Phòng, chống ma túy ở Cao Bằng: Thực trạng và giải pháp


Trong những năm qua, kinh tế – xã hội của tỉnh Cao Bằng từng bước phát triển và đạt được những thành tựu nhất định, cơ cấu kinh tế dần chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện và nâng cao. Tuy vậy, nhiều nơi kinh tế vẫn khó khăn, nhiều xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn thấp; cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương thì tình hình các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, ma túy có chiều hướng ngày càng phức tạp.

1. Thực trạng tệ nạn ma túy hiện nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng

So với các tỉnh khác ở khu vực Đông Bắc và trên tuyến Quốc lộ 3, tệ nạn tội phạm ma túy ở Cao Bằng diễn ra với tần suất thấp hơn, đa số vẫn là mua bán ma túy nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, triệt phá được một số đường dây mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ các tỉnh vào Cao Bằng. Nguồn ma túy cung cấp cho địa bàn Cao Bằng chủ yếu là do các đối tượng người địa phương mua ở các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và tỉnh Sơn La về để sử dụng, sau đó bán để hưởng chênh lệch. Phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi và thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Các đối tượng phạm tội thường hoạt động theo đường dây khép kín và luôn đem theo hung khí, vũ khí để chống trả khi bị bắt giữ. Đặc biệt, loại ma túy người nghiện sử dụng không chỉ có thuốc phiện, heroine mà còn có cả ma túy tổng hợp, ma túy đá, cỏ Mỹ. Trung tâm thành phố Cao Bằng đã xảy ra các vụ mất an ninh trật tự do đối tượng nghiện phê cỏ Mỹ, phê ma túy tổng hợp thực hiện, các trường hợp nghiện sử dụng ma túy công khai hầu hết tại trung tâm các huyện, và các khu vực vắng vẻ, ít người qua lại. Theo dự báo trong thời gian tới, tình hình tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường. Đây là địa bàn trung chuyển lớn, sẽ có thêm nhiều đường dây vận chuyển ma túy trái phép số lượng lớn. Người nghiện ma túy vẫn còn nhiều. Công tác cai nghiện và sau cai chưa có hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện cao đồng thời công tác phối hợp trong đấu tranh, đồng thời còn hạn chế. Lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm ma túy còn thiếu, không có thiết bị, phương tiện để phát hiện, kiểm tra.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tỉnh phối hợp với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an các huyện, thành phố đã bóc gỡ, triệt phá nhiều điểm, ổ nhóm, đường dây hoạt động phạm tội về ma túy, phát hiện 347 vụ, bắt giữ 523 đối tượng có hành vi tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; 12 vụ, 13 đối tượng có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy; 32 vụ, 85 đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ: 54 bánh heroin; 1.526 cây thuốc phiện; hơn 2,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, công an huyện Thạch An, Nguyên Bình còn phát hiện, xử lý 40 vụ mua bán ma túy, 53 đối tượng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và triệt phá nhiều ổ nhóm tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy tại nhà hàng, khách sạn tại huyện Bảo Lâm… Qua đó, các ban, ngành đoàn thể của tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với các địa phương đã đưa ra nhiều các phương án, giải pháp tích cực nhằm kiểm soát, truy quét, phòng ngừa cụ thể.

2. Các giải pháp tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy

Các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng đã có nhiều giải pháp tích cực trong phòng, chống tội phạm ma túy:

Tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền với hàng trăm nghìn lượt người tham dự; kẻ vẽ hiệu, pano, áp phích, biên soạn ấn phẩm tài liệu tuyên truyền, tổ chức hoạt động trợ giúp pháp lý; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên ký cam kết thực hiện nội dung “3 không” (không sử dụng; không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; không dung túng, bao che cho tội phạm và tệ nạn ma túy). Tổ chức cho công đoàn cơ sở đăng ký xây dựng mô hình cơ quan không có ma túy; duy trì hoạt động của các câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội; duy trì các tổ tư vấn rèn kỹ năng sống, phòng ngừa xã hội; thực hiện các giờ dạy học, hoạt động ngoại khóa tích hợp nội dung phòng, chống ma túy… Tổ chức chiếu phim lưu động, xây dựng các vở kịch, ca múa nhạc chủ đề về phòng, chống ma túy tuyên truyền lưu động tại các huyện, thành phố.

Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua các chuyên mục “Vì an ninh Tổ Quốc”, “Pháp luật và đời sống”được duy trì thường xuyên trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, tăng cường thời lượng phát sóng, đăng tải nhiều tin, bài, văn bản tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, về hiểm họa, tác hại của ma túy đối với con người, gia đình và cộng đồng, đặc biệt chú trọng tuyên truyền về công tác phòng chống ma túy vào các Tháng cao điểm và Ngày toàn dân phòng chống ma túy. Thực hiện cấp phép xuất bản, in và phát hành tài liệu, tờ rơi về công tác phòng, chống ma túy tuyên truyền đến từng hộ gia đình hoặc tại các buổi lễ ra quân hằng năm vào Ngày toàn dân phòng, chống ma túy theo đúng quy định của pháp luật, tổ chức tập huấn nghiệp vụ truyền thông cho cán bộ làm công tác thông tin cơ sở nhằm nâng cao nghiệp vụ truyền thông tại địa phương về công tác phòng, chống ma túy, đối tượng là cán bộ.

Thông qua công tác tuyên truyền, các cấp ủy đảng, chính quyền các ban ngành đoàn thể đã có nhiều nỗ lực huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng chống ma túy trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nhất định, đặc biệt là quan tâm tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức đa đạng, phong phú hướng vào nhiều đối tượng khác nhau nhất là thanh niên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh đó, công tác truyền thông phòng, chống ma túy tại cộng đồng cũng được tổ chức thông qua các cuộc mít tinh, diễu hành, lễ ra quân, hội nghị, lớp tập huấn, các buổi họp dân, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy đã được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện thường xuyên, có trọng tâm trọng điểm, nội dung hình thức phù hợp, đối tượng tuyên truyền được mở rộng. Qua đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền giáo dục, vận động đảng viên, cán bộ và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ công tác phòng, chống tội phạm, tích cực tham gia vào nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự tại các địa phương, đơn vị, khu dân cư, xây dựng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến được đẩy mạnh. Nhận thức cũng như trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tội phạm nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Vai trò trách nhiệm của cấp ủy Đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, từng đảng viên trong phòng, chống ma túy ngày càng được nâng cao. Người dân được nâng cao nhận thức trước sự nguy hiểm của ma túy đối với đời sống và giá trị của việc tham gia vào công tác phòng chống ma tuý trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác tuyên truyền vận động quần chúng tham gia vào công tác phòng chống ma túy cũng còn những hạn chế như: nội dung tuyên truyền ở một số nơi còn đơn điệu; đối với những vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, số lượng người dân trình độ học vấn thấp chiếm tỷ lệ cao nên việc tuyên truyền bằng hình thức kẻ vẽ pa nô, áp phích hay sử dụng những thuật ngữ chưa mang lại hiệu quả cao. Các mô hình, hoạt động điển hình tiêu biểu trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy trên địa bàn chưa phát huy hết hiệu quả. Công tác kiểm tra, đôn đốc của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, dẫn đến hiệu quả thực hiện chưa cao.

Để công tác tuyên truyền ngày càng hiệu quả, thiết nghĩ cần tập trung đổi mới và đẩy mạnh những hình thức tuyên truyền mũi nhọn, trong đó tập trung báo nói, báo hình, hệ thống truyền thanh cơ sở, các trang thông tin điện tử, đặc biệt là hệ thống trạm, loa truyền thanh ở xã, phường, thôn, bản, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện kinh tế và địa hình còn nhiều khó khăn… Đây là những phương tiện truyền thông vô cùng hữu hiệu, có ảnh hưởng nhanh chóng và sâu rộng đến nhận thức của mọi đối tượng, tầng lớp, thành phần xã hội tránh “thông tin” một chiều trong các buổi họp, sinh hoạt câu lạc bộ, lớp tập huấn, tuyên truyền nên dành một lượng thời gian nhất định sau khi thực hiện buổi giao lưu để trao đổi, hỏi đáp những thắc mắc, những điều chưa rõ hoặc cần nhấn mạnh, thu hút sự chú ý. Vận động nhân dân tham gia nói lên suy nghĩ của mình để công tác tuyên truyền phát huy sức mạnh của cộng đồng. Đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về ma túy, cán bộ làm công tác tuyên truyền cần được đào tạo, bồi dưỡng am hiểu phong tục tập quán của địa phương, thường xuyên tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Phát huy vai trò của người đứng đầu các thôn, làng, bản là những người uy tín tại địa phương để họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong giáo dục, vận động, tố giác, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, thường xuyên gọi hỏi răn đe, giáo dục, đối tượng có tiền án, tiền sự về ma túy.

Trước thực trạng trên địa bàn tỉnh, các lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan và các lực lượng khác ở Cao Bằng đã chủ động nắm tình hình tội phạm ma túy trên tuyến, địa bàn trọng điểm; nghiên cứu phân tích, đánh giá tình hình để tập trung tìm giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy, phối hợp với các ngành chức năng, đoàn thể, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ma túy; cách phòng ngừa, đấu tranh, phòng, chống tệ nạn ma túy bằng nhiều nội dung, hình thức sâu rộng phù hợp đối với từng đối tượng, cụ thể:

Thứ nhất, phát huy vai trò lãnh đạo và ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong việc chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị và Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng chống ma túy nhằm tạo sự thay đổi hơn nữa trong nhận thức về đấu tranh phòng chống ma túy ngay từ cơ sở, từng bước kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, tệ nạn ma túy tiến tới làm giảm tội phạm, tệ nạn ma túy, giảm người nghiện trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở và kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể và cá nhân, những mô hình, cách làm hay trong phòng, chống ma túy.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về phòng chống ma túy nói riêng đến các tầng lớp nhân dân để mọi người thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức, tinh thần trách nhiệm trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy. Đồng thời, phổ biến các phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm cũng như hậu quả tác hại do tội phạm, tệ nạn ma túy gây ra để mọi người biết chủ động phòng ngừa. Phải lựa chọn phương thức, cách thức tuyên truyền, đối tượng tuyên truyền cho phù hợp.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành của tỉnh trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý người có tiền án, tiền sự về ma túy, công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính bằng giáo dục tại xã phường theo Nghị định 111 và công tác cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221 của Chính phủ, công tác quản lý người nghiện sau cai, tạo công ăn việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác điều trị thay thế Mathadone tại Trung tâm bệnh tật xã hội, mở rộng các điểm điều trị tại các huyện, thị, thành phố có hiệu quả.

Thứ tư, tập trung chuyên sâu cho lực lượng phòng chống ma túy, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ; trang bị phương tiện công cụ phục vụ phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh phòng chống ma túy; có chế độ đãi ngộ cho lực lượng trực tiếp. Triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy. Đặc biệt, cần duy trì sự phối hợp giữa các ngành tư pháp thực hiện tốt công tác điều tra, xử lý tội phạm ma túy, đưa một số vụ án điển hình xét xử lưu động, xử án điểm tại các địa phương nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Thứ năm, thường xuyên trao đổi thông tin về đối tượng giữa các lực lượng, ban ngành, đoàn thể; nhất là lực lượng Công an cấp xã, phường, thị trấn với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp và gia đình trong việc quản lý, cảm hóa, giáo dục, người nghiện ma túy, người đã cai nghiện ma túy sau khi trở về địa phương, không để họ tái phạm tội, tái nghiện ma túy. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các ngành, các cấp trong việc thực hiện công tác phòng chống ma túy; tổ chức sơ kết, tổng kết nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại cần khắc phục để đề ra những giải pháp thực hiện có hiệu quả trong thời gian tiếp theo. Bên cạnh đó cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống ma túy, công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng chống ma túy. Tích cực đổi mới công tác tuyên truyền phòng chống ma túy; đa dạng các hình thức tuyên truyền, nhất là trên không gian mạng; chú trọng đối tượng, địa bàn tuyên truyền, tăng cường các hình thức tuyên truyền cá biệt và đối tượng dễ bị lôi kéo như: học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, công nhân trong các khu công nghiệp, người lao động, người lái xe taxi, xe tải, xe khách đường dài… Tập trung vào các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy, Tháng hành động phòng chống ma túy (tháng 6), Ngày toàn dân phòng chống ma túy (26-6) hằng năm.

Biên soạn phát hành các loại tài liệu tuyên truyền phòng chống ma túy phù hợp với từng loại đối tượng. Nội dung tập trung tuyên truyền về hậu quả, tác hại của tệ nạn ma túy; cách nhận biết các loại ma túy; các dạng thức mới của ma túy và các chất ma túy mới; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội về ma túy; các tấm gương điển hình tiên tiến trong công tác phòng chống ma túy; xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về phòng chống ma túy; hằng năm có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền phòng chống ma túy, nhất là tại xã, phường, thị trấn.

Đổi mới công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng chống ma túy trong các cơ quan, doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp, nhà trường, khu dân cư; phát huy vai trò của người có uy tín trong dòng họ, chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người tiêu biểu ở xã, phường, thị trấn… Các đơn vị, địa phương thành lập, duy trì đường dây nóng, hòm thư tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy.

Kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng chống ma túy với phòng, chống tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; tiếp tục xây dựng mới, duy trì, nhân rộng các mô hình, điển hình hoạt động có hiệu quả trong xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng chống ma túy; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng chống ma túy; có chính sách hỗ trợ, động viên thỏa đáng đối với tập thể, cá nhân bị thương, hy sinh hoặc bị thiệt hại về tài sản khi tham gia đấu tranh phòng chống ma túy.

LÊ VĂN QUYỀN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 482, tháng 12-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *