Phim tài liệu đến gần hơn với khán giả


 

Với khẩu hiệu Một đất nước không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh, liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 5 đã trình chiếu những phim mang ký ức lịch sử, mang dáng vẻ riêng về cuộc sống con người của các đất nước khác nhau. Mỗi buổi chiếu, khán giả được xem một phim châu Âu và một phim Việt Nam với nhiều đề tài phong phú về danh nhân lịch sử, các vấn đề xã hội như văn hóa, giáo dục, y tế…

Ngay từ khi mới ra đời, phim tài liệu đã khẳng định được vị thế trong nghệ thuật điện ảnh và trong đời sống văn hóa tinh thần của con người. Sự xuất hiện của phim tài liệu đã tạo ra cách thức thể hiện nghệ thuật theo một phong cách mới: hiện thực, đi sâu vào những khía cạnh của đời sống xã hội, phản chiếu những cung bậc của cuộc sống một cách chân thực, sâu sắc nhất, mà đôi khi không có ở các thể loại phim khác.

Đối với phim tài liệu, có thể nói, cuộc sống đời thực là cội nguồn quan trọng với các nhà làm phim ở bất kỳ quốc gia nào. Nếu không dựa vào hiện thực cuộc sống làm sao khán giả được xem những phim tài liệu hấp dẫn như: Những cô gái Ngư Thủy, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Nước về Bắc Hưng Hải, Hà Nội trong mắt ai… Những thước phim ngắn ngủi về cuộc sống hiện thực đã phác họa cuộc sống chân thực và sống động, có khả năng tạo nên sức hấp dẫn cho bộ phim, thông qua cách xử lý, dẫn dắt của tác giả. Thực tế sáng tác cho thấy, nhiều vấn đề xã hội, sự kiện, những hình thức thể hiện, chỉ có phim tài liệu mới làm được, nói được và nói có sức thuyết phục, tạo ấn tượng đồng thời mang đến nhận thức sâu sắc cho người xem. Có thể hình dung, tác phẩm phim tài liệu là cuộc sống hiện thực sinh động, ở đó ta thấy các sinh hoạt rất đời, không màu mè mà vẫn toát lên được những giá trị thẩm mỹ cao đẹp. Nếu một bộ phim tài liệu không phản ánh được tính chân thực, không bộc lộ được cảm xúc thì chẳng mấy chốc trong tâm trí người xem, tác phẩm sẽ trở nên vô vị, không có chỗ đứng. Vì vậy bắt buộc người làm phim tài liệu phải phản ánh chân thực cuộc sống như nó vốn có. Để xây dựng thành công một bộ phim tài liệu có tầm ảnh hưởng sâu sắc, tác động đến người xem, thực sự không đơn giản đối với bất kỳ một nhà làm phim nào. Công việc này đòi hỏi người làm phim phải suy nghĩ, trăn trở, dám đi đến tận cùng của sự sáng tạo. Với mong muốn phát triển phim tài liệu, hàng năm, Việt Nam thường tổ chức nhiều sự kiện, trong đó nổi bật nhất là Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam. Trải qua 4 kỳ liên hoan, sự kiện này đã trở thành quen thuộc với khán giả và những người làm phim tài liệu. Với mong muốn góp phần đưa các nền văn hóa xích lại gần nhau, Việt Nam phối hợp cùng với 8 nước thành viên gồm: Bỉ, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Pháp, Thụy Điển, Anh, Ba Lan, Đức, tổ chức liên hoan phim châu Âu – Việt Nam lần thứ 5 từ ngày mùng 5 đến 14-6-2013 tại Hà Nội, và từ ngày mùng 10 đến 29-6-2013 tại TP.HCM.

Bằng những thủ pháp nghệ thuật tái hiện lại cuộc sống một cách chân thực và sinh động, nên phim tài liệu có thể coi là một phần của lịch sử. Bởi vậy ở mỗi quốc gia phim tài liệu mang những nét văn hóa, đặc trưng và sáng tạo riêng. Với khẩu hiệu Một đất nước không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh, liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 5 mang đến cho người yêu điện ảnh sự đa dạng trong cảm nhận hiện thực cuộc sống, nhiều quan điểm sáng tác, phong cách được thể hiện qua những bộ phim tài liệu của mỗi đạo diễn Việt Nam cũng như châu Âu.

Qua sự lựa chọn nhiều đề tài đa dạng và phong phú, các nhà tổ chức đã giới thiệu đến người hâm mộ những tác phẩm xuất sắc nhất. Các bộ phim trình chiếu trong liên hoan được đánh giá cao và đạt được nhiều giải thưởng. Tại hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương, vào 19h trong thời gian diễn ra liên hoan, sẽ trình chiếu hai bộ phim tài liệu, một của Việt Nam và một của quốc tế. Cụ thể, ngày 5-6 chiếu phim Người thả hồn và tranh, Một mùa hè với Anton; ngày 6-6 chiếu phim Ký ức một thời, Thành phố của những dấu hiệu; ngày 7-6 chiếu Bản đồ tư duy – hành trình kết nối, Tất cả về Jean-Jacques Rousseau; ngày 8-6 chiếu Trà hay điện?, Nỗi niềm thuộc địa (chiếu lúc 16h), André Menras – một người Việt, Phóng viên chiến trường (chiếu lúc 19h); ngày 9-6 chiếu phim Đông Nam Á vào 16h và 19h; ngày 10-6 chiếu Người thắp lửa, Palme; ngày 11-6 chiếu Chuyện dài ở bệnh viện, Bóng bàn; ngày 12-6 chiếu Bruxelles Kigali; ngày 13-6 chiếu Chuyện ở một vùng non cao, Sáu tuần; ngày 14-6 chiếu Chữ trên sóng, Con tàu của kẻ săn bàn thắng.

Trong các buổi công chiếu phim tài liệu, khán giả có dịp cảm nhận và đi sâu vào nội dung tác phẩm với những lôi cuốn riêng có. Nếu hai bộ phim của Pháp và Bỉ đề cập đến vấn đề đối mặt với chiến tranh, thì bộ phim của Đức và Thụy Sĩ lại nói về những nhân vật lịch sử kiệt xuất của đất nước họ. Một cách hài hước nhưng cũng không kém phần tinh tế bộ phim của Anh về sự già hóa dân số toàn cầu. Các bộ phim của Việt Nam cũng đề cập đến nhiều vấn đề xã hội sâu sắc như: chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục… Mỗi tác phẩm là một đề tài khác nhau, nhưng dưới ống kính của phim tài liệu, nó mang đến những cảm nhận sâu sắc về hiện thực xã hội sống động một cách chân thực. Đây chính là điều gắn kết tác phẩm với khán giả để họ cùng sống và suy nghĩ về những vấn đề đang diễn ra trong hiện thực và trên phim. Có lẽ, trải qua 4 kỳ liên hoan, các nhà làm phim tài liệu Việt Nam đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Đến với liên hoan năm nay, các bộ phim của ta được khán giả đánh giá cao, thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng phim của ta hay hơn của các nước bạn.

Điểm nhấn trong liên hoan lần này là chương trình chiếu chùm phim đặc sắc của Bỉ, giới thiệu một vài phim tài liệu trong khuôn khổ của tua liên hoan phim Chop Shot lần đầu tiên tổ chức. Bên cạnh phim của Việt Nam, phim tài liệu đến từ Indonesia, Malaysia, Myanmar, Camphuchia, Philippin cũng được trình chiếu. Qua phim tài liệu, người xem thấy được hiện thực không bị đóng khung và sự thật không chỉ mô tả một màu, mà đan xen đa chiều. Mỗi tác phẩm không dừng lại ở sự mô tả, bước đầu đã có sự lý giải để soi chiếu sự thật.

Điều bất ngờ nhất ở liên hoan lần này phải kể đến số lượng khán giả. Vào những buổi chiếu phim, phòng chật ních người, ban tổ chức phải kê thêm chỗ ngồi ở phòng phụ để phục vụ khán giả. Điều này chứng tỏ công chúng không quay lưng, bỏ rơi phim tài liệu.

Trong khuôn khổ của liên hoan phim tài liệu còn diễn ra Hội nghị bàn tròn Docnet Đông Nam Á, diễn ra ngày 13 – 6 tại viện Goethe Hà Nội. Với sự hợp tác của VICAS và hỗ trợ của đại sứ quán Pháp, các chuyên gia sản xuất phim tài liệu bàn về những mục tiêu và thách thức trong thời gian tới đối với sự nghiệp làm phim tài liệu Việt Nam. Nhằm có được một sự hợp tác hiệu quả, Docnet đã mời các đại diện đến từ nhiều nhóm và tổ chức khác nhau. Các đạo diễn nước ngoài: Heidi Specogna (Đức), Patrick Chauvel (Pháp), Anna Pitoun (Pháp) đã tham dự hội nghị và chia sẻ kinh nghiệm với những nhà làm phim Việt Nam.

Hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở. Tại Hội thảo, bà Anna Pitoun nhấn mạnh: phim tài liệu thực sự cần thiết trong xã hội của chúng ta, mọi thứ thay đổi rất nhanh và chúng ta không có đủ thời gian để hiểu hết những gì đang diễn ra. Nhưng với các bộ phim tài liệu, chúng ta có thể dừng cuộc chạy đua để có thời gian suy nghĩ. Với bà Heidi Specogna thì trình bày tham luận dưới dạng một bộ phim tài liệu bằng lời với những công đoạn, các cảnh cắt, ghép đã phác thảo nên bức tranh tương đối toàn diện của việc làm phim tài liệu ở Đức…

Hội thảo cũng tập trung vào nhiều vấn đề nổi cộm của phim tài liệu Việt Nam hiện nay, như:

Đề tài phim tài liệu

Có thể thấy, phim tài liệu của nước ngoài luôn thể hiện sự phá cách, phơi bày sự thật, sẵn sàng chạm đến tận cùng cảm xúc người xem bằng những đề tài gai góc và đặt ra nhiều vấn đề, thì phim Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức mô tả sự kiện. Đây cũng là nguyên nhân khiến phim tài liệu Việt Nam phải vật lộn tìm chỗ đứng trong lòng công chúng. Nghĩ được đề tài, làm phim để cả thế giới xem được không phải dễ dàng. Những nhà sản xuất phim tài liệu vẫn luôn trăn trở, làm sao để phim tài liệu Việt Nam có sức sống lâu bền chứ không chỉ được quan tâm khi nào diễn ra liên hoan. Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Phần cho biết “trước đây chúng ta có một lượng khán giả đi xem phim tài liệu rất rõ ràng, nhưng bây giờ chúng ta đã bỏ quên điều đó. Đến nay, liên hoan phim tài liệu đã thu hút được rất đông khán giả, tôi lại thấy hình như khán giả là có nhu cầu xem phim tài liệu. Câu hỏi đặt ra, làm sao thu hút được khán giả phim tài liệu? Nếu chúng ta mở một rạp chiếu phim tài liệu liệu có người xem chưa? Vấn đề ở đây là chúng ta làm thế nào để kéo được họ đến rạp. Trong những liên hoan phim, những bộ phim trình chiếu đã được chọn lọc kỹ cả về nội dung và hình thức, vì vậy khán giả thấy rất hào hứng, thích thú khi xem. Nhưng nếu chiếu đồng loạt những phim tài liệu thì chưa chắc đã có sự thu hút như vậy. Vấn đề chất lượng, đào tạo người làm phim, đào tạo được cả khán giả xem phim thì đấy là điểm rất lớn”. Ông Đào Thanh Tùng nhấn mạnh phim tài liệu của ta yếu về tính nhân loại: “chúng ta đang làm phim trong ao nhà mình, làm cho người nước ngoài xem phim Việt Nam không hiểu nội dung nói gì. Trong khi đó các nhà làm phim nước ngoài họ có thể tồn tại, xin được tài trợ chính là nhờ tính nhân loại của họ”.

Ngoài việc hạn chế về mặt đề tài, phim tài liệu Việt Nam còn bị hạn chế về thời lượng phát sóng. Các bộ phim tài liệu của ta có độ dài khoảng 30 phút, lượng thời gian đó không đủ thể hiện những đề tài lớn. Khán giả đến xem chưa kịp ngồi ấm chỗ, chưa kiểu hiểu câu chuyện trên phim diễn ra thế nào đã thấy tác giả kết luận bộ phim… Với một thời lượng phát sóng như vậy, các nhà làm phim rất khó để đi sâu khai thác nhiều khía cạnh khác nhau, mà chỉ tập trung vào vấn đề trọng tâm nhất.

Kinh phí làm phim

Đây không phải là vấn đề riêng của những nhà làm phim tài liệu Việt Nam, mà ngay cả các nước khác cũng vậy. Bà Anna Pitoun chia sẻ: “Ở Pháp, sẽ rất vất vả để thuyết phục một kênh truyền hình chi tiền để sản xuất một bộ phim. Bạn phải viết hàng trang giấy để mô tả ý tưởng của mình và giải thích lý do tại sao muốn làm bộ phim. Thậm chí còn phức tạp hơn thế, họ muốn bạn sẽ làm như thế nào và điều gì diễn ra trong bộ phim. Thật khó để trả lời những câu hỏi này. Bởi vì đây không phải là một bộ phim viễn tưởng, hoàn toàn không có kịch bản, không thể biết điều gì sẽ xảy ra sau khi bạn đặt câu hỏi đầu tiên…”. Câu nói “Tôi tự là nhà sản xuất, là ngân hàng cho chính tôi vay tiền!” của bà tưởng chừng như lời nói bông đùa, nhưng thực chất đó là hiện thực mà những người làm phim tài liệu phải đối mặt.

Trong khi các đạo diễn nước ngoài làm phim độc lập, chịu hoàn toàn trách nhiệm về đề tài, tài chính thì ở Việt Nam các nhà làm phim lại hoàn toàn ở thế bị động. Theo ông Nguyễn Hữu Phần, ở Việt Nam có 2 hệ thống phim tài liệu: do nhà nước nuôi và phim độc lập. Loại thứ nhất thì nhà nước trả tiền, làm phim phải theo ý tưởng của người đặt, do đó không được thể hiện phong cách cá nhân. Đây chính là nguyên nhân hạn chế về đề tài, sự phóng túng của sáng tạo, làm theo kiểu trả hàng, không quan tâm đến khán giả. Tuy nhiên, không phải là tất cả, trong số đó vẫn có những phim hay bởi đã biết khéo léo kết hợp giữa cái sự trả hàng với sự sáng tạo của cá nhân. Loại thứ hai là được đào tạo ngắn ngày, từ những người ở nhiều ngành khác sang làm, các sản phẩm làm ra đặc biệt phát huy được tính cá nhân, nhưng lắm lúc cá nhân quá mà chỉ họ mới hiểu, vì vậy cũng không thể có khán giả… Chung quy lại bằng cách này hay cách khác thì vấn đề cốt lõi vẫn là làm thế nào có khán giả. Việc đó chỉ có thể thực hiện được bằng việc làm phim thật tốt. Trong Hội thảo, ông Đào Thanh Tùng chia sẻ: những người làm phim nhà nước trước hết là phải làm phim theo đúng yêu cầu. Vì vậy có rất nhiều tác phẩm rập khuôn, không tạo được ấn tượng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người làm phim cải tiến theo phong cách châu Âu, châu Mỹ. Vì vậy chúng ta không nên nhìn nhận vấn đề phiến diện về những người làm phim tài liệu nhà nước. Và chính từ quan điểm này, ông đưa ra những câu hỏi để mọi người cùng suy ngẫm về thách thức lớn nhất cho nhà làm phim của nhà nước: nếu nhà nước không bỏ tiền ra làm phim nữa thì những nhà làm phim tài liệu sẽ ra sao? Không phải mất nguồn sữa của nhà nước mà phim tài liệu sẽ biến mất? Thực chất đối với người làm phim tài liệu, vẫn phải đương đầu với vấn đề kinh phí, phải tự tìm ra con đường riêng có như vậy mới trụ vững, và cống hiến cho xã hội những tác phẩm xuất sắc.

Cách tiếp cận mới đưa phim tài liệu đến với khán giả

Việc tiếp cận khán giả là một trong những thách thức lớn nhất đối với người làm phim tài liệu. Bởi hiện nay đa phần khán giả cho rằng xem phim tài liệu là buồn chán, tẻ nhạt. Nhìn qua các kênh phát sóng truyền hình của Việt Nam, thì thấy thật hiếm có kênh chiếu phim tài liệu. Mọi thứ đã bị thương mại hóa, làm cho phim tài liệu ngày một xa rời khán giả. Tuy mất lợi thế trên kênh truyền hình, nhưng phim tài liệu đang đi theo một hướng mới, hứa hẹn nhiều thành công. Ngày nay ngoài các kênh truyền thống sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số mang đến nhiều lựa chọn cho khán giả Internet, Youtube… là những gợi ý mà những nhà làm phim quốc tế nhắc đến như một giải pháp, giúp phim tài liệu Việt tìm kiếm nguồn tài trợ cũng như tìm nơi phát hành. Chúng ta không nên quá lệ thuộc vào truyền hình. Đồng quan điểm này, bà Phan Huyền Thư cho biết đã đưa một số bộ phim tài liệu của mình lên Youtube và nhận được sự quan tâm của đông đảo người xem. Số lượng người truy cập vào xem tăng lên rõ rệt. Chấp nhận sự đa dạng trong cách thể hiện cũng được các nhà làm phim coi là một cách kích thích sự phát triển của phim tài liệu hiện nay. Bên cạnh việc áp dụng công nghệ mới vào làm phim, thì các hoạt động như tổ chức festival cần được quan tâm hơn. Chúng ta nên tổ chức các buổi chiếu, liên hoan phim mang tính chất cộng đồng. Đây là nơi tốt để giới thiệu tác phẩm, và là diễn đàn để những người làm phim và khán giả hiểu nhau hơn. Thu hút được đông đảo khán giả đến xem, đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho phim tài liệu sống và tiếp tục phát triển.

Một trong những vấn đề được luôn được quan tâm tại các hội thảo, đó là nguồn đội ngũ làm phim. Trong vài năm trở lại đây, lực lượng trẻ tham gia làm phim tài liệu tương đối đa dạng, chủ yếu là làm phim độc lập. Họ đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, nhưng có chung niềm đam mê làm phim. Thông qua các lớp học của nhiều trung tâm làm phim với sự tài trợ của những tổ chức quốc tế… với nhiều dự án như Chúng ta làm phim, 10 tháng 10 phim ngắn… Ngoài ra, còn có nhiều trung tâm làm phim tài liệu ra đời với kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ, hay trung tâm văn hóa nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam như: Viện Goethe, trung tâm thử nghiệm về phim tài liệu và nghệ thuật video (Doclab), quỹ văn hóa Đan Mạch… Các tổ chức này đã góp phần đào tạo những nhà làm phim trẻ độc lập giàu nhiệt huyết với nghề…

Những ngày Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng yêu phim tài liệu. Các bộ phim của liên hoan đã mang đến những cung bậc cảm xúc và sự thăng hoa của nghệ thuật. Sẽ không có sự thật nào được phản ánh một cách chân thực như trong phim tài liệu.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 350, tháng 8-2013

Tác giả : Tuệ Sam

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *