Trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc ta có rất nhiều câu tục ngữ ca dao nói về phục trang của con người. Thông qua đó, ta có thể dễ dàng nhận thấy vai trò của phục trang trong đời sống cũng như trong nghệ thuật.
Câu ca dao đói cho sạch, rách cho thơm đã thể hiện bản chất thiện tâm của con người thông qua phục trang. Tương tự như vậy, vẻ đẹp hình thức con người có thể được nâng lên qua hình thức của phục trang: Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân, hay ở một mức độ cao hơn, nói đến phục trang là chạm đến một tầm văn hóa: Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.
Còn như câu ca dao:
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Chỉ giản dị như vậy và cũng chỉ nhấn vào một vài chi tiết nhỏ của phục trang thôi, nhưng đã toát lên hoàn cảnh của chàng trai cũng như tâm trạng của cô gái trong hoàn cảnh đó.
Lại nữa:
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay…
Phục trang ngoài đời và trong ca dao như vậy, nhưng đặc biệt trong điện ảnh, phục trang còn có nhiều khía cạnh khác. Trong câu ca dao trên, chỉ cần qua một vài từ, chiếc áo ở đây đã từ phục trang bình thường hoán đổi vị trí trở thành đạo cụ diễn xuất, trở thành vật trao gửi. Vậy, ta có thể xuất phát từ đó mà định nghĩa phục trang trong điện ảnh.
Phục trang trong nghệ thuật điện ảnh là những quần áo và trang sức của nhân vật trong phim như hoa tai, vòng, nhẫn, giày, mũ…nhằm tạo nên tính cách nhân vật và qua đó tạo được hoàn cảnh xuất thân của nhân vật. Hẳn chúng ta không thể quên những bộ trang phục lộng lẫy mà nữ diễn viên Vivien Legh đã mặc trong bộ phim Cuốn theo chiều gió (1939). Chúng đã làm tăng cường phần hình ảnh và tạo sự thán phục cho khán giả xem phim. Có thể nói, người diễn viên đã nhờ trang phục giúp sức rất nhiều cho diễn xuất của mình. Không hiếm khi trang phục làm tôn vai diễn hơn cả nét biểu cảm, động tác của diễn viên. Có những diễn viên diễn không hay nhưng trang phục họ mặc đã cứu họ, đặc biệt ở các bộ phim lịch sử. Không phải không có lý do khi giải thưởng Viện hàn lâm Mỹ dành hẳn một giải cho trang phục của phim (giải Archivements in Costume Design) .Trang phục được sử dụng trong phim, sau đó còn được lưu giữ lại như những sưu tập quý giá. Như thế có thể thấy trang phục đóng một vai trò rất quan trọng với mạch truyện phim và với cả diễn viên.
Trên thực tế, chọn được trang phục đáp ứng được cả hai yêu cầu này không hề đơn giản. Một bộ trang phục sáng tạo có thể làm tăng kịch tính của phim, làm nổi bật nhân vật và thêm sự tự tin cho diễn viên. Trang phục có thể nói thay những gì không có trong lời thoại, bởi nó tô đậm thêm tính cách và xuất thân của nhân vật mà không cần giải thích bằng lời.
Phục trang trong điện ảnh cần phải hết sức chân thực và thật sự điển hình. Trong phim, phải coi phục trang như một bộ phận cấu thành của một phong cách dàn dựng nhất định của phim, có thể làm tăng hoặc giảm đi tính biểu tượng của nó. Phục trang hiện lên trên nền của những bối cảnh khác nhau, nhằm nhấn mạnh những động tác và tư thế của các nhân vật, phù hợp với những gì mà họ biểu hiện. Nó đem theo giọng điệu của riêng mình, hòa hợp hoặc mang theo sự tương phản với tập thể diễn viên và kết cấu của từng khuôn hình nói chung. Trong quá trình sản xuất, do yêu cầu sử dụng chiếu sáng khác nhau cho từng cảnh mà trang phục có thể nổi bật lên hoặc bị chìm lấp đi.
Vậy phục trang thực sự có một vai trò, vị trí như thế nào trong các phương tiện biểu hiện của phim? Giắc Manuyen viết: “Mỗi loại quần áo trên màn ảnh tự nó đã là một thứ phục trang, bởi trong khi làm mất đi tính cách của diễn viên, nó làm nổi bật lên tính cách của nhân vật”. Do đó, ta có thể thấy phục trang thể hiện và làm rõ tính cách và hình thức của con người, làm đẹp thêm hay làm rõ nhược điểm của nhân vật. Người ta có thể phân loại nhân vật điện ảnh theo những nhóm hoặc những tiêu chuẩn điển hình theo các tuyến và dạng nhân vật.
Phục trang trong điện ảnh cần phải xác định cái gì?
Trước hết, đó phải là chi tiết, đặc điểm, màu sắc dân tộc điển hình: áo sườn xám của người Trung Quốc, kimono của người Nhật Bản, khăn quấn của người Ả Rập, áo choàng của người Mêhicô…
Thứ hai, trạng thái xã hội được thể hiện qua những loại quần áo đẹp đẽ hay xấu xí. Bọn vô công rồi nghề ăn vận rất lịch sự trong phim Những bà ở rừng Bôlônhơ (phim Pháp), đạo diễn R. Bretxông, những người thợ mỏ trong phim Rạng sáng (phim Pháp 1939) hay những hành khách rách rưới trong Ca kịch ba xu (phim Pháp – Đức hợp tác) phỏng theo kịch của B.Brếch.
Thứ ba, thú vị nhất là phục trang xác định được các tính cách: ta hãy nhớ lại Mác Linđe, cậu ấm nhà giàu ăn mặc theo kiểu chơi bời không chê vào đâu được, hoặc Sácli Sáplin với bộ quần áo mà nếu như thoáng nhìn qua, tưởng đâu như người luôn gặp may trong trường đời nhưng sự nhàu nát rách rưới lại tạo nên hình ảnh của một người thất nghiệp, một nạn nhân bị xã hội đàn áp. Đôi khi phục trang đóng một vai trò tượng trưng thuần túy cho phim, ví dụ như đồng phục của người đầy tớ, trong phim Người mạt hạng, mà ông ta đã lấy trộm vào một buổi chiều để đến dự đám cưới của con gái với tất cả sự trang trọng của mình. Chiếc áo choàng của người viên chức bất hạnh vì nó mà anh ta đã sống và chết, thậm chí không kịp mặc lấy vài lần.Trong tiến trình thực hiện, nhờ việc đưa màu sắc vào phim mà những họa sĩ phục trang có thể tạo ra được những ấn tượng tâm lý có hiệu quả nghệ thuật cao. Anna Suriô đã viết: bộ phim Rôbin Hút đã thể hiện diễn biến nội tâm của Marianna thật tinh tế, cô là người trước đó bị lệ thuộc vào bọn Henxbốc và cũng mặc một chiếc áo màu đỏ như hắn. Nhưng sau đó, cô dần trở nên gần gũi với Rôbin, và điều đó được thể hiện qua màu áo cứ sáng dần lên của cô, rồi đến cuối phim chiếc áo dài của Marianna có một màu xanh hệt như màu áo của người anh hùng, chúa tể của rừng xanh ấy.
“Tôi rất khó khăn và vô cùng quan trọng khi chọn trang phục cho nhân vật. Một bộ quần áo đúng sẽ giúp bạn đi vào nhân vật, giống như bạn có chiếc cọ tốt khi bắt đầu vẽ” (Catherine Deneuve). Lời của nữ diễn viên Pháp kỳ cựu này càng khẳng định rõ hơn vị trí, tầm quan trọng của phục trang như một thành tố đầu tiên tạo ra tư chất nhân vật. Thực tế đã hoàn toàn chứng minh một bộ phim mà phục trang được chuẩn bị tốt, đúng niên đại, kích cỡ, tính cách, hợp với khung cảnh… sẽ quyết định rất lớn cho sự thành công của nhân vật cũng như bộ phim đó.
Phục trang trong nghệ thuật điện ảnh cũng rất khác phục trang sân khấu, trong khi điện ảnh lấy tiêu chí hiện thực làm căn bản thì nghệ thuật phục trang sân khấu lại giàu tính ước lệ và cách điệu. Nhưng phục trang trong điện ảnh cũng rất uyển chuyển trong việc cách điệu trên nền tảng hiện thực. Màu sắc phục trang luôn thay đổi qua các sự kiện và thăng trầm trong số phận của nhân vật.
Ví dụ: nhân vật ở sân khấu bị bắn, nhân vật chỉ cần ôm ngực, làm động tác, thậm chí có thể hát một hồi rồi mới chết, nhưng với điện ảnh trong cảnh này áo ngực phải bục rách, thậm chí phải gắn kíp nổ vào người, máu phải bắn tóe hoặc chảy ra.
Phục trang cũng phải góp phần thể hiện không khí của sự kiện trong bối cảnh: lễ hội, đi lao động, quân phục trong lễ duyệt binh, quân phục của chiến sĩ ngoài mặt trận… Do tầm quan trọng của phục trang như vậy, nên người họa sĩ phục trang trước mỗi bộ phim phải sưu tập hệ thống tài liệu đầy đủ, có ảnh lưu trữ kèm theo qua nhiều giai đoạn, thời đại. Có thể tham khảo thêm tài liệu qua các hệ thống của bảo tàng như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng… Người họa sĩ phục trang phải hết sức nghiêm túc trong việc lựa chọn trang phục để bộ phim đạt được tính chân thực cao, có giá trị về thời điểm lịch sử. Nếu không chú ý đến những đặc thù cơ bản này thì bộ phim có thể xảy ra rất nhiều lỗi rất đáng tiếc. Như phim Hoàng Lê nhất thống chí, phục trang ăn mặc như diễn hài, vua đi hia sân khấu, có nhân vật quan quân đi ủng cứu hỏa, từ vua đến quân đều mặc áo thụng vàng, toàn bộ phục trang phim này không những làm sai lệch lịch sử mà còn làm hỏng không khí của phim.
Trong những phim lớn, nhất là những phim lịch sử, thì phục trang được chuẩn bị rất lâu và đòi hỏi sự quyết định và tầm hiểu biết rất lớn của người họa sĩ. Ta lấy ví dụ phim Chiến tranh và hòa bình (1963), phục trang được chuẩn bị trước hai năm với tổng chi phí đầu tư rất lớn. Trong điều kiện làm phim ở Việt Nam, chúng ta chưa có điều kiện làm những bộ phim lớn, hoành tráng như các nước khác trên thế giới nhưng cũng cần phải cố gắng đạt đến một giá trị chân thực nhất định, để bộ phim ra mắt công chúng phải có tính thuyết phục và nếu như biết kết hợp tốt, nó có thể trở thành mũi nhọn kinh tế. Ta chưa nói tới phim của Hollywood mà chỉ cần điểm qua các cơn gió lạ thời trang của Hàn Quốc qua các phim gần đây. Khán giả Việt Nam bị hút hồn theo những bộ trang phục trong phim của những diễn viên Hàn Quốc. Có thể nói trang phục của phim Hàn còn vượt xa hơn những bộ phim thương mại của họ khi xâm chiếm thị trường phim châu Á đã tạo ra những mốt thời trang từ quần áo đến vật dụng của diễn viên chính cho giới trẻ. Ngoài công dụng phục vụ cho phim, họ còn biết cách biến trang phục phim trở thành những khuynh hướng thời trang để đạt được cả mục đích về cả văn hóa lẫn thương mại. Đây là điều các nhà làm phim nhiều nước chưa làm được.
Đất nước Việt Nam chúng ta đang tiến rất gần đến cái mốc 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, rất nhiều dự án phim lịch sử đang được thực hiện như Trần Thủ Độ (Hãng phim truyện I), Lý Công Uẩn, đường tới thành Thăng Long (Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành và EASTV Hong Kong), Huyền sử thiên đô (Công ty Sao thế giới và Hãng phim truyện I)… Vấn đề phục trang phim lịch sử lại trở nên một vấn đề nổi cộm và trở thành mối lo lắng của tất cả những nhà làm phim có trách nhiệm với nghề. Trong bối cảnh của nền điện ảnh có một truyền thống lịch sử không được lâu đời và không nhiều kinh nghiệm thì tìm một hướng đi đúng đắn quả thực nan giải. Nhưng tát cả đều phải có một sự khởi đầu. Sự khởi đầu nào cũng sẽ khó khăn và đôi khi mang một chút chệch choạc, nhưng ít nhất nó đã có sự bắt đầu dù muộn màng. Chúng ta hãy chờ đợi và hy vọng.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 314, tháng 8-2010
Tác giả : Trần Quang Minh
Bài viết cùng chủ đề:
Sự giao thoa phim truyện và phim tài liệu qua cha cõng con
Nhận diện đạo diễn phim việt những năm gần đây
Tấm cám: chuyện chưa kể – từ truyện kể đến điện ảnh