Qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã bất khuất chống giặc ngoại xâm, xây dựng nên một kho báu giá trị tinh thần chói sáng, có ý nghĩa đối với tiến trình phát triển văn minh, văn hóa của dân tộc, được nhân dân sáng tạo bồi đắp qua nhiều thế kỷ. Bài viết bàn đến ba hiện tượng lịch sử – văn hóa được coi là ba chấm son chói lọi đánh dấu sự phát triển văn minh của dân tộc Việt. Đó là: triết học tam giáo và tính chủ biệt của văn hóa nước Nam; tiếng Việt – chữ Hán Nôm là bước phát triển của nền văn minh Việt; hiền tài – trước tác là nội dung của văn hiến dân tộc.
1. Triết học Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo và tính độc lập tương đối của văn hóa Việt
Nho giáo là học thuyết chính trị – đạo đức do Khổng Tử (551-479) sáng lập vào cuối TK VI (TCN) được lưu truyền ở Trung Quốc và một số nước phương Đông, trong đó có nước ta. Học thuyết này có bốn đặc điểm: Khổng Tử là bậc thày, lời nói và hành động của thày làm tiêu chuẩn cao nhất; lấy ngũ kinh: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu làm sách kinh điển; đề xướng đường lối chính trị đức trị, coi giáo dục đạo đức, luân lý lấy lễ và nhân làm hạt nhân; tu thân để trị dân; lấy lễ để chế tài, lấy nhân để cảm hóa. Nho gia chia làm hai phái, quan trọng nhất là Mạnh Tử và Tuân Tử. Nho giáo có nhiều yếu tố tích cực, nhưng cũng có nhiều mặt tiêu cực. Nho giáo du nhập vào nước ta thời Bắc thuộc là triết học được Hán Nho cải biên, thích ứng với yêu cầu của chế độ phong kiến tập quyền. Những phạm trù như: thiên nhân hợp nhất, thiên nhân cảm ứng, quân quyền thần thụ, thiên mệnh là những tư tưởng của Đổng Trọng Thư lấy Nho gia làm chủ, từ đó Nho gia được thần bí hóa để mê hoặc dân chúng theo mệnh trời. Từ đời Hán, những nhà triết học này đã đề xướng Văn trị giáo hóa để hưng quốc, yên dân. Khi vào nước ta, những mặt tích cực của học thuyết Nho giáo được các bậc danh nhân, Nho gia chân chính vận dụng sáng tạo để xây đắp nền văn hiến nước Nam. Ví dụ như khi bàn về văn chương phú lục, Lê Quý Đôn (1726-1784) cho rằng, tác phẩm có hấp dẫn hay không là ở chỗ văn nhân có học vấn nhiều hay ít, không nên hiểu học vấn chỉ là ở trường quy, bằng cấp mà còn ở chỗ lịch lãm, từng trải “muôn dặm trường”. Ông nêu lên bốn điều dạy của Khổng Tử đối với văn nhân là: đức hạnh, ngôn ngữ, chính sự, văn chương và đồng tình với người thày: Văn chương là gốc lớn để lập thân, văn không bị coi là ngọn, đừng nhầm lẫn đức với văn là hai. Nói đến luân lý của Nho giáo là nói ngũ luân, ngũ thường, cái mà Trời cho, rút lại thành tam cương (quan hệ vua – tôi, cha – con, vợ – chồng, về sau nữa chỉ còn trung và hiếu). Hồ Chí Minh vận dụng hai phạm trù này để diễn đạt hai nội dung mới: trung với nước, hiếu với dân. Ngũ thường là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín được Hồ Chí Minh khái quát theo những yêu cầu của thời đại mới: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Còn chữ nhân được Người nâng lên thành triết lý chủ nghĩa nhân đạo, lợi ích của con người, sự phát triển toàn diện của con người. Đạo Nho đề cao nền chính trị “đức hóa”, theo đạo nhân là một bước tiến của lịch sử Trung Quốc cổ đại. Trong phạm trù đức hóa, Hồ Chí Minh tâm đắc luận điểm này của Khổng Tử: “Người có nước, có nhà không sợ ít của, mà chỉ sợ chia không đều, không sợ ít dân, chỉ sợ không yên ổn, vì rằng chia đều thì sẽ không nghèo, hòa mục thì không sợ ít, yên ổn thì sẽ không nghiêng đổ”. Khi nhắc đến công bằng xã hội, Người cho rằng: “Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, không sợ nghèo chỉ sợ lòng dân không yên”.
Đạo giáo đã xuất hiện ở nước ta từ thời Bắc thuộc: có hai phái là Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thủy. Quan niệm tổng quan của Đạo giáo cho rằng, sống trên đời là một niềm vui, chết mới là đau khổ, chủ trương siêu thoát cuộc sống, bài trừ hưởng lạc, xuất gia vào núi mới là tu đạo, thông qua những sinh hoạt giáo dục đặc biệt như ngồi thiền, cầu thành thần để được sống vĩnh hằng, sung sướng. Đó là thứ giáo lý trọng sống, khuyến khích con người tu luyện sức khỏe để kéo dài tuổi thọ, lý tưởng sống là thành Tiên. Triết lý của Đạo giáo là thuyết vô vi của Lão Tử, thực ra, học thuyết này không chỉ có mặt tiêu cực, trái lại yếu tố tích cực được nhà triết học giải thích theo nghĩa đắc đạo: “Nếu ta vô vi thì nhân dân tự nhiên ngay thẳng, lòng dân hư không, không dục vọng, tham lam. Đã có vô vi tất có hữu vi”. Sách Đạo đức kinh viết: “nhân dân sở dĩ khó cai trị vì kẻ cầm quyền ra tay hữu vi… Ruộng hoang, kho trống, vậy mà cung thất hoa lệ, ăn món ngon, vật lạ, tích trữ nhiều của riêng, đó là kẻ trộm cướp”. Đầu TK XX, đời chúa Nguyễn, vua Tự Đức nhận xét rằng, Đạo giáo thì có trăm cái sai chỉ có một cái đúng là tôn thiên nhiên. Các bậc Nho sĩ, chân tu thường có lối sống rất biết điều… Được ít không chê, được nhiều không mừng, ngủ không mộng mị, thức không lo buồn, ăn không cần ngon, tâm hồn sáng suốt, dung mạo bình thản, trán không bị nhăn, lặng lẽ như mùa thu, ấm áp như mùa xuân, vui vẻ với bốn mùa, phù hợp với ngoại cảnh, ngoại vật… Mặt tiêu cực của Đạo giáo là quan niệm ma thuật, kỳ phương dị thuật, xem sao bói rùa, đồng bóng, cúng quỷ, chữa bệnh bằng bùa phép. Nước ta, một nước nông nghiệp lạc hậu, thế giới quan của đại đa số là nông dân, nên việc tiếp nhận Đạo giáo là hết sức phức tạp. Nhiều người dân vẫn tin mà không biết mình đang đi theo vết xe đổ của Đạo giáo phù thủy. Dưới thời Nguyễn trong Điều lệ hương đảng của vua Gia Long, mười điều răn của vua Minh Mạng đều nói tới mặt tiêu cực của Đạo giáo phù thủy như: mê tín, dị đoan, kỳ phương, dị thuật, bùa mê thuốc lú…
Tháp Bút, Hà Nội – Ảnh: Hà Hữu Nết
Khi vào Việt Nam, đạo Phật được bản địa hóa, dân gian hóa, đại đa số phật tử là nông dân, tiểu thương mộ đạo. Người ta không cần biết đến những giáo lý cao siêu, mà chỉ quan tâm đến chuyện cầu an, cầu phúc, quả báo luân hồi. Triết lý Phật giáo biến thành một thứ luân lý từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, hỷ xả… có ích cho đời. Vào đầu TK XX, Phật giáo có vai trò hướng thiện trong sự nghiệp cứu nước… Nhiều sĩ phu nương nhờ cửa Phật, tham gia các hội kín và phong trào yêu nước. Phật giáo đề cao vô ngã vị tha, vô tư, chí công với câu nói của vị quốc sư Trúc Lâm: “Dĩ thiên hạ, chi dục, vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm, vi tâm” có gốc từ cụm từ: “Dân vi bản”. Các vua thời Trần đã dùng, về sau Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng dùng: “cổ lai quốc dĩ dân vi bản”… Nội dung này được Hồ Chí Minh cụ thể hóa: “Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của Dân. Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng. Phải luôn luôn chăm lo đời sống của Dân. Phải chí công vô tư và có ý thức lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.
2. Tiếng Việt – chữ Hán Nôm: bước phát triển của nền văn minh Việt
Văn hóa Việt Nam tiếp xúc với văn hóa phương Bắc từ rất sớm, vào đầu những năm TCN, mạnh mẽ nhất vào đầu TK I-X qua con đường các quan lại sang đô hộ, qua việc tiếp xúc với sĩ phu ngoại bang. Từ đó, tiếng Việt chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tiếng Hán. Nhân dân, đặc biệt là sĩ phu yêu nước luôn có ý thức xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc, trong đó có tiếng Việt. Bởi tiếng nói của dân tộc là công cụ giao tiếp giữa người với người, là phương tiện để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa. Thiếu chữ viết, nhân dân giao lưu bằng ngôn ngữ truyền miệng. Một trong nhiều đặc điểm của tiếng Việt là tính súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, gợi cảm, giàu tính nhạc, tính thơ được thể hiện qua ca dao, đồng dao, tục ngữ… Khi tiếng Hán và chữ Hán thâm nhập vào nước ta, như một quy luật nhu cầu nội tại của đời sống tinh thần, nhân dân đã biến cái không thể thành cái có thể với ý thức độc lập, tạo nên bản lĩnh văn hóa trong quá trình giao tiếp với văn hóa ngoại bang. Chữ Nôm ra đời, được cải tiến và hoàn thiện với thời Tống – Đường. Nhiều thế hệ học giả, Nho sĩ đời sau hoàn chỉnh tự hình của chữ Nôm. Có chữ viết là cơ sở để hình thành nền văn chương quốc âm, phản ánh đời sống sinh hoạt đương thời tiếp nhận những điển tích trong kho tàng thư tịch cổ Trung Hoa. Phải đến đầu TK XV mới xuất hiện: Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập của nhiều tác giả đời Lê Thánh Tông… Tiếp theo là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) với tập thơ Bạch Vân quốc ngữ thi tập phản ánh nhiều hiện tượng đời sống xã hội, đặc biệt những thói hư, tật xấu, coi trọng đồng tiền hơn đạo lý… Từ TK XVI đến vài thế kỷ sau, văn chương chữ Nôm phát triển mạnh, bất chấp triều đình Lê – Trịnh hạn chế việc in sách Nôm, những tác phẩm nổi tiếng như Lâm tuyền kỳ ngộ, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc… vẫn cứ lưu hành trong nhân dân. Đặc biệt đáng chú ý là bộ lịch sử diễn ca viết bằng chữ Nôm: Thiên Nam ngữ lục gồm khoảng 8.000 câu lục bát miêu thuật những hiện tượng lịch sử đất nước Nam từ thời Hồng Bàng đến nhà Mạc. Qua bao biến cố lịch sử, đến đầu TK XVIII trở đi mới được coi là giai phát triển rực rỡ của văn thơ quốc âm. Ngoài những truyện nôm khuyết danh – chứa nhiều giá trị đạo đức, luân lý gia phong, phong tục dân tộc là sự xuất hiện nhiều tác giả lớn với những áng văn hay phản ánh trí tuệ, sức sống, vẻ đẹp của tiếng Việt. Các thể thơ lục bát, song thất lục bát, trường thiên lục bát, diễn ca lịch sử ra đời vào cuối TK XVIII, mở đầu cho truyện Nôm xuất hiện ở các thế kỷ sau.
3. Hiền tài, trước tác: gốc của văn hiến dân tộc
Văn hiến Việt Nam là một giá trị bền vững được ghi lại trong thư tịch từ xưa đến nay. Văn là khuôn phép, trước tác, lễ nghĩa, điển chương, sách vở; Hiến là người hiền tài, bậc chí sĩ. Người dùng khái niệm văn hiến đầu tiên có thể là Nguyễn Trãi (1380-1442) trong Bình Ngô đại cáo…
Khi nói đến văn hiến dân tộc, lịch sử đã ghi chép lại ba câu châm ngôn về hiền tài có nội hàm gần giống nhau: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia do vị đại khoa Thân Nhân Trung viết trên bia tiến sĩ năm Nhâm Tuất (1442). Về sau, Nguyễn Kiều, tác giả bài bia Chính Hòa 4 (1683) viết: Hiền tài là khí dụng của quốc gia, còn học giả Nguyễn Quý Đức viết trên bia Vĩnh Thịnh (1715): Hiền tài là nền tảng của quốc gia… Tuy cách diễn đạt ở ba thời đại khác nhau, nhưng nội dung, thuyết ngôn: nguyên khí, khí dụng, nền tảng ý nghĩa tương đồng, phản ánh khả năng tư duy minh triết của cha ông ta.
Tuy nhiên, hơn một nghìn năm Hán hóa, văn hóa nước ta bị kẹt vào cái vỏ bọc phong kiến Trung Hoa, sức sáng tạo của Nho sĩ hạn chế. Một khối tư liệu văn bản học của Bắc sử và sử nước Nam, của chính sử và huyền thoại, của văn chương bác học và văn học bình dân… cho thấy tính phức tạp, nhầm lẫn giữa hai nền văn hóa vừa tương đồng, vừa dị biệt. Xin nêu vài ví dụ: bài thơ Xuân nhật tức sự, sử chép của nhà thơ Huyền Quang nhưng sử Trung hoa cho ta biết: Xuân nhật tức sự là bài thơ của Ảo Đường Trung Nhân (?-1203). Người chép lại bài thơ trên là học trò của ông – một thiền sư tên là Lôi Am Chính Thọ (1145-1208). Dưới thời Nguyễn, bài thơ Kiều Trang Khuyết là một trong bốn bài thơ chữ Hán được ghi phụ lục tập Vương Thúy Kiều Truyện, nhiều nhà khảo cứu cho là của Nguyễn Du ghi lại mối tình của bà Đỗ Thị Nhật với nhà thơ, khi ông đương chức quan văn ở Huế: “Tam sinh chung ái Kiều Trăng Khuyết”. Theo các sách: Thanh triều thống chí, Thi thoại loại biên thì bài thơ Kiều Trang Khuyết là của Giang Vĩnh – một học giả lớn đời Thanh. Ở kinh đô, ông yêu một nữ sinh. Mối tình trong sáng đó gây cảm hứng sáng tác, trong đó có một giai thoại ghi trong Thi thoại loại biên, về sau được in. Bài thơ ghi lại những kỷ niệm dưới bút danh Ngô Hoàng Thị. Còn Kiều Trang Khuyết là ai thì đến nay vẫn còn là một câu hỏi… Thực trạng đó đòi hỏi ngày nay, chúng ta phải có một công cụ khảo cứu dựa trên ý niệm duy lý và “dấu chân thực tiễn”.
Trên đây là một số dẫn chứng về phương pháp khảo sát cái khả biến và cái biến thái, phương pháp nghiên cứu quan sát trực quan, đối sánh và duy lý, có cái nhìn chủ toàn (diện) và chủ biệt (điểm), nghiên cứu lý thuật song hành với nghiên cứu ứng dụng… để tránh lối tư duy trực giác đơn thuần, vốn là sản phẩm của một nền nông nghiệp kéo dài nhiều thập kỷ.
Tác giả: Hồ Sĩ Vịnh
Nguồn: Tạp chí VHNT số 446, tháng 12-2020
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng