Dân tộc và miền núi là một vấn đề lớn, ngày càng được quan tâm hơn khi đất nước phát triển và hội nhập. Việc xóa đói giảm nghèo có đối tượng ưu tiên hàng đầu là đồng bào dân tộc và miền núi. Những vùng dân tộc miền núi trước đây nghèo đói, trình độ dân trí thấp, những tập tục lạc hậu đè nặng lên đời sống vật chất tinh thần của người dân thì nay hoàn toàn đã thay đổi, bộ mặt làng bản đẹp, khang trang, giao thông đi lại đã thuận tiện, con em đều đã được đến trường. Khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi đã dần thu hẹp lại. Nhiều vùng dân tộc, miền núi đã trở thành giàu có với những mô hình làm ăn giỏi, không chỉ phát triển kinh tế mà còn tiếp cận khoa học kỹ thuật và công nghệ sản xuất tiên tiến. Tuy nhiên, trong khi sự phát triển kinh tế được coi trọng và có những đổi thay nhanh chóng thì sự phát triển văn hóa có phần chậm trễ, có những lĩnh vực ít được chú ý hoặc bị lãng quên…
Năm 1959, bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam Chung một dòng sông ra đời thì chỉ hai năm sau, 1961, bộ phim truyện về đề tài dân tộc Vợ chồng A Phủ cũng được sản xuất. Đây là bộ phim truyện về đề tài dân tộc và miền núi đầu tiên của điện ảnh Việt Nam mà nhà văn Tô Hoài vừa là tác giả tiểu thuyết vừa là tác giả chuyển thể kịch bản phim. Cùng với việc làm phim về dân tộc và miền núi là việc chiếu phim. Từ cuộc kháng chiến chống Pháp ở những vùng đồng bằng và chiến khu Bắc Bộ đến dải đất miền Trung và bưng biền Nam Bộ, các đội chiếu bóng lưu động đã được thành lập, đem máy móc và phim ảnh đến tận các bản làng và trận địa chiếu phim phục vụ bộ đội và nhân dân, kịp thời động viên bộ đội và nhân dân chiến đấu, sản xuất… Đây cũng là một thành tựu lớn của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Trở lại bộ phim Vợ chồng A Phủ. Câu chuyện xảy ra vào thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Hai nhân vật chính của phim là A Phủ do nam diễn viên Trần Phương đóng, và Mỵ do nữ diễn viên Đức Hoàn đóng. Đôi nam nữ thanh niên nghèo người dân tộc Mông này đã bị tên thống lý Pá Tra chúa đất khét tiếng gian ác một vùng, tay sai cho thực dân Pháp, ra sức đàn áp bóc lột.
Hắn bắt Mỵ về làm vợ lẽ cho con trai của hắn là A Sử, bắt A Phủ đi ở không công cho nhà hắn. Cả hai cùng bị đánh đập, chửi bới và bị bóc lột đến tận cùng. Cùng cảnh ngộ, Mỵ và A Phủ đem lòng yêu nhau, được sự dẫn lối chỉ đường của các cán bộ cách mạng, họ đã cùng với nhân dân vùng lên đấu tranh giành lại tình yêu và tự do cho cuộc sống của mình.
Đạo diễn Mai Lộc xuất thân từ Tổ điện nhiếp ảnh khu 8, điện ảnh bưng biền Nam Bộ. Ông đã quay bộ phim tài liệu Trận Mộc Hóa, trận đánh nổi tiếng của bộ đội chủ lực tiểu đoàn 307 phối hợp với bộ đội địa phương vùng đồng bằng Tháp Mười tiêu diệt đồn Mộc Hóa, bắt sống tên đồn trưởng và nhiều binh lính Pháp. Từ trận đánh này, tiểu đoàn 307 nổi tiếng với bài hát Tiểu đoàn 307 do NSND Quốc Hương thể hiện.
Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, đạo diễn Mai Lộc cùng một số cán bộ điện ảnh bưng biền Nam Bộ được điều động ra chiến khu Việt Bắc bổ sung lực lượng cho điện ảnh Đồi Cọ quay phim chiến dịch lớn này… Nhờ có nhiều năm sống ở vùng chiến khu Việt Bắc, hiểu biết khá sâu về đời sống của đồng bào dân vùng Việt Bắc – Tây Bắc, ông đã cùng nhà văn Tô Hoài thực hiện thành công bộ phim truyện đầu tiên về đề tài dân tộc của điện ảnh Việt Nam. Chủ đề tình yêu được tô đậm và nổi bật trong phim làm cho Vợ chồng A Phủ có sức lôi cuốn, hấp dẫn khán giả với hai diễn viên chính trẻ, đẹp… Bây giờ xem lại những thước phim xa xưa ấy, người xem vẫn thấy yêu thích với câu chuyện đầy kịch tính, một tình yêu đôi lứa trẻ trung, chân thật, những phong tục tập quán và sắc màu thiên nhiên tươi đẹp của núi rừng Tây Bắc hùng vĩ và thơ mộng, mang đầy bản sắc riêng của đồng bào dân tộc vùng cao Tây Bắc.
Phim vừa làm xong đã được chiếu giới thiệu ở LHP quốc tế Mátxcơva năm 1961, được đông đảo khán giả Xô viết thời đó yêu thích. Tại LHP Việt Nam lần thứ hai năm 1973, phim được tặng giải Bông sen bạc.
Tiếp sau Vợ chồng A Phủ, khán giả Việt Nam lại được xem bộ phim truyện Kim Đồng sản xuất năm 1964, cũng là kịch bản của nhà văn Tô Hoài, đạo diễn Nông Ích Đạt và Vũ Phạm Từ.
Đạo diễn Nông Ích Đạt người dân tộc Tày, tỉnh Cao Bằng đảm nhiệm vai trò chính của bộ phim. Nhân vật chính và chuyện phim cũng diễn ra ở vùng chiến khu Cao Bằng trước Cách mạng tháng Tám 1945. Kim Đồng, nhân vật có thật trong lịch sử, một thiếu niên người dân tộc Nùng, mới 15 tuổi đã tham gia hoạt động cho cách mạng. Làm liên lạc, với chiếc cần câu và con chim sáo trong lồng em đi khắp vùng chiến khu dò la tình hình địch, dẫn đường cho nhiều cán bộ hoạt động bí mật. Một hôm giặc Pháp bất ngờ bao vây cuộc họp của cán bộ cách mạng đang chuẩn bị kế hoạch cho cuộc khởi nghĩa, Kim Đồng đã bất ngờ xuất hiện và đánh lạc hướng bọn địch, giặc Pháp đuổi theo Kim Đồng và bắn chết em… Cái chết của Kim Đồng đã trở thành bất tử. Tấm gương vì nước hy sinh thân mình của đội viên thiếu niên Kim Đồng được truyền tụng trong nhân dân. Bài hát về Kim Đồng cũng nhanh chóng ra đời…
Bài hát Kim Đồng, phim truyện Kim Đồng đã đồng hành suốt hơn nửa thế kỷ qua, nó đã trở thành ký ức thời gian. Tại LHP Á Phi ở Jacácta, Indonesia năm 1964, phim được tặng giải Băng đung cho phim hay nhất, giải Lumumba cho quay phim và dựng phim, và tại LHP Việt Nam lần thứ hai năm 1973 phim được tặng giải Bông sen bạc.
Phim Cô gái vùng cao cũng do đạo diễn Nông Ích Đạt thực hiện dựa vào truyện người tốt việc tốt, cô gái người Tày Tô Thị Dỉnh mong muốn đưa ánh sáng văn hóa đến với các em nhỏ dân tộc vùng cao Tây Bắc. Nữ diễn viên Tố Uyên (đóng vai bé Nga trong phim Chim vành khuyên) đóng vai cô giáo Dỉnh. Mở đầu phim, cô giáo giơ cao ngọn đuốc giữa rừng đêm tối mịt mùng đi vận động các em nhỏ đến trường. Còn ông chủ tịch xã thì quá bận rộn với công việc sản xuất mà coi nhẹ cái chữ…, các con em dân bản thì ham chơi hơn là việc học. Điều đó đã làm cô giáo nản lòng, có lúc muốn rời bỏ làng bản mà đi. Nhưng rồi cô chợt nhớ đến lời dạy của Bác Hồ nói với thế hệ thanh niên: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Lời dạy của Bác đã khơi dậy niềm tin và sức mạnh giúp cô giáo Dỉnh kiên trì vận động con em đến lớp, vững tâm vượt qua khó khăn ban đầu, tiếp tục theo đuổi sự nghiệp giáo dục của mình trên vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tổ quốc.
Phim Cô giáo vùng cao có tính thời sự cấp thiết, có tính thuyết phục cổ vũ lớp trẻ theo tiếng gọi của đất nước, của Bác Hồ, đem sức trẻ đến những vùng cao, vùng xa xây dựng quê hương đất nước…
Đắc Sao một ngọn núi cao của Tây Nguyên hùng vĩ, nơi đã sản sinh nhiều bản trường ca nổi tiếng như Đam San, Xinh Nhã, Đăm Zi. Hình tượng chàng dũng sĩ Đam San trong trường ca đã làm say mê nhà đạo diễn kiêm quay phim Trần Thế Dân trong những tháng năm anh làm phóng viên điện ảnh tại chiến trường khu Năm và miền Trung trong kháng chiến chống Mỹ.
Với truyền thuyết chàng dũng sĩ Đam San trèo lên đỉnh núi cao để tìm nữ thần mặt trời – nữ thần của ánh sáng. Truyền thuyết đó đã gợi mở cho đạo diễn Trần Thế Dân và nhà quay phim trẻ người Tây Nguyên là Kơpa Yvang xây dựng bộ phim tài liệu nghệ thuật Những người săn thú trên núi Đắc Sao. Phim được tặng Huy chương vàng tại LHP quốc tế Matxcơva năm 1971 và giải Bông sen vàng tại LHP Việt Nam lần thứ hai năm 1973.
Phim kết hợp giữa truyền thuyết Đam San xưa kia đi tìm nữ thần mặt trời với những chàng trai Tây Nguyên hiện tại đi tìm diệt máy bay Mỹ trên đỉnh núi Đắc Sao. Mở đầu phim là tiếng nhạc của một dàn đàn tơ rưng trải dài và ngân vang trên những dòng suối trong ngần và thơ mộng. Tiếng cồng chiêng vang động núi rừng trong ánh mặt trời lung linh huyền ảo, chiếu rọi qua những vòm cây, kẽ lá in bóng xuống đáy nước, cùng hình bóng đội quân du kích với những khẩu súng khoác trên vai, từ khu suối họ leo ngược lên đỉnh núi, bóng họ in lên nền trời xanh có thể với tay chạm tới mặt trời. Và rồi những con thú, bầy thú dữ – máy bay Mỹ – cũng vừa xuất hiện, nó rình rập, ẩn hiện trong mây mù… Rồi nữa những con thú bị bắn rơi, bắn cháy… Những chàng dũng sĩ reo hò, nhảy múa trong nhịp cồng chiêng bên cạnh xác các máy bay… Trên hàng cọc tre dùng để bêu đầu những con thú mà bộ tộc vừa săn bắn được nay có thêm một cái đầu – một chiếc mũ sắt của tên phi công Mỹ, một con thú vừa mới săn bắn được bổ sung cho bộ sưu tập.
Đến đây thì người xem hiểu rằng những dũng sĩ Tây Nguyên thời hiện đại không đi săn bắt thú rừng mà họ đi săn bắt những thần sấm, con ma, những tên giặc trời của không quân Mỹ đang ngày đêm bắn phá giết hại bà con dân làng các bộ tộc Tây Nguyên.
Hòa trộn truyền thuyết và hiện thực cùng chất lãng mạn và ý tưởng độc đáo mang nhiều tính ẩn dụ, liên tưởng, đạo diễn Trần Thế Dân và nhà quay phim Kơpa Yvang đã viết tiếp những bản trường ca thời hiện đại của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, làm dày thêm truyền thống chống giặc ngoại xâm và truyền thống văn hóa của vùng đất cao nguyên trung phần vốn hấp dẫn và nổi tiếng từ lâu.
Tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc nổi tiếng một thời đã làm say mê hàng triệu độc giả Việt Nam và nước ngoài. Năm 1994 đạo diễn điện ảnh Lê Đức Tiến Hãng phim Truyện Việt Nam đã chuyển thể thành phim. Câu chuyện kể về Núp, một chàng trai Tây Nguyên có thực. Ông đã đứng lên vận động, tập hợp dân làng đào hào, lập ấp, vót chông bố trí trận địa đánh Pháp, giữ gìn buôn làng. Từ một đốm lửa đã bùng lên thành đám lửa, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã vùng đứng lên với gậy gộc, giáo mác, cung tên quyết đánh và quyết thắng đội quân xâm lược Pháp với lực lượng chính quy hùng hậu, vũ khí, xe pháo tối tân, hiện đại.
Núp đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và đã trở thành một huyền thoại, khái quát một chủ đề rộng lớn, cả đất nước Việt Nam đã đứng lên giành lại độc lập, tự do và quyền sống cho mình…
Nhắc lại một số bộ phim tiêu biểu, chúng ta thấy rõ rằng, trong quá khứ điện ảnh nước nhà đã có những thành tựu đáng ghi nhận về việc làm phim về đề tài dân tộc và miền núi, nhất là lĩnh vực phim truyện, loại phim chủ lực của điện ảnh, đòi hỏi lớn về nhu cầu xem phim của nhân dân. Nó thể hiện sự quan tâm chăm lo phát triển văn hóa xã hội ở những vùng sâu, vùng xa mà phim ảnh là nghệ thuật có tính quần chúng rộng rãi nhất, dễ phổ cập nhất trong mọi tầng lớp nhân dân và sức tác động của nó cũng vô cùng lớn lao. Thế nhưng từ khi đất nước đổi mới phát triển và hội nhập với thế giới thì việc làm phim về đề tài dân tộc và miền núi ở thể loại phim truyện gần như vắng bóng, gần như bị bỏ rơi. Trừ những bộ phim được sản xuất từ những năm 60 – 70 – 80 của thế kỷ trước, những năm gần đây mới có thêm được một bộ phim truyện về đề tài dân tộc, đó là phim Chuyện của Pao. Một phim cho cả một thời gian dài đổi mới và phát triển trên 20 năm có lẻ, đó là điều mà những người làm văn hóa, làm điện ảnh phải suy nghĩ trong khi Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách về dân tộc và miền núi, về xây dựng nông thôn mới hẳn cũng phải tính đến nhu cầu văn hóa, nhu cầu điện ảnh cho những vùng trũng này. Trong nhiều năm nay, ngành điện ảnh vẫn thường xuyên sản xuất các chương trình băng hình có lồng tiếng dân tộc dành riêng cho đồng bào dân tộc và miền núi và vẫn cung cấp đều đặn cho các đội chiếu bóng lưu động của 64 tỉnh thành trên toàn quốc phục vụ miễn phí cho đồng bào dân tộc, miền núi và cả nông thôn. Mỗi chương trình phim có độ dài khoảng gần 3 tiếng đồng hồ, gồm một phim truyện, một phim hoạt hình và một tiết mục phim tài liệu, khoa học. Phim truyện và phim hoạt hình rất ít phim về đề tài dân tộc và miền núi. Nếu có cũng chỉ in sang băng lại những phim cũ như Vợ chồng A Phủ, Kim Đồng, Cô giáo vùng cao… Chỉ có tiết mục phim tài liệu khoa học là cập nhật được những vấn đề thời sự xã hội đã và đang diễn ra ở các vùng dân tộc miền núi, nhờ tổ chức các tổ quay phim đến các địa phương quay người thật việc thật về khuyến nông, xóa đói giảm nghèo, về trồng rừng… Những tiết mục phim như thế rất phù hợp với thực tế cuộc sống của bà con dân tộc miền núi, được bà con yêu thích.
Tháng 7-2011, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Yên Bái cử một đoàn cán bộ công tác và chiếu phim phục vụ đồng bào dân tộc Mông xã Zế Su Phình huyện Mù Cang Chải. Buổi chiếu phim được tổ chức tại Nhà văn hóa xã vào buổi tối, có hơn 300 khán giả tới xem bộ phim truyện Vợ chồng A Phủ. Có người giới thiệu và thuyết minh phim bằng tiếng dân tộc Mông giúp bà con hiểu và cảm thụ bộ phim một cách thích thú. Kết thúc phim, khán giả reo hò khen phim hay quá và yêu cầu chiếu tiếp nữa đi. Đoàn công tác của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Yên Bái rất vui mừng, phấn khởi và cho rằng đó là một buổi chiếu phim thật ấn tượng vì đã thực sự đem lại niềm vui và thích thú cho bà con. Nhưng những người làm nghề điện ảnh cũng không khỏi thoáng một chút buồn là buộc phải chiếu một bộ phim đã sản xuất cách đây tròn 50 năm. Giá như có được một bộ phim mới về đề tài dân tộc và miền núi để chiếu cho bà con xem thì niềm vui còn được nhân lên hơn nhiều.
Sự thiếu hụt về phim Việt Nam đã quá rõ ràng. Nhưng sự thiếu hụt về đề tài dân tộc và miền núi lại càng rõ ràng hơn. Phim chỉ tập trung vào đề tài thị dân, khai thác người xem và doanh thu ở các đô thị lớn. Điều đó không thể phê phán hoặc trách cứ họ được. Quy luật của thị trường tất yếu nó phải thế. Nhưng với những nhà quản lý văn hóa, những nhà nghiên cứu và phê bình thì đây là một vấn đề cần được lưu tâm và cần phải có hướng khắc phục giải quyết.
Trước đây có thời kỳ phim lịch sử của Trung Quốc chiếm lĩnh màn ảnh Việt Nam, người Việt Nam hiểu sử Trung Quốc hơn sử Việt Nam. Nay thì phim bạo lực, võ môn, quyền cước Trung Quốc, phim hành động, kinh dị của Mỹ cũng đang tràn lan trên màn ảnh Việt Nam và một bộ phận không nhỏ khán giả Việt Nam nhất là lớp trẻ đã chịu ảnh hưởng tiêu cực rất lớn của loại phim bạo lực, hành động bạo lực đó.
Phim chúng ta sản xuất quá ít, không đáp ứng nhu cầu xem phim của nhân dân, rõ ràng là chúng ta đã bỏ ngỏ, nhường chỗ cho phim nước ngoài lấn lướt, chiếm lĩnh và cả sự thao túng bằng những loại phim độc hại.
Đảng và Nhà nước đang triển khai thực hiện chương trình Xây dựng nông thôn mới, trong đó địa bàn dân tộc và miền núi rất quan trọng. Khi xây dựng kế hoạch phát triển, không chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế dồn vùng đổi thửa, đường sá giao thông, trường học, bệnh viện, thu nhập đầu người mà còn phải coi trọng, quan tâm hơn đến đời sống văn hóa, chỉ tiêu văn hóa, mà trong đó điện ảnh là một loại hình nghệ thuật không thể thiếu, nhất là đối với dân tộc, miền núi và nông thôn.
Xin đừng để 50 năm, 60 năm sau, đồng bào dân tộc và miền núi vẫn chỉ được xem một vài bộ phim như Vợ chồng A Phủ hoặc là Kim Đồng…
Nguồn : Tạp chí VHNT số 342, tháng 12-2012
Tác giả : Phan Đình Mậu
Bài viết cùng chủ đề:
Sự giao thoa phim truyện và phim tài liệu qua cha cõng con
Nhận diện đạo diễn phim việt những năm gần đây
Tấm cám: chuyện chưa kể – từ truyện kể đến điện ảnh