Quan niệm trung, hiếu của phan bội châu trong khổng học đăng

Trung và hiếu là hai phẩm chất đạo đức quan trọng, ai cũng cần có và nên cố gắng thực hiện. Hai phạm trù này chiếm vị trí trọng tâm trong học thuyết Nho giáo qua các đại diện tiêu biểu là Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử. Tuy nhiên, trong quan niệm của Tống Nho, tư tưởng về trung, hiếu đã bị thần bí hóa, tuyệt đối hóa, làm cho nội dung tư tưởng trung, hiếu ngày càng cứng nhắc, khác xa so với tôn chỉ của Nho giáo Khổng Mạnh. Chính tính phức tạp này dẫn đến tình trạng khi vào Việt Nam, tư tưởng trung, hiếu của Nho giáo đã tạo ra tác động trái chiều đến các nho sĩ Việt Nam. Bên cạnh những nho sĩ tiếp thu một cách thụ động tư tưởng trung, hiếu của Nho giáo, rất nhiều các nho sĩ để tâm vào việc mở rộng nội dung phạm trù này cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn lịch sử dân tộc. Phan Bội Châu là một trong những nhà nho chân chính đó.


1. Quan niệm về trung, hiếu trong học thuyết Nho giáo

Với tư cách là một học thuyết chính trị – đạo đức, phạm trù trung, hiếu chiếm một vị trí trọng tâm trong học thuyết Nho giáo. Tuy nhiên, do chịu tác động bởi các yếu tố chủ quan, khách quan khác nhau nên nội dung của những phạm trù này có những biến đổi nhất định theo từng thời kỳ lịch sử.

Trong Nho giáo Khổng – Mạnh, thực hiện đạo trung, nghĩa là bề tôi luôn tận tâm phụng sự, làm theo và giữ gìn các lễ nghi cũng như phép tắc vốn có của xã hội nhưng Nho giáo Khổng – Mạnh không chủ trương sự phục tùng của bề dưới đối với bề trên một cách tuyệt đối. Bổn phận làm tôi là phải trung, nhưng cả Khổng Tử và Mạnh Tử đều cho rằng, chỉ cần trung với những bậc minh quân có đạo đức mà thôi. Ngoài nghĩa vụ phụng sự vua, bề tôi còn cần phải xem xét những gì đáng theo, những gì không đáng theo. Nếu vua đi theo đường lối vương đạo thì bề tôi phải trung, còn nếu vua đi theo đường lối bá đạo thì bề tôi cần khuyên can vua. Chủ trương đó cũng được Mạnh Tử, Tuân Tử kế thừa và thể hiện một cách cụ thể hơn. Chẳng hạn, Tuân Tử chia trung thần làm ba hạng: thượng trung (dùng sức mà che chở, cải hóa được vua, như Chu Công); thứ trung (dùng đức mà giúp vua được nên sự nghiệp, như Quản Trọng) và hạ trung (dùng đạo lý mà khuyên can vua như ngũ tử tư). Cũng theo Nho giáo Khổng – Mạnh, việc bề tôi có thực hiện đạo trung với vua hay không còn phụ thuộc vào đức độ của từng ông vua. Nếu vua xem bề tôi như tay chân thì bề tôi xem vua như bụng dạ của mình. Nếu vua xem bề tôi như chó ngựa thì bề tôi xem vua như người dưng. Như vậy, mặc dù tôn quân nhưng Nho giáo Khổng – Mạnh không chủ trương thực hiện đạo trung một cách mù quáng, vô điều kiện mà lại thể hiện tính mềm dẻo, biện chứng, linh hoạt và chứa đựng nội dung rộng rãi. Tuy nhiên, bên cạnh tính biện chứng, tích cực ấy, tư tưởng về đạo trung của Nho giáo Khổng – Mạnh vẫn thể hiện tính không dứt khoát khi cho rằng việc khuyên can vua phải nhẹ nhàng. Nếu khuyên can vua không được thì lại phải kính, vâng chứ không được làm trái với vua. Đến thời Hán Nho và Tống Nho thì quan niệm về trung đã trở nên hà khắc, cứng nhắc hơn rất nhiều khi các nhà nho cho rằng trung là phải trung thành một cách tuyệt đối với nhà vua.

Bên cạnh trung, hiếu cũng là một phạm trù đạo đức chiếm một vị trí rất quan trọng trọng trong Nho giáo Khổng – Mạnh. Hiếu bao gồm những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, người có hiếu phải biết kính trọng, nuôi dưỡng cha mẹ khi còn sống, biết tiếc thương khi cha mẹ qua đời và không làm gì trái lễ. Cha mẹ là những người có công sinh thành, dưỡng dục con cái nên người. Vì vậy, bổn phận làm con cần biết hiếu kính, biết cảm kích công ơn cha mẹ, thực hiện trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ mình bằng tấm lòng kính yêu chân thành nhất, chứ không phải hành động mang tính nghĩa vụ thụ động. Chẳng hạn, Khổng Tử viết: “Ngày nay những người tự xưng là hiếu đều nói rằng mình đã nuôi nổi cha mẹ. Đến như loài chó, loài ngựa còn có người nuôi được mà. Chẳng kính, lấy gì làm phân biệt?”(1). Theo ông, đỉnh cao của đạo hiếu là làm cha mẹ vui lòng, mãn ý, khiến cha mẹ tin rằng con cái có tình cảm chân thật với mình. Tình cảm ấy được thể hiện qua nét mặt vui vẻ của người con. Vì quan niệm này của Khổng Tử rất tích cực nên được các học trò của ông như: Mạnh Tử, Tuân Tử đồng tình, tiếp tục kế thừa.

Theo các nhà nho, người có hiếu không chỉ biết kính yêu, phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ còn sống mà còn thể hiện ở lòng thương tiếc, việc hành lễ khi cha mẹ qua đời. Khổng Tử cho rằng việc con cháu tiễn đưa cha mẹ sang thế giới bên kia là cử chỉ thể hiện lòng hiếu thuận. Vì đây là thời điểm con cái đang đau xót nên ông lưu ý mọi người khi tiễn đưa cha mẹ mình cần tránh ăn mặc đẹp, tránh nói những câu chữ văn vẻ, không tấu nhạc ồn ào… Mạnh Tử, Tuân Tử cũng kế thừa tư tưởng của Khổng Tử, cho rằng việc mai táng cha mẹ mới là việc trọng đại hơn hết của người con có hiếu, bởi tang lễ là cách thể hiện tình cảm của ngưới sống đối với người chết. Khi cha mẹ chết, con cái cần để tang 3 năm, tương ứng với thời gian cha mẹ nuôi từ khi sinh ra đến lúc 3 tuổi, con cái đã biết tự đi. Hơn nữa, theo Nho giáo Khổng – Mạnh, trong 3 năm chịu tang đó, con cái phải thực hiện cúng tế đều đặn theo đúng lễ nghĩa.

Thứ hai, người có hiếu là người luôn gần gũi, quan tâm đến tuổi thọ của cha mẹ mình, nếu có đi xa thì cần nói cho cha mẹ biết để khỏi lo lắng. Nho giáo Khổng – Mạnh cho rằng, báo hiếu cho cha mẹ không chỉ lo cho cha mẹ việc ăn uống mà còn phải lo đến tuổi tác, bệnh tật, sức khỏe của cha mẹ. Khổng Tử viết: “Tuổi của cha mẹ không thể không biết tới, vừa để vui mừng, vừa để lo sợ” (2). Theo Khổng Tử, con cái quan tâm đến tuổi thọ của cha mẹ để biết mừng khi cha mẹ có tuổi thọ cao, biết lo lắng khi bệnh tật tìm đến cha mẹ, từ đó biết đề phòng cho cha mẹ. Đây là một tư tưởng vừa nhân văn nhân đạo, vừa có tính hiện thực.

Thứ ba, người có hiếu là người biết giữ gìn thân thể mà cha mẹ đã cho mình. Nho giáo Khổng – Mạnh cho rằng việc giữ gìn thân thể của mình vừa để tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành của cha mẹ, vừa là điều kiện để phụng dưỡng cha mẹ.

Thứ tư, người có hiếu là người biết can ngăn cha mẹ khi cha mẹ sai lầm. Mặc dù khuyên mọi người cần vâng lời cha mẹ nhưng Nho giáo Khổng – Mạnh không yêu cầu thực hành hiếu một cách thụ động. Nếu cha mẹ sai mà con cái cũng nhất nhất làm theo cái sai ấy thì sẽ gây ảnh hưởng đến cha mẹ. Tuân Tử đã giải thích về những trường hợp con không nên theo mệnh cha như sau: “Một là, khi nào theo mệnh thì cha mẹ nguy, còn không theo mệnh thì cha mẹ yên; hai là, khi nào theo mệnh thì cha mẹ nhục, không theo mệnh thì cha mẹ vinh; ba là, khi nào không theo mệnh cha thì hợp với đạo trung, còn theo mệnh thì không hợp với đạo trung” (3). Quan niệm này của Nho giáo Khổng Mạnh thể hiện tính hai chiều, mềm dẻo. Tuy nhiên, cũng giống như quan niệm về đạo trung, bên cạnh tính biện chứng, tích cực, quan niệm về hiếu của Nho giáo Khổng – Mạnh vẫn thể hiện tính không dứt khoát khi cho rằng khi cha mẹ sai thì con cái phải hết mực khuyên can, nếu không khuyên can được thì con cái phải kính chứ không được trái, không được oán thán cha mẹ.

Tóm lại, với Nho giáo Khổng – Mạnh, trung, hiếu là hai phẩm chất đạo đức rất quan trọng, ai cũng cần có và nên cố gắng thực hiện. Người trung là người luôn tận tâm phụng sự nhà vua, làm theo và giữ gìn các lễ nghi cũng như phép tắc vốn có của xã hội; phải biết xét cái đáng theo mà theo, biết dựa vào đức độ của từng ông vua để phát huy đạo trung của mình. Người hiếu là người biết phụng dưỡng cha mẹ mình một cách thành kính khi cha mẹ còn sống; biết tiếc thương cha mẹ, cử hành tang lễ theo đúng lễ nghi khi cha mẹ qua đời; biết giữ gìn thân thể của mình cũng như khuyên can cha mẹ khi cha mẹ mắc sai lầm. Từ mong muốn hướng về xây dựng một xã hội thịnh trị như nhà Chu, nên trong quan niệm của Nho giáo Khổng Mạnh, để thực hiện được trung, hiếu, mọi người phải tuân thủ thể chế nhà Chu. Đây chính là điều kiện để các nhà Nho đời sau tuyệt đối hóa, thần bí hóa những chuẩn mực này nhằm phục vụ cho mục đích chính trị. Chẳng hạn, theo tư tưởng của Hán Nho, phận làm tôi nhất nhất phải vâng mệnh vua, phận làm con phải nhất nhất vâng mệnh cha. Bất trung, bất hiếu không chỉ có tội với vua, cha mà còn đắc tội với trời. Trong quan niệm của Tống Nho, tư tưởng về trung, hiếu không chỉ bị thần bí hóa mà còn bị tuyệt đối hóa, làm cho nội dung tư tưởng trung, hiếu ngày càng cứng nhắc, khác xa so với tôn chỉ của Nho giáo Khổng – Mạnh.

2. Sự kế thừa, phát triển của Phan Bội Châu về phạm trù trung, hiếu

Ở nước ta những năm cuối TK XIX, đầu TK XX, Phan Bội Châu (1867-1940) không chỉ được biết đến như một lãnh tụ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn là một nhà nho tiêu biểu. Là người có dòng dõi Nho học, ông thấm nhuần những tư tưởng tích cực và chịu ảnh hưởng Nho giáo sâu sắc. Giống như nhiều nhà tư tưởng cùng thời, để kết hợp yêu nước và duy tân, ông đã phải chia tay với đạo lý thánh hiền ở nhiều điểm. Nhưng trong quá trình tiếp nhận tư tưởng mới, ông đã phải nhìn lại, chịu không ít những ràng buộc với tư tưởng này. Vì vậy, vào cuối đời, ông đã dành nhiều tâm huyết vào việc viết hai bộ sách lớn về Nho giáo. Một trong hai tác phẩm có giá trị ấy là Khổng học đăng.

Trong tác phẩm này, những kinh điển chủ yếu của Nho giáo đã được Phan Bội Châu giải thích lại thông qua lăng kính của một nhà nho tiến bộ. Qua đó, ông vừa kế thừa những mặt tích cực của Nho giáo, vừa bổ sung, phát triển những khía cạnh mới nhằm làm người đọc thấy được giá trị của nó đối với xã hội đương thời. Nghiên cứu những kiến giải của ông về phạm trù trung, hiếu trong tác phẩm Khổng học đăng sẽ góp phần làm rõ về nhận định này.

Về phạm trù trung, Phan Bội Châu phê phán tính tuyệt đối, một chiều trong tư tưởng Hán Nho và Tống Nho, đồng thời, khẳng định quan hệ hai chiều trong tư tưởng Khổng – Mạnh. Ông viết: “Vua với tôi, thảy người nào có chức phận của người ấy, chỉ chung gánh vác việc nước mà thôi, vậy nên vua đối với tôi, không có phép ỷ mình là quyền thế vua, nên đến lúc sai sử tôi, tất phải lấy lễ; nghĩa là những việc không đúng lẽ phải, không được sai sử tôi, ấy là quân sử thần dĩ lễ. Tôi phụng thờ vua, chẳng phải kiêng nể ở quyền thế nơi vua, chỉ duy hết nghĩa vụ của mình mà lo gánh vác việc nước; theo như nghĩa vụ mình mà thờ vua, cốt ở lòng ngay thẳng, nên phải dĩ trung, những việc gì không đúng đạo thẳng thời không đem ra thờ vua” (4). Theo cách giải thích này, trung với vua chính là trung với nước, trung thành với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Mọi người không cần tuyệt đối trung thành với mệnh lệnh của nhà vua, cũng không cần nhất nhất tuân theo yêu cầu của người cầm quyền mà cần xem xét những mệnh lệnh, yêu cầu đó có ngay thẳng, phù hợp với lợi ích của đất nước, dân tộc hay không. Nếu vua không tận trung với nước thì bề tôi cũng không cần tận trung với vua.

Theo Phan Bội Châu, thực hiện đạo trung không chỉ là phục tùng vua một cách tuyệt đối mà còn phải có trách nhiệm hướng vua vào những việc có ích cho đất nước, đồng thời ngăn chặn, không cho vua vướng vào những việc có hại cho dân. Ông viết: “Làm tôi cũng không phải chỉ phục tùng vua mà thôi đâu; nếu dắt vua vào đường phải thời nghĩa vụ của mình xong, mà phúc lây đến cả nước; nếu dắt vua vào đường trái thời nghĩa vụ mình hỏng mà họa lây đến cả nước, chẳng phải là chẳng dễ hay sao?” (5).

Với những kiến giải trên, Phan Bội Châu không chỉ khẳng định tính hai chiều trong tư tưởng Khổng Mạnh về đạo trung mà còn mở rộng phạm trù này của Nho giáo truyền thống bằng cách đem trung quân gắn liền với ái quốc, ái dân. Việc làm ấy đã khiến nghĩa quân thần trở về với tính nhân bản vốn có của Nho giáo Khổng Mạnh, đồng thời có ý nghĩa thời đại nhất định trong bối cảnh đất nước ta những năm cuối TK XIX, đầu TK XX đang đặt ra mâu thuẫn giữa trung quân và yêu nước. Bản thân Phan Bội Châu cũng là một minh chứng điển hình cho việc vượt qua được tư tưởng trung quân có tính tuyệt đối một chiều. Vốn là một nhà nho kiên định với lập trường quân chủ nhưng khi triều đình nhà Nguyễn tiếp tay cho thực dân Pháp xâm lược nước ta, Phan Bội Châu đã không trung một cách mù quáng với vua. Ông đã chuyển dần từ lập trường quân chủ sang lập trường dân chủ trong quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Về phạm trù hiếu, kế thừa quan niệm về đạo hiếu trong Nho giáo, Phan Bội Châu cũng xem hiếu là gốc của con người. Qua những đoạn đối thoại giữa Khổng Tử với Mạnh Hiến Tử, Phàn Trì, Mạnh Vũ Bá, Tử Du trong Khổng học đăng, có thể thấy Phan Bội Châu cũng thống nhất với quan điểm của các nhà nho khác khi cho rằng người có hiếu là người biết hết lòng phụng dưỡng cha mẹ khi còn sống, thờ phụng cha mẹ khi cha mẹ qua đời, giữ gìn thân thể của mình để cha mẹ không phải lo âu, lấy thái độ cung kính, nét mặt tươi vui để đối đãi với cha mẹ. Ông cũng phê phán tư tưởng về thực hiện đạo hiếu một cách thụ động, khẳng định tính biện chứng, mềm dẻo khi cho rằng hiếu không có nghĩa là tuân theo mệnh lệnh của cha mẹ, nếu chỉ nhất nhất theo ý cha mẹ mà không kể phải trái thì không phải là hiếu. Ông viết: “Khi cha mẹ còn sống thời ta lấy lẽ phải thờ người, rủi gặp lúc cha mẹ chết thời những việc tống táng người, ta cũng chỉ theo vừa lẽ phải mà thôi, mà đến khi tuế thời giỗ chạp, ta có cúng tế thời cũng chỉ làm cho vừa lẽ phải mà thôi. Đạo làm con, từ thỉ chí chung, chỉ cốt giữ lấy chữ lễ. Lễ, tức lẽ phải, dựa theo lẽ phải tức là hiếu. Nếu chỉ dựa theo ý cha mẹ, mà không kể phải trái, thế là trái với lễ rồi, làm con không nên như thế” (6). Ông khẳng định thực hiện hiếu là không trái lễ, nhưng theo cách giải thích của ông thì lễ không phải là lễ nghi như nhiều người quan niệm mà lễ được hiểu là lẽ phải.

Bên cạnh những kế thừa trên, Phan Bội Châu cũng đưa ra những kiến giải mới về phạm trù hiếu, làm cho nội hàm đạo hiếu phù hợp hơn với điều kiện thực tế Việt Nam. Ông giải thích ý nghĩa câu nói của Khổng Tử trong Luận ngữ: “Phụ mẫu tại bất khả viễn du, du tất hữu phương” theo một tinh thần mới như sau: “Hễ người làm con mà đương khi cha mẹ còn mạnh khỏe thời người làm con đó có nghĩa vụ phải thờ cha mẹ, vẫn không có lẽ bỏ cha mẹ mà đi chơi phương xa. Nhưng mà bổn phận làm con, còn có ở trên nghĩa vụ ấy là nghĩa vụ làm người, có khi phải đi ra làm việc quốc gia, có khi phải đi ra làm việc xã hội, nghĩa vụ làm người còn nhiều lắm, thời người làm con đó, có lẽ đóng cửa ở trong nhà được mãi hay sao” (7). Với cách giải thích này, Phan Bội Châu đã mở rộng phạm vi thực hiện đạo hiếu, không chỉ bó hẹp trong gia đình mà đến cả quốc gia, dân tộc. Thực hiện hiếu với bố mẹ nhưng cũng không quên trách nhiệm, nghĩa vụ với quốc gia, dân tộc. Ông muốn gửi gắm một thông điệp rằng trong hoàn cảnh đất nước ta đang bị xâm lăng thì mỗi người không được thờ ơ với vận mệnh của dân tộc, thực hiện đạo hiếu cũng đồng nghĩa với việc tham gia giải phóng dân tộc, quyết chí bảo vệ đất nước, giành độc lập dân tộc.

Xuất phát từ yêu cầu của hoạt động cứu nước, trên tinh thần tiếp thu có phê phán học thuyết Nho giáo nói chung, Nho giáo Khổng – Mạnh nói riêng, Phan Bội Châu đã phát triển phạm trù trung, hiếu lên một trình độ cao hơn, có nội dung sâu sắc, thiết thực, gần gũi hơn. Việc cố gắng giải thích câu chữ của Nho giáo một cách gần gũi, sinh động của Phan Bội Châu đã không chỉ giúp người đọc nhận ra tính thụ động, hạn hẹp trong quan niệm về trung, hiếu của Hán Nho, Tống Nho mà còn khẳng định tính nhân văn, biện chứng trong quan niệm Khổng Mạnh về phạm trù này. Bên cạnh đó, bằng việc gắn trung quân với ái quốc, gắn hiếu trong gia đình với trách nhiệm tổ quốc, dân tộc, Phan Bội Châu đã khoác thêm cho các phạm trù này một diện mạo mới có ý nghĩa hiện thực sâu sắc.

______________

1, 2. Chu Hy, Tứ thư tập chú, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996, tr.220, 281.

3. Nguyễn Hiến Lê, Tuân Tử, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1994, tr.229.

4, 5, 6, 7. Phan Bội Châu, Khổng học đăng, Nxb Văn học, Hà Nội, 2010, tr.148, 148, 188, 142.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : LUYỆN THỊ MINH THƯ

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *