Phản ánh luận lênin trong việc giải mã một số hiện tượng nghệ thuật


Học thuyết phản ánh của Lênin là một trong những cống hiến quan trọng vào kho tàng lý luận văn học và mỹ học mác xít. Đó là nhận thức luận duy vật biện chứng theo quan điểm của Lênin hay còn gọi là phản ánh luận Lênin (1) trong quá trình khám phá thế giới khách quan.

Lý luận văn nghệ mác xít đã bàn khá nhiều về mối quan hệ giữa văn học và đời sống và khẳng định: văn học, nghệ thuật là những hình ảnh chủ quan (của nhà nghệ sĩ) về thế giới khách quan. Đó là sự hình dung, tưởng tượng và thể hiện bằng tác phẩm của tác giả về thế giới xung quanh. Văn học, nghệ thuật kết tinh những giá trị văn hóa đặc biệt do con người sáng tạo ra bằng ý thức xã hội của mình. Mà ý thức xã hội lại luôn phản ánh tồn tại xã hội – cơ sở nảy sinh ra nó. Lênin từng nhấn mạnh: “Ý thức con người không phải chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn sáng tạo ra thế giới khách quan”(2). Văn học, nghệ thuật không phải là sản phẩm của ý chí thượng đẳng của thần thánh hoặc tinh thần tuyệt đối của ý thức chủ quan con người như các nhà triết học và mỹ học duy tâm từng quan niệm một cách sai lầm (như trường hợp mỹ học duy tâm khách quan của Platon cho rằng có một ý niệm tuyệt đối chung chung nào đó tồn tại lơ lửng giữa không trung điều khiển toàn bộ thế giới, và nghệ thuật là ý muốn của thánh thần). Cũng như hệ tư tưởng chính trị, ý thức pháp quyền, khoa học, triết học, tôn giáo, văn học nghệ thuật có đối tượng riêng, đặc trưng riêng khi phản ánh, đánh giá đời sống hiện thực và con người. Phản ánh luận Lênin nêu rõ: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng lại trở về thực tiễn, đó là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của nhận thức hiện thực khách quan”(3). Ý thức xã hội của con người dần dần được hình thành qua sự tri giác về hiện thực khách quan. Các giác quan của con người liên tục tiếp nhận, sao in, chụp hình và nhào nặn vô vàn các tư liệu của thế giới khách quan và sau cùng là đối chiếu so sánh lại kết quả phản ánh với sự thật bên ngoài cảm giác. Ý thức xã hội là sự phản ánh về thế giới khách quan vừa cụ thể vừa tổng hợp khái quát vào não bộ con người và in dấu ấn chủ quan của mỗi cá nhân con người. Tổng hợp lại, khi tiếp cận nội dung cơ bản của phản ánh luận Lênin, ta thấy bao gồm ba vấn đề then chốt như sau:

Thứ nhất, về nguồn gốc của nhận thức: bản chất của thế giới là vật chất, tồn tại một cách khách quan độc lập ngoài ý thức của con người. Ý thức là cái có sau và do vật chất quyết định, là sản phẩm, là phản ánh của vật chất.

Thứ hai, về khả năng của nhận thức: ý thức là cái có sau nhưng hoàn toàn có khả năng phản ánh được vật chất, thế giới khách quan bên ngoài. Chỉ có những vật chưa biết, chứ không hề có sự vật không thể biết.

Thứ ba, về tính chất của quá trình nhận thức : Mặc dù có khả năng nhận thức được thế giới khách quan, nhưng đó là ý thức nói chung của cả loài người trong trường kỳ lịch sử. Nếu xét từng cá nhân và từng giai đoạn thì nhận thức luôn luôn mang tính chất mâu thuẫn đấu tranh giữa cái đúng với cái sai, nhằm mục đích tiếp cận cho bằng được chân lý.

Tuy nhiên, cũng theo Lênin, ý thức con người không phải chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn sáng tạo ra thế giới khách quan. Văn học, nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội phản ánh thế giới khách quan. Trong Bút ký triết học, Lênin khẳng định: “Khi trí tuệ (của con người) tiếp xúc với vật cá thể, từ đó rút ra một hình ảnh (một khái niệm), đó không phải là một hành vi giản đơn, trực tiếp, chết, không phải phản ánh trong một cái gương, mà là một hành vi phức tạp, có hai mặt khúc khuỷu – một hành vi bao hàm khả năng của ảo tưởng bay ra khỏi cuộc sống, và hơn thế nó còn bao hàm khả năng của một sự chuyển biến (không thấy được, mà người ta không có ý thức về nó) của khái niệm trừu tượng, của ý niệm thành một ảo tưởng…”(4)

Vận dụng vào văn học, nghệ thuật, Lênin cho rằng tác phẩm văn học, nghệ thuật là hình ảnh chủ quan (của nghệ sĩ) về thế giới khách quan. Tác phẩm nghệ thuật là sự phản ánh đời sống thông qua con mắt nhận thức của tác giả (gồm thế giới quan, nhân sinh quan, vốn sống, thái độ đối với đời sống). Đó là sự phản ánh có tính nghệ thuật, thể hiện tư tưởng tình cảm, khát vọng và tài năng sáng tạo của nhà nghệ sĩ. Tuy nhiên, nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật luôn luôn chịu sự tác động của tồn tại xã hội, bao gồm những yếu tố thời đại, hoàn cảnh lịch sử xã hội chi phối đến văn học, nghệ thuật.

Phản ánh luận Lênin đã đưa văn học nghệ thuật trở về với hiện thực, coi đây là mối liên hệ không thể tách rời. Nghệ thuật luôn gắn bó với đời sống xã hội. Nếu từ bỏ mối quan hệ này, nghệ thuật sẽ trở nên viển vông, vô nghĩa, xa xôi, bí ẩn. Đặc biệt, ngày nay phản ánh luận Lênin còn giúp chúng ta giải thích các hiện tượng nghệ thuật hiện đại. Khi lý thuyết phân tâm học của Freud ra đời, người ta cắt nghĩa nghệ thuật như là một cách giải tỏa ẩn ức, thăng hoa những nhục cảm của con người, giải phóng năng lượng tính dục (libido). Nghệ thuật được xem như là cách diễn tả những phức cảm Oedipe, cái tội lỗi tổ tông của nhân loại, đưa nghệ thuật chìm sâu vào cõi vô thức, bản năng của con người, làm cho nghệ thuật trở nên bí hiểm, kén chọn độc giả và gây ra sự khó hiểu không cùng.

Trong thi ca hiện đại Pháp, Baudelaire được coi là vua thi sĩ, người mở đầu cho chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực đã làm thơ như là cách thể hiện ký hiệu ngôn từ. Nhà thơ có thiên chức như “ông hoàng của mây trời/ Vẫn lui tới bão giông và cười khinh cung thủ” (Baudelaire – Chim hải âu). Về sau thi sĩ tượng trưng người Pháp Mallarrmé lại viết những câu thơ kín mít bí hiểm như câu đố, đưa nghệ thuật vào chỗ tắc tị. Điều đáng ngạc nhiên là tất cả những trường hợp trên, trong chừng mực nào đó đều có thể giải thích bằng phản ánh luận Lênin. Thực tế cho thấy, các nhà nghệ sĩ lãng mạn, tượng trưng, siêu thực có ảo tưởng là họ sáng tạo bằng những kinh nghiệm nguyên ủy, những ảo giác mộc mạc nguyên sơ, nhưng thật ra đó là sự hỗn loạn của các giác quan. Hình ảnh, âm thanh, hương vị và cả sự thô ráp xù xì của cuộc sống nhảy múa trong bộ nhớ của nghệ sĩ. Muôn ngàn mảnh vụn tư liệu trần thế châu tuần hợp lưu trong trí tưởng tượng nghệ thuật với một trật tự phi logic và được phơi bày trong tác phẩm khiến cho chính người sáng tác có cảm giác nổi loạn về mặt sáng tạo. Người nghệ sĩ bàng hoàng trước bức tranh do mình vừa tạo ra, thậm chí không thể tin nổi là mình lại có thể sáng tạo ra tác phẩm như vậy. Từ đó nghệ sĩ lại đi đến một ảo tưởng khác: tác phẩm vừa sáng tạo là thế giới vô thức của mình chẳng liên quan gì đến hiện thực cuộc sống?!

Hãy thử đặt một câu hỏi: nếu người nghệ sĩ tách ra khỏi cộng đồng của mình từ nhỏ, liệu anh ta có thể sáng tác ra văn học, nghệ thuật được như thế không? Văn hóa nghệ thuật là trình độ thẩm mỹ của con người. Văn hóa là những hiểu biết mà con người học được ở cộng đồng từ lúc ấu thơ đến lúc trưởng thành. Văn hóa không phải là yếu tố di truyền như di truyền sinh học. Con người vừa là một thực thể tự nhiên, vừa là một thực thể xã hội. Trong tư cách thực thể tự nhiên, con người hiện đại là dạng thức tiến hóa cao nhất về cơ thể hữu cơ sinh học trong hành tinh của chúng ta. Trong tư cách thực thể xã hội, con người là sản phẩm của một cộng đồng người. Con người là sản phẩm của lịch sử, mang tính thời đại, giai cấp, dân tộc. Con người là sản phẩm của một nền văn hóa. Đó là những sự thật không thể chối cãi. Chính quá trình lao động đã biến bộ óc của con vượn thành ra bộ óc của con người. Hành trình tiến hóa của con người đã diễn ra nhiều triệu năm. Con người thế hệ sau tiếp nhận những tinh hoa văn hóa từ thế hệ trước. Nếu vì một lẽ nào đó mà cá thể người bị tách biệt khỏi cộng đồng xã hội, lúc đó cá thể người chỉ còn là một thực thể tự nhiên theo quy luật di truyền nhưng không phải là con người trong ý nghĩa đầy đủ của nó, nghĩa là không phải là một nhân cách. Muốn trở thành nghệ sĩ hay thiên tài gì đó, thì trước hết, người ta phải là một con người. Hầu hết các thi sĩ, họa sĩ , nhạc sĩ trượng trưng, siêu thực trên thế giới đều có một cuộc sống bình thường trong cộng đồng xã hội quốc gia, dân tộc mình. Michel Ange từng có một tuổi thơ nhọc nhằn trên những làng quê, những đồng cỏ bao la ở châu Âu. Hình ảnh những người nông dân vạm vỡ, những em bé má hồng, những cô gái tha thướt duyên dáng trên những đồng cỏ xanh rờn mênh mông ở Florence quê hương ông đã trở thành nguyên mẫu ám ảnh trong trí nhớ và tạo nên cảm hứng lớn dần lên trong tâm hồn danh họa để đến một ngày nào đó sẽ xuất hiện trong dáng vẻ uy nghi rực rỡ của thiên chúa, của các thiên thần bé nhỏ với đôi cánh tiên nhỏ xíu, các vị thánh linh thiêng tỏa sáng ánh hào quang trên kiến trúc vòm mái nhà thờ Xichtin. Nhà nghệ sĩ không thể không có những nhận thức cảm tính về tư liệu cuộc sống. Từ trực quan sinh động đó, các tư liệu sẽ bước vào giai đoạn tư duy trừu tượng, được người nghệ sĩ nhào nặn trong chiều sâu mỹ cảm và khát vọng thẩm mỹ để trở thành hình tượng nghệ thuật. Đó là một quá trình mang tính quy luật khách quan.

Như vậy, phản ánh luận Lênin đã có thể cho ta cách lý giải các trường hợp sáng tác tượng trưng siêu thực hiện đại trên thế giới. Các tác phẩm hội họa siêu thực của họa sĩ vĩ đại người Tây Ban Nha Salvador Dali được làm nên bởi những ám ảnh trần thế. Bức tranh Hươu cao cổ bốc cháy của Dali trước hết là một ám ảnh phức tạp về sự hủy diệt ở trần thế, sau đó là một thông điệp nghệ thuật bí ẩn về khát vọng thẩm mỹ độc đáo, làm tăng thêm vô vàn ý nghĩa của tác phẩm. Đó là cách suy tưởng của nghệ thuật tượng trưng siêu thực: tạo ra một thế giới thực mà siêu, siêu mà thực. Chủ nghĩa lãng mạn tột cùng là cách nói để hiểu thêm về chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực của Chế Lan Viên (5). Dù là ở trường phái nghệ thuật hiện đại nào đi chăng nữa, người nghệ sĩ vẫn không thể từ chối các chi tiết đời sống mà anh ta đã nạp vào hệ thống tri giác của mình, vì ý thức xã hội luôn luôn và bao giờ cũng là sự phản ánh của tồn tại xã hội. Tuy nhiên về cách phản ánh thì còn tùy thuộc vào quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật của nghệ sĩ. Bóc tách cái vỏ ngoài bí ẩn phức tạp trừu tượng của nghệ thuật tượng trưng, siêu thực đó, người ta vẫn thấy được những mảnh vỡ của hiện thực đời sống thấp thoáng đâu đó trong tác phẩm nghệ thuật hiện đại. Điều đáng chú ý ở đây là nghệ sĩ sẽ chắp nối những mảnh vỡ ấy như thế nào, tạo ra bức tranh đời sống ra sao.

