Rồng biển, huyền thoại hay sự thực


 

Đã có nhiều lời kể, hình vẽ, sách báo… của nhân chứng và giới nghiên cứu nói về rồng biển. Đề tài này ngày càng hấp dẫn bởi những tin tức mới, những cuộc săn lùng quy mô lớn, bởi sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học và phương tiện truyền thông hiện đại. Tất cả đều mong sớm làm sáng tỏ sự thực về một loài vật kỳ lạ và bí ẩn…

Tháng 1-1984, anh kỹ sư máy tàu Jim Thomson ở cách Vancouver (Canada) 5 hải lý, đột nhiên thấy một con vật hình rắn dài chừng 8 m, mõm đen nhọn, tai to, trên đầu có những chiếc sừng khá đẹp. Con vật nhìn anh giây lát rồi nhào lộn rất nhanh xuống nước.

Tại Ấn Độ Dương, ngày 2-12-1968, khi bay ở độ cao 30m, hai phi công Liên Xô Ivan Djouss và Fedor Dolienko bỗng thấy một quái vật khổng lồ dài hơn 10m, đường kính thân gần 1 m đang bơi ngoằn ngoèo. Vài phút sau, họ lại thấy quái vật thứ nhì có hình dáng tương tự…

Trên đây chỉ là hai trong hàng trăm trường hợp được coi là bắt gặp rồng biển. Thực ra, từ xa xưa, rồng biển đã là một đề tài phổ biến trong sinh hoạt tinh thần, văn chương, hội họa, tín ngưỡng… của cư dân miền duyên hải. Ngay cả Kinh Thánh cũng nói đến. Người Bắc Âu thậm chí còn miêu tả rồng biển có thân hình lượn sóng, dài tới 30m, đầu giống như đầu ngựa. Tuy nhiên, chỉ mấy thế kỷ gần đây, tính xác thực và hấp dẫn của đề tài này mới trỗi dậy mạnh mẽ do hàng loạt sự kiện về rồng biển được ghi nhận.

Từ thế kỷ XIII đã xuất hiện những người chuyên nghiên cứu về “hiện tượng rồng biển” ,nhưng chỉ từ cuối thế kỷ XIX, việc nghiên cứu mới thực sự mang tính hệ thống và khoa học. Đứng đầu lĩnh vực này phải kể đến nhà bác học Jzlo Oudamans – Ủy viên Hội Động vật học Hà Lan. Trong tác phẩm Con rắn biển khổng lồ dày gần 600 trang, xuất bản năm 1892, Oudamans trình bày chi tiết, đầy sức thuyết phục về sự tồn tại của loài rồng biển. Theo ông, tới thời điểm đó, người ta đã ghi nhận được 162 lần xuất hiện của rồng biển và đã công bố 350 bài viết về loài vật này…

Ngày 13-1-1903, Hội Động vật học Pháp họp nghe báo cáo của nhà khoa học Emilio Racovitza nói về sự có thực của rồng biển. Ông bảo vệ thành công quan điểm của mình trước các đồng nghiệp và Hội Động vật học Pháp đã nhất trí đăng công bố bản báo cáo này trên tập san khoa học của Hội.

Cũng tại Pháp, năm 1968 cuốn sách Theo vết thuồng luồng biển của nhà động vật học nổi tiếng Bernard Evenmal – Chủ tịch Hội Nghiên cứu Động vật ẩn quốc tế – được xuất bản và lập tức gây tiếng vang lớn. Trong sách, tác giả đã dẫn ra 500 trường hợp thấy quái vật biển. Ông chia chúng thành 3 nhóm với 9 loại, trong đó một nhóm được coi là rồng biển gồm 4 loại mẫu (loại đầu bờm, loại có vây, loại giống lươn bụng vàng và loại giống thằn lằn nước).

Cùng với những sự kiện và khám phá, số người tin rồng biển có thật không ngừng tăng lên. Theo họ, đại dương mênh mông ẩn chứa nhiều động vật lạ mà giới khoa học chưa biết đến hoặc chưa có điều kiện tiếp cận kỹ càng và rồng biển là một trong số đó. Các nhân chứng đã bắt gặp, tường thuật, vẽ lại rồng biển ở nhiều vùng trên khắp thế giới và sự miêu tả của những nhân chứng khác nhau về rồng biển ở mỗi vùng lại rất giống nhau – đó là bằng cớ đáng tin cậy.

Ngược lại, cũng không ít người coi rồng biển chỉ là con vật huyền thoại. Theo họ, dù đã có nhiều lời kể, hình vẽ về rồng biển nhưng đến nay vẫn chưa ai bắt, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình được nó. Chưa trường hợp nào phát hiện xác rồng biển trôi dạt vào bờ mà được khám nghiệm khoa học trước sự chứng kiến rộng rãi, khách quan của phương tiện thông tin đại chúng. Những cuộc săn lùng quy mô lớn với thiết bị hiện đại yểm trợ tại những vùng nghi có rồng biển cũng đều chưa phát hiện được dấu tích gì về quái vật này. Bởi thế, việc bắt gặp rồng biển thì chỉ hoặc là do bịa đặt, hoặc do ảo giác, hoặc do nhầm lẫn với những động vật biển bình thường (cá mập, cá nhà táng, hải sư, bạch tuộc…) trong điều kiện đặc biệt mà thôi.

Các nhà khoa học và thủy sinh vật nêu quan điểm thận trọng hơn. Họ cho rằng nếu rồng biển tồn tại thực sự thì chúng có lẽ là một trong số những loài vật còn sót lại từ thời tiền sử – chẳng hạn một loài ngư long nào đó, thường sống nơi biển sâu và rất ít khi nổi lên mặt nước. Giả thuyết này dễ được chấp nhận, vì trong thực tế cũng còn không ít loài “hóa thạch sống” – như trường hợp con Ceratodus nửa cá nửa thằn lằn vẫn đang sống sót ở Úc sau khi dòng giống chúng đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm, hay như loài Apterix ở New Zealand được coi là hậu duệ tí hon và biến dạng của con Moa khổng lồ vốn đã bị tuyệt diệt từ lâu. Một giả thuyết khác lại cho rằng rồng biển có thể chỉ là loài rắn biển cực lớn, vì giới khoa học đã tìm thấy hàng trăm loài rắn sống trong các đại dương thuộc họ Hydrophiidae gồm 2 giống chính Laiticanda và Aepysurus, trong đó có loài lớn và dài tới 8 – 9m.

Như vậy, đến nay vẫn chưa thể khẳng định chính xác rồng biển là sự thật hay huyền thoại.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 295, tháng 1-2009

Tác giả : Thiên Hà

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *