Phát triển công nghiệp văn hóa tại Hà Nội – tài nguyên tiềm năng và lựa chọn đổi mới

Trong nhiều thập niên qua, đô thị đã trở thành các trung tâm công nghiệp văn hóa lớn, từng bước góp phần xác lập thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của nhiều quốc gia trên bản đồ công nghiệp văn hóa toàn cầu. Trở thành đô thị tiên phong trong phát triển công nghiệp văn hóa, Thủ đô Hà Nội đã từng bước tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh, năng lực sáng tạo trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa. Sự thay đổi này đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực như du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn. Đặc biệt, cuối năm 2019, việc Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo thuộc lĩnh vực thiết kế đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UNESCO Creative Cities Network – UCCN) đã cho thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của thành phố trong việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa thông qua phát triển các ngành văn hóa. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, công nghiệp văn hóa đang là mắt xích yếu trong chuỗi các giải pháp nhằm phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa của thành phố. Từ cách tiếp cận thể chế, bài viết từng bước nhận diện tài nguyên văn hóa tiềm năng, thách thức thể chế, từ đó làm rõ hơn các chiều hướng lựa chọn chính sách nhằm chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa, thông qua các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay.

Tài nguyên văn hóa và tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội

Là nơi gặp gỡ đông – tây, Hà Nội là thành phố của sự sáng tạo và đa dạng văn hóa. Với hệ thống hàng nghìn di sản dày đặc, kết cấu hạ tầng văn hóa phong phú, mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công trải khắp vùng ngoại ô, cùng cộng đồng sáng tạo phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà đổi mới khoa học – công nghệ và các không gian sáng tạo trên toàn thành phố, Hà Nội đang trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sự sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa.

Các nguồn tài nguyên văn hóa có mặt ở mọi lĩnh vực, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc “nhiều lớp lịch sử” đến hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú như Hoàng thành Thăng Long hay các công trình kiến trúc đa dạng, đã góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người. Ngày nay, sự đa dạng của các sản phẩm thủ công, như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái và những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong thành phố, cùng với mạng lưới không gian sáng tạo độc đáo, đã tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai, dựa trên phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa thông qua các ngành công nghiệp văn hóa.

Hà Nội còn là một thành phố có cơ cấu dân số vàng (51,7% dân số trẻ) (1) và có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa được hỗ trợ bởi kết cấu hạ tầng hiện đại, nền tảng khoa học công nghệ hiện đại. Đây chính là thế mạnh của thành phố trong phát huy khả năng sáng tạo và năng lực kết nối quốc tế để khai thác, phát triển các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo gắn với công nghệ số. Người Hà Nội luôn được biết đến như những cá nhân linh hoạt, cởi mở và sẵn sàng đón nhận ý tưởng mới. Nguồn lực quan trọng này đã tạo nên sự đa dạng của Hà Nội trong kết nối quốc tế. Trong những năm qua, thành phố đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực sáng tạo, đặc biệt với các thành viên của UCCN như Berlin, Seoul, Kobe, Singapore… Chính vì vậy, nếu biết phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong môi trường kết nối quốc tế, Hà Nội sẽ có tiềm năng trở thành thành phố công nghiệp văn hóa của Việt Nam nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng (2).

Chính sách công và khả năng phát huy tài nguyên mềm văn hóa

Hình thành khung chính sách có khả năng phát huy 8 trụ cột tài nguyên mềm văn hóa

Thời gian qua, chính sách công trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam đã có nhiều đổi mới theo hướng hình thành môi trường thể chế cho phép khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa giàu tiềm năng thành sức mạnh mềm văn hóa, thông qua các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, thành công mang tính nền tảng là sự khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước về vai trò và vị trí của ngành trong nền kinh tế đất nước, thể hiện trong Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020 (3).

Trên cơ sở hệ thống chính sách, chiến lược quốc gia, Hà Nội đã tạo khung chính sách góp phần hình thành môi trường thuận lợi để các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Việc tiến hành rà soát chính sách, phân tích quá trình triển khai chính sách liên quan đến công nghiệp văn hóa của Hà Nội đã chỉ ra, thành phố đang tập trung nguồn lực thực hiện nhiều nhóm chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa như: Chương trình 06-CTr/TƯ của Thành ủy Hà Nội khóa XII; Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và các chính sách hỗ trợ, phát triển làng nghề, cũng như bảo tồn di sản, hướng tới theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Các chính sách của thành phố triển khai trong thời gian qua đã bước đầu tạo khung thể chế có khả năng phát huy được 8 trụ cột tài nguyên tương thích với 8 trụ cột tài nguyên sức mạnh mềm văn hóa được Soft Power 30 (4) khảo sát tại các quốc gia, địa phương khác trên thế giới.

Biểu đồ 1: 8 trụ cột tài nguyên văn hóa tiềm năng của Hà Nội

Trong quá trình triển khai, chính sách, kế hoạch về các ngành công nghiệp văn hóa đều đưa ra nhiều mục tiêu, giải pháp có khả năng chuyển hóa nhiều thành tố sức mạnh mềm văn hóa thành hiệu ứng tạo sức thu hút, lan tỏa, hấp dẫn của văn hóa Hà Nội với cả nước và ra thế giới.

Công nghiệp văn hóa trở thành kênh gia tăng sức mạnh mềm văn hóa của Hà Nội, tạo động lực để Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế

Với những thay đổi tích cực về chính sách, công nghiệp văn hóa Hà Nội đã từng bước có sự chuyển động, phát triển mạnh mẽ.

Năm 2018, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn (Gross Regional Domestic Product – GRDP) thành phố Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7%), trong đó giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD (chiếm tỷ trọng 0,49% GRDP) (5). Đặc biệt, tổng doanh thu trực tiếp từ làng nghề truyền thống và các làng có nghề thủ công của thành phố đạt khoảng 983,5 triệu USD năm 2018 (chưa bao gồm phần doanh thu gián tiếp do khu vực nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật dân gian tạo ra), với tổng số gần 1 triệu lao động trực tiếp; kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ đạt 192 triệu USD (6) (chiếm tỷ trọng 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hà Nội) (7). Sự thay đổi này cho thấy, công nghiệp văn hóa Hà Nội đang từng bước góp phần gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế của thành phố. Có thể lấy ngành Du lịch làm ví dụ: Trong những năm gần đây, nhờ khai thác tương đối hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, du lịch Hà Nội đã khẳng định vai trò là một ngành kinh tế lớn, có đóng góp tích cực, hiệu quả vào chuyển dịch kinh tế và tăng trưởng chung của thành phố. Số lượng khách du lịch Hà Nội tăng trưởng ấn tượng. Từ năm 2014 đến năm 2017, mức tăng trưởng bình quân của doanh thu du lịch ổn định mức 15,1%. Tổng thu từ khách du lịch năm 2019 ước đạt 92.454 tỷ đồng, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm trước (8).

Trong tổng số 43.704 (9) doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế sáng tạo trên địa bàn của thành phố Hà Nội, có nhiều doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là ở mảng thiết kế. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Hà Nội đã có 2.522 doanh nghiệp “thành lập mới” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, dịch vụ tư vấn và thiết kế, quảng cáo cùng với 167 doanh nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật, dịch vụ giải trí…

Hà Nội cũng là nơi có cộng đồng và các nhóm sáng tạo ở hầu hết những lĩnh vực công nghiệp văn hóa; trong đó có các đại diện tiêu biểu, như Hiệp hội thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật Việt Nam; Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội với gần 3.800 hội viên; Câu lạc bộ Doanh nhân sáng tạo, bao gồm 1.300 hội viên liên quan đến thiết kế sáng tạo; Hội nghệ nhân thợ giỏi, Hiệp hội làng nghề Hà Nội có 230 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng; mạng lưới hơn 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực, trong đó có những trung tâm tập trung vào lĩnh vực thiết kế sáng tạo, như Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS Arts Studio), Trung tâm nghệ thuật đương đại VINCOM (VCCA)…

Hà Nội tham gia hoặc chủ động tổ chức các sự kiện văn hóa và thiết kế quy mô lớn, thu hút người dân địa phương cũng như du khách trong nước và quốc tế; tiêu biểu là Liên hoan phim quốc tế Hà Nội – HANIFF; Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (Vietnam International Fashion Week) với hai chương trình định kỳ Xuân – Hè và Thu – Đông; một số cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội nhằm tìm kiếm các thiết kế sáng tạo; Hội chợ Làng nghề Việt Nam (OCOP) (10)…

Trở thành thành viên UCCN ở lĩnh vực thiết kế là động lực để Hà Nội tạo nên những thay đổi chiến lược trong 20 năm tới. Thành phố sẽ gia tăng mối liên kết, khả năng thực hiện các cam kết giữa các thành phố khác nhau trong các dự án công cộng và tư nhân; nâng cao năng lực thể chế, tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, biến thiết kế sáng tạo trở thành giải pháp phát triển văn hóa, bảo vệ di sản, kết nối hiện tại và tương lai thông qua việc thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế giữa các tổ chức giáo dục, sẽ giúp Hà Nội đạt được mục tiêu trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở Đông Nam Á.

Thách thức và giải pháp chính sách

Thách thức

Thứ nhất, chính sách thiếu đột phá khiến công nghiệp văn hóa chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của các nguồn lực văn hóa.

Trong vài năm gần đây, dù đã có nhiều thay đổi nhưng cho đến thời điểm này, môi trường thể chế chưa tạo được sự đột phá có khả năng giải phóng được sức sáng tạo, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hóa dựa trên sự kết nối nguồn tài nguyên và các thành tố văn hóa với khoa học công nghệ. Chính vì vậy, các sản phẩm công nghiệp văn hóa Hà Nội vẫn thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa nên chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa ngày càng cao của người dân trong nước, chưa tạo nên làn sóng tiêu dùng của khách du lịch tại các điểm đến du lịch. Điều này dẫn đến thực tế, thị trường văn hóa trong nước đang bị xâm lấn bởi các sản phẩm công nghiệp văn hóa đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ… Các khảo sát thực tế cho thấy, ngoài sự khởi sắc về doanh thu điện ảnh, du lịch văn hóa, thời trang, nhìn chung, trong tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp văn hóa, người Hà Nội vẫn ưu ái hàng “ngoại” nhiều hơn “nội”.

Cơ sở hạ tầng phong phú, giàu bản sắc cùng hơn 115 không gian sáng tạo đa dạng các biểu đạt (không gian văn hóa, nghệ thuật; không gian thiết kế, thương mại điện tử, ứng dụng phần mềm) là một lợi thế để Hà Nội khai thác sức sáng tạo, khả năng kết nối. Tuy nhiên, đổi mới thể chế chưa quyết liệt trong mở cửa đầu tư mạnh vào khu vực tư nhân, hướng tới sự kết hợp công tư trong khai thác và phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng và các không gian sáng tạo văn hóa.

Mặt khác, mặc dù công nghiệp văn hóa đã từ lâu được các nước phát triển coi là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng trong nhận thức của nhiều người lại là khái niệm tương đối mới và có nhiều định kiến. Chính việc chưa xem xét công nghiệp văn hóa là một lĩnh vực có sự kết hợp chặt chẽ giữa sáng tạo, công nghệ và bản quyền đã làm cho nguồn tài nguyên này chưa được khai thác đúng mức để tạo ra các sản phẩm tạo ấn tượng, thu hút sự chú ý và hấp dẫn của người tiêu dùng địa phương, trong nước và quốc tế (11).

Thứ hai, Hà Nội chưa tạo được cơ chế phối hợp đồng bộ hiệu quả trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Một thách thức bao trùm lên các ngành công nghiệp văn hóa ở Hà Nội là hệ thống quản lý phân tách, khó mang lại một phương thức tiếp cận tổng thể có thể phát huy hiệu quả cho tất cả các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự kết nối giữa sáng tạo và công nghệ. Các sản phẩm, dịch vụ và không gian sáng tạo đang khiến cho công nghiệp văn hóa chưa là một ngành kinh tế mũi nhọn, một kênh truyền dẫn hiệu quả trong cơ chế phối hợp với các kênh còn lại. Nói cách khác, tư duy phát triển công nghiệp văn hóa như một thực lực mềm của Hà Nội chưa bắt kịp được yêu cầu ngày càng cao, ngày càng phức hợp hơn của lộ trình phát huy sức mạnh mềm quốc gia.

Một số gợi mở chính sách

Muốn phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa của thành phố thông qua chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa, trong thời gian tới Hà Nội cần:

Thứ nhất, đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ: Có thể thấy các đô thị lớn tại quốc gia phát triển (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc) đều phát triển các ngành Điện ảnh, Âm nhạc, games… trên cơ sở hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông (Information and Communication Technology- ICT) phát triển. Sự phát triển của hệ thống này đảm bảo chất lượng truyền tải, kênh tiếp cận và đánh giá nhu cầu thị trường để có những chiến lược tiếp cận hiệu quả, mang lại sức cạnh tranh của ngành công nghiệp văn hóa trong nước. Vì vậy, việc phát triển các cơ sở hạ tầng sẽ giúp Hà Nội đảm bảo nền tảng số hóa thuận lợi cho sự phát triển các nguồn tài nguyên văn hóa, gia tăng khả năng và cách thức tiếp cận đến đối tượng tiềm năng đồng thời góp phần mang lại năng lực thích ứng nhanh trước các xu hướng thị trường trong ngành công nghiệp văn hóa.

Thứ hai, tạo sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong các sản phẩm công nghiệp văn hóa: cả Trung Quốc, Ấn Độ và Nga chưa thể tạo nên được ngành công nghiệp văn hóa với các sản phẩm văn hóa đại chúng có thể cạnh tranh trên toàn cầu do vẫn phụ thuộc vào văn hóa truyền thống, chưa thực sự liên kết được truyền thống với các giá trị chung mới hiện đại toàn cầu. Hà Nội cần khắc phục các hạn chế tương tự bằng việc hướng đến các sản phẩm, dịch vụ văn hóa vừa tạo dựng bản sắc quốc gia, vừa gắn với truyền thống vừa mang tính mới, tương thích với các giá trị chung của toàn cầu trong một thế giới đa văn hóa, dung hợp văn hóa ngày càng mở và đa dạng.

Thứ ba, đổi mới cơ chế đầu tư, hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sự sáng tạo: để làm được việc này, Hà Nội phải giải quyết hiện tượng “thắt cổ chai” về vốn đầu tư và “tăng lượng” thu hút vốn trong đầu tư. Nếu không có sự đầu tư của Nhà nước, của xã hội và đầu tư tập trung vào lĩnh vực trọng điểm nào đó thì Hà Nội không thể có sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đủ sức cạnh tranh. Thậm chí, công nghiệp văn hóa của Hà Nội có thể thua ngay trên sân nhà của mình, chẳng hạn như điện ảnh, phim truyền hình, trò chơi điện tử. Hà Nội cũng có chính sách cởi mở để có thể tạo hệ sinh thái sáng tạo cho việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nếu không khuyến khích tự do sáng tạo cá nhân dưới sự đảm bảo về quyền sở hữu trí tuệ thì rất khó phát triển được năng lực sáng tạo của cá nhân, động lực to lớn của ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo. Việc bồi dưỡng năng lực sáng tạo và tạo môi trường sáng tạo cho những tài năng văn hóa, như tổ chức các cuộc thi, diễn đàn sáng tạo, cũng là giải pháp căn bản của sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa bên cạnh các giải pháp khác.

Thứ tư, triển khai quyết liệt chương trình hành động của Hà Nội đã cam kết với UCCN thông qua việc thực hiện ba sáng kiến địa phương và ba sáng kiến quốc tế nhằm định vị thương hiệu thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, gồm: Kiến tạo trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội nhằm tạo môi trường ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm; Xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo tại Hà Nội, tạo hệ sinh thái phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Triển khai dự án chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội, tạo sân chơi cho các bạn trẻ và cộng đồng nói chung trong tất cả các lĩnh vực có liên quan đến thiết kế sáng tạo; Tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội hằng năm, nhằm nêu bật những đổi mới trong thiết kế sáng tạo từ trong Hà Nội và trên toàn cầu; Tổ chức diễn đàn mạng lưới các thành phố sáng tạo Đông Nam Á để hỗ trợ việc trao đổi kiến ​​thức và hợp tác giữa các thành phố trong khu vực; Tổ chức “Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ”, nhằm tìm ra những tài năng mới trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo.

Kết luận

Hà Nội đang có những nỗ lực mạnh mẽ trong việc đổi mới chính sách nhằm chuyển hóa hiệu quả nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa thông qua phát triển công nghiệp văn hóa.

Trong những năm gần đây, đổi mới thể chế đã tạo nên sự tích hợp giữa những sáng tạo và biểu đạt đa dạng về văn hóa nghệ thuật trong nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào của Hà Nội với khả năng ứng dụng kỹ thuật công nghệ, kỹ năng kinh doanh trong hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa. Sự thay đổi này đã tạo nên những chuyển biến tích cực của một số ngành, đặc biệt là du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn,… trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy sức hấp dẫn, thu hút thế giới về văn hóa. Nhưng tại thời điểm hiện nay, dù có nhiều tiềm năng lợi thế, con đường vươn tầm thương hiệu công nghiệp văn hóa, định vị sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội ở các sản phẩm – dịch vụ công nghiệp văn hóa trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới, hay thương hiệu Hà Nội – thành phố thiết kế sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO còn rất khó khăn. Đây chính là thách thức lớn, đòi hỏi thành phố cần sớm tìm ra những giải pháp chính sách có tính thực tế và đột phá hơn.

________________

1. Số liệu của UBNDTP Hà Nội, 2018.

2. Xem thêm chi tiết: UBND TP Hà Nội, Hồ sơ ứng cử Hà Nội – Thành phố sáng tạo thuộc lĩnh vực thiết kế trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, 2019; Nguyễn Thị Thu Phương, Phạm Thị Lan Anh, Hà Nội – thành phố thiết kế sáng tạo và sự chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa, Tạp chí Cộng sản, số 935, 2020.

3. Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được chính thức ban hành theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 2016.

4. Về Soft Power 30: Nhằm xác định xếp hạng sức mạnh mềm của các quốc gia trên thế giới, một số tổ chức quốc tế uy tín trên thế giới, như Elcano, Monocle và Portland, đã tính toán các chỉ số tổng hợp từ kết quả đạt được của từng quốc gia trong các lĩnh vực khác nhau, như chính sách chính phủ, văn hóa, ẩm thực, giáo dục, doanh nghiệp và sự hấp dẫn của các thương hiệu cao cấp,… để xác định bảng xếp hạng sức mạnh mềm trên toàn thế giới. Trong đó, bảng xếp hạng Sức mạnh mềm 30 (Soft Power30) của Portland – hãng Quan hệ công chúng có trụ sở chính tại Vương quốc Anh, đã trở thành dữ liệu tư vấn truyền thông tích hợp đáng tin cậy đối với các tổ chức, chính phủ và cá nhân quan tâm tới việc nghiên cứu, xây dựng, phát huy sức mạnh mềm, đặc biệt là sức mạnh mềm văn hóa. Nguồn: softpower30.com.

5, 6, 9. Số liệu của UBND TP Hà Nội, 2018.

7. Số liệu chưa đầy đủ do nhóm chuyên gia phân tích số liệu Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện.

8. Số liệu của Sở Du lịch Hà Nội.

10. Hồ sơ Hà Nội đăng ký gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UCCN ở lĩnh vực thiết kế sáng tạo, tháng 6-2019.

11.Khảosát của tácgiảvànhómnghiêncứunăm2017,2018.

Tài liệu tham khảo

1. G. Jang & W.K. Paik, Korean wave as tool for Korea’s new cultural diplomacy (Tạm dịch: Làn sóng Hàn Quốc – công cụ cho chính sách ngoại giao văn hóa mới của Chính phủ Hàn Quốc), Advances in Applied Sociology, 2 (3), 2012.

PGS, TS NGUYỄN THỊ THU PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *