Nhóm họa sĩ hiện thực và một hiện thực khác

Việc xuất hiện một nhóm họa sĩ theo đuổi một phong cách, trường phái mỹ thuật được xem là rất hiếm có ở Việt Nam. Vì vậy chăng mà triển lãm đầu tiên của nhóm họa sĩ Hiện thực, hồi cuối năm 2015 vừa qua, sau một năm thành lập nhóm đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của công chúng và giới chuyên môn (1). Tinh thần họat động và chất lượng sáng tác của nhóm phần nào được thể hiện qua cuộc trao đổi mang tính chất học thuật giữa họa sĩ Phạm Bình Chương, đại diện nhóm và nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông. Nội dung cuộc trao đổi tập trung đề cập đến quan điểm, cách tiếp cận với hiện thực của nhóm.

Vũ Huy Thông (VHT): Là đại diện của nhóm, anh có thể cho biết quan điểm chung của nhóm về hiện thực và hội họa hiện thực?

Phạm Bình Chương (PBC): Hiện thực là cái hiện hữu mà nhờ vào đấy người ta mới có thể sống, cảm nhận và tư duy được. Tôi không định trao đổi sâu thêm vì đó là phạm trù triết học và các luồng tư tưởng cũng đã tranh cãi rất nhiều về vấn đề này. Nhóm chúng tôi vẫn quan niệm hiện thực là những thứ mà chúng ta có thể cảm nhận, thể hiện, tái hiện được. Về hội họa hiện thực, phải phân biệt ba khái niệm. Thứ nhất là phong cách hiện thực tự nhiên, vẽ giống như mắt nhìn, là phong cách phổ biến của các họa sĩ từ lúc loài người biết vẽ cho tới nay, dù ở bất cứ đề tài nào, thần thoại, sinh hoạt, chân dung…, người xem có thể thấy hình ảnh và không gian tương đối giống trong cuộc sống. Phục hưng là giai đoạn cực thịnh của phong cách đó. Thứ hai là phong cách tả thực, vẽ sao cho giống thật, đến mức có thể đánh lừa được thị giác, tức là tính hiện thực được đẩy lên ở mức cao hơn. Ví dụ các bức tranh tĩnh vật phổ biến ở Hà Lan TK XVII khiến người xem có thể thèm đồ ăn trong tranh, hay các chất liệu khó thể hiện như gỗ, thủy tinh được tả như thật, không còn cảm giác là sơn dầu nữa. Thứ ba là chủ nghĩa Hiện thực do Courbet khởi xướng từ TK XIX, với tuyên ngôn phải vẽ cái thực tại trong cuộc sống, tức không được tưởng tượng hoặc vẽ những thứ huyền hoặc, huyền thoại. Chủ nghĩa này chống lại chủ nghĩa Lãng mạn và Cổ điển đang phát triển tại Pháp lúc bấy giờ. Tuy vậy, chúng đều có phong cách hiện thực, tức là về mặt hình thức không có gì khác với thời Phục hưng. Quan niệm của chúng tôi về hội họa hiện thực thì nghiêng về tả thực, là phong cách của các họa sĩ có sở thích diễn tả. Về đường hướng sáng tác, chúng tôi rất mở.

Ngày nay hội họa có nhiều ngã rẽ, ý tưởng được đặt lên hàng đầu nên cần cởi mở thì mới dễ hoạt động. Ngoài hiện thực thuần túy, nhóm có thêm cả một số họa sĩ có hơi hướng siêu thực và trực họa, họ cũng lấy hiện thực làm nền tảng để truyền tải tư tưởng và có khuynh hướng tả kỹ đối tượng. Tuy nhiên, yếu tố tả thực chỉ là phong cách chứ không phải là cứu cánh. Nếu một họa sĩ chỉ biết tả thực mà không có ý tưởng thì không phải là đối tượng được nhóm Hiện thực tiếp nhận.

VHT: Có thể nói, diện mạo chính của hội họa hiện đại Việt Nam là hiện thực và phong cách hiện thực với thành công hơn cả là hội họa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Vậy hội họa của nhóm Hiện thực có gì khác và muốn khác hội họa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam?

PBC: Anh nói đúng, hội họa Việt Nam được biết đến nhiều nhất là hội họa hiện thực xã hội chủ nghĩa sau giai đoạn Đông Dương. Tuy nhiên, để so sánh với giai đoạn này, ta phải biết bản chất của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa này dùng nghệ thuật và văn học để ca ngợi, làm sáng tỏ bản chất của xã hội chủ nghĩa, tức có sự bắt buộc về mặt nội dung, còn về hình thức thì không được đề cập nhiều. Vậy đặc điểm của hội họa Hiện thực xã hội chủ nghĩa nằm ở nội dung chứ không phải hình thức. Ở Liên Xô trước đây, nhờ nền tảng hiện thực vững chắc nên khi các họa sĩ, nhà điêu khắc khi chuyển sang hiện thực xã hội chủ nghĩa thì chỉ thay đổi đề tài là xong. Còn ở Việt Nam, khi tiếp nhận chủ nghĩa này, các họa sĩ lại đi tìm yếu tố cá nhân về mặt tạo hình và phải chăng, đó là cách mà họa sĩ tự giải thoát mình khỏi các đề tài gò bó. Sau này, nhiều họa sĩ, khi không còn theo hiện thực xã hội chủ nghĩa, vẫn giữ nguyên phong cách như vậy, phải nói rằng, khó có thể định nghĩa được đó là trường phái gì. Tuy nhiên nó lại có giá trị khác, là tiền đề cho thập kỷ vàng với các họa sĩ tên tuổi thời mở cửa. Các họa sĩ thời đổi mới gần như đoạn tuyệt với hiện thực và không thể phủ nhận những thành công của họ, đặc biệt phần phát triển thị trường nghệ thuật.

Nhóm Hiện thực ra đời với mong muốn trở lại định nghĩa thực của nó, trong đó đề cao và chú trọng hơn tới yếu tố nghiêm túc, bài bản, như một sự bù đắp cho việc thiếu hụt tính hiện thực trong một thời gian dài. Thực tế cho thấy, trừ vài cá nhân đặc biệt, phong cách hiện thực Việt Nam chưa đến mức độ có thể gọi là hiện thực đúng nghĩa, vì nó không phải môn học bắt buộc ở các trường chuyên nghiệp. Khi còn học ở trường, tôi luôn bị ám ảnh bởi các thuật ngữ điểm dừng, mảng bẹt, chạy màu… Hình như những khái niệm đó thuộc về trang trí. Các thày chỉ muốn bài của học sinh có một vẻ đẹp chung chung, ổn ổn. Theo đánh giá của tôi, không phải chúng ta thiếu tài năng, mà vì quan niệm hay cách đặt vấn đề mà thôi.

VHT: Ngoài việc đẩy cao hơn về mặt tả thực, các anh còn muốn làm khác điều gì nữa?

PBC: Nhóm không có chủ trương đưa ra một quan niệm hay trào lưu, tuyên ngôn to tát mà muốn tập hợp những họa sĩ đang theo đuổi hiện thực để xem bộ mặt của hội họa hiện thực Việt Nam đang ở đâu. Ngoài chia sẻ về kỹ thuật vẽ tả thực, chúng tôi muốn nâng các thành viên lên mức độ cao hơn, như phải đậm cá tính, tác phẩm phải có tư tưởng. Tuy nhiên, khi tuyển chọn, chúng tôi vẫn chú trọng tới những người có sở thích tả thực, vì nếu dùng quan niệm hiện thực như trước đây thì sẽ giống triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, tức ai cũng có thể mang trong mình yếu tố hiện thực vì cũng mô tả những yếu tố trong cuộc sống… Cái đó, Hội Mỹ thuật và các tổ chức khác đã làm rồi.

Chúng tôi rất mở, ai vẽ siêu thực, ai vẽ tả thực, ai trực họa vẫn tiếp tục, nhưng phải đẩy được mức độ diễn tả thâm sâu hơn. Vì thực ra, hiện thực là phong cách xuyên suốt từ thời kỳ Đông Dương, như anh nói, nhưng nó không được đặt lên tiêu chí hàng đầu. Tôi không nói đến trình độ, mà là cách đặt vấn đề của những người tạo dựng nền hội họa Việt Nam hiện đại. Họ, những nhà quản lý, không đề cao vấn đề vẽ hiện thực như thời Cổ điển hay Cận đại ở phương Tây, mà muốn có ở đó cả tính dân tộc của Việt Nam nữa. Các giá trị họ đạt được là vẻ đẹp dung dị, thuần khiết, có yếu tố duyên, là nét đặc sản của hội họa Đông Dương. Thế hệ chúng tôi cần phải làm cái gì đó khác đi. Ngày nay, khi va chạm với thế giới, thấy hiện thực đã được đẩy lên rất cao, giống như trong cuộc sống, nếu lấy mắt nhìn làm thước đo để xem hội họa đạt được bao nhiêu phần trăm, thì thế giới đã đạt đến mức độ gần như mắt nhìn rồi và chúng tôi hứng thú với điều đó. Tuy nhiên, như đã nói, vẽ tả thực chỉ là phương tiện, đặc điểm của nhóm, nên chúng tôi muốn các thành viên dần dần phải vẽ thoát hơn, không gò bó vào việc cố diễn tả, làm sao cho thông tin phải kỹ nhưng không gây cảm giác mệt mỏi cho người xem, vì ý tưởng mới là chính. Ngoài ra, chúng tôi đẩy mạnh vào việc trau dồi tri thức, vì đã là họa sĩ hiện thực thì vốn sống phải dồi dào. Các buổi sinh hoạt, ngoài vấn đề nghệ thuật còn có chủ đề liên quan như văn học, triết học…

VHT: Nhà phê bình mỹ thuật danh tiếng Thái Bá Vân đã từng nói:“Hiện thực không phải là cái ta nhìn thấy bằng mắt, mà là cái ta quan niệm bằng tâm tưởng’’. Cá nhân anh suy nghĩ như thế nào về quan niệm này?

PBC: Đúng, vì thực tế cái mà người ta nhìn thấy, cái mà người ta nghe được, rút cục nó phải ở trong tâm tưởng, vì triết học cũng nói vậy. Phải kết hợp cả yếu tố chủ thể và khách thể mới tạo ra cái nhận biết, cái ý thức. Thí dụ một người nhìn hình ảnh trước mắt mà không có suy nghĩ gì, hoặc anh ta đang bận tâm đến một công việc khác thì nhìn cũng như không, trong não bộ không ghi nhận được gì cả. Mắt hay sự nhìn chỉ là một trong những giác quan của con người, nó chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ, mà chính não bộ sẽ xử lý để tạo nên một khái niệm gì đấy về thực tế. Nhà phê bình Thái Bá Vân nói như thế là hoàn toàn đúng, đó chính là cái tột cùng của triết học Vạn pháp tâm sinh. Tuy nhiên, điều đó cũng không liên quan tới việc chúng tôi hướng tới việc vẽ tả thực, vì vẽ tả thực hay trừu tượng, hay vẽ hiện thực theo nhiều phong cách khác nhau cũng chỉ là cái cớ để người xem hoạt động tư duy, sàng lọc các kênh thông tin rồi đưa vào ý thức về sự nhận biết thế giới. Nếu một bức tranh trừu tượng gợi cho ai đó về miền quê của họ thì cũng rất hay, cũng mang trong mình phẩm chất của hiện thực. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tả thực là một cách dễ dàng, thuận lợi hơn cho việc truyền đạt của người vẽ tới người xem vì người xem không phải động não nhiều để hiểu một vấn đề nào đó.

VHT: Anh có thể nói về một số ý tưởng cụ thể đằng sau hình ảnh những người nông dân trong sáng tác của Nguyễn Lê Tân, đồ vật thời chiến tranh, thời bao cấp của Ngô Xuân Chính, hoặc hình ảnh những góc phố Hà Nội trong tranh của anh?

PBC: Đã là nông dân thì không thể sung sướng tuyệt đối, phần lớn họ phải làm việc cật lực mà không đủ ăn. Chúng ta thử ngắm bức tranh Tình cha của Nguyễn Lê Tân, một người cha với dáng ngồi xổm đặc trưng của nông dân đồng bằng Bắc bộ bế đứa bé bên mảng tường cũ kỹ, hai tâm trạng cùng tồn tại trên gương mặt ông: hạnh phúc làm cha và nỗi lo kinh tế gia đình. Tôi nghĩ, để diễn tả được ánh mắt với hai tâm trạng đó không loại hình nào có thể làm được, trừ hội họa. Hội họa khác nhiếp ảnh ở cách làm việc thẩm thấu, từ từ và họa sĩ phải trải lòng lắm với vẽ được như vậy. Loạt tranh Bụi thời gian của Ngô Xuân Chính đẩy người xem lùi về khoảng vài chục năm để cảm nhận cái không khí ảm đạm nhưng đầy bi tráng của thời chiến tranh và bao cấp. Người xem thấy có lớp bụi mờ bám trên bề mặt các đồ vật cũ kỹ, thân phận chúng cũng là thân phận người lính khi trở về từ mặt trận, lại đối mặt với cái nghèo khó thời hậu chiến. Đó là giá trị của lịch sử. Tranh của tôi khai thác một Hà Nội đang sống giữa các tầng lớp thời gian, các tầng lớp chế độ. Cái cũ bị cái mới xâm nhập. Những không gian yên tĩnh thời Pháp thuộc đang bị trêu ngươi bởi lối sống mới với các đồ dùng, phương tiện hiện đại. Đó là những tất yếu phải xảy ra, ta biết chấp nhận nhưng tôi muốn chúng có một sự xung đột êm dịu và mang tính thẩm mỹ, làm sao để người ta vẫn biết yêu Hà Nội, biết tin vào giá trị đích thực của nó.


Khoảnh khắc ấm áp, tranh của Nguyễn Đình Duy Quyền 

VHT: Bài viết về triển lãm nhóm Hiện thực của họa sĩ Lê Thiết Cương có câu:“Có thể hiểu hội họa hiện thực ở mức cao nhất phải là khác thực’’ và “có thể hiểu hội họa hiện thực ở mức cao nhất vẫn phải là tạo ra một hiện thực khác’’. Anh cắt nghĩa như thế nào về hai câu nói này?

PBC: Cái “khác thực” hay một “hiện thực khác” là khác nhau, hay là một? Ta xét sau. Tôi xin cắt nghĩa từng câu. Cái khác thực là ý nói cái không giống thực, tức không phải sao chép nguyên si cái mắt nhìn thấy. Hội họa không phải là nhiếp ảnh, một bức tranh cố sao chép thực tế chỉ dừng ở mức bài học, dù có kỹ thuật cao, ta có thể thấy chúng tràn lan trên các phố bán tranh. Dù bức tĩnh vật vẽ giống thật nhưng hoa chỉ là hoa, lá chỉ là lá thì nó không gợi lên điều gì, nó không có thông điệp, không có ý tưởng. Để bức tranh tĩnh vật sống được phải phụ thuộc vấn đề nội tại của người sáng tác, anh ta có thể làm tăng đậm nhạt, ánh sáng hoặc thay đổi màu sắc, hay thêm vào các hình tượng khác như thế nào đấy để hoa sẽ phải nói lên được tâm trạng, thái độ người vẽ, như vậy hội họa đã trở nên khác thực rồi. Một hiện thực khác tức phải gợi ra một thế giới khác trong tâm tưởng người xem, mà giai đoạn đầu tiên gọi là sự liên tưởng. Đằng sau hình tượng đồ vật là con người, đằng sau hình tượng con người là một thân phận. Vẽ một người phụ nữ để ai cũng thấy mẹ mình trong đó, vẽ đồ vật để thấy cuộc sống, vẽ bức tường rêu để gợi lên cả một kỷ niệm, vẽ con búp bê mà lại thấy được nó đang thở… Họa sĩ làm được điều đó thì mới đúng là sáng tác. Vậy “cái khác thực“ hay “một hiện thực khác“, tuy hai mà một, một bức tranh hiện thực thành công phải đạt được khả năng tâm truyền tâm, khai mở nội tâm người xem từ tâm tư người vẽ.

VHT: Câu hỏi cuối cùng, hầu hết các thành viên trong nhóm Hiện thực đều sở hữu một khả năng kỹ thuật tương đối tốt để diễn đạt hiện thực, tuy nhiên chắc anh cũng đồng ý với quan điểm, kỹ thuật chỉ là phương tiện để phục vụ cho mục tiêu cao nhất là sự sáng tạo của người làm nghệ thuật. Vậy đâu là những giá trị sáng tạo mà các thành viên trong nhóm đã đạt được và đang hướng tới?

PBC: Điều may mắn nhất của nhóm Hiện thực là không tác giả nào giống tác giả nào, mỗi người đang kể những câu chuyện riêng của mình bằng lối tả chân thực. Như đã nói, không phải nhóm Hiện thực có một giá trị riêng nào đó, mà các giá trị lại thuộc về từng cá nhân họa sĩ. Với hạn chế về khuôn khổ, tôi chỉ có thể kể ra đây vài tác giả như: Nguyễn Đinh Duy Quyền với một thế giới mộng mơ, hình tượng những đứa trẻ dang tay bảo vệ động vật hoang dã. Đó là cái nguyên sơ, cái bản thể. Tôi thấy Duy Quyền có một tâm hồn đẹp, thông điệp của anh rất quan trọng và lớn lao, anh dùng gam màu khá rực. Còn Lưu Tuyền, trước đây, thường vẽ búp bê trong vỏ bọc thì trong triển lãm này đã thay đổi, con búp bê đã bước ra khỏi túi nilon, ngồi trên ghế tại một căn phòng, nhưng toàn bộ bức tranh lại được phủ một lớp keo trong và dày với những vết đập, vết rạn, rạn thật do đập bằng búa. Phải chăng ta đã thấy cuộc sống mong manh như thế nào? Hay các tác phẩm điêu khắc của Trần Thức với chủ đề chồi non mọc xuyên qua lồng sắt như ám chỉ niềm khát khao sống vươn lên từ hoàn cảnh, đó là những tác phẩm điêu khắc cực thực có ý tưởng. Trịnh Minh Tiến là tác giả cực thực đầu tiên của Việt Nam thường dùng ảnh làm tư liệu sáng tác, song việc vẽ như một bức ảnh lại mang đến cho anh cảm giác thú vị về sự khám phá kết cấu của thế giới thông qua các chất liệu của đời sống đương đại như vỏ xe ô tô bóng nhẫy, đồ nhựa… Gần đây, anh có xu hướng vẽ quang cảnh xuyên qua các lớp kính có nước hoặc bị uốn cong, hình ảnh bị méo mó, biến dạng đến mức không nhận dạng được. Phải chăng trừu tượng và cực thực đã gần nhau đến thế? Lê Thế Anh đang tìm một sự hòa đồng giữa con người thực với những kiệt tác của một số danh họa. Tranh anh vẽ khổ lớn với mục đích vẽ kỹ nhân vật to bằng người thật, rất thú vị khi được xem một thiếu nữ khỏa thân ngồi trong căn phòng của Van Gogh, hay đang uống rượu vang cùng người phụ nữ trong Căn phòng đỏ của Matisse… Nhìn chung, tôi thấy các họa sĩ đã đi đúng hướng. Họ có vấn đề cần chia sẻ và đã chọn một phong cách rất phù hợp.

VHT: Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.

 _______________

1. Nhóm tập hợp trên 10 họa sĩ đang theo đuổi phong cách hội họa hiện thực, bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2014. Triển lãm này có tên Hiện thực, gồm 29 sáng tác hội họa và điêu khắc, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 10 đến 16 – 12 – 2015.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016

Tác giả : VŨ HUY THÔNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *