Phát triển môi trường kinh doanh du lịch ở hải phòng

Thời gian qua, hoạt động du lịch Hải Phòng có những khởi sắc và chuyển biến mang lại hiệu quả thiết thực, bước đầu xây dựng được thương hiệu du lịch, tạo việc cho hàng vạn lao động, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế – xã hội chung của thành phố. Để đạt được những kết quả đó, Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý môi trường kinh doanh du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.

         Xác định rõ môi trường du lịch là vấn đề quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của ngành du lịch, Thành ủy và UBND thành phố Hải Phòng đã chủ động ban hành một số văn bản chỉ đạo: Nghị quyết số 04/NQ-TƯ của Thành ủy Hải Phòng về phát triển du lịch giai đoạn 2013 – 2020, định hướng 2030; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XV xác định: phát triển mạnh du lịch, nhất là du lịch cao cấp theo hướng vừa khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch, vừa tôn tạo, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái. Đồng thời khai thác hiệu quả lợi thế cửa ngõ đường không và đường biển của địa phương trong vùng và miền Bắc. Hình thành những trung tâm du lịch ven biển lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế ở khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi trên cơ sở phát triển đa dạng các tuyến và loại hình du lịch cả ở trên bờ, trên biển và hải đảo; Chỉ thị 09/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố, trong đó nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trong việc bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch… Đây là những cơ sở, định hướng chiến lược lâu dài cho sự phát triển du lịch, đặc biệt là những chỉ đạo về công tác đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố.

         Công tác quản lý du lịch của thành phố được tăng cường, không ngừng đổi mới, đặc biệt là công tác xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch, ban hành chính sách, quy chế quản lý… góp phần thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các cấp, ngành về xây dựng môi trường kinh doanh du lịch.

         Công tác đầu tư hạ tầng du lịch bước đầu đáp ứng được yêu cầu tối thiểu để phát triển và tạo đà tăng trưởng trong thời gian tới. Không gian du lịch được mở rộng đến các địa phương với nhiều điểm tham quan mới: khu du lịch biển Bạch Long Vĩ, sông Giá (Thủy Nguyên), khu du lịch sinh thái ven sông Đa Độ (Kiến Thụy), khu du lịch phía Nam (Tiên Lãng, Vĩnh Bảo), khu vui chơi giải trí đảo Vũ Yên… Nhiều loại hình du lịch mới được đưa vào khai thác như du lịch cộng đồng, trải nghiệm, văn hóa… qua đó chuyển tải bản sắc văn hóa địa phương đến với du khách.

         Công tác quảng bá xúc tiến được đổi mới, tạo điều kiện cho du khách và doanh nghiệp tiếp cận nhanh thông tin về du lịch Hải Phòng. Thành phố đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển thị trường, chú trọng thị trường khách quốc tế như Trung Quốc, Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, Bắc Mỹ… hướng đến dòng khách có khả năng chi trả cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch được chú trọng với nhiều hình thức phù hợp. Việc xây dựng thương hiệu đã và đang được các cơ quan, doanh nghiệp tích cực thực hiện.


  Bãi tắm Cô Tiên ở Cát Bà. Ảnh Thanh Giang 

         Công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố đã được đặc biệt quan tâm. Thành phố đã cử biệt phái 12 thanh tra Sở VHTTDL làm việc tại văn phòng thường trực ở khu du lịch Đồ Sơn, Cát Bà để kịp thời kiểm tra, xử lý những vụ việc liên quan đến môi trường kinh doanh du lịch, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận kiến nghị của khách. Ngoài ra, còn thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp thành phố kiểm tra công tác triển khai của các sở, ngành, địa phương về quản lý môi trường kinh doanh du lịch.

         Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố Hải Phòng đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, nhận thức của các cơ quan chức năng và cộng đồng về công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch ngày càng nâng lên, công tác tuyên truyền được chú trọng, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại nhiều khu vực trọng điểm được cải thiện. Tại khu du lịch Đồ Sơn, Cát Bà và các điểm tham quan khác trên địa bàn thành phố được triển khai quy hoạch, bố trí địa điểm kinh doanh, khu dịch vụ, vệ sinh, bãi đỗ xe… đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch.

         Ngoài ra, nhiều giải pháp cụ thể đã được các sở, ngành, địa phương quan tâm triển khai tới nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhằm tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch. Cụ thể: quận Đồ Sơn đã đặt trạm công an tại cả 3 khu bãi tắm, thiết lập đường dây nóng để kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan đến an toàn, an ninh của khách; phối hợp với doanh nghiệp triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự; hướng dẫn các hộ kinh doanh ký cam kết trong quá trình kinh doanh dịch vụ… Chính quyền các địa phương tích cực kiểm tra, xử lý tình trạng ăn xin, đeo bám, bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè lòng đường… không đúng nơi quy định. Hoạt động kiểm tra việc niêm yết giá cả hàng hóa, dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch được tiến hành thường xuyên. Những phản ánh, kiến nghị của du khách thông qua đường dây nóng của Sở VHTTDL được giải quyết kịp thời.

         Tuy nhiên, môi trường kinh doanh du lịch của Hải Phòng còn tồn tại nhiều hạn chế bất cập, trong đó tập trung vào những vấn đề như tiến độ các dự án, công trình đang thực hiện tại các khu du lịch trọng điểm của thành phố, chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, sự chồng chéo trong công tác kiểm tra…

         Trong thời gian tới, để tạo dựng và phát triển môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững, các cấp ủy Đảng và chính quyền thành phố cần tập trung thực hiện một số giải pháp:

         Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.

         Xây dựng cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch đồng bộ, toàn diện, phù hợp với chính sách và cam kết của nhà nước về du lịch với tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có cơ chế ưu tiên đối với các dự án có quy mô lớn, đầu tư phát triển phương tiện vận chuyển, đặc biệt là đội tàu du lịch ở Cát Bà. Chế tác và sản xuất các sản phẩm, hàng lưu niệm mang đặc trưng của Hải Phòng và đặc biệt có cơ chế thu hút nhân tài phục vụ du lịch địa phương.

         Tổ chức đào tạo nhân lực du lịch theo chuẩn quốc gia ở các hệ dạy nghề, trung cấp, tiến tới đào tạo cao đẳng, tương đương đại học và đại học. Tổ chức nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng, áp dụng công nghệ tiên tiến trong đào tạo. Trước mắt tập trung đào tạo để có đủ hướng dẫn viên, thuyết minh viên thạo nghề, được trang bị kiến thức, hiểu biết toàn diện đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

         Đối với công tác tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch, thành phố cần tăng chi ngân sách, thành lập các trung tâm thông tin du lịch, thực hiện quảng bá với quy mô lớn, chất lượng cao. Gắn du lịch với văn hóa, tạo sức hấp dẫn của các điểm, tua, tuyến du lịch bằng những sản phẩm đặc sắc của Hải Phòng. Bên cạnh đó, xây dựng môi trường du lịch văn minh, kiên quyết xóa bỏ tình trạng chèo kéo, chạy theo khách bán hàng, xin ăn… ở các trọng điểm du lịch.

         Nâng cao chất lượng các tuyến du lịch hiện có, mở thêm tuyến du lịch sinh thái biển Hải Phòng – Bạch Long Vỹ. Phối hợp với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước, thực hiện nối tuyến du lịch như tuyến đường bộ Hải Phòng – Côn Minh, Hải Phòng – Nam Ninh (Trung Quốc), Hải Phòng – Nghệ An – Lào – Thái Lan… Mở tuyến đường thủy Hải Phòng đi các cảng biển quốc tế và trong khu vực. Đầu tư kinh phí, xúc tiến mở các tuyến bay quốc tế mới từ Hải Phòng đến Nam Ninh, Hải Nam (Trung Quốc), Băng Cốc, Pattaya (Thái Lan), Busan (Hàn Quốc)…

         Các ngành, cấp có biện pháp hữu hiệu quản lý xây dựng và kinh doanh, bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch, chú trọng xử lý chất thải ở nhiều điểm, khu du lịch. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện cam kết bảo vệ môi trường. Tăng cường phối hợp giữa các ngành, cấp, tuyên truyền giáo dục, khuyến khích cộng đồng dân cư và khách du lịch tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường. Từng bước đưa nội dung bảo vệ tài nguyên môi trường vào chương trình giáo dục trong các trường học góp phần giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp.

         Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch bằng cách nâng cao chất lượng cán bộ, củng cố và kiện toàn tổ chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển du lịch trong tình hình mới. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển, hoạt động dịch vụ du lịch. Gắn phát triển du lịch với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch và các tổ chức xã hội góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh du lịch.

         Với quyết tâm chính trị của cả hệ thống, sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp và nhân dân, trong thời gian qua, hoạt động du lịch thành phố có nhiều thay đổi tích cực, nhận được phản hồi tích cực của du khách trong nước và quốc tế, danh tiếng nhiều trung tâm du lịch như Đồ Sơn, Cát Bà… ngày càng có vị trí quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : NGUYỄN TRUNG DŨNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *