Trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của mình, Lênin đặc biệt nhấn mạnh vai trò của báo chí cách mạng. Là lãnh tụ thiên tài của phong trào cộng sản và công nhân thế giới, Lênin cũng là cây bút bậc thày trong làng báo chí cách mạng để lại những tác phẩm bất hủ, chứa đựng những tư tưởng lớn cho, hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Trên cương vị là nhà lãnh đạo đảng, hay trên cương vị một người cầm bút, Người đã để lại dấu ấn lịch sử qua hàng trăm bài viết in trên hàng chục tờ báo, tạo nên phong cách riêng, mẫu mực về mọi phương diện, đồng thời sử dụng báo chí cách mạng như một vũ khí lợi hại để đạt được hiệu quả tối ưu.
Theo Lênin, không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Lênin mong muốn báo chí cách mạng phải trở thành trung tâm tư tưởng của đảng vô sản và của nhân dân lao động. Từ tháng 9-1905, nghĩa là 12 năm trước khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công, Người đã viết: “Cần phải thường xuyên trích dẫn trên báo địa phương những điều nói trên báo trung ương, làm cho nhiều quần chúng biết tên báo trung ương, với ý thức rằng đó là tờ báo chính thức của mình, đó là trung tâm tư tưởng của mình”(1). Để trở thành một trung tâm tư tưởng, trong thời kỳ giai cấp vô sản chưa giành được chính quyền, báo chí cách mạng từ trung ương đến các địa phương phải bằng mọi cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong quần chúng, phải tuyên truyền ngay cho chính tờ báo của mình, “làm cho quần chúng công nhân biết rằng chúng ta có một cơ quan ngôn luận trung ương chính thức của đảng”(2). Để trở thành một trung tâm tư tưởng, không có cách nào khác, báo chí cách mạng phải gắn bó với phong trào công nhân. Chỉ một năm sau ngày báo Sự thật ra đời, tháng 4-1913, Lênin đã nhận xét rất lạc quan: “Báo Sự thật trên thực tế là một tờ báo của công nhân cả về khuynh hướng, cả về thế giới bạn đọc của báo là quần chúng công nhân, cả về nội dung của báo nói chung và đặc biệt là về số lượng lớn bài do công nhân gửi đến”(3). Khi giai cấp vô sản đã giành được chính quyền, công tác tư tưởng của đảng, của báo chí cách mạng đặt ra những vấn đề mới không kém phần cam go so với trước đây. Trên báo Sự thật số 202, ngày 20-9-1918, Lênin chỉ rõ: “Chúng ta cứ nhớ lại xem trên báo chí, giai cấp tư sản đã công kích khéo léo những kẻ thù giai cấp của nó như thế nào, đã chế giễu, đã bôi nhọ họ như thế nào,… Còn chúng ta thì sao? Chẳng nhẽ đấu tranh giai cấp trong thời kỳ quá độ… lại không phải là bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân”(4). Theo Lênin, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng lúc này càng phải gắn bó với cuộc đấu tranh giai cấp. Lênin đã phê phán gay gắt tình trạng quan liêu lúc đó của báo chí cách mạng: “Báo chí không hề nói đến điều đó. Và nếu nói đến thì lại nói bằng một giọng hành chính, quan liêu, không phải giọng của một giai cấp đang chứng minh bằng hành động rằng phản kháng của bọn tư bản và của những kẻ ăn bám cứ ôm mãi các tập quán kiểu tư bản, sẽ bị kiên quyết diệt trừ”(5). Như vậy, báo chí cách mạng phải đi sát thời cuộc, phải chuyển biến trước, hoặc đồng thời chứ không được đi sau các chuyển biến cách mạng. Báo chí cách mạng đã và vẫn phải là một vũ khí đấu tranh sắc bén chứ không thể ăn theo, nói leo, lại càng không thể bàng quan trước sự nghiệp cách mạng của hàng triệu, hàng triệu con người.
Kết quả hoạt động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc bấy giờ gắn liền với tên tuổi của những tờ báo cách mạng và tiến bộ do đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo hoặc chi phối. Đặc biệt, thắng lợi của Cách mạng XHCN tháng Mười Nga (1917) không thể tách rời quá trình chuẩn bị về tư tưởng mà Lênin và các đồng chí của Người đã thể hiện trên các báo Người vô sản, Công nhân, Sự thật…
Nước Nga năm 1918, trong điều kiện chính quyền Xô Viết còn non trẻ, khó khăn chồng chất, thù trong giặc ngoài, Lênin đã viết bài Bàn về tính chất báo chí của chúng ta đầy tâm huyết. Lênin đề nghị báo chí cách mạng hãy bớt đi những cách nói về chính trị chung chung, nhảm nhí, mà phải tập trung vào những vấn đề cấp bách, sống còn đang được cả xã hội quan tâm: vấn đề phát triển kinh tế – xã hội. Lênin yêu cầu báo chí phải phát hiện, biểu dương, động viên những yếu tố tích cực, những cái mới, tạo điều kiện cho những yếu tố đó sinh sôi, nảy nở. Người đặt ra hàng loạt câu hỏi cho báo chí cách mạng: “Trong việc xây dựng nền kinh tế mới… thực tế có được những thành tựu đó là gì? Những thành tựu đó đã được xác nhận chưa? Thành tựu đạt được như thế nào? Làm thế nào để mở rộng những thành tựu ấy?”(6). Như vậy, muốn giám sát và quản lý xã hội, báo chí cách mạng phải đầy ắp thông tin có chọn lọc, có định hướng rõ ràng. Lênin thẳng thắn chỉ ra những non kém của báo chí là ít dùng những điển hình, những tấm gương cụ thể, sinh động lấy trong mọi lĩnh vực của đời sống để giáo dục quần chúng, mà đấy mới là nhiệm vụ chính của báo chí trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản. Người cũng chỉ rõ báo chí còn ít chú ý đến đời sống thường ngày trong công xưởng, nông thôn và bộ đội là những nơi mà đời sống mới được xây dựng mạnh hơn ở mọi nơi khác. Kết thúc bài báo, Lênin đã đặt vấn đề một cách quyết liệt với báo chí cách mạng: “Hãy gần gũi đời sống hơn nữa. Hãy chú ý nhiều hơn nữa xem trong công việc thường ngày của họ, quần chúng công nông đang thực tế sáng tạo cái mới như thế nào”(7). Làm được như vậy mới làm cho báo chí cách mạng khác về chất so với báo chí phong kiến, tư sản trước đây, mới là tiêu chí khẳng định chất cộng sản của báo chí cách mạng.
Cùng với việc nêu lên chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng, Lênin cũng chỉ ra những thuộc tính cơ bản của báo chí cách mạng là tính đảng, tính chiến đấu, tính nhân dân…
Năm 1905, trên tờ Đời sống mới, Lênin đã đăng bài báo rất nổi tiếng Tổ chức của đảng và văn học đảng. Người đả đảo những nhà văn không có tính đảng, những nhà văn siêu nhân và cho rằng sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận trong sự nghiệp của giai cấp vô sản. Về báo chí, Lênin yêu cầu: “Báo chí phải trở thành những cơ quan của các tổ chức của đảng”(8). Tính đảng của báo chí cách mạng còn thể hiện ở chỗ nó phải tự giác trở thành thành viên của tổ chức đảng, chịu sự kiểm soát của đảng, mang nguồn nhựa sống của sự nghiệp đầy sức sống của giai cấp vô sản.
Báo chí cách mạng phải có tính chiến đấu. Mục tiêu, lý tưởng của đảng của giai cấp vô sản là đấu tranh lật đổ chế độ áp bức, bóc lột, xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp, nhân văn, giải phóng và đem lại hạnh phúc cho con người. Đảng phải huy động tổng lực sức mạnh của mình, trong đó có lực lượng báo chí cách mạng tham gia vào sự nghiệp vĩ đại đó. Theo Lênin, tính chiến đấu của báo chí cách mạng làm cho báo chí cách mạng trở nên hoàn hảo hơn, không gì có thể thay thế được trong việc tập hợp lực lượng quần chúng đông đảo. Lêninđã đưa ra một ví dụ cụ thể kết quả này trong bài báo Giai cấp công nhân và báo chí công nhân in trên báo Sự thật lao động tháng 7-1914: “Trong hai năm rưỡi, phái Sự thật, những nghị quyết của phái Sự thật, sách lược của phái Sự thật đã tập hợp được 4/5 công nhân giác ngộ ở Nga”(9). Điều đó cho thấy sức mạnh áp đảo của báo chí cách mạng so với các loại báo chí khác. Điều đó cũng cho thấy với tính chiến đấu, báo chí cách mạng còn có vai trò như người phản biện rất hiệu quả trong xã hội.
Nói tới thuộc tính của báo chí cách mạng, không thể không nói tới tính nhân dân. Phát triển tư tưởng dựa vào dân làm cách mạng của Mác, Ăngghen, Lênin đặc biệt quan tâm đến cả nội dung và hình thức của báo chí cách mạng, xem nó có thực sự thiết thực, phù hợp với trình độ phát triển của nhân dân hay không. Theo Lênin, cái gì không phù hợp, xa lạ với dân chúng thì báo chí phải tự loại bỏ: “Hãy bớt những lập luận chung chung và những khẩu hiệu trừu tượng, hãy phát triển công tác tuyên truyền sản xuất nhiều hơn nữa và nhất là hãy nghiên cứu kinh nghiệm thực tế một cách thiết thực, khéo léo, phù hợp với trình độ của quần chúng”(10). Điều mà Người nhấn mạnh là nội dung phản ánh của báo chí phải đáp ứng những yêu cầu cấp bách của sự nghiệp cách mạng đang diễn ra một cách khẩn trương, đồng thời thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng của người lao động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tháng 2-1921, khi đề cập tới công tác của Bộ dân ủy giáo dục, Lênin còn chỉ ra một cách cụ thể hơn về nội dung của báo chí cách mạng: “Hàng ngày ta có thể cung cấp cho nhân dân những bài nghiêm túc và quý giá, những tác phẩm văn học kinh điển tuyệt tác, các tài liệu giáo khoa phổ thông, giáo khoa về nông nghiệp và công nghiệp”(11). Lênin còn yêu cầu tăng cường số lượng báo dán ở các nơi công cộng cho quần chúng đông đảo đọc. Đối với bạn đọc, Lênin rất chú ý tới ba đối tượng: công nhân, binh sĩ, nông dân. Người đã nhận thấy mối quan hệ gắn bó, tương tác giữa báo chí với giáo dục và nhất là hiệu quả của những thông tin có giá trị trên mỗi trang báo: “Phải cố gắng làm sao cho sách, báo… phục vụ một cách đúng đắn toàn thể quần chúng công nhân, binh sĩ, nông dân. Khi đó nhân dân sẽ hướng tới văn hóa, ánh sáng và tri thức một cách mạnh mẽ hơn, nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn hàng trăm lần. Khi đó, công tác giáo dục sẽ tiến những bước rất dài”(12). Trong thực tế, vào những lúc báo chí cách mạng Nga còn gặp khó khăn, nhiều người dân không chỉ mua báo, mà còn đóng góp những đồng tiền nhỏ bé của mình giúp cho một số tờ báo có đủ tài chính để tồn tại, phát triển.
Bàn về chức năng, nhiệm vụ, thuộc tính của báo chí cách mạng, Lênin cũng đề cập đến một số vấn đề về báo chí trong chủ nghĩa tư bản và vấn đề xây dựng nền báo chí cách mạng.
Dưới chế độ tư bản, báo chí bị phân hóa sâu sắc. Những tờ báo do giai cấp thống trị lập ra được hoạt động công khai, không ngừng tung ra những luận điệu mị dân, bênh vực cho sự thống trị của giai cấp tư sản, xóa bỏ tự do báo chí chân chính theo đúng nghĩa của từ này. Tháng 3-1914, Lênin đã viết bài Chủ nghĩa tư bản và báo chí (13), vạch trần sự thối nát của tờ báo Thời mới từ việc người cầm đầu từng là một tên ăn cắp bị đuổi việc, đến những hành vi mua chuộc bẩn thỉu, đê tiện. Trong bài báo nổi tiếng Tổ chức của đảng và văn học đảng, đề cập đến vấn đề xây dựng nền báo chí cách mạng, Lênin đã nêu lên một quan điểm rất biện chứng: “Chúng ta muốn tạo ra và sẽ tạo ra sách báo tự do, tự do không những theo cái nghĩa thoát khỏi sự áp bức của cảnh sát, mà còn tự do với ý nghĩa thoát khỏi tư bản, thoát khỏi chủ nghĩa đầu cơ danh vị – không những như vậy, mà đồng thời còn tự do với ý nghĩa thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân vô chính phủ của giai cấp tư sản”(14). Người cũng nhấn mạnh rằng trong sự nghiệp đó tuyệt đối phải đảm bảo phạm vi hết sức rộng rãi cho sáng kiến cá nhân, cho tư tưởng và sức tưởng tượng, cho hình thức và nội dung. Người cũng chủ trương tự do ngôn luận và xuất bản phải đầy đủ, nhưng đã là báo chí cách mạng, có tính đảng thì không thể toàn quyền tùy tiện la ó, viết bậy, cá nhân chủ nghĩa, mà phải phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của đông đảo quần chúng.
Cả Mác, Ăngghen và Lênin đã nhiều lần cảnh báo rằng không thể coi thường hoặc mất cảnh giác với các tờ báo được giai cấp tư sản yêu chiều, bởi chúng có thừa các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để chống phá giai cấp vô sản. Vì vậy, có lần Lênin đã phải bất đắc dĩ nhắc nhở báo chí cách mạng chớ có mắc bệnh kiêu ngạo cộng sản, hãy nghiên cứu để rút ra những bài học sâu sắc, thiết thực từ cách đưa tin, tuyên truyền, cách lập luận của chính báo chí tư sản. Ở đây có vấn đề là khi xây dựng sự nghiệp báo chí, phải thường xuyên kết hợp xây và chống, trong đó xây là chính. Xây dựng sự nghiệp báo chí cách mạng là phải có chiến lược, sách lược, những nhiệm vụ có tính lịch sử, cụ thể, phải làm cho báo chí cách mạng không phải chỉ là món ăn tinh thần, là phương tiện giải trí, mà chủ yếu là người bồi đắp lý tưởng, cổ vũ sản xuất và chiến đấu của nhân dân, đem lại cho nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Vấn đề tính đảng cùng các thuộc tính khác của báo chí và xây dựng sự nghiệp báo chí cần được nghiên cứu với tính lịch sử cụ thể. Lênin đã phát triển tư tưởng của Mác, Ăngghen lên một tầm cao mới, trong giai đoạn mới. Ở đây đặt ra vấn đề xây dựng sự nghiệp báo chí là phải phát huy tính đảng và các thuộc tính khác của nó, có khuynh hướng XHCN, có tinh thần cách mạng tiến công, bảo vệ đảng, bảo vệ nhân dân, có vai trò phản biện xã hội để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của đảng và nhân dân đi tới thắng lợi cuối cùng.
Cũng do giới hạn của lịch sử, một số vấn đề khác liên quan đến báo chí và xây dựng sự nghiệp báo chí cũng cần được nói rõ, phát triển và bổ sung thêm. Dù muốn hay không muốn, thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, báo chí cũng trước hết phải là người đi đầu tuyên truyền chính trị một cách đắc lực và hiệu quả nhất. Trong bài Bàn về tính chất báo chí của chúng ta (1918), Lênin đặt vấn đề hãy nói chính trị ít hơn, không có nghĩa kinh tế là tất cả. Ở đây, Người chỉ muốn nhắc nhở về chính trị cần phải nói ngắn gọn theo phương châm quý hồ tinh, bất quý hồ đa, phải chặt chẽ, không được lòng vòng và phải dồn sức cho nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là ổn định và phát triển kinh tế, tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho việc xây dựng CNXH.
Trong xu thế toàn cầu hóa, chúng ta phải đặc biệt quan tâm tới tính dân tộc, bản sắc dân tộc của báo chí. Báo chí cũng phải bén rễ từ trong tầng sâu của truyền thống dân tộc, thể hiện sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa dân tộc ấy.
Một vấn đề nữa – vấn đề xây dựng nền báo chí mới ra sao? Thời kỳ Mác và Ăngghen sống, chưa có những điều kiện trực tiếp để xây dựng một nền báo chí mới. Đến Lênin, vấn đề này mới trực tiếp đặt ra và cũng được trực tiếp thể nghiệm. Tư tưởng báo chí của Lênin, một mặt phát triển tư tưởng của Mác, Ăngghen, mặt khác dần đi tới sự hoàn thiện với hàng loạt vấn đề như quan hệ giữa báo chí và chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chức năng, nhiệm vụ của báo chí, các thuộc tính của báo chí cách mạng, vấn đề kế thừa truyền thống, giao lưu quốc tế.
Ngày nay, quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng đã và vẫn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của báo chí nước ta.
_______________
1, 2. Lênin, Toàn tập, tập 11, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1979, tr.402, 402-403.
3. Lênin, Toàn tập, tập 23, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1980, tr.119.
4, 5, 6. Lênin, Toàn tập, tập 37, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977, tr.108, 107.
7. C.Mác – Ph.Ăngghen, Tuyển tập, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.109.
8, 14. Lênin, Toàn tập, tập 12, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1979, tr.124, 125.
9, 13. Lênin, Toàn tập, tập 25, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1980, tr.265, 6.
10, 11, 12. Lênin, Toàn tập, tập 42, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977, tr.413, 415, 214.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013
Tác giả : Nguyễn Văn Thắng
Bài viết cùng chủ đề:
Tiểu thuyết kiếp người 3 – lạnh nhìn từ góc độ thi pháp thể loại
Cảm thức cô đơn trong linh sơn của cao hành kiện
Cảm thức thời gian trong ngàn cánh hạc của yasunari kawabata