Phản ánh luận Lênin đã giúp chúng ta tìm ra sự thật về khả năng biểu đạt của nghệ thuật hiện đại với những quan điểm sáng tác độc đáo. Xét đến cùng thì trong tác phẩm tượng trưng siêu thực, dù bức tranh đời sống có méo mó đến đâu thì đó vẫn là một kiểu gương mặt kỳ dị của hiện thực trên mức bình thường (suréalism). Thông điệp nghệ thuật của tác phẩm vẫn gắn liền với chiều cao khát vọng của lý tưởng thẩm mỹ và chất lượng của sự phản ánh nghệ thuật. Điều khó khăn nhất là công chúng phải giải mã được tác phẩm nghệ thuật bằng thị hiếu thẩm mỹ của chính mình. Mà trình độ công chúng thì luôn luôn và bao giờ cũng khác nhau và không chắc gần gũi với nhà nghệ sĩ.

Trong thi ca, nhà thơ – người nghệ sĩ ngôn từ – bao giờ cũng tìm cách ẩn dụ hóa thế giới xung quanh và thế giới nội tâm của mình bằng các quan niệm thẩm mỹ, bằng khả năng diễn ngôn siêu việt nào đó. Điều này đã gây khó khăn cho người cảm thụ. Thế giới ngôn từ được trình bày theo kiểu diễn ngôn kia không phải bao giờ cũng mạch lạc. Đó là sự đa nghĩa, đa âm của văn bản. Vả chăng, công chúng thời đại không dễ gì mà có được trình độ tương thích với người nghệ sĩ. Tuy nhiên, điều mà nhà thơ thể hiện bằng nghệ thuật ngôn từ có lẽ không có gì khác những điều mà anh ta tri nhận từ thế giới xung quanh, từ kinh nghiệm nguyên ủy, từ những ảo giác mộc mạc hoang sơ, những tiên nghiệm mà anh ta có được từ các hình thức diễn ngôn của cộng đồng mà anh ta học được bằng mọi cách (cảm tính hoặc lý tính). Mọi ảo giác có được, có thể là sự hỗn loạn của các giác quan trong kho nguyên liệu cảm giác tồn tại ở thế giới tinh thần của chủ thể nghệ sĩ. Thậm chí, nghệ sĩ, chủ nhân của cái kho nguyên liệu cảm giác kia đã lãng quên những tư liệu trần thế đó, mà ngỡ rằng hình như sức mạnh của thần linh kỳ diệu nào đó đưa vào trí não của mình, vào cõi vô thức của con người.

 Thế giới vô thức của nghệ sĩ nói riêng, của nhân loại nói chung có thể được hình thành theo kiểu như vậy. Và người ta vẫn không ngừng khám phá thế giới vô thức, thể hiện thế giới vô thức bằng các hình thức diễn ngôn của các loại hình nghệ thuật cổ xưa cũng như hiện đại. Lý Hạ là nhà thơ thời Vãn Đường (Trung Quốc), người được mệnh danh là thi quỷ chuyên làm thơ ma?! Theo giai thoại thì đó là cái cách mà hàng ngày Lý Hạ uống rượu say, viết chữ, nhặt lại và ghép chữ theo những trật tự không có trật tự, khiến cho chính thi nhân cũng ngạc nhiên vì tác phẩm của chính mình. Hàn Mặc Tử và các thi sĩ Trường thơ loạn ở Quy Nhơn Bình Định 1932-1945 sáng tác thơ điên, thơ loạn kiểu như Baudelaire ở Pháp. Đó cũng là một xảo thuật làm xiếc ngôn từ của quan niệm thẩm mỹ lãng mạn, tượng trưng, siêu thực. Thi ca theo họ là tiếng nói của cảm giác phi thực, thậm chí là ảo giác kinh hoàng chợt đến trào dâng mãnh liệt không theo trật tự nào: “Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút/ Mỗi vần thơ đều dính não cân ta/ Bao nét chữ quay cuống như máu vọt/ Như mê man chết điếng cả làn da” (Hàn Mặc Tử – Rướm máu). Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử vốn là con nhà đạo gốc, công giáo toàn tòng, lại đọc hàng ngàn trang Kinh thánh, hàng ngày chăm chỉ cầu nguyện, cho nên khi trở thành thi sĩ, ông đã viết ra những câu thơ kỳ dị, mang âm hưởng thánh kinh có giọng mạc khải về một thế giới khải huyền bí ẩn khiến người ta khâm phục và ngợi ca… Đối với Hàn Mặc Tử thì thơ cũng là kinh nhật tụng: Lạy Chúa Trời tôi ! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành ơn cả… thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chang vô vàn phước lộc… (Hàn Mặc Tử – tựa Xuân như ý). Nhà thơ trở thành một vị tư tế nối liền vạn vật với tạo hóa: Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió – Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao... Thơ là sự mạc khải, thiên khải về một cõi bờ rực sáng của cái đẹp. Thơ reo ca, hân hoan: Giọng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ / Bút tôi reo như châu ngọc đền vua / Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị / Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí / Và trong tay nắm một nạm hào quang” (Hàn Mặc Tử – Ave Maria). Tư thế phát ngôn của chủ thể trữ tình cao đẹp, rực sáng như một vị thiên thần: trong tay nắm một nạm hào quang, miệng ngậm câu ca huyền bí – bức thông điệp thiên khải bí ẩn. Còn ngọn bút thì reo ca trong âm thanh sang trọng quý phái như những tiếng của châu ngọc đền vua… Đây là chân dung của một vị thánh, một mỹ nam tử hay một nhà thơ? Đối với Hàn Mặc Tử thì có lẽ là tất cả. Hiếm có ai ngợi ca vẻ đẹp thiên mệnh thi ca của thi sĩ như Hàn Mặc Tử. Như thể thi sĩ thay mặt Đức chúa trời (tạo hóa) đem đến cho loài người những cái đẹp hoàn mỹ của thơ ca: Thơ trong trắng như một khối băng tâm/ Luôn luôn reo trong hồn trong mạch máu/Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu/ Cho đê mê âm nhạc và thanh hương… (Hàn Mặc Tử – Ave Maria).

Nguyễn Bá Tín hình dung được âm hưởng của bài thơ này: “…Những kinh Kính mừng trong tràng hạt vang dội mãi không dứt trong đầu óc anh: Ave, Ave, Ave… Ave Maria! Reo như châu ngọc, thơm tho như hoa hương, sáng láng như thất bảo, làm xôn xao tinh tú, náo động muôn trời và vạn vật…” (6). Giọng điệu mạc khải, thiên khải sang trọng, quý phái rực sáng trong thơ Hàn Mặc Tử như những ánh hào quang chói lọi sáng trưng như thất bảo. Thơ bay lên cùng trăng, hoa, nhạc, hương với Lời đẹp cao rao muôn trượng cả (Tựa Xuân như ý), Lời vàng nguyên vẹn trổ tài hoa / ấm hơn tiếng nhạc reo trong ý (Hàn Mặc Tử – Bút thần khai). Làm thơ là một công việc phi thường: Bút đề lên nền sáng báu năm mây / Thơ chen lấn vô trong nguồn cảm giác / Ta uống hết dũ hương và mộc dược / ớn làm sao, đầy một miệng hào quang… (Hàn Mặc Tử – Trường thọ). Nhà thơ kiêu hãnh cho mình là thánh thể kết tinh là tinh hoa của vũ trụ, được sinh ra để làm thơ, “tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh muôn đời” (Hàn Mặc Tử – Quan niệm thơ). Cho nên sáng tác như là sáng thế, tạo lập ra cả một vũ trụ thi ca cao đẹp, trọng vọng, tài hoa, rực sáng đem đến cho loài người. Thi sĩ mạc khải, mở mang cho trí tuệ nhân loại về sự kỳ diệu của thơ: Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt / Đường thơ bay sáng láng như sao sa… / Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc / Thêu như rồng phượng kết tinh hoa / Ta cao ngâm giọng vô cùng thanh thoát / Khiến châu thân rung động thể tơ trăng… (Hàn Mặc Tử – Nguồn thơm).

Nghệ thuật và tôn giáo là những hình thái ý thức xã hội có mối liên hệ với nhau kỳ lạ. Bởi tại các hình thái ý thức xã hội này, trí tưởng tượng của con người được thăng hoa dữ dội trên cơ sở như tư liệu cảm giác trực quan về trần thế. Những vị thánh tông đồ đồng thời cũng là những thi nhân sẽ có cảm giác xuất thần, có cảm giác thần nhập – như một ai đó mượn thân xác của họ để mà giáng bút! Kỳ thực đó là những điều do chính họ viết ra chứ không phải ai khác. Nhưng ảo giác đã đánh lừa con người. Những câu thơ miêu tả hào quang thiên giới hay miêu tả các thiên thần đều bắt nguồn từ thực tế đời sống. Trong bài thơ văn xuôi Chơi giữa mùa trăng, Hàn Mặc Tử đã phải thừa nhận: “Chị Lễ ơi, chị là trăng mà em đây cũng là trăng nữa. Tôi thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi tươi tốt như pho tượng Đức bà Maria là bực trinh tuyền chí thánh”. Nghĩa là trong hình ảnh của Đức Bà Maria có thấp thoáng dáng hình những người người thân yêu nhất của Hàn Mặc Tử – những vẻ đẹp hiện hữu từ cuộc đời.

Cuối TK XX, thi ca Việt Nam hiện đại thời kỳ đổi mới cũng có những vần thơ lấp lánh sắc màu tượng trưng, siêu thực. Thanh Thảo là người nghệ sĩ đã ẩn dụ hóa thế giới xung quanh bằng những ám ảnh mãnh liệt trong bài Đàn ghi ta của Lorca. Lorca Gaxia là ngôi sao sáng chói trên bầu trời nghệ thuật Tây Ban Nha TK XX, người cách tân vĩ đại của nghệ thuật xứ sở bò tót đã hy sinh anh dũng trước sự trả thù hèn hạ của bọn phát xít. Cảm phục trước tấm gương của người anh hùng nghệ sĩ, Thanh Thảo đã viết bằng sức mạnh của trí tưởng tượng: “Những tiếng đàn bọt nước / Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt /Li la li la li la/ Đi lang thanh về miền đơn độc/ Với vầng trăng chếnh choáng/ Trên yên ngựa mỏi mòn/ Tây Ban Nha hát nghêu ngao…”. Sức tưởng tượng và sự ám ảnh về Lorca và xứ sở đấu bò đã rung chuyển trong tâm hồn nhà thơ để hiện ra thành những ký hiệu ngôn từ như vậy. Hình ảnh cuộc sống được cấu trúc lại theo một trật tự mới, có thể theo logic hoàn toàn kỳ lạ trong tư duy nghệ sĩ là một cách diễn ngôn về hiện thực.

Phản ánh luận Lênin đã đưa ra khả năng nhận thức sâu sắc về quy luật phản ánh hiện thực của văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên, cũng theo Lênin, nhận thức đời sống và miêu tả đời sống là những động thái vận hành không theo một con đường thẳng cơ học máy móc. Không phải cứ nhận thức như thế nào thì thể hiện được tương ứng như thế ấy. Điều này liên quan đến tài năng của nhà văn. Lênin khẳng định: “ Tính trực tuyến và tính phiến diện, sự chết cứng và cứng nhắc, chủ nghĩa chủ quan và sự mù quáng chủ quan, đây là những nguồn gốc về nhận thức luận của chủ nghĩa duy tâm… Nhận thức không phải là một đường thẳng và là một đường cong đi gần đến vô hạn đến một loạt những vòng tròn, đến một vòng xoáy ốc, vì nhận thức là một quá trình quanh co khúc khuỷu, tiệm tiến mãi cho đến khi đến đỉnh điểm của chân lý”(7).

Để nhận thức và thể hiện được chân lý cuộc sống, nhà văn cần phải đắm mình trong hoạt động thực tiễn và có một tài năng nghệ thuật thể hiện những tri thức khách quan. Văn học nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống và phản ánh hiện thực đời sống. Đó là quy luật sáng tạo của muôn đời.

_______________

1. Xem Phương Lựu, Tuyển tập, tập 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.78.

2, 3, 7. Lênin, Bàn về văn học và nghệ thuật, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, tr.79, 76, 83.

4. Lênin, Bút ký triết học, tr.396.

5. Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử anh là ai? Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình, 1988.

6. Nguyễn Bá Tín, Hàn Mặc Tử anh tôi, Nxb Tin Paris, 1989, tr.83.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 342, tháng 12-2012

Tác giả : Nguyễn Toàn Thắng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *