Những năm 1940-1945, cùng với sự hoàn kết của quá trình hiện đại hóa văn học, là sự gia tăng cao nhất của tính Việt trong văn xuôi nghệ thuật. Đặc biệt, khi nhìn bao quát toàn bộ truyện ngắn giai đoạn này, có thể thấy bức tranh về quê hương, đất nước, con người Việt Nam hiện lên phong phú và gợi cảm. Bức tranh ấy dẫu chưa thật đầy đủ mọi đường nét, mảng mầu, nhưng rất mực chân thực và sinh động.
Trước đây, trong truyện Nôm cũng như trong tiểu thuyết của các tác giả Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Trọng Thuật, Hồ Biểu Chánh…, thiên nhiên đã được chú ý miêu tả, nhưng công thức và mang tính ước lệ. Vì thế, khi đưa hình ảnh thiên nhiên vào trong tác phẩm, các cây bút trong nhóm Tự lực văn đoàn đã tạo ra niềm say mê, hứng thú cho không ít những độc giả đương thời. Người đọc có thể bắt gặp ở đó những khung cảnh quen thuộc của đất nước: cánh đồng lúa vàng óng ả trải dài đến tận chân trời, đồi cọ xanh bát ngát, ngôi chùa rêu phong ẩn hiện dưới những tán cây… Thiên nhiên trong những bức tranh ấy, tuy rất đẹp, nên thơ, nhưng lại có phần nhợt nhạt, thiếu sự chân thực và thiếu sức sống. Bởi, mục đích của nhà văn không phải là khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, mà chỉ thi vị hóa nó “tùy theo tâm hồn của những người trong truyện” (lời tựa tác phẩm Hồn bướm mơ tiên – Khái Hưng).Vì thế, phần hồn cốt thật sự của dân tộc chưa được thể hiện đầy đủ, rõ nét trong những sáng tác này.
Khi bước chân vào thế giới của những truyện ngắn giai đoạn 1940-1945, thì tình hình đã khác hẳn. Từ trữ tình, phong tục, đến xã hội, gia đình, quê hương dường như đều hiện diện. Hình ảnh thiên nhiên và các sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của người lao động cũng được miêu tả chân thực, sinh động. Trong những bức tranh ấy, nổi bật vẫn là hình ảnh quen thuộc: cây đa, bến nước, con đò, cánh đồng, triền đê, dải cát trắng, rặng phi lao… Dù nội dung phản ánh có khác, nhưng các tác giả lại gặp nhau ở một điểm, đó là cảm hứng về quê hương, đất nước .
Điều dễ dàng nhận thấy, ở mỗi bức tranh có một vẻ đẹp, một sắc thái làng quê khác nhau. Miền quê vùng Bắc Bộ với những dấu ấn rất Việt Nam: “Một hàng rào dâm bụt hoa đỏ quây quanh sân đất có mấy cây lựu, bưởi mỗi mùa quả trĩu cành. Dưới gốc na, con gà mái đứng chạng chân, sù lông mầu hoàng yến, bới bới kêu gọi con chạy đến , ríu rít bên mẹ để rồi lại tản ra tìm sâu trên luống đất mới sới” (Nhàn – Phạm Viết Nhân). Mảnh đất miền Trung ngập nắng, gió và cát trắng cũng rất Việt Nam, nhưng lại có sắc thái riêng: “Những bụi xương rồng và dâm bụt, chạy hai bên đường đẫm sương, óng ánh, xanh tươi lại. Vài mạng nhện mắc giữa hai cành yếu, trắng toát như sợi bằng những sợi tơ bạc li ti” (Chiều sương – Bùi Hiển). Hay, hình ảnh vừa mênh mang, vừa hoang sơ, bí ẩn của thiên nhiên Nam Bộ: “Đêm ấy không trăng. Muôn ngàn con mắt in trên nền trời đen thẫm. Cánh đồng lặng ngủ trong ánh sáng mờ mờ. Gío thoảng từng hồi, từng hồi ngọn lúa cựa mình xào xạc. Tiếng giạt sành vang lên trong im lặng xa xa” (Câu cá – Phi Vân). Tất cả đều là hình bóng của quê hương thân thương, gần gũi. Những hình ảnh ấy dường như đã ăn sâu vào tâm thức của con dân đất Việt.
Với niềm cảm hứng về quê hương, đất nước dạt dào, không chỉ các cây bút trữ tình, mà các cây bút phong tục và xã hội cũng có những trang miêu tả chân thực bức tranh về quê hương, đất nước. Bằng góc nhìn cận cảnh, Tô Hoài – cây bút được nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đánh giá là có những “phong cảnh, phong tục những con người rất đỗi Việt Nam” – đã vẽ nên một bức tranh, với những nét vẽ nhẹ nhàng, tinh tế, về phong cảnh quê ông, một ngôi làng nằm êm đềm ở ven thành Hà Nội: “Ngoài vườn, trên các lối xóm, những cây xoan gầy, thân mốc trắng, giơ lên những cẳng tay đen đủi, trơ trụi và trổ từng đám lá tơ. Trong những đám lá nhỏ, xanh rờn vân vân ấy, nhoi ra từng chùm nụ be bé, gặp mưa bụi li ti, những chùm nụ nở hoa. Hoa xoan nhỏ cánh chấu, tim tím, trăng trắng, vừa nở lại vừa rụng phơi phới trong mưa xuân”. Và, đây lại là một bức họa khác, tươi tắn và nhiều mầu sắc hơn: “Nắng mới hoe lên dịu dàng, óng ả. Đường cái sạch sẽ, sáng gọn. Bên lề, hoa tầm xuân nở mầu đào trên nền cỏ xanh mướt. Những đốm bướm trắng giờn lung linh thành những chấm hoa lung lay trong ánh nắng” (Vợ chồng trẻ con). Có lẽ, phải là người rất yêu và gắn bó với mảnh đất quê hương mới có thể quan sát và cảm nhận về sự biến đổi của thiên nhiên, cây cỏ một cách tỉ mỉ, chi tiết và non tươi đến thế. Dường như, ông đã vận dụng mọi giác quan để ghi nhận cảnh vật bên ngoài với tất cả hình dáng, đường nét và cả những chuyển động rất khó nhận biết của nó. Ngòi bút của ông đã truyền cho những nét vẽ ấy nhựa sống, để khi nhìn vào mỗi trang viết, người đọc tưởng như thiên nhiên ấy đang cựa quậy, bừng dậy như chính cuộc sống đang hiện hữu.
Khác với Tô Hoài, thiên nhiên trong truyện ngắn của Nguyên Hồng, lại được đặc tả bằng những gam màu rực rỡ với hình ảnh sinh động, có độ nét cao: “Nắng tháng tư ngùn ngụt. Cánh đồng ngay ngoài bờ tre rực lên, làm hoa cả mắt vì lúa chín vàng như diệp. Gió nam từng cơn rất nhẹ đưa vào trong xóm, hương lúa mới thoáng với hương cau và hoa lý bắt đầu điểm trắng, vàng trên những nóc nhà và những bể nước. Các giậu mùng tơi lại mọc đầy, các giàn mướp lại lủng lẳng những quả là quả và cơ man những cành tím tím hồng hồng rung rung ở những giàn đỗ ván” (Giọt máu). Thiên nhiên trong văn Nguyên Hồng thật đẹp. Đó là một thiên nhiên đang sinh sôi, phát triển mà ta có thể gặp ở bất cứ một ngôi làng Bắc Bộ nào. Từ cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt, từ bờ tre uốn cong mình trong nắng, đến những nóc nhà, bể nước, những giậu mùng tơi, những giàn mướp, đỗ ván và cả mùi hương thoang thoảng của hoa cau, hoa lý đang lan tỏa trong không gian… Thiên nhiên ấy đã được nhà văn cảm nhận và miêu tả bằng chính những rung cảm của tình yêu quê hương cháy bỏng, mãnh liệt, nên nó càng thêm gần gũi, sống động và tươi thắm hơn.
Ngay cả Nam Cao, một cây bút tưởng như chỉ đi vào phản ánh những cảnh đời khổ ải của người lao động, cũng có lúc dừng lại quan sát vẻ đẹp của bức tranh quê hương. Hình ảnh quê hương trong sáng tác của ông luôn gắn với bãi mía, nương dâu, vườn chuối… những hình ảnh gắn với cuộc sống lao động của những người dân quê lam lũ. Và, ông đã tái hiện thiên nhiên ấy qua cặp mắt của gã say rượu Chí Phèo (Chí Phèo): “…nước lặng và trong, khắp bãi trồng toàn dâu, gió đưa đẩy những thân mềm oặt ẹo, cuộn theo nhau thành làn… những đêm trăng như đêm nay, cái vườn phẳng ngổn ngang những bóng chuối đen như những cái áo nhuộm vắt tung trên bãi. Và những tầu chuối nằm ngửa, uốn cong lên hứng lấy trăng xanh rời rợi như là ướt nước, thỉnh thoảng bị gió lay lại giẫy lên đành đạch như là hứng tình”. Chỉ bằng một vài nét chấm phá, người đọc đã có thể chiêm ngưỡng một bức điêu khắc với những mảng sáng, tối của nghệ thuật tạo hình. Và, trong phong cách tạo hình phóng khoáng, hiện đại, người ta vẫn thấy linh hồn Việt Nam thấm đẫm ở từng hình ảnh, đường nét…
Có thể nhận thấy rằng, so với trước đây, bức tranh thiên nhiên trong truyện ngắn giai đoạn này đã trở nên sống động, tinh tế và gần gũi hơn với đời sống. Bởi, những bức tranh đó đã được tạo nên từ sự kết hợp nhuần nhụy giữa bút pháp miêu tả hiện đại với những màu sắc, hình ảnh mang nét truyền thống của dân tộc, giữa những cảm xúc nghệ thuật được thăng hoa với tình yêu quê hương, đất nước dạt dào. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Đăng Mạnh từng cho rằng: “Giờ đây, đặt bên cạnh những đoạn văn tả cảnh của Nguyên Hồng trong Cuộc sống, hay Hơi thở tàn, của Bùi Hiển trong Chiều sương, của Tô Hoài trong Cỏ dại chẳng hạn, những bức tranh thiên nhiên của Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân… từng nổi tiếng một thời, không tránh khỏi trở thành nhợt nhạt và sơ lược”.
Đặc biệt, trên nền những khung cảnh thiên nhiên đầy màu sắc ấy, xuất hiện cảnh lao động, sinh hoạt hàng ngày của con người thật chân thực và bình dị. Hình ảnh con người như một nét điểm xuyết ấn tượng để bức tranh cảnh vật thêm sống động hơn. Nhìn vào đó ta thấy tâm hồn như mềm lại, bởi bức tranh quê ấy vừa nên thơ, vừa gần gũi: “Trời đã về chiều, ánh nắng nhạt dần, lùi ra gần hết mặt sân. Mặt trời chếch là là xuống sau nhà, những cây cối ngả bóng trên mái. Thỉnh thoảng, những bóng cây có giọt nắng rọi qua lại rung động lên vì gió. Mặt ao sau vườn gợn sóng, thổi dạt những váng ngầu về một góc”. Trong buổi chiều hè êm ả như ru hồn người ấy, hình ảnh cô gái quê hiện ra để bức tranh phong cảnh thêm hoàn thiện: “Trên cầu tre, một cô gái đang vo gạo, làm sóng sánh những ánh vàng của mặt trời rớt trên các đầu sóng. Mấy mái nhà tranh xám nhô ra khỏi bụi chuối, lá óng ánh như lụa, đang thong thả bốc khói. Những làn khói lặng lẽ bốc lên dật dờ bay theo gió, in lên nền trời xanh ngắt một nét nhẹ nhàng, thanh thoát” (Đứa con người vợ lẽ – Kim Lân). Khung cảnh êm đềm của vùng Kinh Bắc khiến lòng người nôn nao những cảm xúc khó tả. Nó gợi cho người ta nhớ về tuổi thơ bình dị mà mình đã đi qua. Ở đó cũng có những buổi chiều dịu dàng như thế lưu lại trong kí ức, để dù có đi tới góc bể, chân trời nào, người ta cũng da diết nhớ về.
Trong dòng cảm hứng về quê hương, các cây bút truyện ngắn thời kỳ này cũng phát hiện ra vẻ đẹp trong lao động của những người dân quê. Ở đó, ta có thể bắt gặp sự hồn nhiên, chất phác của những con người được sinh ra và lớn lên cùng với đất đai, ruộng vườn. Họ gắn bó với mảnh đất mà ông cha để lại với biết bao niềm thương mến, hy vọng. Cuộc sống của họ là những ngày cùng nhau lao động miệt mài, để mỗi ngày lại được nhìn thấy thành quả lao động của mình. Chứng kiến họ hối hả, tất bật khi mùa màng bội thu, ta thấy tình yêu lao động dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của những con người chất phác, hiền lành ấy. Không hề thấy sự vất vả, mỏi mệt, chỉ thấy một không khí lao động khẩn trương, rộn rã: “Mùa gặt tới rồi. Khắp đồng như một mâm xôi lớn. Gió thoảng qua, lúa cựa mình như than thở, lào xào. Người ta tưng bừng đầy ruộng. Ai cũng lo làm hối, không, lúa ngã sẽ hư hao nhiều” (Oan – Phi Vân). Và, khi bóng chiều buông xuống báo hiệu một ngày làm việc kết thúc, họ lại cùng nhau“ hể hả rửa chân, cọ cuốc trong nước mát” (Duyên số – Đỗ Tốn), rồi trở về nhà quây quần với gia đình bên mâm cơm để ngày mai lại tiếp tục một ngày làm việc mới. Phải có một tâm hồn giàu cảm xúc, một tình cảm gắn bó, thiết tha với mảnh đất quê hương, các nhà văn mới có thể diễn tả được vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống của người lao động một cách chân thực và thi vị như thế.
Tuy nhiên, chất Việt Nam thường được đặc biệt thể hiện qua những bức tranh lễ hội, những ngày tết đến, xuân về. Trước đây, ở các bài thơ Chợ tết của Đoàn Văn Cừ, Ông đồ của Vũ Đình Liên, người đọc được hòa mình vào những phiên chợ tết đầy màu sắc, còn ở giai đoạn này nhà văn Kim Lân đã đưa người đọc trở về với không khí ngày tết ở những miền quê Bắc Bộ. Ở đó, thiên nhiên và con người như đang hòa trong không gian phơi phới của mùa xuân. Tất cả đang cùng đón chào mùa xuân theo cách riêng của mình. Những cây đa đón chào mùa xuân bằng “những búp non hồng hào, mập mạp vươn lên hớp lấy ánh sáng, lấy khí trời”, đám trẻ con tinh nghịch thì “hớn hở trong áo mới, sự sung sướng bồng bột, hồn nhiên trên nét mặt ngây thơ”, “hạng lớn hớn hở hơn thì túm năm tụm ba mê mẩn với quân bài”, “các cô gái đến thì e lệ trong áo mới theo mẹ ra đền lễ thờ với một niềm vui kín đáo”, rồi “những cậu trai hãnh diện với điếu thuốc lá phậm phè trên môi”, còn “các bô lão, mặt đỏ gay, hể hả được ngày say túy lúy” (Đuổi tà – Kim Lân). Không khí rạo rực của mùa xuân như ùa vào trang sách. Nhìn vào bức tranh, ta thấy thân quen, gần gũi như đã từng gặp những hình ảnh ấy, con người ấy ở đâu đó. Bởi, những cảnh như thế có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam.
Trong Mùa ăn chơi, Tô Hoài đã dùng cặp mắt quan sát tỉ mỉ, kỹ lưỡng và ngôn ngữ dí dỏm, giàu hình ảnh để tái hiện một bức tranh sinh động, đầy màu sắc về ngày hội làng ở vùng ngoại thành Hà Nội: “Cửa đình mở từ sáng sớm hôm mùng mười. Bên sông Lịch, một lá cờ kỳ được kéo lên đầu cột. Trong đám lá đa xanh đậm, màu cờ nhuộm một sắc đỏ chói lọi. Giữa sân bầy một chiếc long đình. Đôi bên cắm hai hàng cờ đuôi nheo. Phấp phới, hỗn độn những màu xanh đỏ tím vàng vẫy nhau trong gió. Gần đấy, đặt nghiêng một chiếc trống cái. Trẻ con dạng cẳng, thả sức nện trống suốt ngày. Bên góc sân, phía gốc đa, đã dựng lên một rạp chèo. Bốn cái cọc tre, đỡ một nền sàn bằng ván gỗ vuông vắn, trên phủ một lá cót, che mưa nắng. Đêm đêm, có hát chèo. Ngày mười một, các cụ trong làng phủng sắc vào một cái long đình, gõ chuông cuông cuông, rước loanh quanh thôn này sang thôn khác. Đám rước lệ, lèo tèo có vài bô lão đi guốc, áo thụng bạc phếch, và một lũ rất nhiều trẻ con. Trẻ con trong làng đổ theo cái long đình, sau mấy bô lão, bám như cái đuôi”.
Những lễ hội chọi gà, thả chim, đấu vật…, dưới ngòi bút tài hoa của Kim Lân, cũng là những sinh hoạt văn hóa gần gũi với những người dân vùng Kinh Bắc. Trong tiếng trống hội xuân rộn rã, thúc giục, khắp xóm ngõ làng quê bừng lên một niềm vui nhộn nhịp. Người thì đội lễ ra đình, đền, chùa thành tâm cung kính, với niềm tâm linh, hoài vọng tưởng nhớ người xưa, với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, người khác lại tụ tập reo hò, cổ vũ cho những trò chơi dân gian truyền thống. Tuy mỗi vùng lại có những tập quán khác nhau, nhưng lễ hội luôn là hoạt động văn hóa tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt Nam. Bởi, đó là sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống, đặc sắc đã được bảo tồn, lưu giữ qua thời gian và những biến cố, thăng trầm của lịch sử. Nó được tạo nên từ đời sống hàng ngày của người lao động, để rồi lại gắn bó với người lao động. Vì thế, chất dân tộc đậm đà như nhuần thấm vào trong từng hình thức lễ hội và lan tỏa mãi trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.
Đặc biệt, nhiều cây bút có chiều hướng muốn thể hiện những nét đẹp trong quan hệ giao tiếp của người Việt Nam. Dưới ngòi bút miêu tả của họ, mối quan hệ giữa người với người trong cộng đồng hiện lên thật chân thực. Đây không phải là những yếu tố hình thức mà là nét văn hóa đẹp mang tính truyền thống của người Việt Nam.
Người Việt Nam ta thường tâm niệm: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “hàng xóm tắt lửa, tối đèn có nhau”, đó là nét đẹp trong nếp sống của người dân đất Việt. Nét đẹp ấy đã được truyện ngắn 1940-1945 phản ánh chân thực qua nhiều sáng tác. Trong Lão Hạc của Nam Cao, người đọc từng xúc động trước trước tình cảm gắn bó, thân thiết giữa một lão nông và một ông giáo nghèo. Họ ở hai tầng lớp khác nhau, nhưng tình nghĩa lối xóm đã khiến họ xích lại gần nhau. Lão Hạc thường sang nhà ông giáo để chia sẻ những nỗi buồn của một ông già cô độc, không vợ, không con và chỉ có một con chó làm bầu bạn. Thậm chí, lão còn mang gửi ông giáo ba mươi đồng bạc tiền lão dành dụm, phòng khi nhắm mắt, xuôi tay. Trong Năm hạn (Trần Tiêu), tình cảm lối xóm cũng được miêu tả thật cảm động. Chỉ vì con trâu, cái đầu cơ nghiệp của nhà bác Xã Chừng lăn ra ốm, mà cả làng kéo đến để an ủi, giúp đỡ gia chủ. Bà Lý Nhân ngồi cạnh dỗ dành bà chủ đang rã rượi, sướt mướt vì xót của, còn ông Lý Cúc, con người tốt bụng “hay giúp người trong hoạn nạn” thì xăm xắn chạy về nhà để lấy chút quế lâu nay vẫn để dành đến chữa cho con vật tội nghiệp. Họ như cùng đau với nỗi đau của gia chủ, tưởng như con vật đáng thương đang nằm chờ chết kia cũng chính là mồ hôi, nước mắt của họ, khiến họ cũng cảm thấy xót xa.
Lúc này, các nhà văn không chỉ hướng ra bên ngoài để cảm nhận về quê hương bằng sự quan sát mà còn bằng cả sự cảm nhận tinh tế của nhiều giác quan trong sự cộng hưởng, để có thể miêu tả một cách chân thực nhất những mùi vị đặc trưng của quê hương. Từ mùi ngai ngái của đất, mùi tanh nồng của những cánh bèo dưới ao, mùi rạ ẩm uớt đến tiếng lá tre khô xao xác, tiếng gió thổi qua những cánh đồng chỉ còn trơ lại những gốc rạ trong những chiều mưa đông buốt giá và cả những cựa quậy, chuyển động của tự nhiên. Trước đây, Thạch Lam cũng đã từng nhập thân vào nhân vật cô bé Liên để cảm nhận thấm thía cái hương vị riêng của quê nghèo qua những hình ảnh còn lại của buổi chợ tàn. Đó là những rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía và “mùi âm ấm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc” (Hai đứa trẻ). Gìơ đây, ông lại hòa vào cảm nhận của nhân vật Tâm (Cô hàng xén) để nhận biết mùi “mùi rơm rác và cỏ ướt”, mùi hương quen thuộc đến nao lòng của đất mẹ đang tỏa ra trong làn sương trắng dầy của mùa đông, hay cùng nhân vật Thanh mơ màng trong “mùi hoàng lan thoang thoảng bay trong gió ngát” giữa một khu vườn nơi thôn quê thấm đẫm ánh trăng (Dưới bóng hoàng lan).
Trong Đất (Ngọc Giao), nhân vật Thái cũng cảm nhận được tất cả những âm thanh và hương vị hoang sơ của quê hương trong niềm thân thương, trìu mến: “Không khí rộng rãi đượm mùi hoa lá, mùi đất ẩm khiến Thái ngây ngất… Anh lắng nghe tiếng gió thầm thì xô động trong khu vườn tối. Tiếng sàng gạo ở gian nhà bếp nghe rào rào như mưa khuya”. Đó còn là tiếng “vài con ong bay trong nắng trưa”, “tiếng võng đưa kẽo kẹt hòa điệu vào giọng hát ru em”, là “tiếng chim quen” (Tình quê hương – Đỗ Tốn), là mùi “hương trầm và khói pháo” (Đuổi tà – Kim Lân), “mùi hoa bưởi thơm ngào ngạt” (Con so về nhà mẹ – Thanh Tịnh)… Tất cả những âm thanh, mùi vị ấy như thấm vào lòng người cảm giác man mác, dịu ngọt, bởi nó gần gũi và quen thuộc quá. Chất Việt Nam, như tỏa ra từ chính những âm thanh, hương vị riêng, rất đặc trưng ấy. Thậm chí, ta còn có thể bắt gặp cả hương vị những món ăn dân dã từ bao đời nay của người dân lao động Việt Nam. Những món ăn đã nuôi ta khôn lớn, trưởng thành. Nó luôn gắn với bóng dáng tảo tần của bà, của mẹ và của người chị trong gia đình. Còn gì thú vị bằng những ngày tháng giêng, trời mưa rả rích, được ngồi trong ổ rơm ấm áp, ăn bát ngô bung thơm dẻo, ngầy ngậy, được uống nước chè xanh với khoai lang luộc (Lão Hạc – Nam Cao), rồi những ngày mùa hè được “ăn cơm gạo đỏ, thổi khô khô, với rau muống luộc chấm tương” (Dì Hảo – Nam Cao)… Trong Dì Hảo, Nam Cao đã làm sống dậy một khoảng kí ức thời thơ bé của bao người Việt Nam, khi miêu tả một món ăn dường như đã trở thành một trong những hoài niệm da diết về quê hương: món bánh đúc, món ăn thanh đạm của những người lao động nghèo, nhưng lại đậm đà hương vị của dân tộc. Những tấm bánh đúc được làm bằng “cái bột xay nhuyễn, vôi bỏ vừa, mịn chắc đấy, nhưng không nồng một tý nào, bẻ ra ăn với cá bống kho ráo nước cho đến cong lên, dầm vào một tý tương cua thì thật tuyệt”.
Bằng cảm quan tươi tắn, tràn đầy nhựa sống, các cây bút truyện ngắn giai đoạn 1940-1945 đã tái hiện vẻ đẹp của bức tranh quê hương vừa hết sức tinh tế, lại vừa rực rỡ sắc màu. Khi đặt trên nền tối sẫm của một xã hội đang trong thời kỳ khủng hoảng, bế tắc, mới thấy sự tươi sáng của những bức tranh thiên nhiên ấy thật giá trị. Nó giúp xua tan bóng đêm u ám, khơi dậy trong lòng người những xúc cảm mới mẻ, trong lành để họ có thêm những hy vọng vào tương lai. Đặc biệt, khi được chiêm ngưỡng những bức họa đồng quê, mỗi người như thấy yêu, thương và gắn bó hơn với mảnh đất vất vả, nghèo khó hình chữ S của dân tộc mình.
Do đâu mà bức tranh thiên nhiên và sinh hoạt trong truyện ngắn 1940-1945 lại mang đậm chất dân tộc như vậy?
Có thể khẳng định rằng, không thể có một bức tranh đẹp, chân thực về làng quê Việt Nam được vẽ ra bởi một ngòi bút vô tình, vô cảm với quê hương, dù người đó tài năng đến đâu chăng nữa. Đương thời và trước đó đã có những bức tranh thiên nhiên và sinh hoạt nơi làng quê Việt Nam của những nhà văn, nhà báo, nhà khảo cứu Pháp, và không phải ai trong số họ cũng có cái nhìn khinh bạc hoặc hời hợt về mảnh đất và con người Việt Nam. Tuy nhiên, nhãn quan của nhà dân tộc học xứ thực dân vẫn ít nhiều chi phối ngòi bút của họ, nên tuy họ có đưa ra nhiều chi tiết lạ và trang viết có thể khá sâu sắc, song những cảnh vật trong bức tranh của họ vẫn thiếu đi cảm xúc, yếu tố tạo nên linh hồn của những bức tranh về quê hương, đất nước Việt Nam.
Đây là điều khó có thể tìm thấy ở các nhà văn Việt Nam thời kỳ này. Chỉ mấy tầu lá chuối loáng sương, với những khóm dâu ngoài bãi sông thấm đẫm ánh trăng mà Nam Cao đã làm hiện lên rõ mồn một khung cảnh đêm trăng ở một vùng quê Bắc Bộ. Chỉ là hình ảnh những bông hoa xoan, hoa tầm xuân đang hé nụ dưới những cơn mưa bụi mà Tô Hoài đã dựng lên cả một khung cảnh mùa xuân thi vị, ấm áp ở một làng nghề thủ công ven thành Hà Nội. Và cũng chỉ là cảnh một khu vườn rực rỡ màu sắc và ánh nắng, nhưng Nguyên Hồng đã tái hiện một cách chân thực “không khí” của mảnh đất Hải Phòng. Đặc biệt, khi bước vào trong những trang văn của Nguyễn Tuân, có thể thấy phảng phất linh hồn ngàn xưa của dân tộc qua nghề làm giấy dó ở làng Hồ Khẩu bên Tây Hồ, nghề mộc ở làng Tràng thôn tỉnh Đoài, nghề cất rượu ngon vùng tả ngạn sông Nhị Hà hay cảnh buôn bán tấp nập từ bến Bồ Đề qua Ô Quan Chưởng vào Kẻ chợ. Rồi trong tác phẩm của Thạch Lam là những phiên chợ quê ồn ào, đông đúc với màu sắc rực rỡ của hàng hóa và hương thơm ngào ngạt của những thức quà bánh giản dị… Những vẻ đẹp của truyền thống văn hóa lâu đời ấy, đã được bồi đắp và lưu giữ cùng với thời gian để luôn thấm đượm một tinh thần dân tộc thiêng liêng và ấm áp.
Đi vào khám phá vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt đậm đà cảnh sắc, phong vị quê hương Việt Nam, các cây bút truyện ngắn giai đoạn 1940-1945 đã tìm tòi, chắt lọc chất dân tộc nhuần nhụy từ hiện thực hàng ngày bình dị nhất, để làm nên một hình ảnh Việt Nam như chưa bao giờ Việt Nam đến thế.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 295, tháng 1-2009
Tác giả : Đinh Thị Cẩm Lê
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu nữ thần hay nhân vật nữ nổi loạn trong truyện ngắn của ivan bunin
Vẻ đẹp của lục bát tình đương đại
Ngôn ngữ trần thuật trong hồi ký cát bụi chân ai và chiều chiều của tô hoài