Phong trào duy tân với sự chuyển biến của văn hóa nghệ thuật đầu thế kỷ xx


 

Phong trào Duy Tân xuất hiện cách đây đã hơn một thế kỷ. Đó là một trào lưu tư tưởng quan trọng, có vai trò tích cực, tác động mạnh mẽ sâu sắc đến những chuyển động của lịch sử văn hóa Việt Nam đầu TK XX trong xu thế giao lưu hội nhập với Nhật Bản và phương Tây. Tư tưởng Duy Tân đổi mới, phục hưng dân tộc được khởi nguồn từ các nhà tư tưởng văn hóa Việt Nam như Nguyễn Thành Ý, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch và theo đó là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Dương Bá Trạc, Nguyễn Quyền, Trần Quý Cáp, Phan Thúc Duyện, Trương Bá Huy, Lê Cơ…

Các nhà Duy Tân vốn xuất thân từ trí thức khoa bảng, nhưng họ đã chán chường đến tận cùng về sự lạc hậu cũ kỹ của phong kiến Đông phương và bắt đầu nhận ra những tiến bộ văn minh của Tây phương và Nhật Bản. Vốn là những người được đào tạo từ cửa Khổng, sân Trình, tiềm ẩn thái độ ủng hộ tư tưởng bảo hoàng cố chấp, thế nhưng trong không khí giao lưu văn hóa Đông – Tây, tầng lớp nho sĩ Việt Nam những năm đầu TK XX bị phân hóa: bên cạnh những người khư khư ôm nền cựu học là tầng lớp nho sĩ cấp tiến, các nho sĩ tân học đã chuyển sang thái cực ngược lại.

Xuất phát từ tấm lòng yêu nước thương nòi, am hiểu sự lỗi thời của nền cựu học, các nho sĩ cấp tiến có hoài bão lớn là muốn xóa bỏ ách thống trị phong kiến mục nát cùng chế độ thực dân tàn bạo của người Pháp bằng cuộc cải cách tư tưởng trong cộng đồng người Việt qua khẩu hiệu Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, Duy tân tự cường, Tỉnh xa sùng kiệm, Khai trí trị sanh, Tự trị… để tìm con đường cứu nước, chấn hưng dân tộc. Xem ra ý tứ của Phong trào Duy Tân thực sâu xa. Vì xét đến cùng, muốn thật sự thay đổi xã hội thì phải đổi thay thế giới tinh thần bên trong của con người, còn mọi sự thay đổi hình thức bên ngoài chỉ là váng mỡ của lịch sử. Trả giá cho sự kiện Duy Tân, nhiều người đại diện cho phong trào này đã phải chịu lưu đày cực khổ hoặc bị tàn sát dã man. Thế nhưng tư tưởng Duy tân thì còn mãi với hậu thế.

Phương thức sản xuất châu Á với hệ tư tưởng phong kiến thâm căn cố đế dài lâu đã trở thành vật cản khủng khiếp của lịch sử, khiến cho nhiều quốc gia ở châu lục này phải đắm chìm trong tăm tối và lạc hậu rất nhiều so với văn minh nhân loại, nhất là so với văn minh phương Tây.

Những năm nửa cuối TK XIX, đầu TK XX, chế độ phong kiến Việt Nam suy tàn cùng với xã hội hậu kỳ của nó đã làm cho con đường đi tới tương lai của dân tộc thêm quanh co phức tạp. Sự bảo thủ, trì trệ và lạc hậu tăm tối là một cặp bài trùng trong hành trình chậm tiến của một cộng đồng xã hội. Trên thực tế, những ý kiến tân học, duy tân đổi mới lúc bấy giờ đã bị phong tỏa và vô hiệu hóa bởi đầu óc bảo hoàng cố chấp của tầng lớp phong kiến đang mất dần vị thế lịch sử và vai trò với đất nước, dân tộc. Chính vì thế, tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ đã bị rơi vào tấn bi kịch lịch sử: bị xem thường và bị lãng quên. Triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã đi vào đúng vết xe đổ của Napoléon từng từ chối phát minh của một nhà hàng hải. Khi vị hoàng đế Pháp này bị lưu đày ở một hòn đảo xa lạ, đã than thở: Ta mất ngai vàng ngay từ lúc từ chối phát minh ấy.

Trong TK XIX, tại Trung Hoa phong kiến, tình hình cũng không có gì khác hơn. Công trình Di Hòa Viên của Từ Hy thái hậu được xây dựng từ toàn bộ kinh phí mà vua Quang Tự muốn hiện đại hóa hải quân nước này trước sự tấn công xâm lược của chiến thần phương Tây. Và vì thế, nhà Thanh ngày càng suy yếu và phải ký tới 13 điều ước nhượng bộ phương Tây, cam chịu quỳ gối, thỏa hiệp đầu hàng để níu giữ vương triều mục nát, bất lực. Tại Tô giới Hương Cảng, bọn lái buôn nước ngoài đã đề biển ngang ngược: “Cấm chó và người Trung Quốc qua lại”. Có nhà sử học gọi thời kỳ này là những trang quốc sỉ Trung Hoa, nhục nhã chưa từng thấy.

Trong tấn bi kịch trầm kha của phương thức sản xuất châu Á thời phong kiến thoái trào, ở phương Đông, chỉ có dân tộc Nhật Bản vượt lên trước nhất, thực hiện thành công khát vọng duy tân từ thời Minh trị Thiên Hoàng năm 1868. Người Nhật đã ra sức học tập phương Tây về khoa học kỹ thuật và công nghệ để chấn hưng đất nước, cải cách thể chế, xây dựng mô hình kinh tế xã hội theo hướng của phương Tây. Công thức tiêu biểu của nước Nhật duy tân đổi mới là: tinh thần Nhật Bản và khoa học công nghệ phương Tây. Thành công của đất nước mặt trời mọc đã lôi cuốn mạnh mẽ các nhà cải cách ở Trung Quốc và Việt Nam. Tại Trung Quốc, nổi bật lên là cuộc vận động Khải mông của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu. Ở Việt Nam, cuối TK XIX đầu TK XX, những gương mặt tiêu biểu của phong trào Duy Tân xuất hiện ngày càng nhiều, có tác dụng cổ vũ động viên người dân đi theo một khuynh hướng phát triển mới của xã hội.

Văn hóa nghệ thuật là sản phẩm tinh thần đặc biệt của con người. Hơn bao giờ hết, văn hóa nghệ thuật gắn bó với ý thức hệ, với thế giới tư tưởng tình cảm, khát vọng của nhân loại. Đó là những sản phẩm mang dấu ấn về tinh thần con người một cách rõ ràng nhất. Phong trào Duy Tân với các nhà chí sĩ như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế… đã thắp sáng khát vọng đổi mới trong thế giới tinh thần, tư tưởng tình cảm, quan niệm thẩm mỹ và thái độ tiếp thu cái mới của con người Việt Nam. Tuy rằng vận động của phong trào về cơ bản mang tính cải lương, nhưng bên trong sâu thẳm triết lý của nó là mong muốn sự chuyển biến cơ bản về ý thức con người. Các nhà Duy Tân mơ ước về một xã hội mới ra đời và quan niệm rằng xã hội ấy chỉ có thể xuất hiện khi con người thật sự chuyển đổi về dân trí. Mọi biến đổi bề ngoài chỉ là nhất thời. Đến ngày nào đó cái vỏ bề ngoài ấy bị thời gian làm cho tróc lở, thì nội dung bên trong cũng sẽ bộc lộ ra. Phan Chu Trinh đại diện cho đường lối cải cách dân chủ ôn hòa bất bạo động để tiến tới một xã hội dân chủ. Phan Bội Châu chủ trương đưa thanh niên xuất dương học tập ở nước ngoài, cứu nước bằng đấu tranh bạo lực tranh thủ sự ủng hộ của Nhật Bản. Các nhà phát ngôn của phong trào Duy Tân đã cho dịch và giới thiệu từ tiếng Trung những tác phẩm là thành tựu khoa học nổi tiếng như Thiên diễn luận, Tiến hóa luận, phổ biến các tác phẩm triết học của Aristote (A lý sĩ da đức), Xocrat (Tư cách lạp đề), Platon (Bá lạp dồ), Bacon (Bồi căn), Descarte (Đích tạp nhi), Rousseau (Lư thoa), Montesquieu (Mạnh đức tư cưu), Voltaire (Phúc lộc đặc nhĩ)(1)… Qua đó những phương pháp tư duy mới và tư tưởng nhân đạo của triết học châu Âu đã ảnh hưởng nhiều đến tầng lớp trí thức thanh niên nước ta lúc bấy giờ.

       Công cuộc vận động Duy Tân trên thực tế đã lay chuyển ý thức của nhiều tầng lớp xã hội, thúc đẩy các cuộc tiếp xúc văn hóa, tiếp xúc về mặt tư tưởng với Tây phương. Qua đó các nhà Duy Tân tìm đến một sự đổi thay trình độ dân trí cho người Việt Nam. Những biến động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật là hiệu ứng đương nhiên của phong trào Duy Tân, để theo đó quá trình hiện đại hóa văn hóa nghệ thuật Việt Nam được diễn ra mạnh mẽ.

Trong thực tế, duy tân là một nhu cầu tất yếu lịch sử của dân tộc ta giữa bối cảnh giao lưu văn hóa Đông – Tây đang ngày càng diễn ra sôi động và sâu sắc. Những cuộc tiếp xúc văn hóa dù vô tình hay hữu ý đều diễn ra hết sức tự nhiên giữa cuộc sống hàng ngày của con người Việt Nam. Trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân nhận xét: “Chúng ta ở nhà tây, đội mũ tây, đi giày tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp… còn gì nữa! Nói làm sao cho xiết những điều thay đổi về vật chất, phương Tây đã đưa tới chúng ta! Cho đến những nơi hang cùng ngõ hẻm, cuộc sống cũng không còn giữ nguyên hình ngày trước! Nào dầu tây, diêm tây, nào vải tây, chỉ tây, kim tây, đinh tây. Đừng tưởng tôi ngụy biện. Một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân sinh, về vũ trụ, và có ngày ta sẽ thấy nó thay đổi cả quan niệm của phương Đông. Những đồ dùng kiểu mới ấy đã dân đường cho tư tưởng mới. Trong công cuộc Duy tân, ảnh hưởng của nó ít ra cũng ngang với ảnh hưởng của hiền triết Âu Mỹ, cùng với sách cổ động của Khang, Lương…”(2)

        Từ sự đối chứng giữa văn hóa truyền thống dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại từ châu Âu và Nhật Bản tràn đến, người dân Việt bắt đầu phải nhìn lại thực tế diện mạo nước nhà. Những làn sóng duy tân dần dần hình thành thủy triều khát vọng cho người Việt Nam đầu TK XX, tạo ra nguồn năng lượng tư duy mới cho dân tộc, khát khao đổi mới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa nghệ thuật.

         Trào lưu Duy Tân được xem như một cú hích lịch sử thúc đẩy xã hội Việt Nam chuyển động. Văn hóa nghệ thuật là một trong lĩnh vực nhạy cảm nhất và biến đổi nhanh chóng nhất trong thời kỳ này. Sự xuất hiện của phong trào Duy Tân đã dẫn đến hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục, Hội truyền bá chữ quốc ngữ đã làm cho loại văn tự mới này mau chóng lan tỏa khắp cộng đồng người Việt trên phạm vi cả nước. Nếu như trước đây xã hội chỉ quen thưởng thức thú ngâm vịnh nhàn tản của thơ văn chữ Hán, chữ Nôm của những ông nghè ông cống thì giờ đây, người ta có thể hàng ngày tiếp xúc với văn hóa nghệ thuật trên báo chí, trong các cuộc tranh luận diễn thuyết, trên các xuất bản phẩm in ấn nhanh chóng cập nhật hàng ngày. Thay đổi chữ viết của dân tộc là một cuộc cách mạng vĩ đại về phương diện văn hóa. Chữ viết quyết định đến trình độ dân trí của cả một cộng đồng. Chữ viết là chất liệu của văn học – loại hình nghệ thuật ngôn từ. Sự phổ biến chữ quốc ngữ đã làm mở mang tư duy người Việt. Ngôn ngữ vừa là phương tiện để tư duy, vừa là sản phẩm của tư duy. Chữ viết trở thành diện mạo văn hóa trước nhất của dân tộc và cộng đồng xã hội. Đó là một sản phẩm văn hóa sáng tạo, thể hiện trình độ văn minh của xã hội loài người. Hơn thế, khi chữ viết thay đổi, tư duy của con người cũng sẽ biến động theo trong quá trình giao tiếp, cố kết cộng đồng, chấn hưng và phát triển. Và như vậy, như một hiệu ứng dây chuyền tất yếu, văn hóa nghệ thuật Việt Nam đầu TK XX đã chuyển động mạnh mẽ sau cuộc vận động truyền bá chữ quốc ngữ. Một nền văn chương mới bằng chữ quốc ngữ xuất hiện và phát triển trên con đường hiện đại hóa. “Hầu hết báo chí, tiểu thuyết, thơ ca có mặt trong sinh hoạt văn hóa Nam kỳ, Trung kỳ từ năm 1867 – 1887 đến năm 1954 không phải là văn hóa văn học địa phương – thật sự nó ra đời ở địa phương – mà nó là một bộ phận của văn hóa học Việt Nam được hình thành trong một thời điểm có nhiều biến cố trọng đại của lịch sử Việt Nam”(3).

Sự ra đời của báo chí và văn chương viết bằng chữ quốc ngữ đã đánh dấu một thời kỳ mới cực kỳ sôi động. Về báo chí phải kể đến trước tiên là tờ báo Nông cổ mín đàm do ông Trần Chánh Chiếu điều hành. Tiếp theo là các tờ Gia Định báo, Phan Yên báo, Lục tỉnh tân văn, Đăng cổ tùng báo… ra đời cuối TK XIX. Báo chí là nơi thử bút, là nơi sinh sống, tồn tại của chữ quốc ngữ, phổ biến, phổ cập văn hóa đến con người Việt Nam lúc bấy giờ. Viết văn và làm báo dần dần trở thành nghề mưu sinh trong xã hội. Cũng tại thời điểm này, các tác phẩm văn học chữ quốc ngữ đầu tiên xuất hiện như: Chuyện đời xưa, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (Trương Vĩnh Ký) tiểu thuyết Thày Lazarô Phiền (Nguyễn Trọng Quản). Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và các nhà nho tiến bộ ở Quảng Nam đã đẩy mạnh quá trình tân văn học (văn học bằng chữ quốc ngữ) để vận động và phát động về văn hóa cho con người. Quảng bá cho sức mạnh và ý nghĩa sâu xa của chữ quốc ngữ, Huỳnh Thúc Kháng viết:

Chữ quốc ngữ là hồn trong nước,

Phải đem ra thức tỉnh dân ta.

Sách Âu Mỹ, sách Chi na,

Chữ kia chữ nọ dịch ra tỏ tường.

Công, nông, cổ trăm đường cũng thế,

Họp bày nhau thì dễ toan lo.

Á, Âu chung lại một lò,

Đúc nên tư cách mới cho rằng người…

(Chiêu hồn nước – Huỳnh Thúc Kháng)

Có lẽ vì thế mà thời kỳ này văn học dịch đã nảy nở và xuất hiện thật đông đảo. Đây là lúc mà tiểu thuyết Pháp và phương Tây đến ồ ạt với văn hóa đọc Việt Nam. Trên tạp chí Âu Tây tư tưởng, người ta bắt đầu say sưa đọc những tư tưởng của các nhà khai sáng, đọc tác phẩm của những tiểu thuyết gia trứ danh phương Tây và thế giới, thay vì chỉ ngâm nga Đường thi, Tống từ, hay nghiền ngẫm các bộ tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc cổ điển Tam quốc chí diễn nghĩa, Thủy hử, Tây du ký, Hồng lâu mộng… như những thế kỷ trước

Chính vì vậy, ngược lại với sự trỗi dậy mãnh liệt của nền văn hóa nghệ thuật mới, thì văn học chữ Hán, chữ Nôm rơi vào tình trạng lỗi thời, lạc hậu, tàn lụi, không còn khả năng phổ cập tư tưởng cho con người. Năm 1918 là thời điểm đặt dấu chấm hết của khoa thi chữ Hán cuối cùng. Từ đây, ông nghè ông cống bắt đầu nằm co không còn vị thế như trước. Con đường khoa cử coi như chấm dứt. Phần lớn các thày đồ đều về quê để thực hiện triết lý an bần lạc đạo, lánh đục về trong với thái độ yếm thế theo kiểu lối sống hủ nho, khiến cho:

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu

(Ông đồ – Vũ Đình Liên)

Đầu TK XX, giao lưu văn hóa Đông – Tây ngày càng rầm rộ đã hình thành nên một đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ Tây học, coi trọng tân thư nhưng vẫn tràn đầy tinh thần dân tộc.

Ở một góc nhìn khác, người ta nhận thấy phong trào Duy Tân đã làm thay đổi diện mạo nghệ thuật ngôn từ ở Việt Nam. Đó là cuộc cách mạng về chất liệu văn học: chữ quốc ngữ. Đây là một bước chuyển độc đáo diễn ra ở Việt Nam. Nếu không có sự đổi thay này thì không thể hình dung văn học Việt Nam TK XX sẽ biến chuyển theo hướng hiện đại như thế nào. Chữ quốc ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy ngôn từ người Việt âm vang trong đời sống văn hóa cộng đồng hàng ngàn năm lịch sử, nó đã tác động âm thầm mà quyết liệt đến năng lượng tư duy và khát vọng thẩm mỹ của người Việt từ ngàn xưa. Công lao phổ biến chữ quốc ngữ thuộc về các nhà Duy Tân. Có thể coi đây là những triều cường lịch sử diễn ra trong quá trình hiện đại hóa văn hóa và xã hội Việt Nam, hiện đại hóa tư tưởng và tâm hồn con người Việt Nam đầu TK XX. Người dân nước ta tự hào về tiếng Việt có thể ngang hàng với ngôn ngữ của nhiều nước trên thế giới. Trên thực tế, văn học dịch của nước ta đã nhóm lửa cho cảm hứng phóng tác của các tiểu thuyết gia Nam Bộ mà tiêu biểu nhất là Hồ Biểu Chánh. Tiểu thuyết Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh được phóng tác, mô phỏng hết sức sáng tạo từ tác phẩm Những người khốn khổ (V.Huygô), truyện Chúa tàu Kim Quy mô phỏng tiểu thuyết Bá tước Môngtơcritxtô (A.Đuyma). Văn xuôi chữ quốc ngữ của Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Trọng Thuật, Tản Đà, Phạm Duy Tốn… đã đem đến những món ăn tinh thần mới lạ cho công chúng, hình thành nhu cầu văn hóa đọc trên báo chí, xuất bản.

Từ sau những năm 20 TK XX, ngọn cờ văn hóa mới ngày càng lộng gió tâm hồn người trí thức Việt Nam, nhất là tầng lớp trí thức Tây học, Âu hóa với tinh thần dân chủ, dân tộc và đại chúng. Báo chí quốc ngữ tiếp tục phát triển, xuất hiện thêm nhiều từ báo mới như Thực nghiệp dân báo (1920), Khai hóa, Hữu thanh (1921), An Nam tạp chí (Tờ báo văn chương đầu tiên – 1926), Tiếng dân (1927), Thần chung (1929), Phụ nữ tân văn (1929). Theo đó, các loại hình văn hóa nghệ thuật mới lạ của Tây phương đều lần lượt ra mắt công chúng như kịch nói, điện ảnh (chiếu bóng), hội họa, điêu khắc, kiến trúc, xiếc, tạp kỹ, âm nhạc… Tất cả đã tạo nên những sắc màu mới lạ của một nền nghệ thuật hiện đại chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.

Năm 1920, vở kịch nói đầu tiên ra mắt công chúng tại Nhà hát lớn Hà Nội là vở Người bệnh tưởng của Molière (do Nguyễn Văn Vĩnh dịch). Cùng thời điểm này rạp chiếu bóng đầu tiên ở Hà Nội cũng đã chiếu phim buổi thứ nhất. Người dân Hà Nội bắt đầu một lối sống thị thành như ăn kem, uống cà phê, sữa bò, rượu sâm banh, khiêu vũ nhảy đầm, mua vé vào rạp xem chớp bóng, xem kịch…

Năm 1922, đoàn xiếc Việt Nam đầu tiên (do nghệ sĩ Tạ Duy Hiển tổ chức) trình diễn tại Hà Nội, mở ra một loại hình nghệ thuật vô cùng mới lạ hấp dẫn với công chúng.

Để đáp ứng nhu cầu của công chúng, ngành điện ảnh Việt Nam manh nha hình thành, không chỉ chiếu phim mà còn phải sản xuất phim. Năm 1923, bộ phim truyện đầu tiên được khởi quay ở Việt Nam là phim Kim Vân Kiều.

Dưới mái trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, các thế hệ họa sĩ Việt Nam đầu tiên, những người cầm cành cọ của hội họa dần dần trưởng thành trong tư duy nghệ thuật tạo hình phương Tây kết hợp với sắc thái dân tộc như Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung…

        Về phương diện âm nhạc, có một hiện tượng độc đáo là chính những âm thanh của kèn đồng, của tiếng chuông nhà thờ Thiên chúa giáo gióng giả sớm chiều cùng với âm hưởng của những bài thánh ca lạ tai, đã vang vọng và dần dần thấm sâu vào tâm hồn người Việt, hình thành những dòng âm thanh khác lạ với âm nhạc dân tộc truyền thống, từ đó tạo nên một thế hệ nhạc sĩ mới với những tác phẩm âm nhạc hiện đại. Đó là một diễn biến có thật được nghệ sĩ Đinh Ngọc Liên nhấn mạnh khi tâm sự về những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đối với năng khiếu âm nhạc của ông như thế nào: “Nhà tôi ở gần nhà thờ… Ra đường luôn luôn vẳng tiếng hát của hội hát nhà thờ. Và tiếng chuông, tiếng chuông nhà thờ làng tôi hòa thanh năm âm cùng với tiếng chuông của các nhà thờ họ lẻ xung quanh gióng giả trong các buổi lễ sớm chiều. Nhưng có lẽ không chỉ có tiếng chuông nhà thờ mới ngân lên trong tâm hồn bé bỏng của tôi, những rung động bắt nguồn cho nhạc cảm tinh tế sau này. Năm 12 tuổi, tôi tập thổi sáo trong đội kèn đồng đã đi thổi kèn ở nhiều xứ đạo. Khi 13 tuổi, tôi thổi kèn Tây, kèn An tô, sau chuyển sang kèn Pi-xtông” (4).

Dòng sông khát vọng chấn hưng dân tộc của các nhà Duy Tân đã cuộn chảy mãnh liệt trong tâm hồn người Việt đầu TK XX, bồi đắp cho dân tộc ước mơ về một sự nghiệp cách tân đổi mới, hiện đại hóa về mọi lĩnh vực, đặc biệt là chuyển đổi về văn hóa nghệ thuật. Có thể khẳng định rằng quá trình hiện đại hóa văn hóa nghệ thuật Việt Nam trên các loại hình được khởi dẫn từ tư tưởng Duy tân cuối TK XIX. Trải qua những thăng trầm lịch sử, dân tộc ta đã có được một trào lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam mới nửa đầu TK XX, vừa lấp lánh những vẻ đẹp hiện đại như phương Tây, vừa đằm thắm thiết tha vẻ đẹp bản sắc dân tộc, lặng lẽ vươn tới các bến bờ thời đại, hội nhập với các giá trị văn hóa văn minh nhân loại.

_______________

1. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1998, tr.16.

2. Dẫn theo TS. Đỗ Thị Minh Thúy, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phong trào Duy Tân với sự chuyển biến của văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX, Nxb Từ điển Bách khoa & Viện Văn hóa, Hà Nội, 2010, tr.80.

3. Nguyễn Q. Thắng, Phong trào Duy Tân, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008, tr.60.

4. Những chặng đời tôi, NSƯT Đinh Ngọc Liên kể, Khánh Quý ghi, Nxb Âm nhạc và đĩa hát, Hà Nội, 1987.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 358, tháng 4-2014

Tác giả : Nguyễn Toàn Thắng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *