Việt Nam và Hàn Quốc cùng nằm trong vùng văn hóa Đông Á, cùng ảnh hưởng từ nguồn văn hóa Trung Hoa (1). Truyện cổ tích người Việt và người Hàn cũng có những điểm tương đồng, khác biệt. Tác giả phân tích, so sánh hai nữ nhân vật chính trong truyện cổ tích Nàng Xuân Hương (2) của Việt Nam và Choon Hyang – Hương Mùa Xuân (3) của Hàn Quốc để hiểu hơn về văn hóa, con người, lý giải nguyên nhân, ý nghĩa của sự tương đồng và khác biệt đó.
Điểm tương đồng
Hoàn cảnh xuất thân
Nàng Xuân Hương là người con gái tỉnh Bắc, xuất thân trong gia đình ông đồ nghèo. Thuở nhỏ, nàng được bố dạy cho chữ nghĩa. Năm 15 tuổi, nàng xin mẹ đến học ở trường một cụ đồ trong làng. Nàng hiền lành, chăm ngoan, học giỏi, xinh đẹp. Còn Choon Hyang là cô gái ở Nam Won, nơi có ngôi đình Gwanghallo nổi tiếng, là con của một vũ nữ đã già nua, xinh đẹp, đoan trang.
Hoàn cảnh xuất thân của họ có những điểm tương đồng, không phải chốn kinh thành phồn hoa đô hội mà là nơi tỉnh lẻ bình yên, tĩnh lặng, có những đình, chùa mang đậm văn hóa tín ngưỡng dân gian. Họ là tầng lớp bình dân, ở độ tuổi xuân thì, có khát vọng, xinh đẹp, chăm chỉ, hiếu thảo. Hoàn cảnh xuất thân bình dân nhưng ngoan hiền, thông minh, cá tính, quan tâm đến người khác.
Vẻ đẹp, phẩm chất
Họ là những cô gái rất xinh đẹp. Nàng Xuân Hương, lên tuổi 15 trong trắng như hoa thủy tiên, khiến Tống Như Mai không đành cất bước. Choon Hyang là cô gái có đôi mắt long lanh, môi cô mỉm cười tươi tắn, không chỉ xinh đẹp mà còn rất đoan trang. Như vậy, tác giả dân gian hai nước có cùng quan niệm về vẻ đẹp thuần hậu, giản dị, hiền hòa của những cô gái xuất thân từ tầng lớp bình dân. Họ đều là đại diện cho cái đẹp, cái thiện trong xã hội phong kiến.
Phẩm chất, tính cách của hai nữ nhân vật kín đáo, e dè, tế nhị, nữ tính mà không kém phần mãnh liệt trong tình yêu đôi lứa, cứng rắn bày tỏ chính kiến của mình trước bọn quan tham. Nàng Xuân Hương sau khi phát hiện Tống Như Mai giả gái, nàng chỉ ngồi khóc, vừa xấu hổ, vừa như bị xúc phạm. Còn Choon Hyang, phải lòng chàng Yi Doryung nhưng băn khoăn do dự rằng con trai trong gia đình quan thì không thể lấy con một vũ nữ mà không có sự ưng thuận của cha mẹ. Trước tình huống viên quan tham buông lời trêu ghẹo, bắt ép, Xuân Hương nghiêm sắc mặt cự tuyệt. Còn Choon Hyang, khi bị viên quan si mê bắt ép, nàng vừa lễ phép, vừa mạnh dạn từ chối.
Nhân vật trải qua nhiều biến cố
Với Xuân Hương và Tống Như Mai, họ trở thành đôi bạn thân thiết. Câu chuyện cứ thế phát triển tự nhiên, cho đến khi Như Mai trút bỏ đồ cải trang thành một chàng trai. Họ đã dám vượt qua ràng buộc của lễ giáo phong kiến để thành vợ chồng. Với Choon Hyang, tại một ngôi đình nổi tiếng, chàng Yi Doryung tình cờ nhìn thấy nàng, đã liều lĩnh bước tới bắt chuyện làm quen, bày tỏ tình yêu với cô gái. Chính vì rào cản phong kiến nên họ đã vụng trộm thề thốt rồi làm một lễ cưới nho nhỏ.
Biến cố gặp gỡ như là cái duyên để họ đến với nhau, vượt qua rào cản, hẹn thề chung thủy nhưng những trớ trêu, oan nghiệt của hiện thực phong kiến đương thời vẫn còn đó. Sau khi Xuân Hương dám vượt lễ giáo để đến với người mình yêu, sống những ngày hạnh phúc thì Tống Như Mai buộc phải theo thân phụ về kinh. Còn Choon Hyang sau thời gian hạnh phúc ngắn ngủi, chồng nàng phải theo cha tới Seoul. Biến cố gặp gỡ rồi chia tay giữa hai nữ nhân vật có nhiều điểm tương đồng, người phụ nữ không chỉ yêu thương, chung thủy mà còn biết phản kháng để giữ gìn tình yêu.
Nàng Xuân Hương bị viên quan tham buông lời trêu ghẹo, đã cự tuyệt nên quan để bụng cho người đến gây sự, bắt nàng giam lại với tội trạng bội hôn, lăng mạ trưởng quan, bị đánh đòn 80 roi trước công chúng. Nàng Choon Hyang vì không muốn sự giúp đỡ của viên tham quan, dám nói thẳng về trách nhiệm của bậc cha mẹ của dân, quyết chung thủy với chồng nên bị bắt vào tù.
Nàng Xuân Hương và Choon Hyang tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp, giản dị, trong sáng. Trải qua bao gian khổ, hai nàng vẫn âm thầm chịu đựng, bảo vệ hạnh phúc với niềm tin mãnh liệt. Họ là những người phụ nữ được nhân dân gửi gắm tư tưởng đấu tranh chống lại bọn quan tham, thể hiện mơ ước về những vị vua, quan anh minh, đối xử công bằng với dân.
Những điểm khác biệt
Thân phận, địa vị xã hội
Nàng Xuân Hương xuất thân là con ông đồ nghèo, sớm mồ côi cha, sống với mẹ. Từ nhỏ nàng được theo học chữ, học giỏi. Choon Hyang là con của một vũ nữ già nua. Điểm khác biệt về thân phận và địa vị xã hội của họ xuất phát từ hiện thực xã hội phong kiến đương thời, là dụng ý nghệ thuật của tác giả dân gian. Trong văn hóa của người Việt, ông đồ là hình ảnh người thầy ngày xưa tuy nghèo nhưng thanh cao, được dân kính trọng. Vì vậy, nội dung của truyện mang giá trị thẩm mỹ, ý nghĩa phê phán tế nhị mà sâu sắc. Choon Hyang có mẹ là kỹ nữ nên bị xã hội quan liêu phong kiến khinh rẻ. Trong văn hóa của người Hàn thời bấy giờ, thái độ yêu ghét bộc trực. Yi Doryung biểu lộ tình yêu đối với Choon Hyang lén lút, có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc tuy ngắn ngủi mà ngọt ngào. Việc chọn chi tiết con của một vũ nữ đã già nua để thể hiện nội dung phản ánh trong suốt câu chuyện phần nào cho thấy vấn đề quan tâm của người Hàn thời bấy giờ.
Sự dịch chuyển không gian
Sự dịch chuyển không gian của hai nữ nhân vật không nhiều nhưng mỗi không gian gắn với một biến cố. Với Xuân Hương, không gian gia đình ông đồ, nơi hai mẹ con sống bình yên, đồng thời là nơi nàng nảy sinh tình yêu với Tống Như Mai. Không gian chợ gắn với biến cố nàng bị quan buông lời trêu ghẹo. Bên cạnh các không gian gắn với biến cố là không gian mang đậm nét văn hóa của người Việt: lớp học của ông đồ già, trong vườn ngôi đình cổ… Với Choon Hyang, không gian gia đình vũ nữ già nua, nơi nàng và Yi Doryung vụng trộm thề thốt rồi làm một đám cưới nho nhỏ. Nhà giam, nơi viên quan tham gây chuyện, vô cớ bắt giam nàng. Một số biểu hiện không gian khác: trong một đêm trăng sáng, dưới gốc cây đào, nàng được Yi Doryung bày tỏ tình yêu; nhà viên quan tham cũng là không gian mà bọn quan tham bị bắt giữ đồng thời giải cứu nàng; lễ cưới linh đình do nhà vua đứng ra làm chủ hôn cho họ.
Sự dịch chuyển không gian của hai nữ nhân vật có những điểm tương đồng: gia đình, rộng hơn là không gian sinh tồn gắn với những ngôi đền hoặc chùa cổ; không gian gặp gỡ tỏ tình mộc mạc, lãng mạn; nhà giam. Tuy nhiên trong không gian gia đình có sự khác biệt, gia đình ông đồ, vũ nữ già nua, phản ánh tầng lớp, quan hệ xã hội khác nhau. Tác giả dân gian Hàn đã đồng cảm với hoàn cảnh mẹ con vũ nữ để ngợi ca, cảm thương. Người vũ nữ già cam chịu, từng trải ấy sẽ ý thức trong việc răn dạy con cái trong điều kiện, môi trường văn hóa của người bình dân. Ngược lại, tác giả dân gian Việt lại đi thẳng vào vấn đề chọn hình ảnh gia đình mẹ con cụ đồ để thấy văn hóa của người Việt vốn rất quý trọng cái nghèo mà thanh cao, coi trọng việc giáo dục con cái, tế nhị trong chuyện yêu đương.
Sự khác biệt khá lớn là không gian chợ. Đối với người Việt, không gian chợ khá quen thuộc trong sinh hoạt văn hóa. Chợ vừa là nơi thể hiện hình ảnh người phụ nữ Việt đảm đang, tháo vát, tần tảo nuôi chồng con, đồng thời cũng là nơi công khai cái xấu, cái ác; nơi mà người phụ nữ được ví như món hàng phất phơ giữa chợ. Đây là điều ít thấy trong văn hóa Hàn.
Một khác biệt nữa là quan hệ gia đình. Choon Hyang và Yi Doryung mạnh mẽ, liều lĩnh thể hiện cái tôi trong tình yêu hơn Xuân Hương và Tống Như Mai. Người vũ nữ đã già nua không khắt khe trong chuyện tình cảm của con cái bởi nghề nghiệp, sự từng trải khiến bà chắc chắn sẽ có suy nghĩ khác vợ của một ông đồ già rất trọng đạo Nho. Dân gian hai nước đã có những khác biệt khi phản ánh những vấn đề thuộc về phạm vi đạo đức, ứng xử gia đình, xã hội. Hai câu chuyện sử dụng môtip sự trừng phạt, vì họ tin quy luật nhân quả giúp con người hướng thiện, cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hai tác phẩm trên giống nhau ở chỗ tuy không có yếu tố thần kỳ nhưng lại có hình ảnh những vị quan khâm sai nghiêm minh kịp thời đòi lại sự công bằng cho người bị oan ức, trừng phạt quan tham ức hiếp dân lành.
Bên cạnh nghệ thuật kể chuyện sinh động, hấp dẫn, kịch tính, tác giả dân gian tập trung khai thác sự dịch chuyển không gian để phát triển cốt truyện. Không gian bình yên thôn quê, những ngôi chùa, ngôi đình; không gian tình yêu có dấu ấn của đêm trăng; không gian đau thương, buồn tủi, chia xa là nhà giam, cũng chính là nơi quan tham bị trừng trị, hai nàng được chồng giải cứu.
Về phương diện địa lý, lịch sử. Việt Nam, Hàn Quốc cùng nằm trong vùng văn hóa Đông Á, mang tính cách, phẩm chất chung của người phương Đông, coi trọng tình nghĩa. Do hai nước có những hoàn cảnh xã hội như nhau, nên giá trị con người cá nhân trở nên nhỏ bé trước xã hội đương thời. Bên cạnh đó, cả hai nước cùng tồn tại, phát triển theo phương thức sản xuất của châu Á, sống trong điều kiện tự nhiên ưu ái. “Việt Nam và Hàn Quốc ngoài sự ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo còn chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo, Đạo giáo. Những yếu tố địa lý, lịch sử, kinh tế, tôn giáo cũng góp phần làm nên điểm tương đồng, khác biệt trong đời sống văn hóa, văn học” (3). Sự giao lưu trong quá khứ giữa hai dân tộc cũng ít nhiều đem lại sự tương đồng. Ngoài ra, còn có sự tương đồng ngẫu nhiên, không phải do giao lưu hay do cùng ảnh hưởng nguồn văn hóa chung.
Qua truyện cổ tích Nàng Xuân Xương và Choon Hyang – Hương Mùa Xuân, chúng ta thêm hiểu về người phụ nữ, văn hóa xã hội của hai nước Việt – Hàn. Người Hàn tự hào về truyện Choon Hyang – Hương Mùa Xuân tương tự như người Việt tự hào về Truyện Kiều, vì đây là một kiệt tác của văn học Hàn Quốc. “Theo học giả Hàn Quốc, tổng số công trình nghiên cứu về Truyện Xuân Hương từ 1960 đến 1990 là 268 (của 166 tác giả), trong đó có 251 chuyên luận, tiểu luận nghiên cứu, 17 luận án tiến sĩ, luận án thạc sĩ” (4). Với người Việt, truyện cổ tích Nàng Xuân Hương khá phổ biến, được chuyển thành phim, ca kịch với hình thức phù hợp với tâm lý, văn hóa vùng miền. Ở góc độ phản ánh hiện thực, giá trị nội dung, tính thẩm mỹ, hai truyện cổ tích Việt – Hàn thể hiện đầy đủ mối quan hệ xã hội phong kiến; khát vọng, mơ ước về một xã hội tôn trọng con người. Việc so sánh hai nữ nhân vật chính trong hai truyện cổ tích Việt – Hàn đã giúp hiểu thêm về thể loại truyện cổ tích, văn hóa dân gian, thể hiện sự giao thoa giữa hai nền văn hóa. Đây là nền tảng, cơ sở cho mối quan hệ của hai nước phát triển hơn nữa.
_____________
1. Nhiều tác giả, So sánh Folklore, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2011, tr.188, 189.
2. Nguyễn Đổng Chi, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, quyển 2, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2014, tr.281.
3. Đặng Văn Lung, Truyện cổ Hàn Quốc, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1998, tr.369.
4. Nguyễn Bá Thành, Tương đồng văn hóa Hàn Quốc – Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1996, tr.279.
Tác giả: Hoàng Văn Tý
Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn