C.Mác và Ph.Ăng ghen là những người đầu tiên xem xét vai trò của khoa học, công nghệ, sáng chế trong kinh tế nói chung và trong sản xuất hàng hóa nói riêng một cách có hệ thống, bằng phương pháp luận sắc bén của phép biện chứng duy vật.
Trong cuốn Tư bản, C.Mác đã làm nổi bật vai trò của khoa học, công nghệ khi phân tích về sự khác biệt chủ yếu giữa công cụ (dụng cụ) lao động và máy móc.
C.Mác đã phân tích rõ rằng: “Tất cả máy móc đã phát triển đều gồm ba bộ phận khác nhau một cách căn bản: động cơ, cơ cấu truyền lực và cuối cùng là máy công cụ hay máy công tác”(1). Sau đó, C.Mác đã phân tích chi tiết chức năng từng bộ phận của máy móc đã tạo ra năng suất lao động cao hơn hẳn người thợ thủ công. Lý giải về điều này C.Mác viết: “Việc biến quá trình sản xuất từ chỗ là một quá trình lao động đơn giản thành quá trình khoa học bắt những lực lượng của giới tự nhiên phải phục tùng mình và bắt những lực lượng ấy phải hoạt động phục vụ những nhu cầu của con người”(2).
Như vậy, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất sẽ làm cho năng suất lao động xã hội tăng cao, rút ngắn thời gian lao động xã hội cần thiết, thời gian nhàn rỗi cho xã hội và mỗi thành viên nhiều hơn, tạo điều kiện để phát triển toàn diện mỗi cá nhân; và “cơ sở chủ yếu của sản xuất và của của cải không phải là lao động trực tiếp do chính con người thực hiện và không phải là thời gian trong đó anh ta lao động, mà là sự chiếm hữu sức sản xuất phổ biến của chính con người, là nhận thức của con người về giới tự nhiên và sự thống trị giới tự nhiên do sự tồn tại của con người với tư cách là một cơ thể mang tính xã hội”(3). Ở đây C.Mác đã đề cao vai trò của hoạt động nhận thức, khám phá (nghiên cứu khoa học) và ứng dụng những kết quả của quá trình ấy vào sản xuất. Tuy nhiên, lao động của con người ở giai đoạn đó (TK XIX) vẫn còn phải gắn chặt với máy móc hoặc dây chuyền máy móc. Trong cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, máy móc đã xuất hiện thêm bộ phận thứ tư, đó là bộ phận điều khiển tự động (thời C. Mác chưa có), làm cho lao động của con người không nhất thiết phải trực tiếp gắn chặt với máy móc hay dây chuyền máy móc của quá trình sản xuất mà năng suất lao động xã hội vẫn không ngừng tăng lên.
Vai trò của khoa học, công nghệ cũng được thể hiện khi C.Mác phân tích mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình chuyển nền sản xuất từ công trường thủ công sang đại công nghiệp cơ khí.
C.Mác đã chỉ ra: lúc đầu máy móc đều được chế tạo nhờ vào tay nghề, bí quyết, tài khéo léo của một số thợ thủ công nên đã cản trở sự phát triển lên đại công nghiệp. “Nhưng những khối sắt to lớn bây giờ cần phải rèn, hàn, cắt, khoan và đúc, đến lượt chúng lại đòi hỏi những máy móc khổng lồ mà ngành chế tạo máy kiểu công trường thủ công không thể nào sản xuất nổi. Vậy là nền đại công nghiệp phải nắm lấy những tư liệu sản xuất đặc trưng của nó, tức là bản thân máy móc, và dùng máy móc để sản xuất ra máy móc. Nhờ thế, nó tạo ra được cho mình một cơ sở kỹ thuật thích hợp và đứng vững được trên đôi chân của mình”(4). Ở đây C.Mác đã phát hiện ra một quy luật rất quan trọng của nền sản xuất đại công nghiệp đó là vòng xoáydùng máy móc để sản xuất ra máy móc. Do đó, trình độ tinh vi và phức tạp cũng như độ chính xác và chất lượng nói chung của máy móc hay hệ thống máy móc ngày càng phải được nâng cao để nó có thể tạo ra được các loại máy móc mới có tính năng còn cao hơn nữa, thậm chí có thể mới hẳn về chất. Ví dụ, các máy chế tạo cơ khí sản xuất ra các máy phát điện, các máy cơ điện chế tạo ra các linh kiện bán dẫn (mạch vi điện tử) và do đó chế tạo ra các máy điện toán… Chính trong quá trình này, khoa học và công nghệ đã được hóa thân vào trong các thế hệ máy móc, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Ví dụ, nhờ các kiến thức của khoa học về chất bán dẫn nên đã xây dựng được công nghệ bán dẫn, do dó hình thành công nghiệp điện tử. Ngành công nghiệp điện tử, ngược trở lại, cung cấp máy tính điện tử là một công cụ hết sức quan trọng để khoa học tiếp tục nghiên cứu và phát hiện các quy luật mới về cấu trúc của vật chất.
Cũng chính với sự phát hiện ra quy luật nói trên, C.Mác đã nêu lên tính cách mạng của lực lượng sản xuất dựa trên cơ sở của khoa học và công nghệ. C.Mác khẳng định: “Công nghiệp hiện đại không bao giờ xét và coi hình thức hiện có của quá trình sản xuất là hình thức cuối cùng. Vì vậy, cơ sở kỹ thuật của nó là có tính chất cách mạng…”(5). Trong thời đại ngày nay, kết luận đó càng có tính thời sự. Bất kỳ một quốc gia nào, một nền kinh tế nào nếu không muốn tụt hậu thì phải liên tục cách mạng hóa lực lượng sản xuất nhờ vào việc ứng dụng những thành tựu tiên tiến của khoa học và công nghệ hiện đại.
C.Mác còn nhận định: “Theo đà phát triển của đại công nghiệp, việc tạo ra của cải thực sự trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí hơn là vào sức mạnh của những tác nhân được khởi động trong thời gian lao động, và bản thân những tác nhân ấy, đến lượt chúng (hiệu quả to lớn của chúng) tuyệt đối không tương ứng với thời gian lao động trực tiếp cần thiết để sản xuất ra chúng, mà đúng ra chúng phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học và vào sự tiến bộ của kỹ thuật, hay là phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy vào sản xuất”(6). Nhận định trên của C.Mác hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế tri thức trên thế giới hiện nay.
Nhận định về vai trò của khoa học, công nghệ với sản xuất Ph. Ăng ghen nhấn mạnh: “Nếu kỹ thuật phụ thuộc một phần lớn vào tình trạng của khoa học, thì khoa học còn phụ thuộc hơn nữa vào tình trạng và những đòi hỏi của kỹ thuật. Khi xã hội có nhu cầu về kỹ thuật thì những nhu cầu này thúc đẩy khoa học tiến lên hơn mười trường đại học”(7). Như vậy, cùng với sự phát triển của xã hội, vai trò của khoa học, công nghệ ngày càng tăng trong xã hội hiện đại, khoa học, công nghệ càng có vai trò quyết định đối với sự phát triển của mỗi quốc gia.
Những luận điểm cơ bản trên đây của C.Mác – Ph.Ăngghen đã nêu lên mối quan hệ hữu cơ giữa khoa học, kỹ thuật, công nghệ với sản xuất đại công nghiệp, tính cách mạng của quá trình phát triển đại công nghiệp trên cơ sở khoa học và công nghệ, và vai trò to lớn của khoa học, công nghệ đối với sản xuất hàng hóa.
Ngày nay, muốn xây dựng và phát triển kinh tế tri thức với những đặc trưng cơ bản, quan trọng và quyết định nhất đó là hàm lượng khoa học, trí tuệ kết tinh rất nhiều ở sản phẩm của lao động thì phải ra sức đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ của khoa học, công nghệ vào sản xuất một cách nhanh chóng hơn, triệt để hơn so với các nền kinh tế trước đó.
_______________
1, 4, 5. C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.538, 554, 629.
2, 3, 6. C.Mác, Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 46, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.360, 370, 368.
7. C.Mác, Ph.Ăngghen, Tuyển tập, tập 6, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983, tr.788.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 338, tháng 8-2012
Tác giả : Phạm Văn Hiển
Bài viết cùng chủ đề:
Có một nền văn minh nga
Thương điếm hirado trong hệ thống thương mại đông á của công ty đông ấn anh
Phát triển văn hóa và con người ở chdcnd lào