Những góc nhìn chân thực


Là thể loại đề cao tính chân thực, phim tài liệu giống như những tấm gương phản chiếu lại xã hội.

Cảnh trong phim tài liệu Phần đời còn lại

Không có quá nhiều đổi mới về hình thức, ngôn ngữ biểu đạt, phim tài liệu từ khi góp mặt như một loại hình nghệ thuật đã luôn lấy cái thực làm tiêu chí, đối tượng phản ánh của một bộ phim. 

Là thể loại chiếm số lượng nhiều nhất tại Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam lần thứ XXII với gần 70 bộ phim gửi tham dự, trong đó có 37 phim được chọn vào vòng dự thi, 19 phim chiếu trong chương trình toàn cảnh có thể thấy phim tài liệu đã khai thác được nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Mảng nhận được nhiều sự quan tâm của các nghệ sĩ tài liệu trong hai năm qua chính là y tế với rất nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau. Đó là cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học như Hoàng Thủy Nguyên – người chế tạo vacxin hàng đầu của Việt Nam. Ông đã có nhiều công lao đóng góp cho ngành Y học và những kỳ tích trong lĩnh vực chế tạo vacxin ở nước ta. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Việt Nam – nhà khoa học lỗi lạc với tư duy thực hành và tư tưởng khoa học tiên tiến đã cống hiến trọn đời cho cách mạng.

Không chỉ đi sâu vào những cá nhân cụ thể với đóng góp to lớn cho nền y học, một số phim khắc họa lại cả một hành trình như phim Những ngả đường sáng tối ghi lại quá trình thu nhận giác mạc từ những người hiến tặng để ghép cho bệnh nhân của các kỹ thuật viên Ngân hàng mắt – Bệnh viện Mắt Trung ương. Phim Ánh sáng của con là quá trình vươn lên của trẻ khiếm thị trong đó sự quan tâm của gia đình thầy cô như nguồn ánh sáng soi rọi cho các bạn trên con đường trưởng thành. Đặc biệt hai bộ phim Cuộc chiến không giới hạn và Ranh giới đề cập trực tiếp tới đại dịch COVID-19 với những tác động, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, kinh tế, thậm chí là sự mong manh của con người trước dịch bệnh. Qua những thước phim chân thực đó, sự khốc liệt của dịch bệnh, sự tận tâm của đội ngũ y tế cũng như các cảnh báo cho con người trước nguy cơ được minh chứng bằng những hình ảnh sống động. 

Cảnh trong phim tài liệu Cuộc chiến không giới hạn

Cùng mảng y tế còn có những bộ phim khai thác tác động của chất độc da cam lên những nạn nhân của chiến tranh. Theo thời gian, sự nỗ lực của nhà nước và các tổ chức quốc tế, các nạn nhân da cam đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn cũng như nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. 

Ngoài mảng y tế đang rất nóng với tình hình dịch bệnh suốt hai năm qua, một mảng đề tài khác cũng thu hút không kém và luôn xuất hiện trở đi trở lại trong sáng tác của các nghệ sĩ cũng như các kỳ LHP. Đó là mảng phim về những người lính, những cô thanh niên xung phong từng đóng góp tuổi trẻ, sức lực cho công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Vệt đề tài này quy tụ khá nhiều phim như Nhớ về Tây Tiến, Trường Sơn có những cô bộ đội lái xe, Con tầu huyền thoại T5, Cha tôi và đồng đội, Tiểu đoàn Bình Ca – ra đi hẹn một ngày về, Chúng tôi là lính sinh viên… Một số trận đánh, dấu mốc lịch sử cũng được các nhà làm phim khắc họa qua tư liệu, hình ảnh, các nhân chứng, vật chứng thu thập được như Bi tráng ca Gia Định thành, Chuyện thật trưa 30/4/1975

Phim tài liệu Con tàu huyền thoại T5

Không chỉ đi vào những vệt đề tài đang nóng, thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận, một số phim lại đi sâu khai thác yếu tố văn hóa làm nên sức hấp dẫn của một vùng đất, một thành phố với những cứ liệu, dẫn chứng sinh động như Hội An trầm mặc phố, Đình làng Bắc Bộ, Tản Viên Sơn Thánh… Qua đó, các nhà làm phim tìm cách giải mã các biến số văn hóa trường tồn qua thời gian, qua các kiến trúc của đình chùa, nhà ở hay thể hiện trong niềm tin tôn giáo của một cộng đồng, một dân tộc.

Một số phim lại khai thác nét đẹp, sự hấp dẫn của ca từ trong các bài hát của một nhạc sĩ hay những nỗ lực, sự nguy hiểm mà các nghệ sĩ xiếc phải đón nhận khi gắn bó với môn nghệ thuật này cũng như những cống hiến của họ khi mang niềm vui đến cho khán giả trong các phim Một cõi đi về, Phía sau ánh hào quang… Bộ phim Đoạn trường vinh hoa sử dụng phong cách quay trực tiếp lại là hành trình theo chân một gánh cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây. Những “ông hoàng bà chúa” trên sân khấu lại chính là những người lao động chân lấm tay bùn, chật vật với đời sống mưu sinh khi bức màn hạ xuống. 

Cảnh trong phim tài liệu Phía sau ánh hào quang

Ngoài các vấn đề văn hóa xã hội, nhiều công trình, phát kiến văn hóa, công nghệ cũng là đối tượng phản ánh của các nhà làm phim tài liệu như Kỳ tích chinh phục một dòng sông, Hành trình thư pháp Việt, Con đường không phẳng…

Hành trình tìm kiếm những tư liệu và sáng tạo của các nghệ sĩ tài liệu không chỉ dừng lại ở hiện thực với những sự kiện, con số, phân tích… Nhiều bộ phim đi sâu tìm hiểu và dựng lại nét văn hóa, sự tinh hoa của cha ông qua tư liệu, nhân chứng, trang phục như phim Vũ điệu Phượng Hoàng làm về quá trình phục hưng chiếc áo dài Huế. Có phim lại từ một lá cờ (phim Lá cờ trên Phu Văn Lâu) mà bàn rộng ra sự đổi thay của các triều đại cũng như các thời kỳ của dân tộc Việt Nam. Qua đó nói lên niềm tự hào của người dân Cố đô nói riêng và lớp lớp thế hệ người dân đất Việt nói chung với thế hệ cha ông đi trước đã ngã xuống bảo vệ cho màu cờ thiêng liêng được mãi trường tồn. 

Đại thi hào Nguyễn Du dù đã được rất nhiều loại hình nghệ thuật cùng khai thác thì đến với LHP Việt Nam lần thứ XXII, bộ phim Đại thi hào Nguyễn Du của Công ty Cổ phần không gian văn hóa Việt Media với độ dài 180 phút cũng cho thấy biên độ rộng lớn mà phim tài liệu có thể đề cập. 

Một mảng khác đến từ nét văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em sinh sống khắp miền đất nước. Đa số các phim này được làm bởi các đạo diễn tại các Sở VHTTDL, Đài Truyền hình địa phương. Sự am hiểu của họ đối với văn hóa các tộc người không chỉ thể hiện ở cách tìm đề tài mà còn ở những nét văn hóa, nhạc cụ, vũ điệu đặc sắc mà bộ phim mô tả như Vang mãi tiếng khèn Mông, Suối nhạc giữa đại ngàn Tây Nguyên… 

Cảnh trong phim tài liệu Vàng trong đất

Mảng tài liệu cũng là thể loại có sự tham dự của khá nhiều hãng phim, các đài truyền hình như Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Ban sản xuất các chương trình giải trí VTV3 Đài truyền hình Việt Nam, Điện ảnh Quân Đội Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cục Truyền thông Công An Nhân dân, Ban Khoa giáo – Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty cổ phần phim Giải Phóng, Công ty TNHH MTV Media 21, Các Đài Truyền hình địa phương… Nhiều đạo diễn thể hiện năng lực sáng tác dồi dào khi có thể khai thác nhiều khía cạnh, đề tài khác nhau trong các bộ phim. 

Với số lượng lớn cũng như sức hấp dẫn đối với khán giả, các bộ phim chia ra tại hai hạng mục là phim tài liệu dự thi và phim tài liệu trong chương trình toàn cảnh. Phim đã đem đến cho khán giả những hiểu biết phong phú về cuộc sống, về lịch sử, y tế, văn hóa… cũng như những cá nhân kiệt xuất có những đóng góp xuất sắc cho cộng đồng. Trên tất cả, sự xác thực của tư liệu, nhân vật cùng sáng tạo của nghệ sĩ đã đem đến dòng phim này nhiều sức hấp dẫn.

THẢO NHI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 481, tháng 11-2021

           

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *