Quản lý nhà nước đối với các di tích quốc gia đặc biệt

Quản lý hay quản lý di tích lịch sử văn hóa là một trong những lĩnh vực, đề tài được nhiều học giả trong nước và quốc tế quan tâm trong những năm gần đây. Thực tế cho thấy, trải qua lịch sử hàng nghìn năm, cộng đồng người Việt đã giữ gìn, bảo tồn được một hệ thống các di tích văn hóa đồ sộ. Các di tích này là những chứng tích xác thực, phản ánh sinh động về lịch sử lâu đời và truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông ta, trong đó nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, hiện đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.

Các di tích quốc gia đặc biệt, luôn là nội lực mang sức mạnh vật chất to lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Cũng bởi vậy, việc ứng xử để có những phương thức tiếp cận nhằm khai thác, phát huy giá trị của các di tích này đã và đang đòi hỏi các cấp chính quyền, các nhà quản lý văn hóa cần có nhận thức đúng đắn về vấn đề quản lý trong mối gắn kết giữa lý luận khoa học với thực tiễn.

Tính đến tháng 12 – 2015, ở Việt Nam hiện nay có 72 di tích được Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 8 loại di tích: di tích lịch sử; di tích lịch sử và khảo cổ; di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ; di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật; di tích kiến trúc nghệ thuật; danh lam thắng cảnh; di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Số lượng các di tích lịch sử được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt chiếm 45,83% (33 di tích) trên cả 3 miền: Bắc   Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Tiêu biểu trong số này là: đền Hùng, chiến trường Điện Biên Phủ, Dinh độc lập, nhà tù Côn Đảo, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam,… Điều này cũng phản ánh đúng thực trạng hiện nay của các loại di tích trên đất nước ta. Tuy nhiên, vấn đề quản lý các di tích quốc gia đặc biệt này có khác với các di tích quốc gia hay không. Bởi hầu hết các di tích quốc gia đặc biệt được công nhận trên cơ sở đã là di tích quốc gia trước đó.

Trong Mục 3, Điều 29 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 có đề cập về di tích quốc gia đặc biệt. Đó là di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia, bao gồm: công trình xây dựng, địa điểm gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử dân tộc hoặc gắn với anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc; công trình kiến trúc, nghệ thuật, quần thể kiến trúc, tổng thể kiến trúc đô thị và địa điểm cư trú có giá trị đặc biệt đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam; địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật đánh dấu các giai đoạn phát triển văn hóa khảo cổ quan trọng của Việt Nam và thế giới; cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt của quốc gia hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học và hệ sinh thái đặc thù nổi tiếng của Việt Nam và thế giới (1).

Ngoài Luật Di sản văn hóa (ban hành năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009), Quốc hội cũng đã ban hành nhiều bộ luật liên quan đến quản lý di tích như: Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005, Luật Đất đai năm 2003, Luật Du lịch năm 2005, Luật Nhà ở năm 2005, Luật Xây dựng năm 2003, sửa đổi, bổ sung năm 2009.


 Trang bị đồng phục cho người dân phục vụ du khách tại bến đò Tràng AnẢnh Hải Tuấn 

Để thực thi Luật Di sản văn hóa, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp lý liên quan trong lĩnh vực quản lý di tích, như: Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 – 11 – 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa; Chỉ thị số 5/2002/CT-TTg ngày 18 – 2 – 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ cổ vật trong di tích và ngăn chặn, đào bới, trục vớt trái phép di chỉ khảo cổ học; Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 – 9 – 2012 của Chính phủ về việc Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Bộ trưởng Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) ban hành: Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24 – 7 – 2001 phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020; Quyết định số 05/2003/QĐ-BVHTTDL ngày 6 – 2 – 2003 về việc ban hành quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh; Chỉ thị số 73/CT-BVHTTDL ngày 19 – 5 – 2009 về việc tăng cường công tác quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; Chỉ thị số 16/CT-BVHTTDL ngày 3 – 2 – 2010 về việc tăng cường công tác chỉ đạo quản lý hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại di tích.

Mặc dù có nhiều văn bản của Nhà nước và ngành quy định về công tác quản lý các di tích quốc gia đặc biệt nhưng trên thực tế, mỗi tỉnh, thành lại có những mô hình tổ chức quản lý khác nhau đối với loại di tích quốc gia đặc biệt để phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế  xã hội của địa phương. Cụ thể một số tỉnh, thành như sau: ngay tại thủ đô Hà Nội, các di tích quốc gia đặc biệt cũng có các mô hình tổ chức quản lý khác nhau. Khu di tích Văn Miếu do Trung tâm hoạt động văn hóa – khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám trực thuộc Sở VHTT quản lý. Cùng trên một địa bàn nhưng Hoàng thành Thăng Long lại do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long trực thuộc UBND thành phố Hà Nội trực tiếp quản lý; tỉnh Hải Dương, hai khu di tích quốc gia đặc biệt là Côn Sơn và Kiếp Bạc, do Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, thuộc Sở VHTT tỉnh Hải Dương trực tiếp quản lý; khu di tích – danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình cũng được UBND tỉnh Ninh Bình trực tiếp quản lý bằng việc thành lập Ban Quản lý khu di tích – danh thắng Tràng An; danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh (2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới) trước năm 2015 do Ban quản lý vịnh Hạ Long trực thuộc UBND tỉnh quản lý nhưng đến nay lại do UBND thành phố Hạ Long quản lý; khu di tích lịch sử cách mạng Định Hóa tỉnh Thái Nguyên cũng do UBND tỉnh Thái Nguyên trực tiếp quản lý với việc thành lập Ban Quản lý di tích Định Hóa trực thuộc UBND tỉnh; tỉnh Bắc Ninh, ngay sau khi các di tích chùa Dâu, chùa Bút Tháp được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng và cấp bằng di tích quốc gia đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 143/2008/QĐ-UBND ngày 6 – 10 – 2008 quy định về quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó có những điều khoản quy định cụ thể về quản lý các di tích quốc gia đặc biệt, như: Sở VHTTDL quản lý di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng và các di tích quốc gia tiêu biểu; UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức lễ trao nhận quyết định và Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; đối với các di tích quốc gia đặc biệt và các di tích quốc gia tiêu biểu thành lập Phòng Quản lý di tích quốc gia đặc biệt trực thuộc Ban Quản lý di tích tỉnh.

Hiện nay, mỗi tỉnh, thành đều có cơ chế tổ chức và bộ máy quản lý khác nhau đối với các di tích quốc gia đặc biệt, tùy vào tình hình cụ thể của mỗi địa phương, không nơi nào giống nơi nào. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác quản lý các di tích quốc gia đặc biệt cần chú trọng đến công tác bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích; sự gắn kết với cộng đồng địa phương; nâng cao nguồn lực quản lý các di tích; thực hiện nghiêm túc việc quản lý các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; công tác tổ chức các hoạt động lễ hội gắn với di tích và đặc biệt là công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo tại các di tích. Nhiều di tích quốc gia đặc biệt là di tích kiến trúc nghệ thuật hoặc di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật có giá trị nghệ thuật đặc sắc cần được bảo vệ nhưng vì những nguyên nhân chủ quan và khách quan đang bị các nhà quản lý văn hóa ở địa phương trẻ hóa. Việc tự ý tu bổ, tôn tạo bằng các vật liệu xây dựng hiện đại đã khiến cho các di tích mất đi vẻ trầm mặc, uy nghiêm vốn có của di tích.

Di sản văn hóa nói chung, các di tích quốc gia đặc biệt ở các địa phương nói riêng là tài sản quý giá không chỉ của địa phương đó mà còn là của cả dân tộc. Các di tích này không những chỉ mang ý nghĩa về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và giáo dục… mà còn là nguồn lực quan trọng góp phần xây dựng bản sắc văn hóa cộng đồng tốt đẹp, là động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Vì vậy, vấn đề quản lý nhà nước đối với các di tích quốc gia đặc biệt cần được các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt.

______________

1. Luật Di sản văn hóa,  Nxb Văn hóa Thông tin,  Hà Nội, 2009.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 388, tháng 10-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *