Trong quá khứ, các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như: tuồng, chèo, múa rối, cải lương… từng đóng vai trò quan trọng trong việc thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Nhưng hiện nay, trước nhiều nguyên nhân, nghệ thuật sân khấu ngày càng mai một, lượng khán giả ngày càng giảm mạnh. Điều này đặt ra một vấn đề cấp thiết là giải pháp nào để khôi phục lại sức sống của nghệ thuật sân khấu truyền thống trong xã hội đương đại? Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin giới thiệu thuyết lựa chọn duy lý của các nhà khoa học phương Tây như một phương cách có tính chất lý luận trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề trên.
1. Khái quát thuyết lựa chọn duy lý
Thuyết lựa chọn duy lý còn gọi là thuyết lựa chọn hợp lý (Rational – choice Theory) xuất hiện vào khoảng TK XVIII, XIX từ nhiều ngành khoa học khác nhau. Một số nhà triết học thời kỳ này cho rằng “bản chất của con người là vị kỷ, luôn tìm đến sự hài lòng, sự thỏa mãn và lảng tránh nỗi khổ đau” (1). C.Marx cho rằng “Cuối quá trình lao động, người lao động thu được cái kết quả mà họ đã hình dung ngay từ đầu quá trình ấy, tức là đã có trong ý niệm. Con người không chỉ làm biến đổi hình thái của những cái do tự nhiên cung cấp, trong những cái do tự nhiên cung cấp, con người cũng đồng thời thực hiện cái mục đích tự giác của mình, mục đích ấy quyết định phương thức hành động của họ giống một quy luật và bắt ý chí của họ phải phục tùng nó” (2).
Dưới góc độ xã hội học, George C. Homans đã khái quát hóa nội hàm của thuyết lựa chọn duy lý bằng một đẳng thức như sau: “C= (P x V)= Maximum” (3). Trong đó, (C): là hành động được quyết định thực hiện, (P) là xác suất thành công lớn nhất của một hành động, (V) là giá trị lớn nhất mà phần thưởng của hành động đó mang lại. Từ tích của (P) lớn nhất và (V) lớn nhất sẽ cho ra kết quả của hoạt động tối ưu nhất.
Đồng quan điểm, Jon Elster (4) cho rằng “Khi đối diện với một số hành động, mọi người thường làm cái mà họ tin là có khả năng đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất” (5). Một nhà xã hội học nổi tiếng khác – Georg Simmel (6) cũng đưa ra nguyên tắc “cùng có lợi” và cơ chế cho – nhận trong quá trình tương tác giữa các cá nhân trong xã hội. Ông cho rằng, mỗi cá nhân luôn phải cân nhắc, toan tính thiệt hơn để theo đuổi mục đích, thỏa mãn các nhu cầu cá nhân trong mối tương quan với các cá nhân khác. Quan niệm này là cơ sở quan trọng để hình thành nên lý thuyết trao đổi sau này.
Một số nhà nhân học cũng có quan điểm tương đồng về thuyết lựa chọn duy lý với giới nghiên cứu xã hội học. Marcal Mauss (7) đã nhấn mạnh đến bản chất của sự ràng buộc và ích lợi của việc trao – nhận quà và các hình thức khác của sự trao đổi xã hội. Mauss cho rằng quan hệ trao đổi là một dạng quan hệ quyền lực, trong đó, người nhận quà vì muốn thoát khỏi sự ràng buộc nên thường tìm cách trao lại cho người tặng món quà khác có giá trị tương đương.
Ảnh minh họa
Các học giả ngành tâm lý học cũng có những đóng góp quan trọng để phát triển thuyết lựa chọn duy lý. Họ quan tâm nhiều đến thuyết tâm lý học hành vi. Từ những kết quả nghiên cứu thực tiễn của mình, các học giả theo tâm lý học hành vi cho rằng “trong tương tác xã hội, cá nhân có xu hướng lặp lại những hành vi nào đã đem lại cho họ sự thỏa mãn” (8). Luận điểm này được một số nhà xã hội học vận dụng để phát triển thuyết trao đổi xã hội ở cấp độ vi mô – hành vi xã hội của cá nhân.
Mặt khác, thuyết lựa chọn duy lý phát triển mạnh trong kinh tế học. Các nhà kinh tế học thường quan tâm đến thuyết lựa chọn duy lý khi sử dụng lý thuyết kinh tế học hành vi để xây dựng các định đề kinh tế học. Nhà kinh tế chính trị người Anh – Alfred Marschal (1842 – 1924) cho rằng, mặc dù nhu cầu tâm lý nội tại thúc đẩy con người hành động, nhưng lợi ích của kết quả hành động đó mới giữ vai trò then chốt trong việc “định hướng, dẫn dắt hành động” của con người. Từ đó, ông cho rằng nếu lợi ích của một hàng hóa nào đó giảm dần cho đến khi không còn ích lợi gì thì con người cũng sẽ không tham gia vào quan hệ trao đổi liên quan đến hàng hóa đó nữa (9). Quan điểm này hữu ích để thực thi chiến lược bán hàng, kích thích tiêu thụ trên thị trường.
Các nhà kinh tế tân cổ điển cũng cho rằng “Cá nhân hành động để đạt được lợi ích kinh tế tối đa” (10), và “động cơ kinh tế, động cơ lợi nhuận” (11) giữ vai trò là động lực cơ bản. Năm 1908, Joseph Schumpeter (12) đã đưa ra khái niệm “Phương pháp luận cá nhân” (Methodological Individualism). Nội hàm chính của khái niệm này nhấn mạnh đến tính cá nhân trong việc lựa chọn hành động của một chủ thể nào đó. Ông cho rằng mọi hành động của cá nhân luôn có mục đích và các cá nhân sẽ tìm mọi phương tiện, cách thức để đạt được mục đích đó. Vấn đề này sẽ phát sinh mâu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Đối với mỗi cá nhân, vấn đề đặt ra là làm thế nào để dung hòa được giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của cộng đồng. Bởi một khi, hai nhóm lợi ích này vận động theo những thái cực khác nhau sẽ sinh ra nhiều mâu thuẫn trong xã hội và có khả năng dẫn đến những hệ lụy tiêu cực. Chính vì điều đó, các nhà xã hội học rất quan tâm đến những nhận định này của giới kinh tế tân cổ điển (13).
2. Khả năng hữu dụng của thuyết lựa chọn duy lý trong việc phát triển khán giả cho nghệ thuật sân khấu truyền thống ở Việt Nam
Khán giả của nghệ thuật sân khấu truyền thống ở Việt Nam hiện nay
Trong kho tàng văn học nghệ thuật của Việt Nam bao đời nay, các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như: tuồng, chèo, múa rối, cải lương… luôn là những thành tố quan trọng. Trong xã hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật sân khấu trên là món ăn tinh thần phổ biến của nhiều tầng lớp dân cư vào dịp nông nhàn. Không chỉ vậy, nghệ thuật sân khấu truyền thống còn góp phần phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan của người dân Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Thế nhưng hiện nay, nghệ thuật sân khấu truyền thống đã mất dần chỗ đứng trong lòng công chúng. Ngày nay, không còn nhiều người mặn mà với tuồng, chèo, cải lương… Hình ảnh những suất diễn của các loại hình nghệ thuật sân khấu thưa vắng khán giả trở nên thường xuyên, phổ biến đến mức “tất yếu”. Nếu có chăng cũng chỉ một số ít khán giả trung thành thuộc lớp U50. Hệ lụy là nhiệt huyết theo nghề của nghệ sĩ sân khấu truyền thống suy giảm mạnh. Bởi mối quan hệ giữa nghệ sĩ sân khấu với khán giả là mối quan hệ biện chứng, tác động và quyết định sự tồn tại cho nhau. Rõ ràng, không có khán giả thì tất yếu nghệ thuật sân khấu truyền thống cũng không thể tồn tại và ngược lại.
Trước thực tế đó, các cơ quan quản lý nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, cùng các nhà nghiên cứu, đội ngũ nghệ sĩ đã tìm rất nhiều phương cách để “hồi sinh” nghệ thuật sân khấu truyền thống. Tuy nhiên, hiệu quả cụ thể vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng của tất cả các bên liên quan. Nghệ thuật sân khấu truyền thống vẫn “hấp hối” trước sự tấn công mạnh mẽ và không ngừng nghỉ của các loại hình giải trí hiện đại. Trong bài viết này, tác giả gợi mở khả năng sử dụng các thành tựu của lý thuyết lựa chọn duy lý như là một phương thức có tính chất lý luận trong việc phát triển khán giả cho các loại hình nghệ thuật truyền thống.
Một số nội dung của thuyết lựa chọn duy lý có thể ứng dụng để phát triển khán giả cho nghệ thuật sân khấu truyền thống ở Việt Nam
Thứ nhất, đẳng thức C= (P x V)= Maximum của George C.Homans. Theo công thức này, để có thể tác động vào quá trình đưa ra quyết định xem biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống của công chúng trước nhiều sự lựa chọn khác, chúng ta có thể:
Nâng cao giá trị của (P): nghĩa là làm sao cho công chúng cảm thấy việc xem biểu diễn sân khấu truyền thống hết sức dễ dàng, thuận tiện. Trong bối cảnh công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng phát triển như hiện nay, việc tác động vào (P) khá thuận lợi và có thể thực hiện được trên diện rộng.
Nâng cao giá trị của (V): trước thực tế nghệ thuật sân khấu truyền thống đang phải đối diện với sự cạnh tranh rất mạnh mẽ của các loại hình giải trí hiện đại, công chúng có nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu giải trí của mình, bằng nhiều cách khác nhau, việc đơn vị tổ chức biểu diễn có thể mang lại cho khán giả những “phần thưởng” có giá trị sẽ tạo ra được những lợi thế cạnh tranh nhất định.
Từ sự nâng cao giá trị của (P) và (V), theo lý thuyết của Homans, kết quả của (C) sẽ đạt ngưỡng cao nhất. Điều đó đồng nghĩa với khả năng lựa chọn xem nghệ thuật sân khấu truyền thống biểu diễn so với các chương trình giải trí khác sẽ đạt mức cao nhất.
Thứ hai, quan điểm “trao đổi xã hội” ở cấp độ vi mô (cấp độ cá nhân) của George C.Homans thông qua 6 định đề cơ bản. Homans rất chú tâm đến những hành vi xã hội của cá nhân từ góc độ tiếp cận đó, việc sử dụng các định đề mà Homans đề xuất là khả dĩ để góp phần xây dựng cơ sở lý luận trong việc phát triển khán giả cho các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống. Việc này có thể được cụ thể hóa qua mô hình sau:
Trong mô hình trên, chúng ta có thể coi “hành động xem biểu diễn của khán giả” là trọng tâm, các định đề Homans là các thành tố tác động đến quá trình lựa chọn và ra quyết định xem/không xem của khán giả. Như vậy, để có thể tác động vào quá trình ra quyết định của khán giả, chúng ta cần tác động tổng thể đến các thành tố còn lại. Cụ thể:
Phần thưởng: để tạo lập thói quen xem biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống nhiều hơn, các đơn vị tổ chức có thể tặng các phần thưởng phù hợp với từng độ tuổi, từng nhóm khán giả khác nhau.
Duy lý và giá trị: theo lý thuyết của Homans, các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống cần nâng cao giá trị các dịch vụ mà mình cung cấp cho khán giả. Giá trị đó bao gồm một hệ giá trị cốt lõi và các giá trị cộng thêm để khán giả luôn cảm thấy rằng giá trị mà họ nhận được từ việc xem các chương trình biểu diễn sân khấu truyền thống là xứng đáng so với những nguồn lực mà họ đã bỏ ra.
Giá trị suy giảm: áp dụng định đề này, các đơn vị tổ chức cần đa dạng hóa, cải tiến hóa các nội dung, hình thức “phần thưởng”, cách thức trao thưởng đến khán giả để đảm bảo rằng, khả năng khán giả cảm thấy nhàm chán luôn duy trì ở mức thấp nhất.
Mong đợi: khi quyết định xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật sân khấu truyền thống, theo thuyết lựa chọn duy lý, chắc chắn khán giả đã có những mong đợi nhất định nào đó về chương trình mà mình sẽ xem. Vì vậy, đơn vị tổ chức biểu diễn cần xác định được những mong đợi của khán giả đối với chương trình của mình để lên phương án làm hài lòng khán giả. Khi thỏa mãn được mong đợi của khán giả, chúng ta sẽ hạn chế được những thái độ tiêu cực từ chính họ, qua đó việc sử dụng chính những khán giả làm công cụ truyền thông marketing sẽ hiệu quả hơn.
Thứ ba, quan điểm “trao đổi xã hội” ở cấp độ vĩ mô của Peter Michael Blau. Ông cho rằng trong trao đổi xã hội, ngoài trao đổi ở cấp độ vi mô – cấp độ cá nhân, thì còn tồn tại dạng trao đổi xã hội ở cấp cấu trúc vĩ mô – cấp độ tổ chức/thiết chế. Khi các thiết chế xuất hiện cơ chế trao đổi xã hội nghĩa là sự tương tác giữa các thiết chế xã hội bắt đầu hình thành. Và để quá trình trao đổi xã hội giữa các thiết chế xã hội diễn ra thành công, đòi hỏi có sự ràng buộc giữa các thiết chế thông qua sự ràng buộc lợi ích các cá nhân.
Từ đó cho thấy, để nghệ thuật sân khấu truyền thống có thể tìm lại được chỗ đứng trong lòng khán giả ở xã hội hiện đại, thì cần hình thành một cách thực chất, đầy đủ quá trình “trao đổi xã hội” giữa các cấu trúc vĩ mô – tức các thiết chế xã hội. Điều này được thể hiện qua mô hình sau:
Để thực hiện thành công quá trình trao đổi xã hội giữa các thiết chế trên, theo quan điểm của Peter M.Blau, cần phải xây dựng mối ràng buộc và đạt được sự thống nhất về những giá trị, lợi ích cốt lõi giữa các bên liên quan. Điều đó có nghĩa là cần làm cho các thiết chế xã hội như: đơn vị tổ chức biểu diễn, cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục, công ty truyền thông, công ty du lịch, lữ hành nhận thấy những giá trị, lợi ích chung từ việc phát triển khán giả cho các loại hình sân khấu truyền thống. Những giá trị chung đó có thể được nhận diện và phát sinh trên cơ sở nhận thức về trách nhiệm, nghĩa vụ chung của các đơn vị đó trong việc góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc. Khi các đơn vị này thừa nhận những giá trị, trách nhiệm chung từ việc phát triển khán giả cho nghệ thuật truyền thống, ắt hẳn các đơn vị đó sẽ có những phương thức khác nhau để cùng thực hiện nhiệm vụ đó.
Bên cạnh đó, việc xây dựng mối ràng buộc về lợi ích, trách nhiệm của các thiết chế này cũng là điều cần thiết. Trong đó, đơn vị tổ chức biểu diễn cần được xem là thiết chế xã hội trung tâm, nơi khởi phát của hầu hết các lợi ích, trách nhiệm trong quá trình trao đổi xã hội diễn ra với các thiết chế khác. Đây cũng là đơn vị có tác động lớn đến quá trình tương tác, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ của các thiết chế khác. Cơ quan quản lý nhà nước là thiết chế có khả năng tạo ra và thực thi các quyền lực hành chính nhà nước, tác động lên các đơn vị còn lại phải thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong việc góp phần phát triển khán giả cho nghệ thuật truyền thống. Các cơ sở giáo dục: sự ràng buộc về trách nhiệm và lợi ích được thể hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục nghệ thuật trong nhà trường thông qua xây dựng và tham gia thực hiện các dự án sân khấu học đường. Các công ty truyền thông: những đơn vị này có trách nhiệm quảng bá những giá trị nghệ thuật độc đáo đến với công chúng thông qua những phương thức, phương tiện truyền thông đại chúng. Các công ty du lịch, lữ hành: lợi ích của các đơn vị này nhận được là họ có thêm được những sản phẩm du lịch để phục vụ du khách. Đồng thời, với tư cách là một đơn vị hành nghề dựa trên nền tảng các tài nguyên du lịch (trong đó có tài nguyên văn hóa), các đơn vị này cũng cần có những đóng góp để các thành tố của tài nguyên du lịch đó phục hồi và tiếp tục được khai thác lâu dài.
Trước những thay đổi rất lớn từ thị hiếu nghệ thuật của công chúng, từ môi trường văn hóa xã hội, sự phát triển của thị trường dịch vụ văn hóa, sự thâm nhập có tính chất toàn diện của truyền thông đại chúng hiện đại, nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam phải đối diện với nguy cơ mai một, thậm chí là biến mất trong đời sống xã hội hiện đại là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, để tránh kho tàng văn hóa dân tộc mất đi những giá trị văn học nghệ thuật độc đáo, việc tìm ra phương pháp bảo tồn, phát huy và phát triển là điều cấp thiết. Trên thực tế, trong nhiều năm qua, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau. Hiệu quả của những nỗ lực này đã có, tuy nhiên nghệ thuật sân khấu truyền thống vẫn chưa thể “hồi sinh” đúng như mong đợi của nhiều người. Từ thực trạng đó, tác giả bài viết cho rằng việc tìm kiếm và sử dụng những cơ sở lý luận để tìm ra bản chất của vấn đề, từ đó có thể xây dựng và triển khai các giải pháp phát triển khán giả cho nghệ thuật sân khấu truyền thống có hiệu quả là điều cần thiết..
_________________
1, 5, 8, 9, 10, 11. Lê Ngọc Hùng, Lịch sử & Lý thuyết xã hội học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2011, tr.353, 355, 360, 356, 357, 353.
2. C.Mac và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1993, tr.132, 167.
3. George C. Homans, The Nature of Social Science, New York: Harcourt, Brace & World, 1967, tr.38 – 39.
4. Jon Elster sinh năm 1940, là nhà lý luận chính trị xã hội nổi tiếng người Na Uy. Ông nghiên cứu nhiều về triết học của khoa học xã hội, là một nhà phê bình về kinh tế tân cổ điển, lý thuyết lựa chọn công cộng, chủ yếu dựa trên cơ sở hành vi và tâm lý. Hiện ông là thành viên của Viện Hàn lâm khoa học và Thư tín Na Uy, là giáo sư của Đại học Tổng hợp Chicago, Giám đốc nghiên cứu của viện Nghiên cứu xã hội Olso – Mỹ.
6. Georg Simmel (1858 – 1918), là một nhà xã hội học, triết gia và nhà phê bình người Đức. Ông là người tiên phong cho các kiểu lý luận cấu trúc trong khoa học xã hội, là người khai mở lĩnh vực xã hội học đô thị.
7. Marcal Mauss (1972 – 1950), là cháu ruột của nhà xã hội học nổi tiếng Emile Durkheim. Ông học triết học ở Đại học Paris và Đại học Bordeaux – Pháp. Ông cùng các đồng nghiệp đã sáng lập Tạp chí Annee Sociologique.
12. Joseph Aloïs Schumpeter (1883 – 1950), là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng lớn trên thế giới đầu TK XX. Ông sinh ra ở Moravia – Áo, có một thời gian ngắn làm Bộ trưởng Tài chính nước Áo năm 1919. Năm 1932, ông trở thành giáo sư của Đại học Harvard cho đến cuối đời.
13. Vấn đề đặt ra của các nhà kinh tế tân cổ điển đã tạo cơ sở để lý thuyết trò chơi do một số nhà kinh tế học hàng đầu của TK XX xây dựng và phát triển. Đọc thêm: John F. Nash, Lý thuyết trò chơi trong Các thuyết trình tại lễ trao giải Nobel về khoa học kinh tế 1991 – 1995, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.207 – 364.
Tác giả: Nguyễn Hồ Phong
Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn