền thống trong các đề tài chiến tranh và hậu chiến, các nhà làm phim tiếp tục đi sâu thể hiện thân phận những con người cụ thể trong những tình huống cụ thể. Nếu trước đây, phim truyện tập trung ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, xây dựng những mẫu hình nhân vật mang tính biểu tượng và thường thiếu một đời sống nội tâm sâu sắc, thì nay số phận, cuộc sống của con người bình thường đã được chú trọng và mô tả một cách cụ thể, sâu sắc. Việc đi sâu như vậy đã làm cho nhân vật sống, thật và thuyết phục người xem hơn. Nhiều nhân vật trong phim truyện những năm gần đây đã được xây dựng một cách hoàn thiện hơn, kết hợp hài hòa giữa những cái chung và riêng, giữa đời sống xã hội và đời sống nội tâm, phát triển phù hợp với tâm lý và tính cách tự nhiên. Đây là một trong nhiều ưu điểm của xây dựng nhân vật phim truyện Việt Nam gần đây.

Để nhân vật có số phận thì các nhà làm phim phải cho nó làm việc và hành động theo đúng tự nhiên, hợp logic. Nhân vật cũng không thể có số phận nếu như nó được sinh ra chỉ một bề, thiếu sự thống nhất hài hòa giữa cuộc sống bên ngoài và đời sống bên trong. Điều này khá phổ biến trong phim truyện Việt trước đây. Nhân vật trong phim truyện gần đây đã khác, họ có tính cách đa chiều và cuộc sống tâm lý phong phú. Thêm nữa, các nhân vật giờ đây không còn vai trò điển hình, tiêu biểu và tính biểu tượng cũng giảm đi nhiều. Không ít tác phẩm thành công nhờ biết cách cân bằng hài hòa giữa cái bên trong và cái bên ngoài như Thung lũng hoang vắng (2000), Áo lụa Hà Đông (2006), Dòng máu anh hùng (2007), Trăng nơi đáy giếng (2008), Cánh đồng bất tận (2010)…

Mỗi nhân vật tuy trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều được xây dựng trên cơ sở chi tiết chân thực, có hành động, tính cách, đời sống tâm lý, thân phận rõ ràng. Cách xây dựng nhân vật như vậy phù hợp với phương thức thể hiện của phim những năm gần đây về các vấn đề trong đề tài chiến tranh, hậu chiến và cuộc sống đương đại. Trăng nơi đáy giếng là một trong những phim như thế.

Hạnh, một cô gái lấy chồng người Huế, hết mực thương yêu, hy sinh cho chồng. Nhưng sự hy sinh đó đã lấy đi của Hạnh tất cả và cuối cùng cô tìm thấy hạnh phúc của mình ở thế giới ảo. Bằng những chi tiết chân thực và chọn lọc, đạo diễn Vinh Sơn đã xây dựng khá thành công nhân vật có số phận bất hạnh đang cố gắng hành động để xây dựng hạnh phúc cho chồng và tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Tuy nhiên, càng hy sinh thì cô lại càng bất hạnh. Nếu chiếu nhân vật Hạnh vào 4 điều kiện của Syd Field để hình thành một nhân vật điện ảnh chuẩn mực thì nhân vật này đáp ứng đầy đủ. Thứ nhất, Hạnh là người có quan điểm sống rõ ràng, coi chồng là người đáng được tôn thờ. Ngay cả khi chồng phản bội, Hạnh lại tìm thấy người chồng ảo và lại một lần nữa thờ chồng một cách chuyên tâm. Thứ hai, Hạnh là người có thái độ rõ ràng với những người xung quanh, từ gia đình, bạn bè cho tới các mối quan hệ xã hội khác. Thứ ba, Hạnh là nhân vật hành động. Tính cách và tâm lý của Hạnh bộc lộ rõ ràng qua hành động của mình chứ không phải do sự gò bó ép buộc của người sáng tạo. Thứ tư, Hạnh đã có sự biến đổi rất rõ rệt. Từ một nhân vật thụ động thờ chồng, yêu chồng tha thiết, chịu khó chịu khổ để dành tình yêu, sự tôn trọng với nhà chồng đến chỗ Hạnh đã có sự phản kháng dữ dội từ trong tâm trạng đến hành động. Hay chính xác hơn Hạnh từ thế bị động đã biến đổi thành thế chủ động… Nhắc đến thành công của phim chúng ta không thể không nhắc đến sự chuyên tâm của các nhà làm phim đối với nhân vật. Chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Trần Thùy Mai, biên kịch Châu Thổ đã dày công đầu tư và tìm hiểu thực tế về phụ nữ Huế hiện đại. Đạo diễn Vinh Sơn cũng đã dành thời gian khá dài và kỹ lưỡng đầu tư cho nhân vật của mình. Và, diễn viên Hồng Ánh đã không ngại bỏ công sức ra tìm hiểu chất Huế, con người Huế, tính cách phụ nữ Huế.

Trước đây, phim làm ra chủ yếu là để phản ánh, tuyên truyền giáo dục nên thị hiếu của người xem ít được chú trọng. Ngày nay, trong kinh tế thị trường, tác phẩm điện ảnh được coi là hàng hóa và yếu tố tiêu thụ được (có người xem) trở thành tiêu chí quan trọng không kém các mục đích phản ánh, tuyên truyền, giáo dục. Vì vậy, thị hiếu của người xem luôn được các nhà làm phim quan tâm và cố gắng đáp ứng.

Trong hơn 80 phim được sáng tác ở mười năm gần đây, dễ nhận thấy các tác giả thường lấy giới trẻ làm đối tượng phản ánh. Trong Gái nhảy (2002), tác giả đã đưa ra những vấn đề khá gai góc trong đời sống xã hội hiện nay với tệ nạn ma túy, mại dâm và AIDS. Các cô gái làng chơi được xây dựng một cách khá sát thực cả về nội dung, hình thức, cách nhập vai và cách thể hiện. Những hình ảnh gây sock lần đầu tiên được sử dụng như một yếu tố cần thiết và quan trọng. Tác phẩm và tác giả bị công kích dữ dội từ phía các nhà chuyên môn, nhưng lại được công chúng đón nhận như một hiện tượng lạ của đời sống điện ảnh trong nước. Phải nói rằng Lê Hoàng đã thành công với các nhân vật, phá cách, không giống với bất cứ loại nhân vật nào đã có trong phim truyện nội trước đây và được tạo nên từ những chất liệu chân thực của cuộc sống. Trong Gái nhảy, người xem đặc biệt ấn tưọng với vai Hoa do Mỹ Duyên thủ vai, một cô gái nhà giàu nhưng cha mẹ không quan tâm khiến cô hư hỏng và có mong muốn trả thù đời.

Sau Gái nhảy, Lê Hoàng cho ra đời Lọ lem hè phố (2004) với những diễn viên khá nổi tiếng và cũng nhằm vào thị hiếu của lớp khán giả trẻ. Tuy nhiên, Lọ lem hè phố đã không mang về điều mà anh mong đợi. Sau đó, Lê Hoàng lại tiếp tục làm Nữ tướng cướp, Trai nhảy với những câu chuyện, nhân vật và nhiều cảnh quay theo kiểu vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Đặc biệt là với Trai nhảy, tác phẩm đầu tiên dám mạnh tay xây dựng nhân vật chính là người đồng tính nam. Lê Hoàng đã cố gắng xây dựng nhân vật rõ nét nhất và cũng chân thực nhất mà không ngại sự chỉ trích của công luận. Tuy nhiên những phim trên đã không làm nên đình đám như Gái nhảy.

Cùng với Lê Hoàng, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có hai bộ phim tạo được ấn tượng với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, là Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết. Trong phim, nhân vật giàu sức sống, lãng mạn, hài hước và cũng rất lạ lẫm, hầu như chưa bao giờ xuất hiện trong phim truyện Việt. Với Nụ hôn thần chết, Quang Dũng xây dựng nhân vật thần chết Du mang nhiều đặc điểm của thanh niên hiện đại. Nào là yêu hiphop, phong cách bụi bụi, bốc đồng, hài hước và cái lạ nhất là thần chết đặc biệt có tình người và vui tính. Từ một thần chết có nhiệm vụ sát nhân, anh đã biến thành một thiên thần với lương tâm tốt đẹp. Tiếp tục ăn theo thành công của Nụ hôn thần chết, năm 2008, Quang Dũng lại làm bộ phim tết Giải cứu thần chết thu về bạc tỉ. Giải cứu thần chết cũng tạo ra một dạng nhân vật hoàn toàn mới, đó là hình ảnh những cô cậu học trò tuổi teen với ước mong được thể hiện mình, với cả những nghi kị cá nhân sẵn sàng bộc phát bất cứ lúc nào. Đây là một trong những nhân vật ca nhạc đầu tiên phim Việt. Trước đó, năm 2007, Em muốn làm nguời nổi tiếng của đạo diễn Nguyễn Đức Việt cũng đã thử nghiệm với dạng vai ca nhạc, nhưng không mấy thành công. Hai bộ phim của Nguyễn Quang Dũng cũng còn nhiều vấn đề để bàn cãi, đặc biệt là cách quan niệm về nhân vật và dàn dựng có vẻ hơi xa lạ so với văn hóa Việt. Cũng phải nói thêm là các nhân vật này chưa đạt được mức độ cách tân trong nghệ thuật mà mới chỉ là sự thể nghiệm và có những nét hao giống các nhân vật của phim Mỹ. Tuy nhiên, vẫn phải ghi nhận sự cố gắng tìm tòi trong quá trình sáng tác cũng như đóng góp của Quang Dũng. Anh đã nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả yêu điện ảnh bằng câu chuyện và nhân vật cũng theo kiểu vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi.

Trong Những cô gái chân dài, Đẹp từng centimet của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, người ta vẫn thấy bóng dáng các nhân vật ở đâu đó, giống như phim nào đó trong những bộ phim cùng loại. Vẫn là các cô gái xinh đẹp, chân dài, có hoàn cảnh éo le hay từ nông thôn ra thành phố để lập thân và tìm kiếm vinh quang. Người xem luôn cảm giác các nhân vật của Đãng có cuộc đời bị cắt khúc, thiếu một quá trình phát triển. Các sự việc, biến cố đến một cách lẻ tẻ không có hệ thống, làm cho nhân vật không bộc lộ tính cách đầy đủ và rõ ràng. Từ đó mà số phận của họ cũng không được định đoạt bởi quá trình phát triển khách quan.

Không riêng gì dòng phim thị trường với những đề tài nóng bỏng mới dám làm như vậy. Ngay cả phim về đề tài truyền thống cũng đang chạy theo cách làm này. Các nhân vật trong phim khi có dịp (mà không phụ thuộc vào nội dung hay logic, bất chấp sự hợp lý hay vô lý) là nude, là sex. Chúng ta có thể kể đến hàng loạt các tác phẩm về đề tài truyền thống khai thác các cảnh nóng, như Sinh mệnh, Hoài vũ trắng, Dòng máu anh hùng, Sống trong sợ hãi

Điều dễ nhận thấy nhất trong sự thay đổi hình thức của các bộ phim truyện gần đây là sự tham gia của các diễn viên người mẫu, ca sĩ hay cả những người nổi tiếng, vốn không hoạt động trong các ngành nghệ thuật và truyền thông… Chưa bao giờ thấy các thành phần kể trên lại đổ bộ, đánh lấn sang nghệ thuật điện ảnh nhiều như vậy. Trước đây, đóng phim truyện chủ yếu vẫn là những diễn viên điện ảnh và sân khấu được đào tạo bài bản, chí ít cũng là các nghệ sĩ đã thành công của các ngành nghệ thuật biểu diễn. Những diễn viên này đã thành công trong vai diễn của mình và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng. Khi cơ chế thị trường bắt đầu hiện hữu trong hoạt động điện ảnh, thì các nhà sáng tác, đặc biệt là các nhà sản xuất bắt đầu tìm kiếm những mới lạ cho sản phẩm của mình như là những điều kiện sống còn. Điều mà họ để mắt đến đầu tiên là tìm những gương mặt đang sáng giá đối với công chúng (hay đang ăn khách, đang hot, thậm chí đang có những scandal), dồn ép vào các vai chính với hy vọng là kéo được người xem đến rạp. Điều này không còn là mới mẻ đối với điện ảnh thế giới. Tuy nhiên với điện ảnh Việt đã có những bất cập, ít nhất là do sự thiếu chuyên nghiệp của nhiều diễn viên trong số họ, nên đã gây ra những chuyện nọ, chuyện kia. Hơn nữa, khi tham gia làm phim, các diễn viên thường lo làm đẹp bản thân mình hơn là thể hiện nhân vật mà mình nhập vai. Sự thay đổi hình thức trong các bộ phim còn thể hiện ở quần áo, phục trang, bối cảnh (nhà cửa sang trọng…), đạo cụ (xe ôtô, xe máy đẹp…) và thực tế là khi có điều kiện để có thể làm hào nhoáng phim mình là người ta làm liền.

Có thể nói, sau thành công của Gái nhảy, nhiều đạo diễn điện ảnh khác cũng tạo được một vài cơn sock đáng kể.

Dù chỉ là những bộ phim mang nặng tính giải trí một cách thuần túy, nhưng Gái nhảy là phim thành công về mặt doanh thu nhờ vào việc đánh trúng thị hiếu người xem và cũng là bộ phim đi đầu, mở ra trào lưu làm phim câu khách và ăn khách của điện ảnh nước nhà. Phải chăng đây cũng là một bài học trong kinh doanh điện ảnh là muốn phim được người xem biết đến và bỏ tiền mua vé thì các nhà làm phim phải chú trọng quảng bá, đặc biệt là hình ảnh của nhân vật, ngay từ khi phim còn nằm trên giấy. Mỗi đạo diễn đều có chiêu thức riêng trong quan niệm và sử dụng diễn viên, nhưng tựu chung lại có một vài đặc điểm sau đây: nhân vật phải có ngoại hình đẹp, nhân vật phải có sự mới lạ về hình thức, PR hình ảnh nhân vật của phim.

Để một nhân vật gây được sự chú ý của khán giả thì các nhà làm phim phải tuân theo những công thức chặt chẽ, những chiêu thức hợp lý; các nhà đầu tư phải luôn coi trọng hình ảnh của nhân vật. Và yếu tố phải kể đến đầu tiên là nhân vật phải thực sự thu hút người khác bởi ngoại hình đẹp và bắt mắt, khi đó, dường như người xem không quan tâm tới nội dung hay dở của bộ phim hoặc quan tâm chỉ ở mức độ vừa phải. Dòng phim thị trường đã nắm bắt và khai thác yếu tố này rất tốt.

Còn nhớ khi làm phim Gái nhảy, Lê Hoàng đã mời hàng loạt ngôi sao nữ có ngoại hình xinh đẹp và có tên tuổi như Mỹ Duyên, Minh Thư, Kiều Thanh,… Diễn viên đẹp và đầu tư khá kỹ về hình ảnh, trang phục cộng với một đề tài mới lạ đã đẩy bộ phim đi xa và thành công về doanh thu ngoài dự đoán. Trong các phim khác, Lê Hoàng cũng đã mời nhiều người mẫu nổi tiếng, ca sĩ và diễn viên nổi tiếng vào các vai chính, vai thứ chính. Đạo diễn Đào Duy Phúc cũng không ngần ngại sử dụng chiêu thức này trong Hai trong một. Anh đã mời Thành Lộc, Võ Thành Tâm, Ngô Thanh Vân… Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng về sau lại càng sử dụng chiêu thức này một cách cực kỳ hiệu quả. Anh tung vào phim rất nhiều nhân vật nổi tiếng trong làng giải trí Việt từ vai chính tới vai phụ. Trong Những cô gái chân dài có cả tá các cô người mẫu, Dòng máu anh hùng có người mẫu, ca sĩ Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn, Nụ hôn thần chết với các tên tuổi như Johny Trí Nguyễn, Thành Lộc, Phương Thanh, Hoài Linh, Thanh Hằng, Giải cứu thần chết cũng xuất hiện dàn diễn viên trẻ đẹp và nổi tiếng như: Minh Hằng, Chí Thiện, Phương Thanh, Hồng Nhung, SiuBlack, Đông Nhi, Thành Lộc. Đẹp từng centimet của Vũ Ngọc Đãng được ăn theo thành công của phim truyền hình Bỗng dưng muốn khóc với đôi diễn viên Lương Mạnh Hải, Tăng Thanh Hà…

Dòng phim sử dụng tiền ngân sách cũng không bỏ qua chiêu thức mời người đẹp, người nổi tiếng nhằm gây sự chú ý với khán giả. Chiến dịch trái tim bên phải của Đào Duy Phúc có người mẫu, ca sĩ Hồ Ngọc Hà; Đường thư của Bùi Tuấn Dũng có Quốc Tuấn, MC Tuấn Tú, cô thời tiết Lưu Hà; Em muốn làm người nổi tiếng của Nguyễn Đức Việt có cô thời tiết Đan Lê,…

Yếu tố thứ hai trong việc xây dựng hình ảnh nhân vật là phải có sự mới lạ. Sự mới lạ của nhân vật tạo điểm nhấn cần thiết, giúp phim có thể để lại ấn tượng nào đó trong lòng người xem. Tuy nhiên dù mới và lạ thì cũng phải đạt được những thành công nào đó về nghệ thuật để tạo được sự yêu thích đối với người xem.

Trong Dòng máu anh hùng, Charlie Nguyễn đã tạo ấn tượng với việc xây dựng hình ảnh nhân vật mới lạ cho phim. Đây là bộ phim võ thuật đúng nghĩa đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Và vì thế nhân vật trong phim cũng trở thành nhân vật võ thuật đầu tiên của màn ảnh Việt Nam…

Điện ảnh Việt Nam trước đây thường say sưa ca ngợi những nhân vật có tính cách anh hùng, đại diện cho tầng lớp những người yêu độc lập, khát khao tự do, người xem phim cổ vũ hết mình cho nhân vật vì họ như nhìn thấy thế hệ mình. Ngày nay, người xem đã có cái nhìn khác về nhân vật. Ngoài sự đáp ứng nhu cầu thưởng thức, nhân vật còn phải thỏa mãn tâm lý thưởng thức tồn tại trong mỗi con người. Nhân vật James Bond trong loạt phim về điệp viên 007 đã liên tục xuất hiện trong vài chục năm qua, nhưng anh ta vẫn nhận được sự yêu thích của khán giả, bởi nhân vật luôn vận động và thay đổi để hợp với thời đại. Nhân vật trong phim Việt Nam mặc dù còn yếu nhiều khâu nhưng phần nào đó đã gây sự hứng khởi với người xem. Các nhà sáng tác đang dần nắm bắt chính xác thị hiếu của nguời xem điện ảnh hôm nay và cố gắng đáp ứng nó. Một thực tế đã chỉ ra rằng một nhân vật dù có được thể hiện bởi một diễn viên nổi tiếng, nhưng lại được xây dựng một cách hời hợt, không có tâm lý hay số phận rõ ràng và quá nhạt nhẽo thì cũng không thu lại một chút thành công nào.

Điện ảnh thế giới mà tiêu biểu là điện ảnh Hollywood, rất coi trọng quảng cáo cho phim. Ngay từ khi mới chỉ là một ý tưởng hay, có thể phát triển để làm thành một bộ phim thì nó đã được chuẩn bị quảng cáo để giới thiệu cho công chúng một cách cẩn thận. Các chiêu thức, hình thức quảng cáo luôn đạt được những hiệu quả tốt nhất với những sản phẩm (phim và các sản phẩm trong phim hay theo phim) và nhiều đối tượng (chủ của các sản phẩm và công chúng người xem). Với Hollywood, nếu điện ảnh là một công nghệ thì quảng cáo là một khâu quan trọng của công nghệ đó.

Các nhà làm phim Việt (đặc biệt là tư nhân) đã ý thức rất rõ là phải coi trọng khâu quảng cáo hình ảnh cho nhân vật vì đây là một trong những khâu then chốt để bảo đảm cho sự thành công của phim. Ngay từ khi phim mới bắt đầu hình thành, họ hé lộ một vài thông tin về diễn viên thủ vai trong bộ phim sắp bấm máy. Họ tung hô, tiết lộ ít nhiều các thông tin liên quan từ bộ phim, đặc biệt là diễn viên và nhân vật. Thực tế cho thấy, dù bộ phim hay hoặc dở nếu được quảng cáo đúng mức và liên tục sẽ thu hút được sự chú ý của khán giả tới 80% so với 100% khán giả tới rạp sau này. Ở nước ta một năm sản xuất rất ít phim và thường ra rạp mỗi dịp tết Nguyên đán. Do vậy các nhà làm phim thường có thời gian dài để quảng cáo, thậm chí là từ đầu năm.

        Tóm lại, phim truyện mười năm đầu TK XXI đã xây dựng được nhiều nhân vật mang tính cách hợp thời đại, hợp hoàn cảnh. Nhưng vì quá nhiều phim làm về giới trẻ khiến người xem không khỏi đặt ra câu hỏi, liệu có phải giới trẻ mới là người thời thượng hay không, để rồi nhân vật già tuổi không còn được phản ánh trên phim, hoặc chỉ được phản ánh rất ít và nhỏ lẻ. Hãy thử chờ đợi sau một vài năm nữa, phim truyện nước nhà có còn dành ưu thế độc tôn thời thượng cho giới trẻ hay không?

Nguồn : Tạp chí VHNT số 341, tháng 11-2012

Tác giả : Hoàng Thủy Bảo Châu

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *