Trong chuyến khảo sát gần đây tại một số di tích ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, chúng tôi có phát hiện thêm một pho tượng, mà theo nhận định ban đầu thì đây là tượng vua Mạc.
Pho tượng này được đặt ngay trên thượng điện chung với các pho tượng Phật khác của chùa Thanh Quang (thôn An Phú, xã Quỳnh Phụ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) nhưng lại có dáng vẻ đặc biệt. Tượng tạc một người đàn ông ngồi trong thế xếp bằng, hai tay đặt trong lòng đùi luồn tay dưới tế tất, dải áo buông chùng dưới cân đai. Trang phục của tượng gồm 2 lớp áo. Lớp áo trong là áo Giao Lĩnh, chỉ hở ra chiếc cổ. Chiếc áo Đoàn Lĩnh cổ tròn mặc phía ngoài màu đỏ tươi, chính giữa ngực có bổ tử trang trí rồng trong ô tròn. Hình rồng trong bổ tử của áo do bị sơn thếp lại nên không còn sắc nét. Viền cổ áo có những cụm mây hình lá đề ba vòng xoáy với những tua rua ngắn đều đặn rủ xuống vai phía trước ngực và phía sau lưng. Bụng có lớp khăn quấn được thắt bằng một chiếc cân đai vòng sang cả phía sau với những trang trí theo ô cầu kỳ. Tuy nhiên trang trí này hiện cũng bị nước sơn mới làm cho mờ nét. Các nếp áo được mô tả khá kỹ và phủ trùm lên bệ ngồi của pho tượng.
Chân dung của pho tượng khá dung dị, mũi lớn, hai tai có thùy dài rủ xuống hai bên. Đầu tượng đội chiếc mũ thông thiên hình trụ, kết ba tầng cườm. Chính giữa trán của chiếc mũ, có hình một con chim đang dang cánh sang hai bên và chúc đầu xuống. Qua hình thức mô tả trên, nhận định ban đầu của chúng tôi thì đây là pho tượng vua Mạc và rất có thể tượng này là tượng vua Mạc Đăng Dung.
Qua trang phục của tượng, có thể thấy đây là loại lễ phục thường được tạc trên các tượng vua Mạc: áo giao lĩnh mặc lót phía trong và áo đoàn lĩnh mặc ngoài, dải tế tất quấn thắt ngang bụng, nếu đứng dậy thì buông chùng xuống chân (1). Các tượng này hiện còn khá nhiều ở các di tích vùng Kiến Thụy, Hải Phòng như các chùa Trà Phương, Đại Trà, Hòa Liễu. Pho tượng này đặc biệt giống với pho tượng chùa Diềm (Vạn An, Bắc Ninh), từ trang phục cho đến hình tướng gương mặt.
Đặc biệt là chiếc mũ có hình con chim chạm khắc ngay phía trước trán. Về con chim dang cánh sang hai bên và chúc đầu trên trán mũ pho tượng, hiện có nhiều lý giải khác nhau. Theo tác giả Trần Quang Đức: “Mũ dạng ống, tương tự mũ Thông Thiên với những nếp gấp thẳng, được đính các hạt ngọc châu, tại vị trí trán mũ có trang sức hình chim dang cánh trong tư thế bay chúc đầu thay vì trang sức bác sơn (tam sơn) như ở tượng chúa Trịnh Sâm (chùa Kim Liên, Hà Nội). Loại mũ dạng ống đính trang sức chữ vương và hình chim bay đều là các loại mũ đặc trưng của tượng thời Mạc. Riêng trang sức chim dang cánh, chúc đầu đính trên trán mũ hết sức gần gụi với loại mũ hạt quan của quan võ nhà Hán – Đường (Khang Hy tự điển cho biết: “Hạt là loài chim giống chim trĩ… nếu bị xâm phạm, sẽ lao thẳng vào chiến đấu, dẫu chết chẳng từ”; Hậu Hán – Dư phục chí viết: “Quân Hổ bôn đều đội hạt quan”), dù tính tới thời điểm hiện nay chúng tôi vẫn chưa thể khẳng định được mối quan hệ này (2).
Trần Quang Đức cũng lưu ý rằng, “Mạc Đăng Dung theo lịch sử vốn xuất thân từ Đô lực sĩ, được sung vào quân túc vệ đời vua Lê Uy Mục. Có lẽ, đây là sợi dây liên hệ duy nhất hiện có nối kết giữa chiếc mũ của các vua nhà Mạc với mũ hạt quan của võ quan nhà Hán – Đường” (3). Chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm này, bởi trong lịch sử trang phục vương triều Việt, trang phục nhà Đường thường được xem là một tiêu chuẩn. Ví như đáp lời hỏi của người nhà Minh về phong tục Việt, Hồ Quý Ly nói: “Áo mũ như chế độ nhà Đường, lễ nhạc tựa vua quan nhà Hán”. Tất nhiên đây là thời Hồ, chứ không phải thời Mạc, nhưng rõ ràng, qua cách nói này chứng tỏ trang phục thời Đường mang dấu ấn đậm nét trong trang phục Việt. Ngoài ra đến cuối triều Lê Sơ, bên cạnh một số qui chế mũ áo phỏng theo chế độ nhà Minh thì các quy chế còn lại vẫn theo chế độ cũ của thời Trần -Hồ. Cuối đời Hồ, Hồ Quý Ly cũng ra nhiều cải cách mang tính riêng với các loại trang phục Việt.
Đối với chiếc mũ có hình chim chúc đầu, bên cạnh các tư liệu trên khảo về lễ phục của nhà Mạc, chúng tôi cũng có một giả thuyết khác. Trong nghệ thuật Phật giáo, hình tượng con chim ca lăng tần già là một hình tượng rất phổ biến. Hình tượng con chim này trong Phật giáo được xem như là nhân vật đem những lời ca, tiếng hát rao giảng Phật pháp khắp bốn phương. Do đó, con chim này đã được đặt trên cùng vành hào quang của Đức Phật, như với tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và ba pho Tam Thế ở chùa Bút Tháp.
Từ liên hệ này, chúng tôi xét đến vai trò của vua Mạc Đăng Dung trong lịch sử. Nếu thời Lê Sơ được nhiều nhà nghiên cứu xem là thời kỳ Nho giáo độc tôn (thực tế là Phật giáo bị hạn chế) thì thời Mạc lại được đánh giá là thời phục hưng của Phật giáo. Trong những năm đầu tiên của nhà Mạc, dưới triều Mạc Đăng Dung, bờ cõi tạm yên, đất nước thanh bình… “Từ đấy, người buôn bán và người đi đường đều đi tay không, ban đêm không có trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ mỗi tháng điểm soát một lần, hoặc có sinh đẻ cũng không biết là vật của mình. Trong khoảng vài năm, đường sá không nhặt của rơi, cổng ngoài không đóng, thường được mùa to, trong cõi tạm yên” (4). Phải chăng chính tinh thần Phật giáo thời Mạc đã giúp cho xã hội giai đoạn đầu nhà Mạc được yên bình. Hơn nữa, khi Mạc Đăng Dung lên ngôi, ông cũng là người cho xây dựng và trùng tu rất nhiều ngôi chùa, góp phần chấn hưng Phật giáo. Do đó, không phải bỗng nhiên ông được đưa vào thờ ở rất nhiều chùa ngoài vùng đất Dương Kinh – nơi phát tích của nhà Mạc. Vị thế của Mạc Đăng Dung trong các ngôi chùa thường không giống với các vua chúa, hoàng thân quốc thích thời Lê -Trịnh sau này là thờ theo lối hậu thần, hậu phật, mà thường được đặt trên chính điện ban Tam Bảo.
Trở lại với chi tiết con chim trên mũ thông thiên, phải chăng hình tượng này có ít nhiều tương đồng với hình ảnh chim trên vành hào quang Đức Phật và mang ý nghĩa về vai trò phục hưng Phật giáo của Mạc Đăng Dung (?). Đây cũng là chi tiết để phân biệt tượng vua Mạc Đăng Dung với phần lớn các vua khác triều Mạc sau này, mũ chỉ có chữ vương.
Riêng về vấn đề niên đại của bức tượng, có 2 giả thuyết: thứ nhất, thời Mạc (có thể là thời Mạc Phúc Hải), năm 1543 (niên hiệu Quảng Hòa thứ 4); thứ hai, năm 1640, đời Lê Thần Tông.
Chùa Thanh Quang hiện nay là mới được dựng lại, nhưng ở chùa còn lưu giữ 4 tấm bia ký, trong đó có 3 bia thời Chính Hòa. Các bia này bao gồm: bia Diên Thọ kiều cổ tích bi, năm Thịnh Đức thứ 4 (1656), nói về sự tích cây cầu Diên Thọ. Cũng liên quan đến cây cầu này có tấm bia An Diên Thọ kiều bi ký, nói về việc làm cầu ở An Phú, Quỳnh Phụ, soạn năm Chính Hòa năm thứ 12 (1691). Một bia Hậu thần bi ký, soạn năm Chính Hòa thứ 26 (1705), nói về việc dựng đình ở An Phú (ngôi đình này hiện không còn). Và, một bia có hai mặt, một mặt đề Diên Thọ kiều bi, niên đại năm Sùng Khang thứ 3 (1568). Mặt sau của tấm bia này đề Trùng tu tân tạo Thanh Quang tự bi ký. Trong số các bia này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến 2 tấm bia năm Thịnh Đức 4 (1656) và tấm bia 2 mặt. Tấm bia hai mặt có kích thước 70 x 79cm, người soạn là Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi đó có chức danh là Tứ Ất Mùi khoa Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh Trình Quốc công trí sĩ, Vĩnh Lại Trung Am Hanh Phủ. Bia khắc chữ rõ ràng, gồm hai phần. Phần đầu là bài văn nói về việc dựng cầu đá và một bài minh 8 câu, mỗi câu 4 chữ, ca ngợi việc dựng cầu. Mặt sau tấm bia ghi lại việc trùng tu, tôn tạo chùa Thanh Quang. Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Hữu Tưởng, trong lần khảo sát năm 2000, niên đại khắc trên mặt sau của bia là Dương Hòa tứ niên lục nguyệt thập bát cốc nhật (tức ngày mồng 4 tháng 6 năm Dương Hòa 4,1640) Chữ trên mặt sau của bia khác hẳn so với chữ ở mặt trước. Với việc hai mặt bia có hai niên đại cách nhau 78 năm, có nội dung khác nhau, nét chữ khác nhau, là căn cứ để nhận định rằng, tấm bia này vốn chỉ có một mặt, được tạo vào năm Sùng Khang 3 (1568) để khắc bài văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau đó, nhân việc tu sửa chùa, người ta mới tận dụng mặt sau tấm bia để khắc bài văn về việc này. “Cũng vì lẽ đó mà tấm bia vốn ở đầu cầu đá, ngoài trời, được đưa vào chùa cất giữ” (5).
Tuy nhiên, khi xem xét kỹ niên đại ở mặt sau của tấm bia, chúng tôi thấy rằng dòng niên đại Dương Hòa tứ niên lục nguyệt thập bát cốc nhật khá mờ. Khi xem xét các trang trí ở diềm bia và so sánh với một loạt các văn bia có cùng niên đại Dương Hòa, lại thấy thấy rằng trang trí trên tấm bia này rất khác so với các văn trang trí cùng niên đại. Lối trang trí văn dây tay mướp, khắc chìm và đôi rồng chầu mặt trời có dạng rồng yên ngựa thường thịnh hành hơn đối các tấm bia niên đại thời Mạc. Do đó, chúng tôi cho rằng niên đại Dương Hòa kể trên không chính xác, mà văn bia này phải thuộc về một niên đại khác sớm hơn hoặc là Nguyên Hòa (1533-1548, thời vua Lê Trang Tông) hoặc là Quảng Hòa (1540-1546, thời vua Mạc Hiến Tông/ Mạc Phúc Hải). Sau khi nghiên cứu kỹ lại dấu vết niên đại bị mờ, chúng tôi nghiêng về giả thuyết niên đại Quảng Hòa. Như vậy tấm bia này vốn là tấm bia dựng mới chùa Thanh Quang, hơn 20 năm sau, khi làm cầu, người ta đã khắc thêm bài văn khắc Diên Thọ Kiều bi. Cây cầu này, khi ra đời, rất có thể là một thành tựu xây dựng và là tuyến giao thông quan trọng của vùng Quỳnh Phụ thời bấy giờ.
Ngoài bài minh văn về dựng cầu trên, ở chùa hiện còn lưu giữ 2 tấm bia khác cũng ghi chép về việc dựng cầu. Một bia năm Chính Hòa 12 (1691) và một bia năm Thịnh Đức 4 (1656). Từ chùa ra vị trí của cây cầu ngày xưa cách nhau khoảng 500m. Do đó việc bia dựng cầu được qui tụ về chùa cũng là điều dễ hiểu.
Về nội dung tấm bia dựng năm Thịnh Đức Diên Thọ kiều cổ tích bi ký có phần khác với tấm bia do Trình Quốc Công chấp bút, là có nhắc đến việc hoàng hậu nhà Mạc Vũ Thị Ngọc Toàn hưng công để xây dựng cây cầu Diên Thọ. Cũng theo tấm bia này, toàn bộ vùng đất Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) hiện nay là vùng đất của nhà Mạc. Hiện nay, vùng này còn lưu giữ rất nhiều di tích thời Mạc như chùa Nghinh Phúc (thuộc làng Xuân Trạch, ngôi làng trước đây hợp với An Phú là một làng) còn 2 tấm bia thời Mạc. Xã An Đồng cách đó không xa có ngôi chùa Đào Xá, nơi có 10 pho tượng nhà Mạc, được Trần Quốc Vượng nhắc đến trong cuốn Văn hóa Việt Nam – tìm tòi và suy ngẫm. Điều này giúp chúng tôi vững thêm về giả thuyết niên đại Mạc của văn bia Trùng tu tân tạo Thanh Quang tự bi ký kể trên. Do đó, chùa Thanh Quang này hẳn là ngôi chùa được dựng lại vào thời Mạc theo dấu vết cũ đổ nát từ thời Trần. Nội dung văn bia Trùng tu tân tạo Thanh Quang tự bi ký cho biết năm nay, dân làng quyên tiền sửa sang chùa, tô tượng. Như vậy phải chăng, trong số tượng được tân tạo lại có pho tượng Mạc Đăng Dung… Nếu vậy, niên đại của pho tượng sẽ là năm Quảng Hòa thứ 4 tức năm 1543. Còn niên đại Dương Hòa 1640 xem chừng khó thuyết phục hơn, bởi lẽ hiếm khi đời vua kế cận lại cho phép dân dựng tượng vua thời trước. Hơn nữa, giai đoạn 1640 là giai đoạn nhà Mạc đã tàn lụi, phải rời chuyển lên Cao Bằng, vị thế chính trị trong nước lúc này của nhà Lê – Trịnh là ngọn cờ phù Lê, diệt Mạc, việc có tượng vua Mạc được dựng lại vào năm này là rất khó xảy ra.
Về phương diện tạo hình, pho tượng với hai chi tiết đáng chú ý là hình chạm rồng ngay trước ngực pho tượng và chiếc mũ đính ngọc có con chim chúc đầu xuống có phong cách đậm nét của điêu khắc thời Mạc. Tuy nhiên do sự sơn thếp lại gần đây nên nét mặt của pho tượng bị thay đổi ít nhiều, trông nữ tính hơn, hình rồng chạm khắc trước ngực không còn rõ nét do bị sơn phủ dày. Chiếc mũ cũng bớt sắc nét. Trên đai lưng pho tượng vẫn có dấu vết chạm khắc. Loại hình trang phục và dải tế tất rất đặc trưng cho trang phục Mạc, nếu so sánh với nhiều tượng vua Mạc ở các di tích vùng Kiến Thụy, Hải Phòng. Thậm chí, việc bài bố của pho tượng hiện nay cũng giống với khá nhiều các ngôi chùa ở Hải Phòng, đặt trên thượng điện chứ không để ở ban riêng thành ban thờ vua hay thờ hậu thần hậu phật như lẽ thường, dù cũng có ẩn ý tôn sùng vua Mạc – vị vua có công phục hưng Phật giáo.
_______________
1, 3. Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế giới, 2013, tr.185.
2. Sđd, tr.186.
4. Viện Mỹ thuật, Mỹ thuật thời Mạc, Nxb Mỹ thuật, 1993, tr.14.
5. Nguồn: mactrieu.vn
Nguồn : Tạp chí VHNT số 355, tháng 1-2014
Tác giả : Trang Thanh Hiền
Wiki :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_B%E1%BB%89nh_Khi%C3%AAm
https://www.wikiwand.com/vi/Nguy%E1%BB%85n_B%E1%BB%89nh_Khi%C3%AAm
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn