Tang lễ, theo quan niệm của người Việt Nam, là việc hệ trọng của mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội gắn liền với sinh hoạt của cộng đồng làng xóm. Đó cũng là phong tục tập quán của dân tộc.
Từ lâu, cách thức tổ chức tang lễ đã có sự khác biệt giữa các tộc người, các vùng miền, có sự biến động trong từng giai đoạn lịch sử. Con người đặt ra nghi thức tang lễ, cách tổ chức tang lễ. Việc tuân thủ hay cải sửa nghi thức cũng do con người thực hiện. Các nghi lễ của người xưa đã để lại lâu dần thành phong tục tập quán ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Vì vậy, thay đổi ngay là điều không dễ dàng; nói cách khác, cần có thời gian tuyên truyền vận động thuyết phục nhân dân. Những năm qua, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hủ tục lạc hậu đã được xóa bỏ, không để người chết quá thời gian quy định trong nhà, không phúng viếng người chết bằng thức ăn chín, việc ăn uống trong đám tang giảm hẳn, nhiều tục lệ mới tiến bộ đã hình thành, giúp cho gia đình có tang giảm bớt các chi phí. Hơn chục năm qua, nhiều tỉnh thành đã vận động nhân dân lựa chọn hình thức hỏa táng, một hình thức an táng văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như tiết kiệm được những chi phí không cần thiết. Hiện tại, khá nhiều tỉnh thành đã xây dựng đài hóa thân hoàn vũ cùng không ít cơ sở làm dịch vụ tang lễ trọn gói với chi phí hợp lý được nhiều gia đình chấp thuận. Một thực tế hiện nay ai cũng rõ là đất nghĩa trang ngày càng thu hẹp vì số lượng người qua đời mỗi năm một tăng lên. Bên cạnh đó, việc ganh đua xây mộ tùy tiện, thậm chí còn xây chiếm phần mộ cho cả những người đang còn sống cũng làm phức tạp thêm tình hình. Thiết nghĩ, những tiện ích văn minh của việc hoả thiêu cho người quá cố là rất lớn và chúng ta đã có trên 10 năm vận động cùng với các điều kiện cần thiết kèm theo như đài hoá thân hoàn vũ, dịch vụ tang lễ… nên hiện tại, có nơi số gia đình thực hiện hỏa táng lên đến trên 90%. Trong bài này, người viết muốn đề cập đến một thực tế đã diễn ra tuy chưa phổ biến và còn một số vướng mắc trong tư tưởng của một số gia đình. Đó là việc hỏa thiêu cho người chết trước khi tổ chức tang lễ tại gia đình. Tôi đã chứng kiến một số đám tang, gia đình có tang chủ động đưa người chết đi hoả thiêu sau đó mới đưa tro cốt về gia đình tổ chức tang lễ vẫn bảo đảm các thủ tục cần thiết vừa hợp vệ sinh môi trường, lại được sự đồng tình của nhiều người dân, nhất là các cụ cao tuổi, các cụ trong hội Phật giáo ở địa phương, các gia đình hàng xóm liền kề. Trong hoàn cảnh dịch COVID – 19 đang diễn ra rất phức tạp, xã hội phải giãn cách, thêm khí hậu nóng nực, bức bối của mùa hè, giá lạnh của mùa đông thì việc này càng được sự đồng tình ủng hộ cao không chỉ gia đình, họ hàng có người chết mà còn cả cộng đồng. Tại xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao hay khu Thanh Xuân, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ… đã có một số gia đình tổ chức hỏa thiêu cho người quá cố trước khi tổ chức tang lễ. Tro cốt của người quá cốt được đặt cẩn thận trong tiểu sành, bên ngoài có quách làm bằng gốm, sứ khi đặt dưới bàn thờ tạm để tổ chức nghi thức tang lễ rất đảm bảo vệ sinh, điều quan trọng hơn là vẫn đảm bảo tình cảm tiếc thương, sự trang nghiêm đối với người đã khuất. Các nghi thức tiếp theo như việc di chuyển hài cốt ra xe tang chỉ cần từ 4 – 6 người khiêng (hay còn gọi là đô tùy) chứ không cần đến số lượng 10 – 12 người theo nghi thức truyền thống.
Sự lựa chọn hỏa thiêu trước khi tổ chức tang lễ ở một số địa phương như nêu trên cũng là một gợi ý để các địa phương tham khảo. Để làm được, cũng cần sự vận động, tuyên truyền trong cộng đồng để bớt đi những e ngại của một số gia đình khi họ cảm thấy có điều gì đó chưa chu đáo với người thân đã khuất. Trước hết, cần vận động cán bộ, nhất là đảng viên thực hiện trước. Điều này cũng không dễ làm trong một thời gian ngắn vì sự chuyển biến trong nhận thức của mỗi người là cả quá trình. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc vận động thuyết phục cần có nhiều thời gian cũng như cách giải thích khoa học để bà con tin hỏa táng, điện táng là hình thức an táng văn minh cho người quá cố, đồng thời không để lại gánh nặng cho gia đình, con cháu về việc xây mồ, thăm viếng, cũng như “tiết kiệm đất” – tài nguyên quý giá – để con cháu các thế hệ mai sau có điều kiện phát triển kinh tế. Vì vậy, khi vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang phải chú ý đến việc vận động đồng bào lựa chọn hình thức hỏa táng, điện táng cho người đã khuất.
Việc tang lễ cốt yếu là bày tỏ được lòng đau buồn tiếc thương của người đang sống đối với người đã khuất. Không những thế, nó còn thể hiện mối quan hệ giữa những người đang sống với nhau, thể hiện tình cảm đoàn kết tương thân tương ái, sự chia sẻ trong cộng đồng. Trong quá trình vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc nào được cộng đồng chấp nhận, hoặc là xu thế phát triển tất yếu thì rất nên có sự chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời. Đối với việc hỏa thiêu cho người quá cố trước khi tổ chức tang lễ cũng cần được nghiên cứu, quan tâm.
Tác giả: Trần Văn Quang
Nguồn: Tạp chí VHNT số 471, tháng 8-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Tổng kết công tác thi đua Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cụm Bắc Trung Bộ
HÒA BÌNH: Hội thảo khoa học Kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình (1951 – 2021)