Cho đến nay, điện ảnh Việt Nam đã có bề dày phát triển, đạt được khá nhiều thành tựu, thể hiện qua những con số đầy sức thuyết phục, hàng nghìn tác phẩm đủ các thể loại ra đời, gặt hái được những giải thưởng trong nước và quốc tế tại các liên hoan phim uy tín. Nhiều thế hệ nghệ sĩ lần lượt trưởng thành, in đậm dấu ấn tài năng. Tuy nhiên trong dòng chảy phát triển đó, cũng cần thấy điện ảnh Việt Nam đã phải trải qua không ít thăng trầm, vấp váp. Qua đi cơn chao đảo của những năm tháng phải bươn chải tìm đường đi để tồn tại trong cơ chế thị trường, điện ảnh Việt Nam hôm nay đang từng bước chinh phục người xem bằng những tác phẩm có chất lượng cao.
Phim truyện từ năm 1986 đến năm 2000
Nếu trong tiến trình đổi mới đất nước, nền kinh tế có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu trên các mặt, thì văn hóa nghệ thuật thuộc lĩnh vực tinh thần có phần đi chậm và phức tạp hơn. Thậm chí tới hôm nay, đây đó vẫn chưa ra khỏi mô hình và ách tắc cũ, một số hãng phim nhà nước trong tình trạng khủng hoảng. Căn nguyên có thể do việc đổi mới trong văn hóa thường chậm hơn kinh tế, sự e dè, thận trọng quá mức trước cái mới, sức ỳ và tập quán của cái cũ quá lớn, nhận thức bất cập với tình hình, thậm chí cả tâm lý ngại thay đổi, giữ quyền lợi vị kỷ trong bộ phận nào đó…
Điện ảnh Việt Nam lúc đầu làm quen với cơ chế thị trường còn bỡ ngỡ, nhưng trong quá trình phát triển cũng dần đi vào ổn định. Các bước đi sau 20 năm thật phức tạp, lắm thăng trầm, có thành tựu và cũng không ít sai lầm vấp váp. Thậm chí đôi ba lần khối điện ảnh quốc doanh gần bờ vực phá sản, phải kêu cứu Nhà nước trợ giúp, chấn hưng.
Từ năm 1986 đến năm 1990, có thể nói, điện ảnh Việt Nam hoạt động theo mô hình bao cấp, sản xuất phim theo kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa (XHCN). Các hãng phim lớn của Nhà nước vẫn làm theo chỉ tiêu, kinh phí với số đầu phim không quá giảm so với trước: năm 1987: 23 phim, năm 1988: 24 phim, năm 1989: 22 phim. Thời kỳ này, có một số phim mang nội dung đổi mới đáng chú ý như: Thị trấn yên tĩnh (1986); Cô gái trên sông, Thằng Bờm (1987); Dịch cười, Người trong cuộc, Tướng về hưu, Không có đường chân trời, Người cầu may, Gánh xiếc rong (1989). Các bộ phim này đã khai thác mạnh mẽ vào những mảng hiện thực còn khuất lấp hoặc ít hay chưa nói tới như sự mông muội u mê, tập quán tiểu nông, tệ quan liêu, bợ đỡ, bi kịch chiến tranh, mặt trái đồng tiền, thói ảo tưởng, sự lừa đảo… được đông đảo khán giả hưởng ứng và đón nhận.
Từ năm 1989, nhiều nhóm làm phim tư nhân bắt đầu tự phát hình thành và hợp tác với quốc doanh để sản xuất phim. Mở đầu là nhóm Lý Huỳnh cộng tác với Xí nghiệp phim TP.HCM sản xuất Lửa cháy thành Đại La. Khởi đầu đó, cộng với kích thích từ thị trường như vẫy gọi nhà làm phim tư nhân bỏ vốn để liên doanh thành lập các hãng phim với những tổ chức sự nghiệp, đoàn thể của Nhà nước.
Thị trường cuối năm 1980 có đặc điểm là rất khát phim do nhiều nguyên nhân như: phim truyền hình hầu như chưa ra đời, có rất ít kênh tivi, phim ngoại nhập từ các nước bạn XHCN cạn dần, phim video mới đang chập chững, thiết bị vật liệu video chưa phổ cập vì giá khá đắt và giao thương quốc tế bị cấm vận. Vì vậy, dòng phim thị trường đầu những năm 1990 phát triển rất mạnh với tính chất tự phát, thậm chí chộp giật có màu sắc hoang dã. Phim thời kỳ đầu này được công luận gọi là phim mỳ ăn liền, đội mũ quốc doanh.
Khái quát lượng và chất của phim truyện những năm 1990
Bên cạnh các hãng phim nhà nước như: Phim truyện Việt Nam, Phim truyện 1, Xí nghiệp Tổng hợp TP.HCM, Tài liệu và khoa học trung ương, Hoạt hình Việt Nam, Điện ảnh quân đội, Điện ảnh công an, Điện ảnh biên phòng… Hàng chục hãng phim của các tổ chức sự nghiệp, đoàn thể xã hội chính trị: Thanh Niên, Bến Nghé, Công an TP.HCM, Nguyễn Đình Chiểu, Liên hiệp điện ảnh và băng từ TP.HCM, Xí nghiệp phim TP.HCM, Sài Gòn Video, Sài Gòn phim, Vinavideo, Ngọc Khánh, Hodaphim, Công ty điện ảnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Bến Tre, Trẻ TP.HCM, Hội nhà văn, Trường điện ảnh TP.HCM, Trung tâm điện ảnh trẻ, Đài truyền hình Cần Thơ, Tây Đô… Các nhóm làm phim tư nhân: Lý Huỳnh, Thiên Nga, Chánh Tín – Phụng Thiều, Thái Hòa, Hai Nhất, Đào Thu, Phước Sang – Lưu Huỳnh, Xuân Kỳ, Lâm Thành Sung, Cao Khương, Bùi Cường… Tất cả làm phim trong sự liên doanh, hợp tác với các hãng phim nhà nước theo phương thức mượn tên, giấy phép, thuê nhân lực và chia sẻ quyền lợi theo hợp đồng.
Do sự nở rộ các đơn vị, nhóm tư nhân, liên doanh liên kết sản xuất phim, cho dù Nhà nước cắt giảm mạnh kinh phí, chỉ tiêu, số lượng phim nhựa vẫn không giảm so với trước: năm cao nhất là 1990 có tới trên 30 phim nhựa, năm 1991: 19 phim, 1992: 15 phim, 1993:8 phim, 1994: 16 phim, 1995: 13 phim, 1996: 16 phim, 1997: 10 phim. Đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM và vài ba thành phố lớn khác, hoạt động chiếu phim, quảng cáo diễn ra quanh năm. Hình ảnh các diễn viên nổi tiếng như: Lý Hùng, Thu Hà, Diễm Hương, Việt Trinh, Giáng My, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Hữu Nghĩa, Thành Lộc, Quyền Linh, Hồng Vân… xuất hiện trên báo chí, lịch treo, áp phích quảng cáo, trở nên phổ biến trong quần chúng. Tuy nhiên, phim ảnh thời kỳ này còn có hiện tượng chộp giật, bát nháo, cạnh tranh không lành mạnh khiến nhiều hãng điêu đứng phải đóng cửa như Hải Đăng ở Bà Rịa – Vũng Tàu…
Cho tới cuối những năm 90 TK XX phong trào làm phim thị trường thoái trào, tàn lụi. Số đầu phim các năm giảm rõ rệt: năm 1998: 7 phim, năm 1999: 5 phim. Tình hình chiếu bóng cuối thập kỷ 90 TK XX thật sự thê thảm. Khán giả bắt đầu quay lưng với phim rạp. Cán bộ công nhân viên chiếu bóng đa số phải xoay xở làm đủ nghề kiếm sống trong khi rạp cho thuê làm vũ trường, quán bar, thậm chí chuyển đổi mục đích thành siêu thị, nhà hàng… Lượng khán giả đến rạp giảm mạnh do nhiều nguyên nhân, trong đó phải nói đến là chất lượng phim của ta còn kém, nội dung theo lối mòn, quá quen thuộc, không mấy hấp dẫn. Trong khi đó, các kênh tivi chiếu phim tăng lên, phim ngoại cũng tràn vào nhiều hơn, và đặc biệt là video ngoài luồng nhập lậu, in sao rẻ tiền đã tràn ngập khiến khán giả không còn mặn mà đến rạp. Mặt khác, Nhà nước cũng dường như ngại ngần chưa khích lệ, chưa cho thành lập hãng phim tư nhân. Công luận, báo chí còn khắt khe kỳ thị với dòng phim giải trí.
Cơ chế, chính sách
Về phía các hãng phim nhà nước, từ cuối năm 1980 đến 1990, hoạt động theo cơ chế bao cấp nhưng hết sức rệu rã. Xuất hiện mâu thuẫn giữa hội, hãng phim, nghệ sĩ và liên hiệp điện ảnh với nhau, thậm chí có cả tham ô, tham nhũng bị truy tố. Có thể coi đây là lần khủng hoảng thứ nhất của điện ảnh Việt Nam sau chiến tranh.
Ngày 25-2-1991, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Võ Văn Kiệt đã ra Quyết định số 417/CT về việc sắp xếp tổ chức lại ngành điện ảnh. Trong đó có việc giải thể Liên hiệp điện ảnh, thành lập Cục điện ảnh trên cơ sở Vụ điện ảnh để giúp Bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; tổ chức lại các khâu sản xuất, phát hành và chiếu phim theo hình thức hãng, xưởng, công ty… có thể kinh doanh độc lập hoặc hợp tác, liên doanh; và phải đi vào hạch toán đảm bảo cân bằng thu chi, tiến tới có lãi. Nhà nước chỉ tài trợ tùy mức cho các phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, không tài trợ tràn lan hoặc theo đơn vị. Công tác phát hành phim theo phương thức ủy thác hoặc tự phát hành qua hợp đồng. Cơ sở đủ tư cách pháp nhân được xuất khẩu phim do mình làm ra và được nhập khẩu thiết bị vật tư. Việc nhập khẩu phim do một đơn vị quốc doanh được Bộ giao đảm nhiệm. Các thành phần kinh tế đều tham gia việc chiếu, hoặc liên doanh chiếu phim, được tự bỏ vốn xây rạp và tự trang trải. Nhà nước chỉ tài trợ 100% kinh phí cho công tác chiếu phim ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng nông thôn hẻo lánh và hải đảo.
Các nội dung của quyết định số 417/CT cơ bản đã được ngành điện ảnh thực hiện trong các năm 1992, 1993. Cũng có những điều đã phát huy tính tích cực trong thực tiễn như: chiếu bóng được giúp đỡ, bao cấp phim truyền thống, thiếu nhi, chiếu phim vùng sâu vùng xa… Nhưng cũng có những điều còn lúng túng và ách tắc như việc hạn chế tài trợ đã khiến các hãng phim gặp không ít khó khăn. Đó là việc chịu trách nhiệm hạch toán kinh tế, tự kinh doanh để duy trì phát triển, phải đối đầu với thị trường, vốn chưa hề có chút kinh nghiệm; trong khi bản chất của thị trường và nghệ thuật chịu sự chi phối của nhiều quy luật như cung cầu, giá cả, xã hội hóa, tư nhân hóa… Tuy nhiên, nhận thức được các quy luật đó ở thời điểm cuối 1980 đầu 1990 ở Việt Nam, căn bản là điều chưa thể, dù sự nghiệp đổi mới đã khởi động. Chỉ sau năm 2000, qua thực tiễn, vấn đề này mới sáng rõ dần. Lúc này tình hình điện ảnh có phần ngổn ngang trăm mối tơ vò trên bước đường cũ mới đan xen.
Trong bối cảnh đó, phim quốc doanh đứng trước sự kích thích của thị trường đều mong muốn thay đổi và nhập cuộc. Kinh doanh, làm phim thị trường không có lỗi mà còn hợp quy luật, bởi điện ảnh còn có thuộc tính kinh tế. Câu nói “con buôn phim – kẻ lũng đoạn văn hóa” nay không còn phù hợp. Lỗi và sai lầm là không nhạy bén phân định rõ cách thức, bước đi, chính sách thích ứng kịp thời, mà cứ ngơ ngác, bùng nhùng trước những yêu cầu của thời kỳ mới. Tất nhiên đó là cái hạn chế đáng thương hơn đáng trách vì thời cuộc thay đổi quá nhanh, khó có thể bắt kịp nhịp đi của nó. Ta nên nhớ lại từ năm 1990 tới 1991 lần lượt Đông Âu và Liên Xô tan vỡ như một cơn sốc không ai ngờ tới. Rồi kinh tế thị trường mở ra, tất cả các lĩnh vực như rã nát lề lối bao cấp. Các quan niệm, hệ giá trị cũ cũng chao đảo, có cái tiêu vong khuất bóng dần… Nhưng không phải mọi sự hướng về cái mới đều dễ dàng. Tất cả còn phải trải qua nhiều trăn trở, vật vã với những trả giá nhất định. Cho tới nửa sau thập kỷ 90 TK XX, vì không được hợp thức và nâng đỡ khuyến khích, phim tư nhân, thị trường tự phát tàn cuộc, phim nhà nước thoi thóp èo uột, thậm chí có nhiều hãng phim truyện rơi vào bờ vực phá sản.
Giữa những năm 90 TK XX, mặc dù thực tiễn đã thay đổi, nhưng dường như phía chủ quản và các cấp hữu quan còn lưỡng lự, thăm dò trước thời cuộc và chỉ đưa ra vài giải pháp tình thế, kêu gọi Nhà nước giúp đỡ với tinh thần chấn hưng điện ảnh. Có thể coi đây là cuộc khủng hoảng và kêu cứu lần thứ hai của ngành điện ảnh.
Ngày 17-7-1995, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/CP về tổ chức và hoạt động điện ảnh, đã thúc đẩy việc thực hiện chương trình củng cố và phát triển điện ảnh. Sau một thời gian thực hiện, bộ mặt điện ảnh đã dần khởi sắc, cơ sở vật chất kỹ thuật đã đạt được các mục tiêu của ngành. Trong 5 năm sau nghị định, Nhà nước đã đầu tư khoảng 180 tỷ cho cho các cơ sở khu vực kỹ thuật điện ảnh, trung tâm chiếu phim quốc gia, máy móc thiết bị cho một số rạp và đội chiếu bóng. Và kinh phí nhà nước trợ giúp sản xuất phim cũng tăng lên theo các năm: 1992: 2,5 tỷ, 1993: 5 tỷ, 1994: 20,5 tỷ, 1995: 45,85 tỷ, 1996: 34,508 tỷ, 1997: 31,5 tỷ (1). Tuy nhiên sự yếu kém của các hãng phim nhà nước vẫn chưa được khắc phục. Không ai có thể dám khẳng định cho tới năm 2000 sẽ khởi sắc. Thực tiễn lại một lần nữa chứng minh, khơi thông sự ách tắc chủ yếu phụ thuộc vào các quyết sách và tạo dựng mô hình mới phù hợp chứ chưa hẳn ở tiền vốn hay nhân lực.
Cuối thập kỷ 90 TK XX, Nhà nước có chủ trương đáng chú ý: đó là Nghị định 90/CP ngày 21-8-1997 về xã hội hóa văn hóa nghệ thuật trong đó có điện ảnh mang tầm nhìn chiến lược, hợp quy luật và lòng người của Đảng và Nhà nước. Tuy là chủ trương ra đời muộn nhưng đã thật sự thổi luồng gió mới vào đời sống điện ảnh cũng như các lĩnh vực khác. Từ đó đến nay nghị định đã dần đi vào cuộc sống lại được cộng hưởng tự nhiên của xu thế vận động trong các lĩnh vực nghệ thuật, cho nên phim ảnh nước ta bắt đầu có những điểm sáng tuy còn le lói và chưa thành chủ lưu.
(Còn nữa)
Nguồn : Tạp chí VHNT số 345, tháng 3-2013
Tác giả : Đặng Minh Liên
Bài viết cùng chủ đề:
Sự giao thoa phim truyện và phim tài liệu qua cha cõng con
Nhận diện đạo diễn phim việt những năm gần đây
Tấm cám: chuyện chưa kể – từ truyện kể đến điện ảnh