Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, bên bờ Biển Đông. Biển, đảo nước ta trong vùng Biển Đông luôn là mục tiêu mà các thế lực xâm lược muốn chiếm giữ để thực hiện mưu đồ bành trướng bá quyền. Cùng với đó, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị luôn tìm mọi cách xuyên tạc, chống phá việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Do vậy, cần phản bác và đấu tranh với những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên biển là nội dung chiến lược, mang tính cấp bách, then chốt của Đảng
Việt Nam có trên 3.260 km bờ biển, có lãnh hải rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở, có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, có hơn 1 triệu km2 thềm lục địa, có trên 3.000 hòn đảo, trong đó có một số đảo lớn, đặc biệt có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa án ngữ Biển Đông… Với tiềm năng kinh tế biển hết sức to lớn, biển đã gắn bó mật thiết và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội, tạo vị thế chiến lược quốc phòng – an ninh vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, biển đảo và kinh tế biển càng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Biển, đảo Việt Nam có vị trí địa lý kinh tế quan trọng, nằm án ngữ tuyến đường hảng hải, hàng không huyết mạch của thế giới và các nước trong khu vực. Vận tải biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, khai thác khoáng sản, chế biến dầu khí và điện lực, phát triển du lịch và dịch vụ biển, công nghệ thông tin cáp quang,… là những lợi thế, nội lực quan trọng cho đất nước ta tiến về tương lai mà nhiều quốc gia không có được. Bên cạnh đó, biển, đảo Việt Nam có vị trí, vai trò trọng yếu về quốc phòng – an ninh; hình thành phên giậu, pháo đài, chiến lũy nhiều tầng, lớp, bố trí thành tuyến phòng thủ liên hoàn vững chắc bảo vệ Tổ quốc.
Trước yêu cầu của tình hình mới hiện nay, Đảng ta thể hiện rõ quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong bối cảnh hội nhập quốc tế trong các chỉ thị, nghị quyết. Nghị quyết Trung ương 4, khóa X nêu rõ: “… phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển”. Những năm qua, quán triệt quan điểm của Đảng, cả nước đã hướng về biển đảo, chúng ta quán triệt phương châm: kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển (năm 1982) và đã đạt được những kết quả rất quan trọng, giữ vững được chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Tuy nhiên, thời điểm trước và sau Đại hội XIII của Đảng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và báo, đài phản động ở nước ngoài..; các trang mạng xã hội lợi dụng những “điểm nóng” trên Biển Đông đã phát tán tài liệu, hình ảnh, video xuyên tạc tình hình Biển Đông. Họ bịa đặt, xuyên tạc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trên các trang mạng xã hội, chúng rêu rao rằng: Việt Nam lôi bè kéo cánh, đi với nước này, chống nước kia… Đây là những thông tin xấu độc, sai sự thật do họ cố tình kích động dư luận bằng những nhận định xuyên tạc, bóp méo, dựng chuyện. Bởi cái gọi là Việt Nam đi với nước này chống lại nước kia… là luận điệu xuyên tạc trái với đường lối, chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đối tượng cơ hội, chống phá còn phê phán Đảng và Nhà nước “phản ứng chậm”, hoặc “né tránh, không dám đối đầu, để chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị đe dọa”. Các thế lực thù địch hòng bẻ lái dư luận, kích động người dân nhằm mục đích cuối cùng là xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, muốn phủ nhận những nỗ lực và quan điểm kiên quyết của Đảng và Nhà nước ta đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, làm cho lòng dân mất yên, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân và vận động ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Nguồn: bienphong.com.vn
Chúng ta khẳng định rằng, chủ quyền quốc gia là không thể xâm phạm và đây cũng là nguyên tắc bất biến trong quá trình dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Thực tế cho thấy, mỗi khi chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông bị xâm phạm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng các biện pháp hòa bình, đó là thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao…
Điều này đã được nêu rõ trong các Nghị quyết của Đảng và được chứng minh qua việc giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam, với tinh thần thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).
Có thể khẳng định, những quan điểm, chủ trương, đối sách của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề Biển Đông là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần tỉnh táo, sáng suốt, kiên quyết đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, những thông tin, luận điệu phản động, vu cáo, bịa đặt của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị; nâng cao trách nhiệm công dân, động viên con em tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phát huy, nhân rộng sẽ tạo thành sức mạnh vô địch trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam hiện nay.
NGUYỄN THANH HOÀNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)