Sau năm 1990, cùng với cơ chế chuyển đổi nghề nghiệp trong cộng đồng cư dân, hoạt động kinh doanh du lịch ở Hương Sơn phát triển mạnh, công cuộc mưu sinh và đời sống của người dân nơi đây đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển du lịch và chuyển đổi nghề nghiệp ở Hương Sơn vẫn tồn tại những vấn đề và mâu thuẫn trái chiều phát triển, đe dọa sự phát triển bền vững về văn hóa truyền thống, và đời sống mưu sinh của cộng đồng cư dân. Việc đưa ra các giải pháp phát huy giá trị văn hóa mưu sinh truyền thống đang trở thành những vấn đề thời sự đối với các nhà nghiên cứu văn hóa.
1. Những vấn đề đặt ra để phát huy giá trị văn hóa mưu sinh trong bối cảnh phát triển du lịch
Sự mất cân đối trong khai thác phát triển du lịch với việc bảo tồn bền vững các giá trị văn hóa của cư dân Hương Sơn
Hương Sơn mang trong mình giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, nơi đây không chỉ có những danh lam, thắng cảnh, mà còn có hệ thống các di tích văn hóa và khảo cổ học. Khi nhắc đến khu di tích Hương Sơn là nhớ đến giai thoại về Phật bà Quán Thế Âm đã chọn nơi đây làm nơi tu thành chính quả. Sự hòa quyện tín ngưỡng văn hóa dân gian với Phật giáo đã làm nên hương sắc riêng của lễ hội chùa Hương trong tâm thức khách du lịch về đây trẩy hội hàng năm.
Tuy nhiên, sự phát triển du lịch ồ ạt như hiện nay đã làm biến đổi các giá trị văn hóa của cư dân địa phương, điển hình là văn hóa mưu sinh truyền thống. Sự gia tăng việc làm nhanh chóng về số lượng nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách đã làm giảm đi vai trò của văn hóa mưu sinh truyền thống của cư dân địa phương, thậm chí một số nghề mưu sinh truyền thống bị mất đi.
Từ sự phát triển ồ ạt của du lịch, một bộ phận người dân chạy theo lợi nhuận mưu sinh đã làm cho nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị bỏ ngỏ. Việc xuất hiện các hoạt động giả lừa khách du lịch, thực phẩm mất an toàn vệ sinh trong các hàng ăn, nạn săn bắn trộm thú rừng… là những vấn đề ảnh hưởng đến phát triển du lịch với bảo tồn bền vững văn hóa mưu sinh ở Hương Sơn.
Sự hạn chế vai trò của cư dân Hương Sơn trong việc tham gia bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống
Cộng đồng cư dân ở Hương Sơn đã tham gia vào nhiều hoạt động du lịch thông qua các dịch vụ như vận chuyển, lưu trú, ăn uống… Tuy nhiên, sự tham gia này chưa mang tính bền vững do không theo những quy định và quy hoạch phát triển. Điều này đã tạo ra những tác động tiêu cực đến môi trường kinh tế, tự nhiên và văn hóa – xã hội, làm suy thoái giá trị của khu du lịch. Để khắc phục hiện tượng tiêu cực này, vấn đề tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng cư dân tham gia một cách tích cực hơn vào các hoạt động du lịch ở địa phương là một yếu tố quan trọng.
Cư dân xã Hương Sơn đã có ý thức về những cơ hội việc làm, cơ hội kinh doanh cùng nguồn thu nhập mà du lịch mang lại. Tuy nhiên, vấn đề nhận thức về du lịch cộng đồng còn tồn tại nhiều hạn chế. Cư dân bản địa chỉ chú ý khai thác một cách đơn thuần các tài nguyên du lịch theo bề nổi nhằm thu lại lợi nhuận và quên đi vấn đề cốt lõi là tính cộng đồng trong du lịch. Góc nhìn nhận du lịch trên quan điểm phát triển bền vững chưa được hình thành và phát triển trong nhận thức của cư dân địa phương. Bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đối với vấn đề nâng cao nhận thức du lịch cộng đồng, thì nhân dân địa phương cũng cần phải tự nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động du lịch đối với cộng đồng.
Những hạn chế về môi trường, hành lang pháp lý để phát triển và bảo tồn văn hóa cộng đồng
Mặc dù, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của xã Hương Sơn là phát triển du lịch, định hướng sản phẩm du lịch đặc thù là du lịch văn hóa, nhưng vấn đề phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa cộng đồng mưu sinh hiện nay còn tồn tại nhiều bất cập như: nhận thức của các ngành, các cấp và của cộng đồng cư dân về vai trò, ý nghĩa của giá trị văn hóa cộng đồng đã được nâng cao nhưng chưa sâu sắc, toàn diện và cũng chưa được cụ thể hóa bằng các biện pháp, kế hoạch và chương trình cụ thể; thương mại hóa giá trị văn hóa, đặt ra các mục tiêu, dự án phát triển kinh tế cao hơn các mục tiêu về việc phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa cộng đồng; công tác quản lý phát triển và bảo tồn các giá trị văn hóa vẫn còn mang tính hình thức; công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng còn thiếu định hướng, thiếu những chính sách, chế tài để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân đặc biệt là cộng đồng cư dân địa phương; việc giới thiệu, tổ chức khai thác các giá trị văn hóa cộng đồng còn đơn điệu, chưa hiệu quả, chưa có sự kết hợp tốt giữa khai thác di sản văn hóa vật thể với di sản văn hóa phi vật thể; chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong tổ chức khai thác du lịch và dịch vụ tại xã Hương Sơn…
2. Giải pháp phát huy giá trị văn hóa mưu sinh trong phát triển du lịch Hương Sơn
Khắc phục tính thời vụ và phát huy giá trị không gian, thời gian của di sản văn hóa ở Hương Sơn
Đặc điểm nổi bật trong bối cảnh phát triển du lịch Hương Sơn có tác động đến đời sống văn hóa mưu sinh du lịch của cộng đồng cư dân là tính thời vụ rất cao. Để cải thiện tính thời vụ và phát huy những giá trị văn hóa của địa phương trong hoạt động du lịch cần:
Xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng dựa vào nguồn tài nguyên du lịch phong phú hấp dẫn du khách vào thời gian thấp điểm của du lịch Hương Sơn như: hết mùa lễ hội đến mùa sen có thể xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái kết hợp chụp ảnh hoa sen. Tương tự với mùa hoa súng trên suối Yến. Đặc biệt cần xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng tại Hương Sơn từ việc khai thác những giá trị văn hóa cộng đồng cư dân địa phương.
Cần có quy hoạch khai thác và sử dụng tài nguyên có hiệu quả. Du khách đến Hương Sơn chủ yếu là đi trảy hội, tham quan một số điểm du lịch chính ở chùa Hương như: Thiên Trù, Hinh Bồng, động Hương Tích… Trong khi còn nhiều hang động ở Hương Sơn chưa được khám phá, định hướng khai thác và bảo tồn hợp lý.
Quy hoạch diện tích đất nông nghiệp, đất vườn để phát triển mô hình nuôi trồng các sản vật của địa phương như: trồng mơ Hương Tích, rau sắng… vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa có thể phát triển mô hình du lịch cộng đồng, phát huy bản sắc văn hóa của cư dân địa phương.
Thực hiện nghiêm túc các dự án phát triển kinh tế – du lịch trên địa bàn xã Hương Sơn như: dự án xây dựng khu du lịch sinh thái, quy hoạch trồng sen để tổ chức festival hoa sen vào mùa thấp điểm của du lịch Hương Sơn nhằm thu hút khách du lịch.
Có các chính sách khuyến khích cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng cư dân địa phương.
Xúc tiến quảng bá và xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch với khách quốc tế
Chiến lược sản phẩm mới, thị trường mới, phát triển các sản phẩm du lịch mới mang màu sắc đặc trưng văn hóa mưu sinh của cư dân địa phương. Xây dựng các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn xã để du khách có cơ hội trực tiếp tham gia vào các phương thức mưu sinh của cư dân… Tuy nhiên, Hương Sơn chưa xây dựng được chương trình du lịch nào mang tính cộng đồng, họ làm du lịch tự phát là chủ yếu.
Để quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân Hương Sơn tới du khách quốc tế, du lịch là một trong những phương thức hiệu quả nhất. Bên cạnh việc xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới, cần phải đầu tư vào công tác xúc tiến tuyên truyền quảng cáo du lịch với những biện pháp:
Biên soạn và phát hành những ấn phẩm có chất lượng, thông tin chính thức về du lịch Hương Sơn. Trong đó, cần có những thông tin cần thiết cho khách như: điểm lưu trú, hệ thống điểm tham quan du lịch, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, giá cả sinh hoạt, đi lại, ăn uống… Những thông tin này cần được đặt ở điểm đầu mối giao thông như sân bay, bến cảng, bến xe, khách sạn… Đối với các tờ chỉ dẫn và thông tin sơ lược, có thể kết hợp với ngành giao thông vận tải cung cấp miễn phí cho khách trên các lộ trình qua vùng Hương Sơn.
Xúc tiến xây dựng và phát hành rộng rãi phim ảnh tư liệu về lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc, di tích, danh lam, thắng cảnh, làng nghề, lễ hội, phương thức mưu sinh… trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đặt ra yêu cầu bắt buộc cho hướng dẫn viên du lịch tại điểm trong bài thuyết minh cần đưa ra yếu tố giáo dục du khách về việc đổ rác đúng nơi quy định, dạy khách đối phó với các nạn móc túi, chặt chém và tố giác với cơ quan quản lý để xử lý nghiêm các tình trạng làm biến dạng văn hóa.
Hấp dẫn hóa di sản văn hóa Hương Sơn, cập nhật phù hợp với bối cảnh hiện nay
Hiện nay, việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa ở Hương Sơn chưa hợp lý, theo nghiên cứu đánh giá của tác giả, để hấp dẫn hóa di sản văn hóa ở đây cần: xây dựng các chương trình giao lưu văn hóa nhằm giới thiệu, quảng bá giá trị các di sản văn hóa; xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút khách như: tìm hiểu lịch sử Phật giáo, hành trình về đất Phật; tạo ra những sự kiện văn hóa lớn để kích cầu tiêu dùng du lịch; quảng bá trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau…
Liên kết chương trình du lịch văn hóa bằng sự kết nối các điểm du lịch văn hóa lân cận
Để liên kết các vùng du lịch cần đầu tư cơ sở vật chất và các điều kiện phát triển du lịch như: thực hiện dự án xây dựng phát triển tuyến đường ĐT 419 hồ Quan Sơn – chùa Hương; xây dựng tuyến đường từ Hương Sơn đến khu du lịch tâm linh Tam Chúc – Ba Sao. Cũng trên cung đường này có thể phát triển các tuyến du lịch: Hương Sơn – Tam Chúc – Bái Đính. Liên kết phát triển tuyến du lịch chùa Hương (Hà Nội) – Tam Chúc (Hà Nam) – Bái Đính (Ninh Bình); phát triển ba điểm đến trong trục du lịch tâm linh có nhiều điều kiện thuận lợi về mặt địa lý và tiềm năng phát triển du lịch.
Phát huy mô hình bảo tồn văn hóa mưu sinh bền vững tại không gian văn hóa Hương Sơn
Thực tế cho thấy, sự phát triển của hoạt động du lịch tại Hương Sơn đang có những tác động tiêu cực đến môi trường, không gian văn hóa mưu sinh của cư dân địa phương. Vì vậy, việc xây dựng và thực hiện các chính sách bảo vệ, bảo tồn không gian văn hóa là vấn đề cấp thiết.
Môi trường nước: xây dựng dự án xử lý các hồ chứa nước đã bị ô nhiễm trong vùng và khu vực xung quanh. Có biện pháp thu gom và xử lý rác thải, tránh tình trạng xả rác xuống suối hoặc chôn rác để không làm ô nhiễm nước mặt và nguồn nước ngầm. Ngăn chặn tệ nạn phá rừng, khai thác đá để phòng chống hiện tượng bồi đắp phù sa, sạt lở núi hoặc lũ lụt do mất tầng che phủ mặt đất, bảo vệ lưu lượng cũng như chất lượng nguồn nước mặt cũng như nước ngầm. Có biện pháp xử lý nước thải vệ sinh, xây dựng hệ thống đường ống thoát nước bẩn tập trung vào khu xử lý, không cho nước thải tự thấm để tránh ô nhiễm nguồn nước ngầm. Tại các điểm khai thác nước ngầm tới các khu dân cư xây dựng hệ thống ống dẫn và bể chứa nước lớn, đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho khu vực dịch vụ và sinh hoạt.
Môi trường không khí: cần có các biện pháp giải tỏa các tụ điểm ách tắc giao thông, làm giảm bớt sự ô nhiễm cho các khu vực du lịch, đồng thời tạo cảm giác thoải mái trong việc đi lại cho du khách. Mùa lễ hội chính là thời kỳ ẩm ướt trong năm do thời tiết có mưa phùn, kèm theo nhiệt độ không khí thấp, vì vậy cần có sự phối hợp của các cơ quan chuyên trách về vệ sinh phòng dịch ngăn ngừa tốc độ lây lan của các dịch bệnh. Cũng vào mùa lễ hội, du khách thập phương dồn về với Hương Sơn rất đông, mà phần lớn là với nhu cầu cúng lễ. Tại các đình, chùa, hang động trong thời điểm này lượng hương được thắp lên để thờ cũng là rất lớn. Điều đó không những làm ngạt thở, gây ô nhiễm không khí mà còn làm hỏng cả các cảnh quan mà thiên nhiên đã tạo dựng qua hàng ngàn năm. Vì vậy cần có biện pháp để làm giảm số hương được thắp lên phục vụ cho cúng lễ tại các đền chùa hang động nhưng đồng thời cũng phải đáp ứng được ý nguyện tâm linh thờ cúng của du khách tới đây như thắp hương chung cho từng đoàn khách hành hương hoặc giới hạn mỗi người chỉ được thắp 1 nén hương.
Môi trường đất – cảnh quan – rác thải: có phương án quy hoạch địa chính, vạch định rõ ranh giới các phân khu chức năng đồng thời có các biện pháp theo dõi và quản lý quá trình thực hiện nhằm bảo vệ cảnh quan, di tích. Ngăn chặn và tiến tới cấm tuyệt đối hiện tượng chặt phá rừng để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ tầng che phủ thượng nguồn. Có phương án đánh giá để đầu tư thích hợp sử dụng những diện tích đất còn để hoang lãng phí tại khu vực này, tạo thêm sản phẩm du lịch đậm nét văn hóa mưu sinh của cư dân địa phương để thu hút khách du lịch, đồng thời góp phần thay đổi nền kinh tế địa phương. Trong nội bộ khu vực, dọc các tuyến đường đi, trên các thuyền chuyên chở khách phải bố trí các thùng rác và thường xuyên thu gom rác.
Hệ sinh thái: toàn bộ diện tích được rừng bao phủ trước đây, do bị chặt phá nay chỉ còn khoảng 10% diện tích đất tự nhiên, nhiều loài cây cùng với chim, thú đã biến mất khỏi khu vực này, các đặc sản nổi tiếng của Hương Sơn như mơ, rau sắng vắng bóng dần. Để bảo vệ hệ động, thực vật, cần phải thực hiện các biện pháp: tiến hành trồng rừng phủ kín các diện tích còn trống, cải tạo các cảnh quan cây xanh trong khu vực, bảo toàn và phục hồi đa dạng sinh học; xử lý các vi phạm bảo vệ động vật, đồng thời phải có kế hoạch nuôi dưỡng và chăm sóc một số loài phù hợp vừa góp phần bảo toàn đa dạng sinh học, vừa tăng thêm mức độ hấp dẫn và sinh động cho du khách viếng thăm, đồng thời có thêm sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế địa phương.
Bên cạnh việc thực hiện bảo vệ môi trường mưu sinh, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cũng cần phải thực hiện song song với các biện pháp: xây dựng các dự án trình các cơ quan chức năng xét duyệt và cấp vốn đầu tư để giữ gìn nâng cấp các di tích cảnh quan, tuyên truyền quảng cáo xúc tiến du lịch; đầu tư vào các lĩnh vực phát triển khu du lịch tổng hợp, khai thác hợp lý tiềm năng; các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết tình trạng lấn chiếm các di tích cảnh quan; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; tiến hành hợp tác với các tỉnh, đặc biệt với các công ty lữ hành trong nước và quốc tế để giới thiệu các sản phẩm du lịch của Hương Sơn.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 400, tháng 10 – 2017
Tác giả : ĐỖ HẢI YẾN
Bài viết cùng chủ đề:
Nên đi du lịch Đà Nẵng vào tháng mấy là đẹp nhất?
Sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa và du lịch ở việt nam
Tổ chức các hoạt động du lịch tại khu trung tâm hoàng thành thăng long