Trong kho tàng dân ca của người Việt, dân ca đối đáp nam nữ là một thể loại rất phong phú và đa dạng. Từ những loại hình, làn điệu còn mộc mạc, đơn sơ như hát ví, hát đúm, trống quân, cò lả… đến những loại hình đã phát triển đến tầm cao trên phương diện nghệ thuật âm nhạc như hát ghẹo Phú Thọ, quan họ Bắc Ninh, đều mang những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ ra một số giá trị tiêu biểu của thể loại dân ca này ở các địa phương thuộc trung du và châu thổ sông Hồng, từ đó đưa ra một số ý kiến đối với việc lưu giữ, phát huy giá trị của nó trong đời sống văn hóa xã hội hiện đại.
1. Hát đối đáp nam nữ – một biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực
Diễn xướng hát đối đáp nam nữ thường hướng vào mục đích tâm sự, giãi bày, bày tỏ tình cảm với nhau. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu thường xếp thể loại này vào bộ phận dân ca giao duyên trữ tình. Ở các làng quê thuộc vùng châu thổ Bắc Bộ, những cuộc hát ví, hát ghẹo, hát đúm đối đáp của nam nữ thanh niên diễn ra trong lao động sản xuất, lúc nông nhàn hay mỗi dịp lễ hội. Hình thức hát đối đáp là cầu nối dẫn các nam thanh, nữ tú đến với những mối tình thơ mộng, đẹp đẽ. Song, bên cạnh chức năng và mục đích giao duyên, diễn xướng hát đối đáp nam nữ còn là một biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực, một tín ngưỡng phổ biến trong tâm thức của cộng đồng cư dân nông nghiệp Việt Nam.
Duyên quan họ – Ảnh: Thu Nhữ
Trên thực tế, nội dung lời ca đối đáp ít đề cập đến yếu tố tín ngưỡng nhưng những cuộc hát giao duyên ở mọi không gian, đặc biệt là trong không gian lễ hội mùa xuân đều mang biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực. Theo GS,TS Ngô Đức Thịnh: “Hát đối đáp giao duyên giữa nam và nữ trong lễ hội mùa xuân, dù chỉ ở trạng thái thuần khiết nhất thì cũng là một biểu hiện phổ biến nhất của tín ngưỡng phồn thực của người Việt và nhiều tộc thiểu số khác ở Bắc Bộ” (1).
Diễn xướng hát đối đáp được thực hiện bởi hai chủ thể là nam và nữ, một biểu hiện của sự giao hòa âm dương với mục đích cầu cho nhân đa vật thịnh, mưa thuận gió hòa và sự sinh sôi nảy nở… Trong diễn xướng hát đúm, hành động ném quả đúm cho nhau của nam nữ, rồi họ xích lại gần nhau, cầm tay nhau, trao cho nhau những kỷ vật của tình yêu đôi lứa (đồng tiền thưởng, gương, lược, khăn tay…), đó đều là những biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực. Thông qua ca hát, nam, nữ đã bày tỏ tình cảm với nhau trong mối giao hòa âm dương, mối giao hòa của trời đất với vạn vật. Biểu hiện này cũng tìm thấy trong phong tục hát đối của đồng bào các tộc thiểu số. Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, Đỗ Lan Phương, hát đối đáp là “một phương tiện có ý nghĩa như một tác nhân tích cực, khơi mào, hình thành và thúc đẩy sự kết giao giữa nam và nữ để đảm bảo cho sự sinh sôi nảy nở, duy trì nòi giống” (2).
2. Hát đối đáp – một hình thức rèn luyện khả năng sáng tạo cho chủ thể diễn xướng
Do đặc trưng của thể loại mà chủ thể trong diễn xướng dân ca đối đáp phải có khả năng sáng tạo ngay tức thì, nghĩa là phải ứng tác tại chỗ. Đề cập đến ứng tác, GS,TSKH Tô Ngọc Thanh cho rằng: “Thông thường, người hát sử dụng những làn điệu, những bài bản có sẵn rồi đặt lời mới hoặc thêm thắt, sửa chữa” (3). Như vậy, các chủ thể diễn xướng được tạo điều kiện rèn luyện và trau dồi năng lực sáng tạo.
Trong nghệ thuật diễn xướng của các loại hình dân ca đối đáp nam nữ một làn điệu (4) như hát ví, hát đúm, trống quân, cò lả… người hát phải nắm được nguyên tắc kết hợp giữa lời thơ với nhạc điệu (âm điệu, làn điệu) rồi dựa vào làn điệu có sẵn và sử dụng thêm các từ phụ, thêm thắt, đưa đẩy để tạo thành câu hát. Ngoài ra, người hát còn dựa vào bối cảnh, hoàn cảnh, không gian cụ thể để từ đó sáng tạo những lời ca khác nhau. Phương thức diễn xướng cơ bản của các loại hình dân ca đối đáp nam nữ một làn điệu là đối lời và đối ý, đòi hỏi chủ thể phải sử dụng lời ca, nội dung tương ứng để đối lại với bạn hát. Do đó, người hát buộc phải đưa ra lời đối đáp thật nhanh. Yêu cầu này giúp các chủ thể diễn xướng rèn luyện năng lực ứng tác lời ca trong từng môi trường, không gian, bối cảnh diễn xướng cụ thể.
Các loại hình dân ca nhiều làn điệu như quan họ Bắc Ninh, hát ghẹo Phú Thọ lại yêu cầu phải ứng tác tại chỗ cả nhạc lẫn lời, tức là đối giọng kết hợp với đối lời, đối ý. Theo PGS Tú Ngọc, phương thức đối giọng trong hát quan họ được thực hiện với nguyên tắc như sau: “Bên nam hát một câu (tức là một bài) bên nữ hát đối lại một câu cùng nhạc điệu nhưng khác lời” (5). Như vậy, nghệ thuật ứng tác trong quan họ Bắc Ninh, hát ghẹo yêu cầu các chủ thể diễn xướng phải thuộc rất nhiều làn điệu khác nhau. Việc ứng tác cả nhạc lẫn lời đòi hỏi trình độ nghệ thuật cao hơn, giúp các chủ thể diễn xướng rèn luyện năng lực ứng tác, phát triển khả năng sáng tạo nghệ thuật trong quá trình diễn xướng.
3. Hát đối đáp – một sân chơi mở của nam nữ thanh niên và cộng đồng
Những loại hình dân ca đối đáp nam nữ như hát ví, hát đúm, trống quân, cò lả… rất phổ biến trong quần chúng nhân dân, hầu như ai cũng sẵn sàng tham gia vào cuộc hát. Người tham gia ca hát chỉ cần có giọng hát rõ ràng, vang, khỏe, có thể thêm thắt các yếu tố khác như luyến, láy sao cho câu hát mềm mại. Ngoài ra, trong khi đối đáp, người hát cần nắm vững làn điệu, từ đó đặt những lời ca khác nhau để đối đáp. Ngay cả trong những cuộc hát đã được chuẩn bị và ấn định trước về thời điểm, không gian diễn xướng thì những quy định, lề luật đặt ra cho những người hát cũng chỉ mang tính ước lệ. Tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và cảm hứng của người tham gia hát mà có thể thêm, bớt hoặc điều chỉnh sao cho phù hợp.
Chẳng hạn, theo thông lệ của một cuộc hát ví, hát đúm và hát trống quân xưa, khi bắt đầu vào cuộc hát thường có thủ tục “giao hẹn”. Đây là một quy định do bên nữ đặt ra, họ “cấm” bên nam không được hát những lời ca mang nội dung thử tài hoặc “chơi khó”, đặc biệt, không được vận dụng những áng thơ, văn thuộc dòng văn học bác học, các tích truyện cổ… Nhưng xem ra, quy định này cũng không được thực hiện nghiêm ngặt. Nếu bên nữ có nhiều người hát giỏi, thuộc nhiều lời ca, có thể ứng tác nhanh thì bên nam có thể hát nội dung tuỳ ý mà bên nữ vẫn đối lại được.
Ở các địa phương thuộc khu vực trung du, khi phường xoan đến hát thờ tại các đình làng vào mùa xuân, trong tiết mục đúm ném (6) xuất hiện nhiều tình huống bất ngờ và thú vị. Cô đào xoan có thể không ném quả đúm về phía chàng trai trẻ mà lại chọn một quan viên hoặc người lớn tuổi. Nếu họ không biết hát hoặc không đủ tự tin để đối lại với cô đào thì phải gói tiền thưởng, trầu cau vào quả đúm rồi nhờ một chàng trai khác đứng lên hát thay mình. Có thể thấy, mỗi cuộc hát đều có tính “cởi mở” nhất định, tùy vào điều kiện, sở thích, cảm hứng và nhu cầu của người dân.
Những cuộc hát đối đáp trong hội làng xưa, ngoài chủ thể diễn xướng là những chàng trai, cô gái còn có sự tham gia của những người đứng vòng ngoài mà dân gian thường gọi là người xui hát. Vào giai đoạn cao trào của cuộc hát, họ trợ giúp cho người hát chính khi gặp thế bí. GS,TS Nguyễn Văn Huyên đã đề cập đến vai trò của những người xui hát trong các cuộc thi hát đối của thanh niên nam nữ ở làng Lim, Bắc Ninh xưa: “Những kẻ đi theo các người hát đôi khi nhắc câu, trả lời cho những câu đố, hay nhắc một vài vần mà người thi không nghĩ ra. Công chúng chấp nhận điều đó để cuộc đối đáp kéo dài lâu hơn” (7).
Trong dân ca quan họ Bắc Ninh, bên cạnh những nguyên tắc nghệ thuật, giao ước truyền thống được đặt ra giữa các làng quan họ và các liền anh liền chị cũng có những yếu tố mở. Những cuộc hát quan họ ở vùng Kinh Bắc vẫn luôn là “sân chơi” cho những ai yêu thích loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này. Theo PGS,TS Nguyễn Thụy Loan: “Đến làng quan họ, chúng ta có thể bắt gặp những người trong làng chưa nhập bọn quan họ và cả những người ngoài làng quan họ, thậm chí người từ những miền quê xa xôi khác hát say sưa điệu hát quan họ với những lời ca ứng tác rất nhanh trong cuộc hội ngộ khiến cho chén rượu thêm nồng, tình người thêm thắm” (8). Như vậy, bên cạnh giá trị rèn luyện năng lực ứng tác cho các chủ thể diễn xướng, những cuộc hát đối đáp còn là nơi cả cộng đồng được cùng nhau tham gia và thưởng thức nghệ thuật dân gian. Yếu tố “mở” này góp phần làm cho thể loại dân ca đối đáp nam nữ nói chung có sức lan tỏa rộng rãi và phổ biến tới mọi tầng lớp nhân dân.
Trong xã hội ngày nay, một số loại hình dân ca đối đáp nam nữ đã mai một, thậm chí chỉ còn đọng lại trong ký ức của những người cao tuổi. Những chức năng, ý nghĩa và giá trị của dân ca đối đáp nam nữ không phải “nhất thành bất biến” mà nó đã phải biến đổi để phù hợp với đời sống văn hóa của xã hội hiện đại. Chúng tôi thiết nghĩ, những giá trị tiêu biểu của loại hình nghệ thuật này vẫn cần được lưu giữ, bảo vệ và phát huy trong đời sống văn hóa ở các địa phương để những thế hệ mai sau biết nâng niu, trân trọng và gìn giữ.
______________
1. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, tr.356.
2. Bùi Trọng Hiền, Đỗ Lan Phương, Hát trai gái dân tộc Giáy, Thông báo khoa học số 5, Viện Âm nhạc, tháng 7-12, 2001, tr.63 – 85.
3. Tô Ngọc Thanh, Ghi chép về văn hóa và âm nhạc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007, tr.640.
4. Những loại hình dân ca đối đáp nam nữ chỉ sử dụng một giai điệu chính để hát.
5. Tú Ngọc, Dân ca người Việt, Nxb Âm nhạc, Hà Nội, 1994, tr.115.
6. Tiết mục hát đối đáp của nam nữ trong hát xoan (dân ca nghi lễ phong tục) gắn với trò ném quả đúm (quả đúm là chiếc khăn gói trầu cau, tiền thưởng và gương lược). Đây là một đạo cụ kèm theo trong diễn xướng hát đúm được các cô đào sử dụng để ném cho các quan viên hoặc trai làng sở tại nơi phường xoan đến hát thờ. Người dân địa phương thường gọi tiết mục này là đúm ném hoặc hát đúm ném.
7. Nguyễn Văn Huyên, Hát đối của thanh niên nam nữ ở Việt Nam, trong Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1934, tr.19.
8. Nguyễn Thụy Loan, Dân ca quan họ Bắc Ninh – một di sản độc đáo, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số tháng 5-2006, tr.33.
Tác giả: Nguyễn Đỗ Hiệp
Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn