Dân tộc Khmer có mặt sớm ở vùng đất Nam Bộ, song song với việc ghi dấu ấn cho việc định cư, người dân Khmer cũng kế thừa nền văn hóa Ăngko, nền văn minh lúa nước cộng với tập tục sinh hoạt của những nhóm lưu dân người Kinh, người Hoa, người Chăm tạo nên một bản sắc, một nền văn hóa riêng. Nền văn hóa Khmer có giá trị tiêu biểu, không lẫn lộn, pha tạp, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố hài hòa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người Khmer ở Nam Bộ có một nền văn hóa nghệ thuật rất độc đáo, đa dạng, đặc biệt là nghệ thuật múa, đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng, luôn được bảo tồn, phát huy.
1. Nghệ thuật múa Rom Vong của đồng bào Khmer Sóc Trăng
Đối với người Khmer, nghệ thuật múa là sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo vừa mang tính thiêng, vừa là nhu cầu tinh thần sau những giờ lao động. Người Khmer thường ví von “Trẻ con người Khmer biết múa, biết hát trước khi biết đọc, biết viết”. Câu nói ấy đã minh chứng sự ảnh hưởng sâu rộng của loại hình nghệ thuật ca, múa, âm nhạc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer.
Trong tất cả các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào Khmer, múa hát không thể thiếu. Vụ mùa kết thúc cũng là lúc diễn ra các hoạt động lễ hội ở khắp cộng đồng trong phum sóc. Để tạo sinh khí vui tươi, thu hút cộng đồng tham gia, chủ lễ thường tổ chức các chương trình văn nghệ sôi động. Theo quan niệm trước đây, người Khmer xem âm nhạc và múa là cầu nối giữa âm và dương, là sự thể hiện lòng tri ân đối với các đấng siêu nhiên đã ban sự sống cũng như thành quả lao động nuôi sống con người.
Đồng bào Khmer ở Sóc Trăng cũng không ngoại lệ. Họ có rất nhiều lễ hội trong năm tiêu biểu như: Phước biển, Chol Chnam Thmay, Vesak, Dolta, Ok Om Bok, Cầu an, Dâng y… Đây là những ngày lễ quan trọng trong năm, cũng chính là những dịp tổ chức các hình thức sinh hoạt dân gian.
Từ lâu, múa Rom Vong đã gắn bó, đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt trong cộng đồng của người Khmer Sóc Trăng. Nó đã và đang góp phần tô thắm cho vườn hoa nghệ thuật các dân tộc Việt Nam thêm đa dạng, phong phú. Múa Rom Vong ở Sóc Trăng của người Khmer gắn với tín ngưỡng – tôn giáo và phong tục tế lễ tiêu biểu như: tế thần linh, rước thần, cầu an và arăk… Đến nay, múa Rom Vong đã trở thành di sản quý giá của tộc người Khmer. Hầu hết các điệu múa đều có tính vui nhộn được thể hiện qua sự phối hợp nhịp nhàng, sinh động của các động tác tay, chân theo từng điệu nhạc. Các điệu múa có thể múa thành vòng tròn hoặc múa thành hàng, không giới hạn số người tham gia.
Múa Rom Vong – một hình thái rất gần gũi với đời sống sinh hoạt và lao động của nhân dân, có tính chất vui chơi giải trí còn được gọi là múa sinh hoạt cộng đồng. Điệu múa này đơn giản, dễ múa, dễ nhớ, dễ hiểu và có sự tác động đến người xem một cách hấp dẫn trong lễ, tết. Múa Rom Vong gắn liền với văn hóa tộc người, là một bộ môn nghệ thuật quan trọng, gần gũi với đời sống văn hóa của người dân Khmer Sóc Trăng, mang tính cộng đồng, phản ánh hiện thực đời sống, được hình thành từ rất sớm và lâu đời. Múa Rom Vong như một sự giao thoa giữa con người với thiên nhiên, hòa quyện trong đời sống của nhân dân. Từ trẻ con, người lớn đến các cụ già đều biết múa và ai cũng thích múa. Khi vui, khởi đầu một sự việc, công việc nào đó hay cúng tế, tạ ơn thì họ cũng múa.
Ở Sóc Trăng, người Khmer có thể múa Rom Vong tại nhà, sân chùa, ngoài đồng ruộng… chỉ cần có tiếng hát, tiếng vỗ tay cổ động hoặc thau nhôm, thùng nhựa làm trống là một buổi sinh hoạt văn nghệ bắt đầu, tất cả mọi người đều tham gia, tạo nên không khí vui nhộn. Khi nhịp trống và giọng hát say sưa vang lên theo điệu Rom Vong, từng người hoặc từng đôi trai gái lại bước đều 3 bước và lui 1 bước, hai tay nâng lên để trước ngực, các ngón tay thẳng đứng và cong lên như những đóa hoa tươi, cứ một tay đưa lên, tay kia đưa xuống nhịp nhàng theo tiếng nhạc.
Đối với múa Rom Vong, nhất là vào những dịp lễ, tết truyền thống của dân tộc, khi tiếng trống hoặc nhạc ngũ âm vang lên, từng đôi trai gái, già trẻ cùng uyển chuyển hòa mình vào điệu múa tập thể rất mềm mại và duyên dáng. Tham gia điệu múa này, từng đôi trai gái vừa múa vừa đi vòng tròn, vừa quay lại nhìn nhau thật tình tứ. Các động tác của nữ khi múa lượn 2 cánh tay đưa ra trước ngực, còn nam thì lượn cánh tay rộng ra như để che chở cho người bạn múa của mình; kết hợp với chân, chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và ngược lại. Đặc điểm của múa Rom Vong là rất vui nhộn, hóm hỉnh, tinh nghịch. Già trẻ trai gái khi trống phách lên là múa rất hồn nhiên, tâm hồn họ rất thoải mái.
Múa Rom Vong chiếm một vị trí quan trọng trong các cuộc sinh hoạt tập thể, gắn với cuộc sống đời thường. Múa Rom Vong còn là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Điệu múa này gắn liền với các lễ hội cổ truyền của dân tộc như: Chol Chnam Thmây, Sen Dolta, Ok Om Bok hay trong các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của dân tộc. Đó là dịp để người Khmer thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng. Đi kèm với điệu múa là những nhạc cụ đặc trưng của dân tộc như: trống Sadam, chiêng, dàn nhạc ngũ âm… Điệu múa hòa lẫn tiếng nhạc phản ánh tính cách của người Khmer Nam Bộ nói chung và người Khmer Sóc Trăng nói riêng.
Múa Rom Vong (còn gọi là múa Lâm Thôn), là múa vòng tròn, từng đôi trai gái vừa múa, vừa quay lại nhìn nhau, thể hiện sự quấn quýt. Trong các dịp lễ hội, khi tiếng nhạc vang lên, người nam thường chủ động mời các bạn gái lên múa. Các động tác của nữ thường dịu dàng, nhẹ nhàng và kín đáo, trong khi đó, các chàng trai với động tác múa khỏe, hai tay luôn dang rộng hơn để vừa múa, vừa bảo vệ bạn gái của mình. Ở điệu múa này, nếu lòng bàn tay trái ngửa thì lòng bàn tay phải úp và ngược lại theo quy luật âm dương, trong âm có dương, trong dương lại có âm.
Múa Rom Vong thuộc loại múa trong sinh hoạt cộng đồng, đám cưới, mừng nhà mới, Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sen Dolta… Trong múa Rom Vong, những cánh tay uốn éo, mềm dẻo lúc uốn sang trái, lúc lượn sang phải theo điệu nhạc dập dìu nhưng không chạm vào thân thể nhau. Sau mỗi bước nhún, đội hình di chuyển lên phía trước theo vòng tròn. Múa Rom Vong càng đông càng vui, sau khi kết thúc, mọi người thường dừng lại chắp tay chào nhau.
Múa Rom Vong có 3 bước chính, người múa thường bắt đầu bằng cách bước chân phải lên một góc 45°, khi đó phải chuyển từ tư thế tay Chíp sang tư thế tay Thô Thuôl, tay trái trong tư thế tay Rồn. Kế tiếp là bước chân trái lên, khi đó tay trái trong tư thế Rồn chuyển sang Chíp rồi buông ra thành tư thế Thô Thuôl, chân trái rút thấp ra phía sau. Quy luật chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và tư thế Rồn, tay đối diện trong tư thế Thô Thuôl. Đặc điểm múa Rom Vong là múa nhấp chân ở phía sau.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Nam Bộ, ông Sơn Lương cho biết, múa Rom Vong có động tác khá đơn giản, chỉ cần nhìn người múa vài lần là có thể múa theo được. Tuy vậy, phải tuân theo một số quy tắc nhất định như: Người ít tuổi, địa vị thấp hơn sẽ ra múa trước, sau đó mới mời các vị quan khách, người cao tuổi ra múa giao lưu. “Đội hình múa di chuyển càng nhiều vòng càng vui. Cả người Khmer và các vị khách mời người Kinh, Hoa… cùng nhau múa vui vẻ, động tác múa càng nhanh hơn theo nhịp trống. Khi trống ngừng, mọi người cùng dừng lại chắp tay chào nhau rồi trở về vị trí cũ”.
Các động tác múa Rom Vong rất mềm mại, mỗi động tác hình thành nên từng điệu múa với những cái tên cụ thể, mang đặc trưng riêng. Một số động tác cơ bản của múa Rom Vong như:
Động tác Chíp (nụ lá): mang ý nghĩa là cây có những chồi non tươi đẹp và mềm mại, thể hiện khát vọng đi lên, phù hợp với nội dung các bài múa diễn tả hành động vui tươi, hóm hỉnh, yêu đời. Ở động tác này, người múa đưa lòng bàn tay ngửa lên trên, chỉ dùng ngón tay cái và ngón trỏ áp sát vào nhau bằng một lực đủ căng, ba ngón kia ra hướng ngược lại với hai ngón Chíp, khi ấy cổ tay căng mạnh vào.
Động tác Khuôn (nụ hoa): có ý nghĩa là hoa đã kết trái tươi tốt, rất sung sức, thể hiện cho sự mạnh mẽ, dứt khoát. Ở động tác này, lòng bàn tay của người múa hướng về phía trước theo hướng đứng, ngón giữa cong áp sát với ngón cái trở thành một vòng tròn, sử dụng một lực tương đối mạnh để căng 3 ngón kia ra hướng ngược lại.
Động tác Chòn-ol (chỉ): ngón chính ở động tác này là ngón trỏ chỉ thẳng, các ngón còn lại cong theo hình bậc thang, đồng thời căng mạnh cổ tay về phía người như động tác Khuôn Ngón. Chính ở động tác này, ngón trỏ chỉ thẳng, các ngón còn lại cong theo hình bậc thang, đồng thời căng mạnh cổ tay.
Động tác Rồn (che): dùng một lực áp sát các ngón vào nhau như tư thế che nắng, lòng bàn tay che. Đối với nữ thì đặt đầu các ngón ngang mí mắt và ngang chân mày; đối với nam thì cánh tay mở rộng và toàn bộ cánh tay cong theo vòng cung.
Động tác Thồ-thuôl (nhận hay đón lấy): lòng bàn tay ngửa lên, các ngón áp sát vào nhau hướng về phía trước. Cánh tay cong vuông góc và song song với khuôn mặt, có khi cao khoảng chóp đầu, căng cổ tay.
Nghệ thuật múa của các tộc ít người có thể quy nạp thành 8 ý nghĩa: chủ thể, cội nguồn, hội tụ, bản sắc, liên kết, bình đẳng, giao lưu, giải trí. Các tộc ít người đều có nhiều lễ hội đặc sắc, mang dấu ấn văn hóa bản địa và văn hóa đặc trưng tộc người. Đặc biệt, trong các lễ hội này, múa dân gian đóng vai trò quan trọng, hiện diện như một loại hình không thể thiếu vắng.
2. Giá trị văn hóa của nghệ thuật múa Rom Vong
Với người Khmer, nghệ thuật múa có ảnh hưởng rất lớn và có mỗi quan hệ mật thiết với kiến trúc, hội họa và đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng. Múa thường được biểu diễn ở chùa. Giả thiết chùa có trước hay nghệ thuật múa có trước thì rất khó nhưng hiện nay, kiến trúc chùa của người Khmer Nam Bộ có rất nhiều hình tượng người nhảy múa, người nhảy múa cách điệu, chim thần, các cột nhà, xà nhà, kèo nhà đều có hình chim thần. Nói đến chùa Khmer không thể không có hình tượng người nhảy múa. Các tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer gắn chặt với Phật giáo. Ngôi chùa của người Khmer là một giá trị văn hóa vật thể đặc biệt. Đó là nơi tập hợp cư dân trong vùng, là nơi diễn ra hầu hết các lễ hội cộng đồng. Những lễ hội đó đã được đồng bào Khmer gìn giữ và duy trì thực hành từ bao đời nay.
Múa Rom Vong là “chất kết dính” gắn kết cộng đồng người Khmer từ bao đời nay. Nó thể hiện sự đoàn kết, tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng. Múa Rom Vong vốn được hình thành và phát triển trong tiến trình phát triển của dân tộc này. Nghệ thuật múa hội tụ cả tài năng, tri thức sáng tạo, những bản sắc, giá trị văn hóa, xã hội và giá trị thẩm mỹ của cộng đồng. Múa Rom Vong là sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo vừa mang tính thiêng liêng, vừa là nhu cầu tinh thần sau những giờ lao động mệt nhọc.
Múa Rom Vong không chỉ thể hiện sự đoàn kết trong cộng đồng Khmer Sóc Trăng, mà bà con người Kinh, Hoa cùng cộng cư cũng hòa mình vào điệu múa vui nhộn này. Qua đó cho thấy, sự lan tỏa về văn hóa, sự hấp dẫn trong điệu múa. Thông qua việc giao lưu trong điệu múa, những tình cảm tốt đẹp được gây dựng nên qua những cử chỉ, ánh mắt trao nhau và nụ cười. Trai gái yêu nhau cũng thông qua điệu múa. Qua đó, họ có dịp thể hiện tất cả tình cảm của mình qua từng động tác trong nhịp múa.
Múa Rom Vong của đồng bào Khmer Sóc Trăng là sản phẩm tinh thần độc đáo vừa mang tính thiêng, vừa là nhu cầu tinh thần sau những giờ lao động mệt nhọc nơi đồng áng, là những sáng tạo độc đáo, góp thêm vào vườn hoa nghệ thuật đầy màu sắc rực rỡ của dân tộc Việt Nam. Múa Rom Vong được thể hiện trong các lễ hội, lao động và văn hóa tâm linh. Trong các sinh hoạt văn hóa ấy, nghệ thuật múa Rom Vong là một thành tố không thể thiếu, tồn tại như một thực thể khách quan theo nhu cầu của xã hội, của đời sống tinh thần cộng đồng người Khmer.
Tác giả: Bùi Thị Hồng Loan
Nguồn: Tạp chí VHNT số 418, tháng 4-2019
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn