Quan lang họ đinh ở mường động và nhà nước đại việt

Họ Đinh là một trong những họ lớn trong cộng đồng các họ tộc ở Việt Nam đóng góp nhiều công sức để xây dựng và bảo vệ đất Việt. Đó cũng là họ mang dấu ấn bản địa ngàn đời trên mảnh đất này. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các tộc nhánh họ Đinh trong cộng đồng các dòng họ người Việt, thì họ Đinh vẫn là một họ lớn của người Mường cho đến tận ngày nay. Trong bài viết này, chúng tôi trình bày về họ Đinh ở vùng Mường Động trong mối quan hệ với nhà nước Đại Việt.

1. Dòng họ Đinh trong lịch sử người Mường và cộng đồng người Việt – Mường

Các nhà khảo cổ học, sử học, dân tộc học, ngôn ngữ học khá thống nhất khi nhận định người Việt và người Mường vốn là anh em sinh đôi, chỉ có tách ra trong quá trình biến động của lịch sử. Có giả thuyết cho rằng vào thời văn hóa Đông Sơn, cách đây khoảng 2.000 năm, cộng đồng  Việt – Mường mới khởi đầu cho việc chia tách: người Việt định cư khắp đồng bằng, còn người Mường vẫn định cư trong thung lũng, ven các chân núi (1). Từ xưa đến nay, quá trình chia tách và sáp nhập giữa các nhóm người Việt và người Mường vẫn diễn ra ở các vùng cư trú giáp ranh (như hôn nhân chồng Việt, vợ Mường hay ngược lại).

Quá trình tiếp xúc giữa người Việt và người Mường trong lịch sử, phải kể đến những nhóm người Mường đã đóng góp nhiều danh nhân kiệt xuất cho các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống xâm lược. Các nhà khoa học đã giả định có thể Lê Lợi cũng là người Mường (2), tức là vua đầu triều Lê tự cho mình là thủ lĩnh của một xứ mường Lam Sơn, quần tụ cả người Mường (trong đó có nhiều tướng sĩ người Mường mang họ Đinh như các tướng quân Đinh Lễ, Đinh Liệt…).

Có thể coi công cuộc giải phóng dân tộc của Lê Lợi có đóng góp của người Mường xứ Thanh trong đó có dòng họ Đinh. Trước đó hơn 400 năm, một vị vua họ Đinh cũng làm rạng danh dòng họ là Đinh Bộ Lĩnh, người đất mường khi đó còn là động Hoa Lư, Giao Châu. Đinh Bộ Lĩnh đã quần tụ được nhiều người Mường, người Việt ở Hoa Lư và trở thành Đinh Tiên Hoàng. Có giả thuyết cho rằng chính Đinh Bộ Lĩnh cũng có gốc gác từ cộng đồng người Mường Hoa Lư có họ Đinh.

Qua nhiều biến thiên của lịch sử, dòng họ Đinh là dòng họ lớn trong cộng đồng của cả người Việt và người Mường. Họ Đinh là dòng họ bản địa, có từ hàng ngàn năm trước. Có thể nhiều chi nhánh họ Đinh của người Việt đã có gốc từ người Mường hay từ cộng đồng người Việt – Mường trước đó.

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các tộc nhánh họ Đinh trong cộng đồng các dòng họ người Việt, thì họ Đinh vẫn là một họ lớn của người Mường cho đến tận ngày nay. Không phải ngẫu nhiên mà câu tục ngữ quen thuộc khi nói về 4 họ lớn của người Mường thì họ Đinh được xếp đầu tiên: Đinh, Quách, Bạch, Hà.

2. Mường Động

Tục ngữ Mường có câu nói về 4 trung tâm lớn của người Mường: nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động. Mường Bi là vùng đất thuộc huyện Tân Lạc, mường Vang chính là vùng Lạc Sơn, mường Thàng là huyện Cao Phong, mường Động là vùng Kim Bôi ngày nay.

Mường Động là nơi có người Mường dòng họ Đinh cư trú tập trung. Đây là vùng mường cổ và có nhiều năm do các quan lang họ Đinh làm thủ lĩnh. Di sản của họ Đinh ở Mường Động chính là khu mộ mường đẹp nhất Việt Nam, là mộ Mường Đống Thếch (xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình). Khu mộ này được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Truyền thuyết của người Mường Động kể lại: khoảng TK XVII, TK XVIII, một viên quan lang mường là Đinh Công Kỷ có công giúp nhà Lê Trung hưng chống giặc và xây dựng triều chính nên khi ông chết, nhà nước Đại Việt đã ban tước Hầu cho ông và mai táng trọng thể. Khi xây dựng mộ, nhà Lê đã chuyển nhiều phiến đá xanh từ Thanh Hóa ra để làm cột mồ. Từ đó, khu mộ Đống Thếch trở thành nghĩa trang của những người thuộc dòng họ Đinh với khoảng trên 20 ngôi mộ nổi và hàng trăm ngôi mộ chìm. Song, do quá trình vận động của thời gian, sự tác động của con người, nên hiện nay khu mộ cổ chỉ còn sót lại trên 10 ngôi mộ nổi và một số hiện vật. Theo nhiều sổ sách ghi lại, trước năm 1945, Đống Thếch vẫn là thánh địa bất khả xâm phạm của dòng họ Đinh Công.

Ngày nay, khu mộ Đống Thếch vẫn còn di tích những cột đá được cắm sừng sững quanh các ngôi mộ cổ. Đó là những hòn mồ. Người Mường đã cắm những tảng đá để rào xung quanh các ngôi mộ thuộc dòng họ Đinh. Đó là một cách mai táng độc đáo, tạo ra cái đẹp của cảnh quan một rừng đá. Các nhà khảo cổ học từng khai quật một số ngôi mộ ở Đống Thếch, thu được nhiều thành tựu nghiên cứu về các mộ táng và số phận của những người thuộc dòng họ Đinh nơi đây, cũng như đã dựng lại bức tranh lịch sử vùng đất này thời Lê Trung hưng, lịch sử dòng họ Đinh, quan lang họ Đinh nói riêng và lịch sử Đại Việt đương thời.

Thông qua khảo cổ học, dân tộc học, khu mộ Đống Thếch đã được giải mã. Theo quan niệm của người Mường, khu mộ Đống Thếch là thế giới của mường ma. Để hiểu được tâm thức của người Mường nói chung và những người họ Đinh quan niệm về cái chết và sự sống của đời người, chúng ta cần nghiên cứu về dân tộc học.

Theo tác giả Từ Chi, người Mường quan niệm thế giới có 4 cõi: trên cao là mương tlơi (mường trời) là nơi ở của vua trời; ở giữa là mương pưa (mường bằng) là thế giới dương gian có gia đình, bản mường và người đang sống; ở dưới mặt đất là mương pưa tín (mường bằng dưới) cũng có người tí hon, gia súc tí hon, vừa giống lại vừa khác thế giới dương gian; còn một cõi nữa là mương pua khú (mường vua khú) ở đáy nước, là thế giới của thuồng luồng.

Cái thế giới tâm linh của người Mường tập trung vào mương pưa tín, cõi âm, xa xôi, nhưng đó cũng lại là thế giới gần gũi vì người Mường dồn hết tâm thức để đầu tư cho cái mường ma này. Mường ma được chọn là một khu rừng rậm, ít người dám bén mảng, người chết được chôn trong mộ đắp đất, xung quanh được chôn theo nhiều phiến đá lớn dựng đứng. Những khu mộ này trông khá huyền bí như một rừng đá cắm thẳng lên trời xanh giữa vùng rừng hoang. Người Mường chia của cho cư dân mường ma với nhiều đồ như: trống đồng, đồ gốm sứ, đồ bạc, tiền đồng…

Để chia tay người quá cố, người Mường cũng có nhiều nghi lễ thể hiện sự quyến luyến như quan tài chưa được đem đi chôn, mà phải quàn trong nhà một vài tháng rồi mới làm lễ tiễn biệt chính thức đưa ra mường ma.

Cái thế giới mường ma ở Đống Thếch khá rộng và được gắn với nhiều truyền thuyết ly kỳ làm cho không một ai dám vào lãnh địa của khu mộ này. Chỉ sau khi có những cuộc đào bới tìm cổ vật khắp đất nước diễn ra vào những năm 80 TK XX, thì mới có cánh buôn đồ cổ dám vào khu Đống Thếch để lấy lên trống đồng, đồ bạc, đồ gốm sứ. Sau đó, một cuộc khai quật 13 mộ táng của các nhà khảo cổ học vào năm 1984, thì khu mộ này mới bớt màu huyền bí, nhiều vấn đề lịch sử và bản sắc dân tộc của người Mường được nghiên cứu giải mã. Khu mộ Đống Thếch là khu mộ của tầng lớp quan lang giàu có; đếm được 537 hiện vật các loại chứa trong 13 ngôi mộ được các nhà khảo cổ khai quật như: bát, đĩa, bình, lọ, chén, ấm, bình hương, bình vôi bằng gốm sứ, dây bạc, hoa tai đồng, tiền đồng, gương đồng… Trong số các hiện vật này, đáng lưu ý là ngoài đồ gốm sứ Việt Nam, còn có gốm sứ Trung Quốc và Nhật Bản. Điều đó chứng tỏ đây là vùng có sự giao thương mạnh với các vùng khác trong nước và cả với một số nước khác. Một số lượng tiền đồng là tài sản để người chết mang theo làm vốn sang thế giới bên kia như: Càn Nguyên Trọng Bảo (thời Đường), Thánh Tống Nguyên Bảo (thời Tống) của Trung Quốc và nhiều tiền đồng khác có niên đại từ TK VIII đến XV. Những loại tiền đồng này chắc phải được gom từ nhiều đời rồi được chôn theo người chết nên mới có nhiều niên đại kéo dài như vậy.

Qua khai quật, các nhà khoa học phục hồi được cách chôn cất ở đây: người xưa đặt người quá cố vào quan tài rồi chôn trong huyệt. Đáy huyệt được xếp một số lon sành ở dưới. Những mảnh gỗ quan tài được xác định là loại gỗ trám có thớ to. Một số xương cốt vẫn chưa bị tiêu, cho thấy đây là cách chôn nguyên xác. Đồ tùy táng khá phong phú được để thành hàng lối trong mộ. Sau đó, họ đổ than vào huyệt thành lớp.

Để tìm ra thân phận của chủ nhân mộ, các nhà khảo cổ học đã dựa vào một số hòn mồ còn được khắc chữ Hán khá rõ, có thể đọc và giải mã khá nhiều điều quanh lịch sử người Mường, lịch sử cổ đại nước Đại Việt xưa.

Có hòn mồ khắc chữ Hán và được dịch: bia của ông Đinh Văn Kỷ (có thư tịch và truyền thuyết cho là Đinh Công Kỷ), tước Uy Lộc Hầu, thổ tù cai quản xã Vĩnh Động (nay là xã Vĩnh Đồng), được ban cho cai quản xã Nật Sơn (nay gồm các xã Nật Sơn, Hùng Tiến, Bắc Sơn, Sơn Thủy, Tú Sơn, Tú Sáng, Bình Sơn của huyện Kim Bôi) và các thôn Ấm, Má, Lãng, Sào thuộc xã Hạ Bì (nay vẫn giữ tên xã Hạ Bì, Kim Bôi). Ông sinh giờ tỵ ngày 26 – 8 năm Nhâm  Ngọ (1582). Đến ngày 13 – 10 năm Đinh Hợi thì mất vào giờ sửu (1647), được quàn tại nhà cúng tế. Ông được tặng thưởng Vệ Sự đề đốc Uy Quận Công. Đến ngày 22 – 2 năm Canh Dần (1650) có 15 xe tang, 7 voi, 5 ngựa, cùng 20 hình nhân theo về núi. Đến ngày 30 thì xong việc chôn cất.

Cũng cần nói thêm về chức Hầu của ông Đinh Văn Kỷ: đời Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (1471) bắt đầu định quan chế và các tước, trong đó có 5 tước Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Các đời về sau vẫn dựa theo thể lệ đó, tuy nhiên cũng có sự thay đổi về việc ban, phong cho các công thần. Như vậy, chức Hầu của ông Đinh Văn Kỷ là được triều Lê phong cho, là một trong 5 chức tước quan trọng của nhà Lê.

Về chức mà ông Đinh Văn Kỷ được tặng thưởng mà các hòn mồ còn khắc họa các dòng minh văn cho thấy là chức Quận Công, thư tịch có ghi chép: cũng theo quy chế thời Hồng Đức tước Quận công lấy tên phủ, huyện (1 chữ đầu) làm hiệu; tước Hầu, Bá lấy tên xã làm hiệu. Quận công về văn ban ngang chánh thất phẩm, võ ban tương tự. Như vậy, theo quan chức chế của nhà Lê, thì khi chết, ông Đinh Văn Kỷ được nhà nước Đại Việt truy tặng thêm một cấp bậc quan chức nữa: từ tước Hầu sang tước Quận Công.

Soi tìm trong câu chữ trên bia và cả gia phả được biết: ông Đinh Văn Kỷ sống vào thời của 4 vị vua nhà Lê là Lê Thế Tông, Lê Kính Tông, Lê Thần Tông, Lê Chân Tông. Thời này là thời Lê Trung hưng, nước ta có vua Lê – chúa Trịnh cùng cai quản.

Chính sách của triều đình Đại Việt khi đó khá mềm dẻo với phương Bắc vì thế hầu như hàng trăm năm không bị cuộc xâm lược nào. Bên cạnh đó, triều đình cũng hết sức coi trọng các dân tộc miền núi bằng cách cho quyền tự trị, chia đất và phong vương cho thổ tù như đối với vị quan lang Đinh Văn Kỷ (phong làm Uy Lộc Hầu, Uy Quận Công). Nhờ đó, phên dậu một vùng Hòa Bình, Tây Bắc được yên ổn trước mọi họa xâm lăng và chia rẽ dân tộc.

Qua những dòng khắc trên hòn mồ, còn thấy được lễ tang của người Mường xưa: sau khi quan lang chết, người ta chưa chôn ngay mà còn quàn lại nhà cúng tế, sau 2 năm 4 tháng mới chôn cất. Khi đó mới dựng hòn mồ và ghi khắc công trạng người chết; đám ma quan lang xưa khá lớn với 15 xe tang, 7 voi, 5 ngựa và 20 hình nhân chôn theo. Một số hòn mồ khác cũng ghi chép đôi điều thú vị như: ghi lại việc các cháu rể của người đã khuất ở xã Thạch Bi, Vũ Lao có mang các cột đá (hòn mồ) đến phúng viếng; một hòn mộ khác lại ghi về thời thế bấy giờ Lê quân, Trịnh chúa thời thiên hạ thái bình (thời vua Lê, chúa Trịnh là thời thái bình thịnh trị); một số hòn mồ cũng ghi chuyện có vị phu nhân quyền quý người Mường thọ đến 93 tuổi. Khi chết, gặp lúc mất mùa đói kém, nên phải quàn trong nhà, 5 năm sau mới đưa ra chôn trong mộ…

Ngày nay, Mường Động vẫn giữ được danh tiếng của một trong 4 trung tâm của người Mường. Mường Động vẫn có con cháu của các quan lang xưa sinh sống. Bên cạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người, người dân nơi đây góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong gia đoạn mới.

Qua khu mộ Đống Thếch và những gì mà khảo cổ học giải mã được, có thể thấy dòng họ Đinh là một trong những dòng họ của người Mường bản địa, có nhiều đóng góp vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam, cụ thể là đóng góp vào sự ổn định của triều Lê Trung hưng. Đấy cũng là dòng họ Mường danh giá, để lại một kho di sản vật thể quý giá cho kho tàng chung của văn hóa truyền thống nước ta.

____________

1. Trịnh Sinh, Sự hình thành nhà nước sơ khai ở miền Bắc Việt Nam (qua tài liệu khảo cổ học), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011.

2. Nguyễn Trãi, Lam Sơn thực lục, Lê Thái Tổ đề tựa, bản dịch năm 1956, Nxb Tân Việt.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 – 2017

Tác giả : PHẠM LÊ TRUNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *