Kể chuyện và nghe kể chuyện là sinh hoạt văn hóa tinh thần có từ xa xưa trong lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại. Bằng hình thức truyền miệng, các câu chuyện dân gian sớm đến với trẻ em và được coi là những trang sách giáo khoa đầu đời. Được nghe kể và kể lại những câu chuyện là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của trẻ thơ. Hình thành, nuôi dưỡng và phát triển hứng thú kể chuyện ở trẻ em là gieo những hạt giống tâm hồn để phát triển toàn diện, đáp ứng niềm khát khao giản dị, trong sáng của tuổi thơ.
Trong cuộc sống sinh hoạt của xã hội loài người, kể chuyện là một bộ môn nghệ thuật đem lại hứng thú cho cả người lớn và trẻ em. Các truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn…; tác phẩm anh hùng ca như Iliat, Ôđixê, Đăm San, Xinh Nhã…; truyện Nôm Việt Nam như Phạm Tải Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa… đã được kể lại bằng ngôn ngữ giản dị, truyền cảm từ đời này sang đời khác cuốn hút hàng triệu triệu trái tim người nghe. Và họ đã ghi nhớ bằng trí não, ấn tượng, cảm xúc để kể lại cho người khác nghe. Các câu chuyện được tiếp nối như một dòng chảy tạo nên những sinh hoạt văn hóa lành mạnh trong gia đình và cộng đồng.
Nhiều thế hệ, đặc biệt là các nhà văn, nhà thơ lớn, trong ký ức không bao giờ quên những câu chuyện tuổi thơ được nghe kể trong không gian đầm ấm của gia đình. Theo họ những ấn tượng đầu đời có vai trò quan trọng trong việc hình thành đạo đức, lối sống, quyết định sự trưởng thành của mỗi con người. Puskin từng thổ lộ các câu chuyện cổ tích được người vú nuôi kể vào buổi tối bên bếp lửa đã bù đắp những thiếu sót trong sự giáo dục đáng nguyền rủa của mình. Mácxim Gorki luôn cảm ơn những câu chuyện của bà ngoại đã nối tất cả mọi vật xung quanh, đan thành một lớp đăng ten nhiều màu sắc đem lại niềm tin, sự yêu đời cho một chú bé có tuổi thơ cay đắng. Raxun Gamzatôp đã viết ông nhớ, khi còn bé, nghe những nghệ nhân râu tóc bạc phơ kể chuyện, ông tưởng tượng như không phải họ kể mà là những núi đồi, hang động cổ xưa, là bản thân đất và nước, mặt trời và mặt trăng… đang kể lại. Trong cuốn Các nhà văn Việt Nam thời đi học đã học văn, nhiều nhà văn đã kể lại tâm trạng háo hức khi được nghe ông bà, cha mẹ, thày cô kể chuyện. Những câu chuyện cùng các trang sách đã gieo vào tâm hồn họ lòng yêu cái đẹp, yêu văn chương, đất nước con người Việt Nam.
Kể chuyện có tác dụng giáo dục toàn diện tới sự phát triển nhân cách của trẻ thơ. Các câu chuyện mở rộng, nâng cao nhận thức cho trẻ về thế giới xung quanh, những hiện tượng tự nhiên, cỏ cây hoa lá, thế giới loài vật, đồ vật, và đặc biệt hiểu biết về cuộc sống con người. Khi nghe kể chuyện trí tưởng tượng của trẻ được khơi gợi bay bổng theo những chi tiết, số phận nhân vật. Những câu chuyện trở thành người bạn đồng hành, đối thoại với trẻ em bằng ngôn ngữ dịu dàng thân mật, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Những câu chuyện giáo dục các em về lòng nhân ái, tình yêu lẽ phải sự công bằng, biết quý trọng người thân, thầy cô, bạn bè, trân trọng người lao động, biết yêu quê hương làng xóm… Đó là những tình cảm thiêng liêng có sức mạnh nâng đỡ con người vượt qua sóng gió, thử thách trong cuộc sống. Vẻ đẹp ở các nhân vật, ngôn ngữ nghệ thuật của truyện có khả năng thức tỉnh những rung cảm, xúc cảm và dần hình thành thị hiếu thẩm mỹ cho trẻ thơ.
Kể chuyện không chỉ là sinh hoạt văn hóa mang tính nghệ thuật trong xã hội mà còn là một môn học trong nhà trường. Dù ở góc độ nào thì kể chuyện luôn có tác dụng tích cực tới việc hình thành nhân cách, rèn kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp văn hóa cho trẻ em. Khi nghe kể chuyện trẻ được rèn kỹ năng nghe hiểu, ghi nhớ. Trẻ biết tập trung theo dõi ngữ điệu giọng kể, quan sát cử chỉ, nét mặt để hiểu, nhớ các chi tiết của truyện, hành động của nhân vật. Năng lực tư duy phân tích, tổng hợp, khả năng tưởng tượng của trẻ được rèn luyện, cảm xúc thăng hoa cùng diễn biến của truyện.
Trẻ em không chỉ háo hức nghe kể để được đắm mình vào thế giới nghệ thuật mà còn thích kể lại những câu chuyện được nghe hoặc do tưởng tượng ra. Thông qua việc kể chuyện trẻ thể hiện được bản thân, gửi gắm vào lời kể cách hiểu, thái độ đánh giá đối với từng chi tiết, nhân vật. Để kể được, trẻ phải nhớ các diễn biến chính, sắp xếp các sự kiện theo trình tự hợp lý, biết dùng những yếu tố phi ngôn ngữ biểu đạt tình cảm của mình. Vì vậy, lời kể luôn là sự sáng tạo mang màu sắc cá nhân. Qua hoạt động kể chuyện, trẻ được rèn luyện tư duy logic, hình tượng, cách phát âm, dùng từ, đặt câu, sự mạnh dạn tự tin trong giao tiếp. Để phát huy hứng thú kể chuyện cho trẻ em, cần thực hiện nhiều công việc với sự góp sức của gia đình và toàn xã hội.
Trong sinh hoạt gia đình, người lớn cần nhận thức rõ việc kể chuyện có tác dụng lớn đến sự phát triển của trẻ. Những câu chuyện, lời ru giúp trẻ cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của người lớn. Tiếng mẹ đẻ, hồn thiêng sông núi cũng qua giọng kể đến với trẻ một cách tự nhiên. Trẻ lớn hơn một chút, có thể sử dụng những quyển truyện tranh đơn giản, ngắn gọn, màu sắc tươi sáng vừa kể, vừa chỉ vào tranh cho trẻ nghe. Với kênh âm thanh và kênh hình, câu chuyện sẽ trở nên cụ thể, hấp dẫn hơn. Đối với trẻ 5 đến 6 tuổi, người lớn có thể vừa kể, vừa chỉ vào những chữ dưới tranh giúp trẻ làm quen với chữ cái và bước đầu biết cách đọc một trang sách, quyển sách. Truyện tranh không chỉ đem lại hứng thú nghe truyện mà còn hình thành ở trẻ tình yêu sách, lòng ham đọc. Truyện cổ tích thần kỳ với thế giới của các nhân vật luôn là những câu chuyện được trẻ hào hứng chăm chú lắng nghe. Nghe kể chuyện cổ tích, trẻ được sống trong những ảo giác êm đẹp, sức mạnh của trí tưởng tượng được phát triển bay bổng, nội dung giáo dục được tiếp nhận bằng xúc cảm chân thành. Khi kể chuyện, người lớn cần kể bằng ngôn từ giản dị giàu hình ảnh, kết hợp với động tác cử chỉ để trẻ dễ hiểu, nhớ câu chuyện. Bên cạnh đó, cũng nên khuyến khích trẻ kể lại truyện. Đây chính là cách giúp trẻ biết diễn đạt, biểu hiện tình cảm trong giao tiếp. Những lời khen ngợi, tràng vỗ tay luôn đem đến cho trẻ sự hào hứng khi kể. Một không khí gia đình đầm ấm, ông bà, bố mẹ lắng nghe, hưởng ứng, khích lệ sẽ tạo nên những động lực giúp trẻ ham tìm hiểu, khám phá và thể hiện bản thân.
Ở các bậc học mẫu giáo, tiểu học, kể chuyện được xác định là môn học có nhiệm vụ mở rộng kiến thức về văn học, cuộc sống, thiên nhiên, xã hội…, rèn luyện kỹ năng nghe, nói. Kể chuyện là môn học lý thú, hấp dẫn được trẻ mong đợi trong các giờ học ở nhà trường. Cô và trò được giao hòa tình cảm một cách tự nhiên thông qua nội dung câu chuyện. Không khí của giờ kể chuyện là sự sẻ chia, khích lệ, tràn ngập niềm tin vào những điều thiện. Vì vậy, muốn phát triển hứng thú kể chuyện cho học sinh, giáo viên cần am hiểu tâm sinh lý từng độ tuổi, biết lựa chọn những câu chuyện vừa có giá trị nghệ thuật, vừa mang nội dung giáo dục. Người giáo viên cũng phải là nghệ sĩ tài hoa trong lớp học, biết hóa thân vào các nhân vật để đem lại sự hứng thú, sự hiểu biết sâu sắc về tác phẩm cho học sinh. Ngoài ra, giáo viên phải biết sử dụng các đồ dùng, phương tiện dạy học như tranh ảnh, vật thật, rối… kết hợp với lời kể, động tác sao cho câu chuyện như đang diễn ra trước mắt học sinh. Để khích lệ học sinh tích cực kể chuyện, giáo viên cần đưa ra các yêu cầu, hình thức đa dạng dưới dạng hoạt động nhóm tạo không khí thi đua, sự trao đổi cảm xúc cởi mở.
Muốn phát huy hứng thú kể chuyện thì thư viện các nhà trường, nhà văn hóa của xã, phường, quận… phải đa dạng về những đầu sách phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ em. Nguồn truyện càng phong phú về đề tài chủ đề phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi sẽ tạo ra sức đọc, sức kể đầy sáng tạo. Người lớn nên hướng dẫn trẻ cách chọn sách, những câu chuyện để đọc kể. Kể chuyện không nên bó hẹp trong phạm vi sinh hoạt gia đình, các tiết học nghiêm túc ở nhà trường, mà cần được tổ chức một cách thường xuyên, rộng rãi ở nhiều địa điểm công cộng, trung tâm… Các thư viện, nhà văn hóa nên có kế hoạch tổ chức nhiều cuộc thi kể chuyện theo những chủ đề vừa phù hợp với từng độ tuổi, vừa phù hợp với đời sống chính trị văn hóa của đất nước để tạo sự hứng thú, quan tâm của trẻ em và toàn xã hội. Vào các ngày lễ lớn của đất nước, có thể tổ chức thi kể chuyện những tấm gương thiếu nhi dũng cảm, về mẹ, bà, thày cô… Trong dịp hè, các nhà văn hóa, cung văn hóa… ngoài việc mở những lớp hội họa, âm nhạc, thể dục thể thao… nên có các lớp dạy kể chuyện để các em có cơ hội rèn luyện kỹ năng và bộc lộ năng khiếu.
Cùng việc quan tâm chăm sóc trẻ em từ gia đình, nhà trường, xã hội, việc tạo ra những sân chơi bổ ích thu hút, lôi cuốn trẻ tránh xa cái xấu, thiếu lành mạnh là việc làm hết sức cần thiết. Các cuộc thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ, đóng kịch, đấu cờ vua, thi kể chuyện… là những sân chơi lành mạnh có tác dụng tích cực với trẻ em.
Kể chuyện có tác dụng bồi dưỡng tâm hồn, đem lại niềm vui, trau dồi vốn sống, vốn văn học, phát triển ngôn ngữ và tư duy cho trẻ. Vì vậy các bậc phụ huynh, thày cô giáo, tổ chức xã hội… cần quan tâm, tạo điều kiện để trẻ được tiếp xúc với những nét văn hóa tốt đẹp thông qua những câu chuyện. Đó là những chuẩn bị tốt cho trẻ em hôm nay để vững vàng bước vào thế giới của ngày mai.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 358, tháng 4-2014
Tác giả : Phùng Thu Thủy – Phạm Phương Liên
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn