NHỮNG BIẾN ĐỔI TRONG VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI MƯỜNG

         Bản sắc dân tộc của mỗi nền văn hóa biểu hiện sinh động trong hệ giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, văn hóa vật thể, phi vật thể mà cộng đồng đã sáng tạo, tích lũy trong những điều kiện tự nhiên, xã hội, lịch sử nhất định. Bởi vậy, bản sắc dân tộc không phải là cái nhất thành bất biến, nó cũng thay đổi cùng những biến đổi kinh tế, xã hội. Song điều quan trọng là ở chỗ cái lỗi thời sẽ bị vượt qua, cái tinh hoa được bảo tồn trong diện mạo mới của nền văn hóa. Văn hóa Mường cũng không đứng ngoài quy luật chung đó.
Ngày nay, ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, sự tiếp thu và giao thoa văn hóa đã làm biến đổi rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người Mường như: trang phục, nhà ở, tín ngưỡng, ngôn ngữ…
Trang phục hàng ngày của đàn ông Mường, vốn đơn giản, ít giá trị thẩm mỹ và dấu ấn tộc người, có sự biến đổi nhanh nhất. Trang phục của lứa tuổi học sinh, sinh viên biến đổi mạnh nhất. Tất cả các em, gái cũng như trai đều mặc Âu phục hiện đại ở trường và ở nhà như bất kỳ học sinh người Việt nào. Các em nữ sinh dường như không thích mặc váy áo Mường, có chăng thì cũng chỉ một bộ để mặc vào những ngày lễ.
Sự thay đổi trong trang phục ở phụ nữ Mường diễn ra phức tạp hơn. Phụ nữ Mường dưới 45 tuổi thường không hoặc ít mặc Mường phục hàng ngày. Khi làm ruộng, lên nương, lại càng không mặc váy áo Mường vì mặc quần và áo sơ mi thao tác lao động thuận tiện hơn. Lứa tuổi này hoặc lớn hơn, nếu là cán bộ nhà nước thì 100% mặc Âu phục ở nhiệm sở và ở nhà, chỉ vào những ngày lễ lớn hoặc trong quan hệ đối ngoại mới mặc trang phục Mường như một yêu cầu của công việc và cũng bao hàm cả lòng tự hào, tự tôn bản sắc văn hóa tộc người. Lứa tuổi từ 45 trở lên, hầu hết, đã quen mặc váy áo Mường, nên việc mặc trang phục truyền thống là điều bình thường hàng ngày, mọi lúc, mọi nơi. Điểm khác biệt duy nhất là ở chỗ, trang phục trong ngày lễ, tết mới hơn, chất liệu và màu sắc đẹp hơn và luôn kèm theo đồ trang sức phù hợp. Tuy nhiên, trang phục truyền thống ở lứa tuổi này đã có ít nhiều biến đổi, nhất là trang phục ngày thường và lúc lao động. Chẳng hạn: vẫn mặc váy Mường nhưng cạp váy không dùng thổ cẩm tự dệt mà dùng vải dệt công nghiệp theo kiểu hoa văn thổ cẩm, thậm chí vải in hoa các màu mua ở chợ rất sẵn và rẻ. Một kiểu biến đổi khác là mặc bán Mường phục, tức là mặc áo sơ mi, áo phông kết hợp với váy Mường.
Cùng với sự thay đổi trong trang phục là việc dùng vải công nghiệp, mua quần áo may sẵn tiện lợi và rẻ hơn rất nhiều so với việc phải tự trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, nhuộm tơ – sợi, dệt vải để phục vụ nhu cầu mặc, làm chăn đắp và những nhu cầu khác nữa. Như thế, chị em phụ nữ Mường đỡ đầu tắt mặt tối, lại được tự do lựa chọn kiểu dáng và màu sắc, khiến cho trang phục đa dạng, phù hợp mọi lứa tuổi hơn (trang phục của phụ nữ Mường không có kiểu dáng riêng cho từng độ tuổi, từ trẻ em đến người già chỉ mặc chung một kiểu duy nhất). Tuy nhiên, sự thay đổi này không chỉ làm mất đi nét đẹp riêng của trang phục Mường mà còn dẫn đến một hệ lụy khác nữa, đó là đặt nghề dệt – nhuộm cổ truyền, một trong những tinh hoa của văn hóa Mường, đứng trước nguy cơ suy kiệt dần rồi mất hẳn. Phụ nữ Việt hiện nay đâu có mặc áo tứ thân nữa, nhưng bộ váy áo mớ ba mớ bảy vẫn tươi rói trong các lễ hội, mặn mà làm duyên trên sân khấu chèo, say đắm lòng người cùng câu hát người ơi người ở… Chiếc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam, từ lâu đã trở thành niềm tự hào của trang phục truyền thống, tôn vinh vẻ đẹp hình thể, tâm hồn, nhân cách của người phụ nữ Việt Nam.
Sự thay đổi từ nhà sàn truyền thống sang nhà ngói, bê tông, cao tầng ở các vùng Mường trong vòng hơn 20 năm trở lại đây là vấn đề được bàn đến rất nhiều. Có người xót xa trong nỗi buồn hoài cổ, có người cho đó là mất bản sắc, có người lên án hiện tượng chảy máu nhà sàn từ miền núi về các thành phố lớn, thậm chí ra cả nước ngoài… Với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh như hiện nay thì sự biến mất của nhà sàn Mường càng diễn ra nhanh chóng.
Cùng với sự đổi thay của ngôi nhà, nhiều biến đổi trong đồ dùng sinh hoạt cũng làm mất dần những tín ngưỡng gắn với nó. Lò bếp cổ truyền mất dần, cuốp (vật dụng được làm từ thân cây rừng, đồ dùng sinh hoạt tối cần thiết trong mọi gia đình người Mường trước kia) bắt đầu được thay thế bằng nồi cơm điện, nồi hấp bằng nhôm, inox, nhất là trong các gia đình trẻ; bát đĩa sứ , mâm nhôm thay cho mâm cỗ lá chuối…
Tín ngưỡng gắn với nhu cầu tinh thần, thường là lĩnh vực chậm biến đổi bởi nó ăn sâu, bắt rễ trong tâm lý, trở thành thói quen trong sinh hoạt của con người. Tuy nhiên, cùng với những đổi thay đang diễn ra hàng ngày, tín ngưỡng Mường cũng có những biến đổi tất yếu: ngôi nhà sàn vốn có những không gian thiêng (vóong tôông cùng với bàn thờ tổ tiên, lò bếp với ba hòn nục, cột cái gần bếp…) khi chuyển sang ở nhà bê tông mái ngói hoặc mái bằng, mặc nhiên những không gian thiêng này không còn như xưa, thậm chí không còn hoặc buộc phải thay đổi. Chẳng hạn, trong đám tang cha, đâu còn voóng tôông (cửa sổ gian ngoài, nơi đặt bàn thờ tổ tiên) để người con trai cả thực hiện tập tục chặt ba nhát vào thành cửa như dấu hiệu bắt đầu tang lễ và nhận trách nhiệm thay cha lo việc thờ cúng tổ tiên; quan tài người quá cố trước kia phải đưa ra qua voóng tôông với đầy đủ ý nghĩa tâm linh của nó, nay phải khiêng qua cửa chính; vị trí đặt bàn thờ cũng mặc nhiên thay đổi cho phù hợp với không gian của ngôi nhà xây. Cũng không còn cột cái cạnh bếp – nơi thường buộc những cây lúa nương (giữ vía lúa) hoặc đặt những quả bí bên cạnh cột (cầu mong no ấm, đông con nhiều cháu) trong lễ mừng nhà mới nữa.
Tập tục ma khang đặt ngang, ma mọl đặt dọc cũng bị xóa bỏ cùng với việc xóa bỏ chế độ nhà lang. Tục Mường quy định: ma khang (ma nhà giàu) – quan tài đặt ngang gian nhà sàn, ma mọl (ma nhà dân = nghèo) đặt dọc gian nhà. Trước kia, lễ tang nhà giàu tổ chức hát mo 12 đêm và ngày thứ tư là ngày đưa người chết ra mộ địa. Nay lễ tang Mường theo quy định nếp sống mới chỉ tổ chức 1 đêm hát mo và không được để quan tài người chết trong nhà quá 24 tiếng.
Những biến đổi tiêu cực thể hiện rõ ở xu hướng l∙ng quên, tự đánh mất dần những giá trị vốn có của văn hóa Mường. Xu hướng này diễn ra trong đời sống hàng ngày một cách gần như tự nhiên, vô thức khiến người ta ít chú ý, song nó luôn tiềm ẩn nguy cơ đánh mất quá khứ. Do không có định hướng chung, khi dỡ bỏ ngôi nhà sàn cũ nát, người ta thay vào đó những ngôi nhà xây một tầng đổ mái bằng bé xíu như những chiếc hộp bê tông dày cộp màu xám nặng nề… Rỡ bỏ nhà sàn rộng thênh thang, xây nhà kiên cố, song kinh phí không đủ, khiến hầu hết bà con chỉ xây ngôi nhà với diện tích rất nhỏ (20 – 30m2). Đi khắp vùng Mường, ở đâu cũng có thể thấy những hình ảnh như vậy. Không ai còn có thể nhận ra đó là những làng Mường đã đành, nó còn hết sức phản cảm về kiến trúc, kết quả sự biến đổi tự phát trong văn hóa nhà ở của đồng bào Mường tại nhiều vùng hiện nay. Khi ngôi nhà đã biến đổi thì kéo theo rất nhiều sự biến đổi trong lối sống, tín ngưỡng, phong tục, tập quán… Sau vài thập niên, sự lãng quên dần những giá trị truyền thống ấy ở lớp người Mường trẻ tuổi là khó tránh khỏi.
Nhiều giá trị văn hóa tinh thần cũng đang đi vào quên lãng: một nghịch lý đáng suy nghĩ là, trước kia người thuộc những áng mo Mường đồ sộ là một số rất ít các thày mo, song cả cộng đồng mường đều biết, đều ghi nhớ bởi họ luôn được nghe kể mo bằng tiếng mẹ đẻ trong nỗi xúc động sâu xa mỗi dịp dự lễ tang vĩnh biệt người thân. Ngày nay, được in thành sách phát hành rộng rãi, các thày mo không còn độc quyền nắm giữ như trước kia, nhưng mo Mường lại lâm vào tình cảnh bị quên lãng dần ngay tại cộng đồng sinh ra nó. Mo Mường chỉ có thể thực hiện giá trị của nó trong không gian lễ tang, bằng ngôn ngữ Mường qua lời kể mo, hát mo của các thày mo. Người Mường không bao giờ lấy các bài mo đó ra mà ngâm ngợi hàng ngày, đọc mo Mường dịch sang tiếng Việt in trong cuốn sách dày cộp lại càng xa lạ. Thực hiện lễ tang theo nếp sống mới, không để người chết trong nhà quá 24 tiếng, từ 12 đêm mo rút xuống còn 1 đêm… cái hợp lý về mặt khoa học lại dẫn đến một nghịch lý về mặt văn hóa – mo Mường khó có cơ hội thực hiện đầy đủ giá trị của mình trong đời sống cộng đồng. Điều ấy cũng có nghĩa là không gian tồn tại đích thực của mo Mường bị thu hẹp, dần từng bước sử thi, thần thoại Mường… sẽ nằm trong sách dành cho người nghiên cứu nhiều hơn là được tái hiện sinh động trong môi trường văn hóa của nó.
Các thể loại văn học dân gian, âm nhạc dân gian Mường… bởi nhiều lẽ khác nhau, cũng đang lâm vào tình trạng bị lãng quên dần ngay trong môi trường đã sản sinh và nuôi dưỡng nó. Những sinh hoạt văn nghệ dân gian trong các dịp lễ tết, lễ hội, đám cưới, những lời hát ru, những câu chuyện kể của bà, của mẹ… nay đã có nhiều đổi khác. Các bà mẹ trẻ người Mường bây giờ lại không mấy người biết hát ru, không còn thường rang, ví đúm, nam nữ Mường không còn hồn nhiên hát giao duyên bên gốc si, dưới ánh trăng hay trong ngày hội mùa nữa… Vậy nên, khi lớp người già hiện nay không còn thì những giá trị văn hóa tinh thần ấy vẫn được bảo tồn trong các thư viện song sẽ bị lãng quên dần trong đời sống hàng ngày của cộng đồng Mường.
Tiếng Mường hiện nay được xếp trong nhóm Việt – Mường thuộc ngữ hệ Nam Á. Điều đó nói lên sự gần gũi vốn có của tiếng Việt và tiếng Mường, cũng như tính cổ xưa, ít biến đổi của tiếng Mường. Đặc điểm ấy khiến cho việc tiếp thu tiếng Việt của người Mường rất thuận lợi, trình độ song ngữ Mường – Việt của đa số (90%) người Mường khá tốt, nhất là lớp trẻ và người ở độ tuổi trung niên, người già thì phần lớn là nghe hiểu được tiếng Việt, còn nói thì khó khăn hơn. Hiện nay, trẻ em Mường vào học lớp mầm non đã nói và hát bằng tiếng Việt, cô giáo thực hiện các bài học cho trẻ mầm non cũng phải dùng tiếng Việt. Lên các bậc học trên, việc dùng thành thạo tiếng Việt là nhu cầu tất yếu; bên cạnh đó, tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ hội nhập. Lớp trẻ Mường tất nhiên phải thuần thục tiếng Việt và cũng phải học cả tiếng Anh nếu muốn được học tập lên bậc cao hơn cũng như muốn thăng tiến và thành đạt trong sự nghiệp.
Trong sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ hiện nay, việc không đủ vốn từ nên phải vay mượn nhiều của tiếng Việt khiến tiếng Mường vốn đã chung gốc nay lại càng xích lại gần tiếng Việt hơn… Việc lãng quên tiếng mẹ đẻ của một bộ phận trẻ em, việc thời lượng dùng tiếng mẹ đẻ hàng ngày giảm bớt ở học sinh, cán bộ công chức Mường là khó tránh khỏi. Tiếng Mường như một công cụ giao tiếp cộng đồng không thể mất đi, song sự vận động của nó sẽ dẫn đến xu hướng lớp trẻ Mường trong tương lai có thể gặp khó khăn khi tiếp cận với gia tài văn hóa dân gian cổ truyền mà cha ông họ để lại.
Trước những đổi thay trên, các cơ quan chức năng dường như đang đứng ngoài cuộc để quan sát và lo lắng chứ chưa có hành động tích cực giúp người dân tìm được giải pháp tối ưu. Người Mường (kể cả một bộ phận cán bộ các cấp) chưa hiểu đầy đủ, chưa đánh giá đúng về vốn văn hóa cổ truyền mà cha ông để lại, dẫn đến thái độ thiếu trân trọng, đối xử bất công, thậm chí xem đó là sự lạc hậu cần xóa bỏ. Với lớp phụ nữ Mường lớn tuổi (từ 45 tuổi trở lên), việc dùng trang phục truyền thống đã thành một thói quen khó thay đổi, song chính họ cũng không mấy phiền lòng khi thấy lớp con cháu mình không mặn mà với bộ váy áo cổ truyền, không băn khoăn gì khi mẹ và bà phải dệt vải giúp con gái, cháu gái chuẩn bị chăn, gối tặng nhà chồng trong ngày cưới. Các cô gái Mường hiện nay xem đó là chuyện bình thường và cũng không mấy người có ý thức tìm hiểu vẻ đẹp của chiếc cạp váy Mường do chính tay mẹ và bà họ dệt nên… Mo Mường cứ được hát, kể trong đám ma như một phần không thể thiếu của phong tục cổ truyền, song nhiều khi phải dấu diếm vì e rằng đó là mê tín dị đoan, sợ chính quyền hỏi đến… Cùng với sự kém hiểu biết là tâm lý tự ti, vọng ngoại khó tránh khỏi, nhất là ở lớp trẻ dẫn đến thái độ thờ ơ với di sản văn hóa của cha ông, làm mờ nhạt dần bản sắc văn hóa Mường ngay tại cái nôi sinh ra nó, ngay trong lòng một bộ phận chủ nhân của chính nó. Nguyên nhân không thể không nói đến là văn hóa thông tin bùng nổ, sự tiếp thu thiếu chọn lọc, trong khi giáo dục văn hóa dân tộc tỏ ra bất cập, việc quản lý văn hóa của xã hội nói chung còn bị động và yếu kém…
Bảo tồn, phát huy, phát triển bản sắc văn hóa Mờng không chỉ có ý nghĩa đối với tộc Mờng, mà còn với văn hóa Việt Nam. Để thực sự giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay, cần chú ý những giải pháp sau:
Thứ nhất, đồng bào, cán bộ, trí thức Mường, đặc biệt là lớp trẻ, cần nhận thức rõ giá trị, ý nghĩa của văn hóa Mường để có niềm tự hào chính đáng, nhận rõ trách nhiệm, suy ngẫm trước những gì đang diễn ra mà lựa chọn cách ứng xử thông minh nhất đối với vốn tài nguyên văn hóa mà cha ông để lại.
Thứ hai, nên duy trì, bảo vệ và phát triển làng cổ Mường một cách vững chắc. Đầu tư cho nhiều làng cổ nhưng để tránh lãng phí, trước khi làm, nhà đầu tư nên tham vấn ý kiến của các nhà kiến trúc, nhà văn hóa hay ít ra là ý kiến của người sử dụng.
Thứ ba, cần có cái nhìn đổi mới và những quy định cụ thể hơn trong kế thừa văn hóa truyền thống ở một số lĩnh vực cụ thể như: bảo tồn đồ gia dụng truyền thống, nghề truyền thống và công cụ sản xuất truyền thống đặc thù; bảo tồn bản sắc văn hóa trang phục, tiếng nói, Lễ hội, sinh hoạt nghệ thuật dân gian truyền thống; bảo tồn môi trường cảnh quan văn hóa, thuần phong mỹ tục truyền thống…
Thứ tư, việc thành lập một Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn, phát triển văn hóa Mường trong thời điểm hiện nay là cần thiết và cấp bách. Những giá trị đặc sắc của văn hóa Mường, vị trí của văn hóa Mường trong nền văn hóa dân tộc và xu thế biến đổi đang diễn ra đòi hỏi phải có một trung tâm như thế dành cho nó.
Thứ năm, việc đưa vào chương trình ngoại khóa các tiết mục văn nghệ dân gian truyền thống, một số tiết học về văn học, sử học địa phương giao cho giáo viên bộ môn tự biên soạn là cần thiết, song cũng có nhiều hạn chế vì nếu giáo viên không biết gì về địa phương thì coi như bỏ trống. Còn những tài liệu soạn thảo trước đây thì lại không đủ sức hấp dẫn, thiết thực, nên ngành giáo dục cần tổ chức biên soạn lại thành những giáo trình có giá trị, có thể áp dụng được dễ dàng trong các nhà trường.
        Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Mường hiện nay vừa là việc làm thiết thực đối với văn hóa Mường, vừa là sự đóng góp tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 337, tháng 7-2012

Tác giả : Nguyễn Thị Kim Hoa

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *