Quan hệ dòng họ ở bát tràng trong hoạt động kinh tế xã hội


 

Theo kết quả điều tra, số lượng các dòng họ đã sinh sống ở làng Bát Tràng có sự không thống nhất. Vũ Văn Giần trong bút ký Đời tôi cho biết, trước đây làng có 36 họ. Các bậc cao niên trong làng khẳng định, làng có 23 họ, gồm 5 họ Nguyễn, 3 họ Trần, 2 họ Lê, 2 họ Phạm, 2 họ Hà và các họ Vương, Vũ, Bùi, Đỗ, Mai, Phùng, Cao, Giáp, Đới… Điều này cũng trùng khớp với các bát hương thờ trong đình làng Bát Tràng. Đến khoảng những năm 30 TK XX, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong làng chỉ còn 19 họ; 4 họ không còn ở làng là: Cao, Giáp, Đới và Mai.

1. Những yếu tố tác động đến quan hệ dòng họ ở Bát Tràng

Yếu tố địa lý

Làng Bát Tràng nằm ở tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội về phía đông nam khoảng 10km.

Về địa dư, Bát Tràng tiếp giáp với làng Đông Dư Hạ (xã Đông Dư) về phía bắc (song phần đất về phía này đã bị lở do dòng nước sông Hồng, nên thực tế tiếp giáp với làng Giang Cao); làng Kim Lan (xã Kim Lan), làng Xuân Quan (xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) về phía nam, ngăn cách với làng Bát Tràng bởi đoạn đầu của sông Bắc – Hưng – Hải (đào năm 1958); làng Giang Cao (cùng thuộc xã Bát Tràng) về phía đông. Bên kia sông là làng Nam Dư Thượng (phường Lĩnh Nam) và Nam Dư Hạ (phường Trần Phú) cùng thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày nay.

Theo quan niệm phong thủy, Bát Tràng là đất địa linh. Trước mặt đình làng hướng thẳng sang cụm gò Ngũ Nhạc thuộc làng Thanh Trì bên hữu ngạn sông Hồng. Dân gian đặt tên cho 5 gò này ứng với ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, để mong tạo nên sự vận hành của vạn vật và con người. Nhìn sang phía nam là làng Kim Quan có mõm Hàm Rồng – một doi đất chìa ra ngoài sông Hồng; phía bắc có làng Đông Dư với gò Kim Quy (hình con rùa) chìa cổ xuống cửa sông Đài Bi trông như đang uống nước. Người Bát Tràng từ xưa hãnh diện về thế phong thủy, tâm niệm nhờ thế địa linh này mà dân làng Bát sinh ra nhiều nhân kiệt, và có đời sống cao hơn so với dân các làng lân cận.

Về giao thông, Bát Tràng thuận lợi cả đường thủy và bộ. Xưa, Bát Tràng là điểm nối của con đường thiên lý từ nội đô Thăng Long qua sông Hồng ở bến sông của làng. Từ đây, có hai đường thiên lý khác đi các địa phương, một đường đi xuống Hải Dương và một đường đi đến Bắc Ninh. Mặt khác, Bát Tràng có chừng 1,5 km sông Hồng (hay sông Cái) chảy qua, có hai bến chính là bến Ba Đậu (hay bến Đầu Cống) bến Chùa thông nối với tám bến đò ngang và hai bến đò dọc của sông trên địa phận hai huyện Gia Lâm và Văn Giang, tạo ra sự giao thương tấp nập; đặc biệt là chuyên chở nguyên nhiên liệu làm gốm, hàng hóa từ các nơi về, chuyển sản phẩm gốm cùng cau khô, nước mắm đi tiêu thụ ở các địa phương khác, giữa các làng trong vùng với nhau và với kinh đô Thăng Long.

Về cư dân, theo lưu truyền dân gian và gia phả các dòng họ, cư dân Bát Tràng hiện nay gồm hai bộ phận, một từ làng Ninh Tràng (Trường Yên, nay thuộc tỉnh Ninh Bình), đại diện là họ Nguyễn; bộ phận khác là cư dân các làng vùng Bồ Xuyên, Bạch Bát (thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), đa số là các dòng họ đến sau. Đây là một vùng quê gồm nhiều làng, tạo thành một trung tâm sản xuất gốm thời cổ có niên đại cách đây trên dưới 3500 năm, nằm cách di chỉ Mán Bạc 700m. Đình làng Bát Tràng hiện còn đôi câu đối ghi lại nguồn gốc của nghề gốm được chuyển ra từ vùng Bồ Bát:

Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần

(Đem nghề nghiệp từ làng Bồ ra dựng xây đình miếu

Lòng thành kính tựa hương lan dâng tạ thánh thần)

Có thể thấy, cư dân Bát Tràng được hình thành từ đầu TK X, do một bộ phận các dòng họ ra làm gạch, gốm phục vụ việc xây dựng Kinh thành Thăng Long. Sau rất nhiều lần tồn tại với nhiều tên gọi khác nhau, đến những năm cuối Lê, đầu Nguyễn, làng Bát Tràng mới trở thành một xã độc lập thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (năm Minh Mạng thứ ba – Nhâm Ngọ, 1822, đổi làm trấn Bắc Ninh). Đến năm Minh Mạng thứ 12 (Tân Mão, 1831), trấn Bắc Ninh đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Năm sau (Nhâm Thìn, 1832), đặt phân phủ Thuận An (gồm hai huyện Gia Lâm và Văn Giang), đến năm Tự Đức thứ 15 (Tân Dậu, 1861), đổi thành phủ Thuận Thành. Đến năm 1912 huyện Gia Lâm được cắt chuyển từ phủ Thuận Thành về phủ Từ Sơn.

Nhà sử học Ngô Vi Liễn cho biết, vào năm 1926, làng Bát Tràng có 2408 người. Nếu so với dân số trung bình của một làng Việt ở châu thổ Bắc Bộ là 910 ngư­ời, thì Bát Tràng thuộc loại làng có dân số đông, bằng 2,5 lần dân số một làng trung bình.

Có thể nói, ở đâu với trí tuệ và sự cần cù của mình, nhất là với bàn tay xếp đặt của người phụ nữ, người Bát Tràng đều có một đời sống khấm khá. Từ đó, lại kéo họ hàng, người làng đến theo. Qua bao thế kỷ, các dòng họ cư tụ trên mảnh đất Bát Tràng chung lưng đấu cật, phát huy các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để xây dựng và mở mang làng xóm. Tên làng Bát Tràng chỉ sự hòa hợp, vận hành uyển chuyển như một nguyên lý (1), một lẽ tự nhiên, giúp cho cuộc sống của dân làng luôn gặp sự hanh thông, tạo cho người làng luôn có một ý chí, một niềm tin vững chắc, của một làng đa nghề giàu bản sắc văn hóa tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ.

Yếu tố kinh tế

Có thể xem sản xuất gạch gốm là nghề tạo nên cơ sở kinh tế đầu tiên và bền vững cho làng Bát Tràng. Nghề có nguồn gốc từ cư dân vùng Bồ Bát, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, chuyển ra để phục vụ việc xây dựng kinh đô Thăng Long. Về sau, khi cuộc sống ổn định, các dòng họ đã sản xuất thêm các loại hình sản phẩm khác để phục vụ cuộc sống cho cư dân các vùng lân cận như bát đàn, bát sứ… Công việc sản xuất phải trải qua nhiều công đoạn như, chọn nguyên nhiên liệu, sơ chế nguyên liệu, tạo dáng, trang trí, nung sản phẩm… Mọi công đoạn vừa đòi hỏi nhiều nhân lực, vừa phải có tính kỹ – mỹ thuật cao. Hầu hết, công nhân làm nghề đều đến từ các làng lân cận như Giang Cao, Khoan Tế, Đào Xuyên, Kim Lan, Xuân Quan… Họ chia thành các phường hội như, phường bổ củi, phường vớt bè, phường nung lò…

Phát huy lợi thế về mặt địa lý, sản phẩm của làng nghề sản xuất ra nhanh chóng được các thương lái đến thu mua; hoặc theo các gánh hàng đến các chợ nhỏ lẻ trong vùng, hoặc theo các chuyến đò dọc, đò ngang đến các chợ xa xôi ở các mạn Hà Nội, Tuyên Quang, Bắc Giang hay Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, có khi còn vào cả vùng Thanh – Nghệ Tĩnh… Vào thời kỳ hưng thịnh (TK XVII), gốm Bát Tràng còn được xuất sang các nước Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản… để tiêu thụ. Như vậy, nghề gốm đã thực sự mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người làng Bát Tràng.

Nghề làm gốm không chỉ mang lại công ăn việc làm cho người thợ mà còn tạo ra nhiều dịch vụ như cung ứng nhân công làm thuê cho các nhà xưởng, cung cấp nguyên, nhiên liệu, phương tiện phục vụ cho nghề sản xuất gốm, phân phối sản phẩm, cung cấp các sản phẩm tận dụng từ lò nung (vôi, gạch), cung ứng gỗ cho những cơ sở sản xuất hàng mộc đến các làng lân cận. Đặc biệt, ở đây xuất hiện nghề ở vú, trông em vốn chỉ có ở đô thị, tạo nên nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người.

Có thể thấy, từ những hòn đất tưởng như bình thường kết hợp với than củi và các vật liệu khác, dưới bàn tay khéo léo của người thợ gốm Bát Tràng, cùng với nhân công ở các làng, qua quá trình lao động cần cù, sáng tạo, đã tạo ra những sản phẩm đa dạng, phục vụ các mặt đời sống, nhiều sản phẩm đã trở thành của quý hiếm, nổi tiếng cả nước. Tạo cơ sở kinh tế khá giả cho người làng và cuộc sống ổn định cho những người làm nghề. Tại đình làng còn đôi câu đối ca ngợi nghề gốm:

Bạch Bát chân truyền nê tác bảo,

Hồng lô đào chú thổ thành kim.

(Từ Bạch Bát, nhờ nghề, bùn thành vật quý

Lò rực hồng hun nặn, đất hóa nên vàng).

Bên cạnh nghề gốm, làng còn có hoạt động buôn bán từ rất sớm, Nghề buôn phát triển đã tạo cơ sở kinh tế cho những hộ gia đình không sản xuất gốm, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng kinh tế xã hội cho làng, tiêu biểu có thể kể đến hai nghề buôn: nước mắm và cau khô; thu hút phần đông phụ nữ trong làng tham gia và mang lại nguồn lợi kinh tế khá sau nghề gốm.

Dựa vào sự thuận lợi của đường thủy, người Bát Tràng đã mua nước mắm ở Thanh Hóa (Vạn Bạng, Vạn Cảnh Giang, Vạn Trào), Nghệ An (Vạn Cờn, Vạn Cương và Vạn Quèn), cau ở huyện Đô Lương (Nghệ An), hay một số làng ở Nam Định, Huế hoặc các chợ nội thành Hà Nội. Từ các sản phẩm gốc này, người Bát Tràng tạo ra quy trình bảo quản, sơ chế, cải biến để có những sản phẩm đạt chất lượng, mang thương hiệu và đặc trưng riêng của Bát Tràng. Từ đây, sản phẩm được mang đi tiêu thụ rộng rãi tại các địa phương lân cận bằng nhiều con đường khác nhau, thông qua các thương lái mua buôn mang đến các chợ hoặc do chính người làng gánh đến các chợ bán lẻ. Tận dụng các chuyến đò dọc, đò ngang trên các con sông, hàng được mang đi đến Phả Lại, Chí Linh, Sơn Tây, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Chợ Bờ… hay theo đường bộ đến các chợ Sủi (Gia Lâm), Dâu, Keo (Thuận Thành, Bắc Ninh), Ghênh (Văn Lâm), hay nhiều làng xã, chợ trong huyện Văn Giang (Hưng Yên). Kết quả điều tra hồi cố cho biết, thu nhập từ nghề buôn cũng có nhiều mức khác nhau, không cao như nghề gốm; song, buôn bán đã góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng nguồn kinh tế ổn định cho người làng Bát Tràng và người ở các làng lân cận đến làm thuê.

Ngoài nghề gốm, buôn bán, Bát Tràng còn nổi tiếng là làng có truyền thống học hành khoa bảng, từ đó có nhiều người am hiểu nho, y, lý, số, đặc biệt là y học. Nhiều gia đình, chi phái của các dòng họ có truyền thống làm lang y, và hành nghề ở nhiều nơi. Người Bát Tràng tổng kết, “ở đâu có người Bát Tràng sinh sống, ở đó có người làng mở hiệu làm thuốc, kê đơn bắt mạch tại nhà”. Mỗi gia đình, dòng họ, chi phái có một số bài thuốc riêng, thuộc diện bí truyền, chữa trị được một số bệnh chuyên biệt như các họ, Phạm Tứ Chi (có gia đình ông Phạm Huy Thanh làm nghề ít nhất 5 đời nay), họ Bùi, họ Nguyễn, họ Trần Đông Hội… Thực tế, nghề làm thuốc của người Bát Tràng vốn đi theo nghề gốm, nghề buôn, nghề dạy học; rồi lại quay trở lại giúp cho các nghề trên phát triển.

Gắn với địa bàn sinh sống, làm ăn rộng, với sự học hành thành đạt, cùng với việc mở mang các nghề khác, người Bát Tràng còn phát triển nghề dạy học. Cũng như trong nghề làm thuốc, ở đâu có người làng sinh sống, làm ăn, ở đó có các ông đồ Bát Tràng mở lớp dạy chữ, đến nay không thể nhớ và thống kê hết được. Nhiều trường hợp, thày thuốc cũng làm nhiệm vụ của ông đồ dạy học.

Nhìn chung, cơ sở kinh tế của làng Bát Tràng được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó nghề gốm là chủ đạo, hỗ trợ các nghề khác như buôn cau khô, nước mắm, rút bao ấm, dạy học, làm thuốc, góp phần thúc đẩy kinh tế làng phát triển một cách bền vững, tạo thu nhập ổn định, đời sống cao cho người làng và tạo công ăn việc làm cho dân các làng lân cận. Hoạt động kinh tế tạo cơ sở và có ảnh hưởng quyết định đến các hoạt động sống, trong đó có mối quan hệ dòng họ. Thông qua hoạt động sản xuất, buôn bán, làm nghề, người các dòng họ có điều kiện thể hiện và khẳng định mình trước các dòng họ khác và quan hệ giữa các dòng họ trong làng với nhau. Mặc dù, cũng có những hạn chế do tính cách và tâm lý của người làm nghề, làng có những quy định hết sức ngặt nghèo đối với dân ngụ cư như, không truyền nghề cho người làng khác, thể hiện qua lời nguyền “bất khả giáo nghệ phi tử tôn” (không được dạy nghề cho người không phải là con cháu mình).

Yếu tố văn hóa, học hành

Các sách về khoa bảng xưa nay đều chép Bát Tràng có 8 người đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Các bậc cao niên làng cho rằng, làng có 9 vị đại khoa. Theo tổng hợp của tác giả Bùi Xuân Đính, làng có 283 người đỗ đạt và làm quan. Đối chiếu với các tiêu chí về làng khoa bảng thì Bát Tràng với số lượng người đỗ và mức đỗ có thể được xem là một làng khoa bảng. Có thể thấy, hiếm có làng Việt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ nào lại có nhiều danh hiệu như làng Bát Tràng. Lý giải cho việc đỗ đạt của làng có thể đưa ra một số nguyên nhân sau:

Bát Tràng là làng thuộc huyện Gia Lâm – một huyện đứng đầu về khoa mục của phủ Thuận An (Thuận Thành, Bắc Ninh). Nếu xét về văn học, phủ Thuận An cũng được gọi là tương đương với phủ Từ Sơn. Nằm trong vùng văn hóa Kinh Bắc, người Bát Tràng lại có thói quen chuộng văn nhã, phong tục, nhân vật hơn người các làng khác. Mặt khác, làng lại nằm gần kinh đô Thăng Long, một trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và chịu ảnh hưởng lớn của văn hóa kinh kỳ, tạo động lực để người làng nuôi chí học tập, phát triển tài năng.

Bát Tràng được tự nhiên ưu ái để phát triển nghề công thương, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, người dân có tiền để đầu tư cho con em ăn học, theo đuổi nghiệp học.

Bát Tràng có chế độ khuyến học hết sức thỏa đáng, người làng trọng người học hành, đỗ đạt. Người đỗ đạt cao từ tiến sĩ (ngạch văn), quận công (ngạch võ), được ngồi vào hàng chiếu thứ hai trong dịp hội làng; sau khi chết, lý trưởng phải thay mặt dân làng tổ chức giỗ. Chế độ khuyến học này được cả cộng đồng ủng hộ và thực hiện một cách triệt để từ trong gia đình đến dòng họ, đến làng. Tuần phiên của làng ngoài việc bảo vệ sự bình yên cho xóm làng còn có trách nhiệm giúp các kỳ mục, chức dịch đôn đốc việc học của học trò trong làng. Văn chỉ là nơi sinh hoạt, thờ tự dành cho các bậc đỗ đạt được đề 3 chữ Ngưỡng di cao nhằm khuyến khích, nhắc nhở người làng phấn đấu vươn lên trong học tập.

Việc đỗ, thành danh của trai Bát Tràng phần nhiều là nhờ công lao to lớn của những người phụ nữ, người mẹ, người vợ trong gia đình. Phụ nữ Bát Tràng hết sức đảm đang, chăm lo gánh vác mọi việc để người đàn ông có tiền và thời gian chuyên chú vào học tập.

Có thể thấy, ước vọng và tâm lý của người Bát Tràng cộng với những điều kiện thuận lợi bên ngoài đã tạo động lực giúp trai Bát Tràng nuôi chí học tập để đỗ đạt. Gia đình, dòng họ, làng coi trọng việc học nên Bát Tràng có nhiều người đỗ đạt từ đại khoa xuống tiểu khoa. Trong đó nổi lên những dòng họ khoa bảng như, họ Lê có 2 người (anh em ruột), Nguyễn Quan Giáp có 2 người (anh em ruột), Vũ Tả Đoài, Giáp, Vương, Trần Đông Hội, mỗi họ 1 người, chưa kể đến những người đỗ các mức khác.

3. Quan hệ dòng họ trong hoạt động kinh tế, xã hội

Dòng họ của người Việt từ lâu không còn là đơn vị kinh tế, một đơn vị sở hữu (vì đã chia thành nhiều gia đình nhỏ – gia đình hạt nhân, với thân phận kinh tế xã hội riêng). Dòng họ ở Bát Tràng cũng không đi ngoài quy luật trên, bên cạnh đó còn do những đặc điểm riêng của làng về mặt kinh tế. Hai nghề chính của dân làng là làm gốm và buôn bán. Các gia đình muốn duy trì được nghề phải có vốn (tiền, nguyên vật liệu) và nguồn nhân lực. Song, nhìn chung từng gia đình đều tự túc và chủ động, không cần đến sự giúp đỡ của người trong họ, vì các lý do sau:

Đối với nghề làm gốm

Tâm lý giấu nghề, bí quyết nghề được giữ kín, một số công đoạn thuộc về chuyên môn sâu do người làng thực hiện, đặc biệt là khâu chế men thuộc bí truyền, được các chủ lò bảo mật nghiêm ngặt, vì đây là vấn đề sống còn của mỗi lò gốm. Tâm lý này tác động đến phong tục của người làng: hôn nhân chỉ diễn ra ở nội làng, trai làng không được lấy gái làng khác, không được kết hôn với người ngụ cư, chỉ truyền nghề cho con trai, không truyền cho con gái… Mặt khác, Bát Tràng từ xưa đã nổi tiếng là làng có nhiều người học hành làm quan, làm nha lại, nếu không làm nha lại thì cũng làm thầy đồ, họ không đi làm thuê nhất là làm thuê cho người trong họ, hầu hết, các công đoạn nặng nhọc, vất vả trong nghề gốm là do người làng khác. Bên cạnh đó người Bát Tràng luôn ý thức được về tôn ty trật tự, và vì sự sĩ diện với những người trong họ hay với họ khác nên dù có đói kém, thiếu thốn cũng không đi làm thuê. Trong ba điều tam bất khả của người làng đã đúc kết có điều “bất khả nghệ cố hương chi sự nghiệp”, nghĩa là không làm thuê cho các chủ lò gốm trong làng, vì chủ thì có quyền nạt thợ, trong khi xét về vai vế trong họ, chủ có khi chỉ đứng hàng con cháu mình, không thể để con cháu quát nạt cha chú. Trên thực tế, các chủ cũng không dám thuê người trong họ, nhất là khi những người đó thuộc hàng cha chú mình.

Trong 12 chủ lò gốm ở làng, có 4 – 5 chủ sản xuất độc lập, các chủ còn lại chỉ liên kết với nhau qua một số công đoạn ví dụ như nung nhờ lò gốm, cung cấp sản phẩm thô (đồ phơ), trao đổi nguyên nhiên liệu…; trong đó, có vài người có là quan hệ họ hàng. Thực tế, hầu hết các gia đình làm nghề gốm đều mong muốn cho con em ăn học để ra làm quan hay làm công chức, đỡ vất vả như mình, vì vậy, dù đây là nghề cha truyền con nối song không mấy gia đình con cái nối nghiệp được cha mẹ làm nghề.

Nhiều chủ lò sau khi bị phá sản, phần vì kế mưu sinh, phần vì nhớ nghề nên phải đi làm thuê cho các chủ lò khác ở một số công đoạn chuyên biệt, số khác chuyển sang nghề khác như buôn cau khô, nước mắm. Tuyệt nhiên không có người trong họ làm thuê cho nhau.

Đối với nghề buôn cau khô, các công đoạn phân loại cau, dán cau long và sấy cau là các công việc nhẹ nhàng, đơn giản, thường do con cháu trong họ (chủ yếu là các cô gái mới lớn) đến làm để có thêm thu nhập.

Đối với nghề buôn nước mắm, gánh nước mắm là việc nặng nhọc, vất vả nên người Bát Tràng ít làm. Các chủ buôn nước mắm đều thuê người các làng khác gánh (cả khi nhập từ bến sông về và đưa đến các chợ để bán).

Một số nghề khác (dạy học, thày thuốc, rút bao ấm) do đặc điểm hoạt động độc lập của từng gia đình, cá nhân, cần ít nhân lực nên không có hiện tượng thuê người làm, chung vốn…, nên quan hệ dòng họ cũng không thể hiện ở các hoạt động kinh tế.

Như vậy, trong hoạt động kinh tế, người Bát Tràng thường tự chủ, độc lập. Hiện tượng anh em, chú bác… trong họ hỗ trợ nhau để mở lò, xưởng hay vay vốn cũng ít xảy ra; chỉ có cha mẹ tạo cơ sở kinh tế bước đầu cho con đã thành gia thất ra ở riêng như, mở nhà xưởng, cho nung nhờ gốm ở lò mình, vay nguyên liệu… Trong nghề buôn có người trong họ làm thuê cho nhau song không nhiều. Điều này ít nhiều đã thể hiện rõ tâm lý và tính cách của người làng Bát Tràng là không làm thuê các công việc lao động chân tay, không dựa vào quan hệ họ hàng để làm kinh tế.

Trong hoạt động xã hội, hầu hết các dòng họ ở làng Việt đồng bằng Bắc Bộ đều có tâm lý làng và tâm lý dòng họ. Đó là tâm lý, tư tưởng cục bộ, bè phái, móc ngoặc trong dòng họ theo kiểu “đi việc làng bênh việc họ, đi việc họ bênh việc anh em”, “chín bỏ làm mười”, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cộng đồng. Nhiều làng vì tư tưởng, tâm lý này đã dẫn đến tình trạng các họ trong làng mâu thuẫn, chèn ép nhau theo các cặp đối lập như chính cư – ngụ cư; đến trước – đến sau, đông đinh – ít đinh, có học, khoa bảng – ít học, quyền thế – bạch đinh, giàu – nghèo… Thậm chí xảy ra tình trạng tuyệt giao về hôn nhân giữa hai họ, kéo dài đến nhiều đời. Làng Bát Tràng có những điều kiện, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội đặc thù nhưng cũng không thể nằm ngoài quy luật chung. Điều tra hồi cố cho biết, sự ảnh hưởng này có phần kín và nhạt hơn so với các làng nông nghiệp khác do một số nguyên nhân sau:

Bát Tràng là làng có nhiều người học hành, đỗ đạt, đi làm quan, nha lại, công chức… ở nhiều địa phương trong cả nước; bộ phận ở nhà chủ yếu là những người làm nghề sản xuất gốm, buôn bán… Vì vậy, một khi hoạt động kinh tế là mối quan tâm lớn thì việc tham gia vào chính trị sẽ phần nào bị hạn chế.

Do cơ cấu tổ chức giáp – thiết chế của nam giới làm nhiệm vụ quản lý nhân đinh, tổ chức biện lễ và phục vụ tế lễ, rước thờ thần, tổ chức tang lễ cho người quá cố thuộc nhiều dòng họ, mỗi khi làng có việc, đại diện dòng họ sẽ chịu trách nhiệm thông báo cho các thành viên trong họ biết. Làng có nhiều dòng họ, nên chia thành 9 giáp (hay nóc), thuộc 2 vách tả và hữu (vách tả gồm 5 giáp gốc, 11 họ; vách hữu, gồm 4 giáp gốc, 12 họ. Về sau, mỗi giáp chỉ gồm một dòng họ, đảm nhiệm các công việc trong làng. Tên gọi vách (cùng với nóc) thể hiện sự tinh tế và tính đồng thuận rất cao của người Bát Tràng. Điều này một lần nữa cho thấy sự cố kết trong họ khá chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của dòng họ mình trong làng ở Bát Tràng.

Do hoạt động công thương là chủ yếu nên nguồn thu từ các khoản thuế và lệ phí, từ sự đóng góp của những người giàu có (chủ lò gốm, những người buôn bán và đội ngũ đông đảo những người đi làm quan, làm nha lại…) rất lớn; mỗi khi có các việc dựng mới hoặc tu bổ đình chùa, tổ chức thờ cúng, hội hè…, việc huy động kinh phí không phải là vấn đề căng thẳng. Chính do có nguồn thu tài chính dồi dào này, kết hợp với việc giáp được tổ chức theo từng dòng họ mà người trai đinh ở Bát Tràng không phải gánh vác các nghĩa vụ nặng nề, như nuôi lợn thờ, thổi xôi thờ, hay cơm lần gà lượt như ở các làng quê nông nghiệp khác.

Điều khác biệt lớn ở đây là, những người giữ chức danh lý trưởng của làng thường gắn với tầng lớp chủ lò (những người có tiềm lực kinh tế trong làng); tiêu biểu, họ Lê có ông Lê Văn Yêm làm 9 năm (1916 – 1925), Lê Văn Bưu (Lý Bá, làm 3 năm 1927 – 1929), Lê Văn Thảo 11 năm (1930 – 1941)(2). Người cuối cùng là Trần Văn Cục (1941-1945). Ngoài chức danh lý trưởng, trong dịp hội làng nếu họ nào có người được bầu làm tiên chỉ (chủ tế trong hội), hay tướng cờ… thực sự không chỉ là vinh dự cho cá nhân mà còn là niềm tự hào cho cả dòng họ. Tuy nhiên, không thấy có hiện tượng kết bè, kéo cánh giữa những người có quan hệ họ hàng như cha con, anh em trong họ vào giữ các chức vụ trong làng; cũng không có tư liệu nào ghi lại về các cuộc tranh cử và bầu chức danh lý trưởng, song chắc chắn không tránh khỏi những cuộc tranh giành kín đáo giữa các dòng họ về các vấn đề này.

Tóm lại, cư dân Bát Tràng có nhiều ưu thế để phát triển kinh tế tạo lập cuộc sống ổn định, sung túc; từ đó có cơ sở và tiềm lực để nuôi dưỡng, phát huy các giá trị văn hóa vùng theo cách riêng của mình. Chính những yếu tố đó đã ảnh hưởng rất lớn đến từng cá nhân, gia đình, dòng họ và quan hệ giữa các dòng họ trong làng với nhau.

Bát Tràng là một làng công thương đa nghề, tính chất này đã phá vỡ sự chặt chẽ, khép kín của một làng Việt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ. Hoạt động kinh tế mở tạo nên quan hệ dòng họ truyền thống cũng không chịu bó hẹp trong khuôn viên làng, nó vừa đóng, vừa mở theo quy luật tự nhiên, song cũng rất bền chặt, góp phần tạo nên những giá trị kinh tế, văn hóa rất đặc trưng cho làng Bát Tràng, cho Hà Nội nghìn năm văn hiến.

_______________

1. Theo nhà nghiên cứu Bùi Xuân Đính, chữ bát gồm bộ kim và bộ bản (cũng bao hàm bộ mộc), chữ tràng gồm bộ thổ và bộ dịch (cũng bao hàm ý nghĩa hỏa). Bát Tràng ở ven sông Hồng, tượng trưng cho yếu tố thủy. Năm yếu tố này tượng trưng cho ngũ hành.

2. Có lẽ thời gian năm 1936, xảy ra vấn đề nào đó nên cụ Lê Văn Thảo không làm lý trưởng, mà do cụ Bùi Xuân Lạc làm Quyền Lý trưởng (như phần trình bày về họ Bùi).

 

Tài liệu tham khảo

1.  Đỗ Thị Phương Anh (2006), Văn hóa dòng họ Nguyễn Quý làng Đại Mỗ (xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội), luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, lưu tại khoa Sau đại học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

2.  Ban Chỉ đạo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, làng Bát Tràng, Kỷ yếu Hội thảo “Giá trị lịch sử- văn hóa của gốm Bát Tràng”, 2010, bản đánh máy, lưu tại đình làng Bát Tràng.

3.  Phan Văn Các (1996), “Nghiên cứu các dòng họ- cơ sở khoa học và phương hướng giải quyết các vấn đề đặt ra”, Tạp chí Hán Nôm, 3 (28), tr. 2- 8.

4.   Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tập I.

5.   Bùi Xuân Đính – Nguyễn Viết Chức (2010), Các làng khoa bảng Thăng Long – Hà Nội, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

6.    Bùi Xuân Đính (Chủ biên, 2013), Bát Tràng – làng nghề, làng văn, Nxb. Hà Nội.

7.    Mai Văn Hai, Phan Đại Doãn (2000), Quan hệ dòng họ ở châu thổ sông Hồng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

8.    Hương ước xã Bát Tràng, soạn năm 1921, lưu tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, ký hiệu Hư. 351.

9.    Philippe Papin – Olivier Tessier (Chủ biên, 2002), Làng ở vùng châu thổ Sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Hà Nội.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 359, tháng 5-2014

Tác giả : Nguyễn Thu Hiền

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *