Không hoa mỹ, phô trương, những tác phẩm chèo do nhà soạn kịch – nghệ sĩ nhân dân (NSND) Tào Mạt sáng tạo đã đạt tới sự chuẩn mực về cái đẹp trong nghệ thuật chèo. Có thể nói, tư chất tài hoa nghệ sĩ trời phú được tỏa sáng trong tâm hồn, cốt cách của ông – một người đã từng sớm tham gia cách mạng, trở thành bộ đội cụ Hồ để rồi tình yêu đất nước được ngưng tụ và kết tinh trong bộ ba tác phẩm chèo Bài ca giữ nước. Tên tuổi ông sẽ còn mãi cùng thời gian, trong sức sống bền bỉ của nghệ thuật chèo hiện đại Việt Nam.
1. Bài ca giữ nước và sứ mệnh người nghệ sĩ
Bộ ba Bài ca giữ nước (1979-1985) là tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác chèo của Tào Mạt, gồm: Lý Thánh Tông tuyển hiền, Ỷ Lan nhiếp chính và Lý Nhân Tông học làm vua. Tác phẩm là sự chưng cất của trí tuệ, tài hoa, nhân cách người nghệ sĩ – chiến sĩ Tào Mạt. Ở đó lòng yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tính dân chủ, ý thức công dân hiện đại và tính nhân văn sâu sắc quyện hòa, nhất quán, làm nên vẻ đẹp đặc sắc, riêng biệt của tác phẩm, chạm tới tận cùng sâu thẳm trái tim khán giả.
Là người luôn trân trọng, giữ gìn vẻ đẹp của kịch hát dân tộc, Tào Mạt không ngừng học hỏi về nghệ thuật dân gian của dân tộc, ngôn ngữ, âm nhạc và vũ đạo, kể cả múa ba lê, với ý thức học người để hiểu mình sâu hơn. Trên cơ sở các làn điệu chèo truyền thống, nhà soạn kịch Tào Mạt đã sáng tạo nên những làn điệu mới, chuyển tải một cách hiện đại hơn nội dung tư tưởng, phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ của công chúng đương đại. Vì vậy, bộ ba tác phẩm Bài ca giữ nước được giới chuyên môn đánh giá là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nghệ thuật chèo nói riêng và nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện đại nói chung. Nhân vật hề Hoạn với những lớp trò, lời thoại đặc sắc có thể sánh vai với những nhân vật tiêu biểu trong các vở chèo truyền thống.
Trong Bài ca giữ nước, Tào Mạt đã sáng tạo ra vai hề Hoạn độc đáo, giàu tính chiến đấu, tính nhân văn. Đó là một vai hề có tính cách, số phận, có diễn biến tâm lý, quan hệ mật thiết với nhiều nhân vật trong vở diễn. Một vai hề vừa giữ được đặc điểm của hề chèo truyền thống nhưng lại có những tính cách mới, gần gũi với đời sống đương đại. Có lúc hề chững chạc, tỏ ra là người từng trải, có lúc lại bông đùa nghịch ngợm, ví von cười cợt “Suốt đời ta làm vui cho người/ Thấy kẻ ăn bám, tham lam thì ta cười tủm, cười ruồi/ Thấy kẻ nịnh hót, gian ác thì ta cười khinh cười bỉ” (1). Người xem hiểu rằng, đằng sau cái cười tủm, cười ruồi ấy là sức mạnh của bản lĩnh, của nhân cách, dám đối diện đấu tranh với cái xấu, bất lương, phi nghĩa.
Sự tài tình của NSND Tào Mạt không chỉ ở phần sáng tạo tác phẩm mà còn ở sự nhạy cảm, sâu sắc trong việc chọn vai diễn. Mạnh dạn giao cho Ngọc Viễn đảm nhận vai hề Hoạn, Tào Mạt đã phát huy được sự tinh tế huyền diệu của người nghệ sĩ. Ngọc Viễn là diễn viên nữ, khi vào vai người khác giới, khó khăn càng nhân lên gấp đôi, nhưng ngọn lửa đam mê nghệ thuật chèo cháy rực trong tâm hồn thầy và trò. Được tác giả – đạo diễn Tào Mạt hướng dẫn tận tình, Ngọc Viễn đã nỗ lực, cố gắng hết mình để làm nên một vai diễn thành công. Khi xem Ngọc Viễn diễn hề Hoạn, khán giả có cảm tình với chị. Chị đã thể hiện được cái cốt cách chân thực của một anh hề chuyên mua vui cho thiên hạ. Khi chị cất tiếng hát, với sự vận dụng ngữ điệu, ngữ khí tài tình, tiếng hát của chị chứa đựng cả nỗi giận hờn, trách móc. Người nghệ sĩ chèo này đã làm cho vai hề sống mãi với vở diễn, sống mãi với nghệ thuật chèo.
Bản lĩnh sáng tạo của Tào Mạt còn được thể hiện ở việc giao vai diễn thứ hai cho Ngọc Viễn. Đó là vai hề Già, một vai diễn thể hiện rõ trí tuệ, bản lĩnh sân khấu của người đạo diễn. Đối với một nữ nghệ sĩ, nếu diễn theo kiểu tươi trẻ thì không mấy khó khăn nhưng sắm vai bi hùng như hề Già, một ông già quắc thước, râu tóc bạc phơ, có chí khí không phải dễ dàng gì. Được xem là một phù thủy sân khấu, là ma chèo, Tào Mạt đã định hướng, truyền cảm hứng diễn xuất, giúp Ngọc Viễn hóa thân vào nhân vật, lột tả thành công hình tượng nhân vật hề Già, vốn là một hoạn quan trong cung đình. Khi về với đời thường, ông hề vẫn là người có nhân cách của người quân tử. Sự cương trực, trí thông minh hơn người khiến ông luôn nhìn thấu tâm can kẻ bất lương. Vì vậy ông bị hãm hại, đem chôn sống. Nhưng đó là cái chết bi hùng, cái chết cao cả, cái chết không chịu khuất phục dù chỉ là một hề Già.
Trong Bài ca giữ nước, chân dung người nghệ sĩ được khắc họa bởi vai hề mà không phải là hề theo mô hình truyền thống. Nhân vật hề trong Bài ca giữ nước không còn là người ngoài cuộc bình phẩm, phán xét các nhân vật cố sự mà đã thật sự là người trong cuộc, tham gia vào xung đột kịch và thể hiện hoàn chỉnh một tính cách – tính cách người nghệ sĩ. Hề Hoạn, hề Già không phải là nhân vật hài mà thật sự là một nhân vật mang tính chất bi kịch. Ở họ có hình ảnh người dân quê chất phác thật thà, có kiến thức phong phú của một nho sinh, lại bộc lộ phẩm chất của người nghệ sĩ. Mượn lời hề Hoạn, hề Già, Tào Mạt đã gửi thông điệp đạo làm nghệ sĩ một cách lịch lãm, tế nhị tới những ai khát khao hướng tới cái đẹp, chân, thiện, mỹ. Theo ông, người nghệ sĩ là thư ký của thời đại, là người phát ngôn của quần chúng nhân dân thì phẩm chất số một phải là dũng khí. Có dũng khí để dũng cảm nói lên sự thật, chống cường quyền, dám đấu tranh cho chính nghĩa, bênh vực quyền sống của con người, trừng ác khuyến thiện, góp phần cải tạo xã hội, hướng tới cuộc sống tốt đẹp. Trong Bài ca giữ nước, hề Hoạn, hề Già đều uy vũ bất năng khuất, chấp nhận hy sinh để rồi dũng cảm nói lên sự thật trước kẻ nắm cường quyền.
Có dũng khí, không màng danh lợi, người nghệ sĩ còn phải nói lên tiếng nói của nhân dân, hát lên nỗi lòng của những người lao khổ. Trong vở Lý Nhân Tông học làm vua có một lớp chèo nhà vua nghe cô cung nữ hát. Hai bài hát này đều được Tào Mạt lấy từ ca dao, dân ca Bắc Bộ. Lời lẽ vừa trữ tình tha thiết, vừa thấm đượm nỗi buồn da diết của những con người khát khao được sống hạnh phúc trong tình yêu lứa đôi mà vẫn bị chia lìa vì lễ giáo, vì cảnh đời ngang trái, vì được tuyển vào cung. Hát trước vua, người cung nữ vừa nói lên nỗi lòng mình, nỗi niềm của bao người dân quê khác, lại vừa biểu thị dũng khí không sợ quyền uy. Qua lớp chèo này, Tào Mạt bày tỏ sự cảm thương sâu sắc đối với kiếp người cung nữ, đồng thời rút ra bài học về bản lĩnh nghề nghiệp trong lao động nghệ thuật của văn nghệ sĩ nhiều thế hệ. Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, đòi hỏi người nghệ sĩ không chỉ rung động trước cái đẹp mà còn biết định hướng thẩm mĩ cho toàn xã hội.
Nhân vật hề Già đã dùng vũ khí là tiếng hát để trừng ác, khuyến thiện:
Ta cười cho sáng lẽ dở hay
Kẻ gian hoảng vía, người ngay hả lòng
(Lý Nhân Tông học làm vua)
Đó là mục đích của tiếng cười, là lẽ sống của hề. Một khi mục đích ấy không thể đạt được dưới chế độ cũ, thì người nghệ sĩ chấp nhận cái chết để gieo mầm sự sống, đấu tranh cho lẽ phải.
Trong Bài ca giữ nước, NSND Tào Mạt đã thật triết lý một cách ý vị khi để cho nhân vật của mình nhắn nhủ với hậu thế một phương thức sống như một mệnh đề của chân lý:
Đã làm quan thì thôi làm hề
Đã làm hề thì chớ có làm quan
(Lý Nhân Tông học làm vua)
2. Tính chiến đấu trong chèo Tào Mạt
Tính chiến đấu là một nét nổi bật trong chèo Tào Mạt. Giống như tuyên ngôn của hề Già, Tào Mạt dùng kịch bản chèo, văn chương của mình tiến công vào cái ác, cái xấu trong xã hội. Tào Mạt đã từng phê phán cái xấu, cái ác của những người bên kia chiến tuyến, là đại diện cho lực lượng phản cách mạng, phản tiến bộ. Ông cũng đã xây dựng nhân vật trên sân khấu từ tổng thống Ngô Đình Diệm đến mấy ngài tổng thống khác, các tướng tá, binh sĩ Hoa Kỳ (trong vở Sông Trà Khúc). Nhưng qua các vở chèo, ông tập trung nhiều hơn, dồn tâm lực nhiều hơn vào việc đấu tranh chống cái xấu, cái ác trong nội bộ phe ta.
Trong vở Ỷ Lan coi việc nước (Ỷ Lan nhiếp chính) có một số chi tiết về chú hề Hoạn khá thú vị. Đó là: hề Hoạn nhận bạc đút lót của lái buôn Tống, khi muốn vào thăm hoàng hậu để mưu toan mua chuộc bà, tìm cách làm gián điệp; hề Hoạn đòi lái buôn Tống chia cho hai lạng vàng do hoàng hậu ban thưởng, rồi xin vua Lý Thánh Tông xử tội mình bởi đã phạm tội “vì ưa phỉnh, ham rượu nên đã để thằng Tống gian vào cung” (2). Chi tiết nghệ thuật này tạo ra tiếng cười nhẹ nhàng nhưng ý vị sâu xa. Cười hề Hoạn, tác giả như tự cười mình, giới mình theo lối tự trào của các nhà thơ trào phúng khi xưa.
Thói hư, tật xấu thường làm cho con người bé nhỏ đi, cuộc sống thiếu màu sắc tươi sáng. Tính xấu không chỉ sai khiến con người làm việc xấu mà còn làm con người trở nên ích kỷ, sẵn sàng làm việc xấu, việc ác. Trong chèo Tào Mạt, quá trình chuyển hóa từ người xấu thành kẻ ác được thể hiện một cách tự nhiên, sinh động, qua hai nhân vật: Thị Lộc trong Ỷ Lan coi việc nước và Lê Văn Thịnh trong Lý Nhân Tông học làm vua.
Theo quan hệ, thể hiện trong kịch bản, Thị Lộc là em cùng cha khác mẹ với Ỷ Lan, được nguyên phi Ỷ Lan giao cho trông nom các cung nữ ở cung nguyên phi. Do bị kẻ xấu kích động, Thị Lộc từ chỗ an phận đến chỗ ghen ghét với Ỷ Lan; từ ghen ghét trong lòng đến mưu toan chiếm đoạt vị trí làm chủ hậu cung. Dạ xấu nảy sinh việc ác, dạ xấu trượt đà tất thành dạ ác, dạ ác lại nảy sinh việc ác. Thị Lộc đã thông đồng với hoàng hậu Thượng Dương mà ám hại Ỷ Lan, làm việc phản phúc khiến đời đời lên án.
Trong tác phẩm, Tào Mạt dành nhiều tâm huyết tiến công vào chủ nghĩa cá nhân. Theo ông, đây là cái gốc nảy sinh ra mọi lỗi lầm, tội ác. Những hành vi xấu xa, ác độc, gian hiểm, bị Tào Mạt mổ xẻ, phanh phui, phê phán, lên án dù có khác nhau về mức độ, diện mạo, tính chất thì tựu trung vẫn là những biểu hiện của chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân – kẻ thù của lòng nhân ái, của lý tưởng cao đẹp mà loài người phấn đấu vươn tới. Hề Già trước phút lâm chung đã ngửa mặt lên trời mà hỏi chị Hằng Nga: “Trăm năm trong cõi người ta/ Yêu nhau thì sướng hay là hại nhau?” (3). Lớp diễn chôn hề được xem là lớp diễn thần tình, làm nên giá trị của Bài ca giữ nước và tên tuổi Tào Mạt. Cứ y như hề Hoạn chết oan và xin đầu thai vào Tào Mạt để kể lại cho hậu thế bi kịch của thời hề Hoạn sống và nhắc nhở người đương thời thông điệp về quyền sống, về giá trị sống cho muôn đời. Đây chính là nỗi đau Tào Mạt, ngọn roi Tào Mạt. Nỗi đau lớn gióng hồi chuông cảnh tỉnh người đời. Ngọn roi lớn quất vào mặt những kẻ chỉ biết sống vì mình, sẵn sàng chà đạp lên quyền sống của biết bao người khác, của dân tộc khác, quốc gia khác.
Lịch lãm và sang trọng, hào hoa và nồng nàn, triết lý mà dung dị trong cách viết, Bài ca giữ nước của NSND Tào Mạt vẫn như là khúc quân hành trong cuộc sống hôm nay, thúc giục mỗi chúng ta không chỉ có lòng yêu nước nồng nàn mà cần có thái độ yêu nước, kỹ năng yêu nước đúng đắn để bảo vệ bằng mọi giá Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu. Khi tổ quốc là mẹ vĩ đại, khi đại dương xanh thấm máu đào của biết bao liệt sĩ đã ngã xuống vì dáng đứng Việt Nam kiêu hãnh nhìn từ biển thì không một thế lực nào có thể xâm phạm.
Ghi nhận giá trị của Bài ca giữ nước và sự nghiệp sáng tác của ông, Đảng, Nhà nước đã trao tặng NSND Tào Mạt giải thưởng Hồ Chí Minh. Giá trị lớn nhất của Bài ca giữ nước là giá trị tư tưởng và thẩm mỹ, là tính chiến đấu mạnh mẽ, là tiếng nói nhân sinh thiết tha, là ý nghĩa xã hội và tính thời sự của tác phẩm. Bài ca giữ nước đầy nhiệt huyết và tài hoa của NSND Tào Mạt mãi ở lại và chung nhịp quân hành với chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
_______________
1, 3. Tào Mạt, Lý Nhân Tông học làm vua, tập 3, tr.165-166, 164.
2. Tào Mạt, Ỷ Lan coi việc nước, tập 2, tr.126-127.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014
Tác giả : Nguyễn Thị Thanh Nga
Bài viết cùng chủ đề:
Nghệ thuật tạo hình trong sân khấu kịch nói
Kế thừa và biến đổi âm nhạc chèo
Nghệ thuật sân khấu dù kê, di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại