Những tờ báo quốc ngữ đầu tiên


Tờ báo quốc ngữ đầu tiên là tờ Gia Định báo, xuất bản từ ngày 15-4-1865 và đến tận năm 1909 mới đình bản. Đây là một tờ tuần báo, nhưng ngày ra không nhất định, khi thì thứ ba, khi thì thứ tư hoặc thứ bảy. Số trang cũng không ổn định, từ 4 đến 12 trang. Báo có khuôn khổ 32 x 25 cm, giá bán mỗi số là 0,17 đồng (nếu đặt mua cả năm 6,67 đồng).

Gia Định báo do Trương Vĩnh Ký khởi xướng và làm chủ nhiệm, cùng cộng tác viên Huỳnh Tịnh Của (chủ bút), Trương Minh Ký, Tôn Thọ Tường… Ban đầu nội dung bao gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ, về sau có thêm phần mở rộng (phần khảo cứu, nghị luận).

Phần công vụ chuyên về lĩnh vực chính trị, pháp lý và công quyền. Phần này đăng tải các sắc lệnh, nghị định, thông tư, đạo lệnh, chỉ dụ…; những tin về cấp bằng, thăng chức, hạ chức, bãi chức, thuyên chuyển công tác, hoạt động quân sự, biên bản các cuộc họp…

Phần tạp vụ đề cập nhiều lĩnh vực: kinh tế, tôn giáo, văn hóa, xã hội… với các mục như lời dặn, khuyến cáo, rao giảng mang tính tuyên truyền hành chính; những tin liên quan đến lạm phát, giá cả, sưu thuế, các báo cáo về tình hình canh nông, thương mại, kỹ nghệ, địa chính… Có cả một số bản tường thuật về lễ đón, lễ hội, cuộc chiêu đãi, đám tang…

Phần mở rộng có giá trị và sức cuốn hút nhất. Đây là phần khảo cứu, nghị luận về văn hóa, đạo đức, phong tục, lễ nghi, tư tưởng, lịch sử, thơ văn…, có thể chia làm 3 loại:

Loại truyền bá khoa học thực nghiệm – từ y tế, vệ sinh, kỹ thuật đến vật lý, hóa học, tự nhiên học…

Loại luận thuyết nhằm cải tiến xã hội – từ tư tưởng, triết học, đạo đức, lịch sử đến tôn giáo, thần học, chiêm tinh…

Loại phổ biến khoa học ngôn ngữ – gồm những sáng tác, sưu tầm, khảo cứu, dịch thuật từ tiếng Hán, Pháp, Anh; những chuyên luận, bình giảng thơ văn cổ, tìm hiểu chữ Nôm, truyền thuyết, tục ngữ, ca dao, cổ tích, ngụ ngôn…

Ngoài những phần trên, Gia Định báo còn có mục quảng cáo gồm những lời cáo dưới dạng thông báo, nhắn tin, bố cáo, cáo phó… và những lời rao vặt như trên các báo Pháp thời đó.

Tuy còn nhiều điểm hạn chế: chưa phân biệt rõ văn phong nói và viết nên tính chất nôm na, khẩu ngữ khá đậm nét, hình thức mỹ thuật chưa đẹp… nhưng với nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phổ biến, cổ vũ chữ quốc ngữ, cung cấp những kiến thức, thông tin mọi mặt cho nhân dân, trong suốt 44 năm tồn tại, Gia Định báo đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, xứng đáng là tờ báo tổng hợp có giá trị cao và tạo tiền đề cho báo chí Việt Nam phát triển.

So với báo quốc ngữ nhà nước, báo quốc ngữ tư nhân ra đời muộn hơn nhiều. Cuối TK XIX, ở Sài Gòn chỉ mới xuất hiện 3 tờ báo quốc ngữ tư nhân: Nam Kỳ báo, Thông loại khóa trình, Phan Yên báo. Tờ Nam Kỳ báo của Alfred (người Pháp), còn hai tờ kia của tư nhân Việt Nam.

Trong Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1930 (Tủ sách Trí Đăng, Sài Gòn, 1973), Huỳnh Văn Tòng cho rằng Phan Yên báo của Diệp Văn Cương, ra đời năm 1868, là tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên và là tờ báo thứ hai sau Gia Định báo. Nhưng trong Văn học quốc ngữ Nam Kỳ 1865-1930 (Nxb Trẻ, TP.HCM, 1992), Bằng Giang đã chứng minh rõ rằng Phan Yên báo ra đời năm 1898, đình bản năm 1899 và cả ba tờ báo quốc ngữ tư nhân đều ra đời sau đạo luật về báo chí của nhà nước Pháp ban hành tại thuộc địa Nam Kỳ (ngày 22-9-1881) theo thứ tự là: Thông loại khóa trình, Nam Kỳ báo, Phan Yên báo. Như vậy, Thông loại khóa trình là tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên.

Thông loại khóa trình xuất bản định kỳ hàng tháng và có đánh số thứ tự từng năm. Bắt đầu từ số báo thứ nhất (tháng 5-1888) đến số cuối cùng (tháng 10-1889), trong hai năm ra được tất cả 18 số. Từ số thứ hai (phát hành tháng 6-1888) lấy tên mới bằng chữ Hán là Sự loại thông khảo (nhưng mọi người vẫn quen gọi theo tên ban đầu là Thông loại khóa trình). Ba số đầu mỗi số 12 trang, từ số thứ tư trở đi mỗi số 16 trang. Năm số đầu do một mình Trương Vĩnh Ký đảm trách toàn bộ. Sau đó mới có sự tham gia, cộng tác của Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trần Chánh Chiếu, Lương Khắc Ninh…

Thông loại khóa trình được kết cấu, trình bày như một cuốn sách thời đó, khổ 16 x 23,5 cm, có trang bìa và trang nhan đề. Nhiều người gọi nó là tập san (dạng nguyệt san), một số người khác gọi là tạp chí. Nhưng nếu căn cứ vào lời rao trước về tôn chỉ và phương châm của báo thì có thể gọi nó là tờ học báo.

Thông loại khóa trình chủ yếu đăng những bài sưu tầm và dịch thuật. Việc sưu tầm không chọn lọc lắm, chỉ cốt thu thập được càng nhiều càng tốt những tác phẩm văn học dân gian (để biết qua hoặc để học hỏi): các bài hát dân ca, hò, vè, những câu ca dao, câu đố, phương ngôn, tục ngữ, chuyện vui. Về văn học thành văn, có những bài diễn nôm, những áng văn hay của người xưa như hịch, phú, văn tế, thơ Đường luật. Ngoài ra còn các ghi chép về phong tục tập quán, lịch sử, địa lý, những sưu tập về tuồng, chèo, truyện,…

Trong lời bảo (lời phi lộ, lời mào đầu, lời giới thiệu), có nói về mục đích của báo: “Coi sách dạy (tức sách giáo khoa) lắm nó cũng nhàm, nên phải có cái chi vui pha vào một hai thì nó mới thú. Vậy ta tính làm ra một tháng đôi ba lần, một tập mỏng mỏng nói chuyện sang đàng, chuyện tam hoàng quốc chí, pha phách lộn lạo xào bần để cho học trò coi chơi cho vui”. Tuy về sau (từ số thứ tư trở đi) có ghi thêm đối tượng là gia đình nhưng nội dung và khuynh hướng vẫn thế. Vì vậy, Thông loại khóa trình không phải là tạp chí lý luận, cũng không hẳn là tờ học báo vì những bài đăng thực ra không theo chương trình riêng của một cấp học nào, mà chủ yếu là sưu tầm. Do đó, nên coi nó là tập san dùng để đọc thêm ngoài giờ không chỉ dành cho học sinh (chính Trương Vĩnh Ký cũng đã ghi Thông loại khóa trình vào thư mục của mình là publication mensuelle nguyệt báo, nguyệt san).

 

Thông loại khóa trình tồn tại được 18 tháng thì phải đình bản do vấn đề kinh phí hoạt động. Mỗi số chỉ bán được gần 500 bản, nhưng cũng chậm thu hồi vốn và ế nhiều. Chủ bút ngao ngán thừa nhận: “Thật là hữu hằng tâm nhưng ngặt nỗi bất hữu hằng sản nên đành…”. Bài Cho hay trong số cuối cùng (tháng 10-1889) chua chát lý giải: “Nay vì bởi không có vốn cho đủ in luôn Thông loại khóa trình nữa nên ta cực chẳng đã, phải đình in”.

         Đó cũng là tình trạng khó khăn chung mà báo chí Việt Nam gặp phải trong chặng đường đầu.


Nguồn : Tạp chí VHNT số 324, tháng 6-2011

Tác giả : Huy Hoàng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *